Chim én trắng

09:02, 25/02/2016

"… Thời mà chút hạnh phúc cỏn con đối với những người nghèo chẳng khác chi con chim én trắng, lông cánh chim trắng tựa tuyết trắng, đẹp tuyệt vời nhưng chúng chỉ tồn tại trong ước mơ… Đọc những mảnh chuyện buồn của một thời chưa xa tự dưng ta nghĩ: cuộc sống của ta hôm nay còn nhiều điều chưa ưng ý, người ta ai cũng phải đối mặt bao bức xúc ngày thường, tuy nhiên đối với không ít người lao động nước ta, chim én trắng đã hiện hữu trên đời...

“… Thời mà chút hạnh phúc cỏn con đối với những người nghèo chẳng khác chi con chim én trắng, lông cánh chim trắng tựa tuyết trắng, đẹp tuyệt vời nhưng chúng chỉ tồn tại trong ước mơ… Đọc những mảnh chuyện buồn của một thời chưa xa tự dưng ta nghĩ: cuộc sống của ta hôm nay còn nhiều điều chưa ưng ý, người ta ai cũng phải đối mặt bao bức xúc ngày thường, tuy nhiên đối với không ít người lao động nước ta, chim én trắng đã hiện hữu trên đời. Những ai chưa đủ may mắn tận mắt nhìn chim én trắng, đã có xã hội chung tay tìm kiếm,và sớm muộn chim én trắng rồi sẽ về đây cùng với họ…” - Lời nói đầu của NXB Lao Động cho tuyển tập “TÌM ĐÂU RA CHIM ÉN TRẮNG” (Tuyển tập Truyện ngắn nước ngoài do Phan Quang dịch, xuất bản 2015). 
 
Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn

Xua đàn chó đi nơi khác, Mocani hiểu rằng bác nông dân lạ mặt đang bước đến gặp ông kia không phải là vô nguyên cớ mà do một nỗi phiền muộn nào đó trong lòng thôi thúc. Anh nổi cáu với đàn chó cứ sủa dai, rồi lại ngắm bác nông dân; cái áo cánh đỏ kia thì đúng là người vùng Deli Oman rồi. Đấy là một người to lớn và khỏe mạnh nhưng nghèo, sinh ra đã nghèo, điều này đập ngay vào mắt: áo bác ta vá víu một cách vụng về, chiếc thắt lưng cũng vậy. Chân đi đất. Thoạt trông thì như một anh chàng lực lưỡng, nhưng Mocanin hiểu ngay bác thuộc vào cái hạng người quá ư hiền lành mà người ta thường bảo là có thể nhường nhịn đến cả một con kiến.
 
Bác nông dân chào, nói lúng búng mấy tiếng đại loại như: “Cả nhà ta bình yên chứ?”, nhưng rõ ràng đầu óc bác đang để mãi đâu đâu, rõ ràng lòng bác đang trĩu nặng ưu tư.
 
Bác nhìn về phía trước và đưa tay ra hiệu, hỏi thăm từ đây đến làng Mangilari có còn xa lắm không. Mocanin trả lời xong thì nhận thấy trên đường cái có một cỗ xe đóng một ngựa. Có lẽ là xe của bác này, đỗ lại đấy chờ bác tạt vào hỏi thăm đường. Trên xe, có một người đàn bà ngồi cúi gập đôi người, tay thu trong áo, chiếc khăn trùm xổ ra, góc khăn rũ xuống vai. Đúng là trời oi bức, nhưng Mocanin biết rằng phụ nữ mở khăn trùm đầu thường vì nóng thì ít mà vì phiền muộn thì nhiều. Phía sau có một phụ nữ khác, dáng người thanh mảnh hơn, có vẻ như một cô gái, đang nằm trùm chăn, đầu gối lên chiếc gối quê kệch sẫm màu. Cô ta nhìn sang phía bên kia nên ông không trông rõ mặt.
 
- Gia đình bác có ai mệt? - Mocanin hỏi.
 
- Phải, con cháu nhà tôi nó bị bệnh.
 
Bác nông dân đưa mắt thẫn thờ nhìn đàn cừu đang ngủ trưa trong khoảng rừng thưa, nhưng bác ta hình như chẳng trông thấy gì - đôi mắt bác chỉ lộ vẻ âu sầu.
 
- Hay là tôi kể cho bác nghe nỗi buồn của chúng tôi nhỉ - bác ta nói - nhưng thôi, có lẽ ta đừng nói đến lại hay hơn. 
 
- Trông bác không phải vùng này, vậy bác người ở đâu ta?
 
- Tôi ở Kitsuc Armet, nay gọi là Nadeda gần thị trấn Rock ấy mà. Tôi đã từng có dịp đến vùng ta. Tôi vốn đi từ làng này qua làng khác bán một thứ đất dùng để tẩy dạ. Thứ đất ấy lấy ở vùng quê tôi tốt lắm, vẫn được các bà gần xa ưa chuộng. Khi nào quá chân ra đến vùng biển thì tôi mua cá, mua nho mang về bán lại, gặp gì buôn nấy. Giá mà không lâm phải cơn hoạn nạn này…
 
Bác ngồi xuống đất, rút túi thuốc lá bằng da ra cuốn một điếu. Mocanin ngồi xuống cạnh và trông thấy những ngón tay xù xì của bác hơi run run.
 
- Chúng tôi không may về đường con cái - bác ta bắt đầu nói. Ba đứa đầu đã phải bỏ đi khi chúng nó còn bé tí. Chỉ còn có một con cháu gái kia - bác ta đưa mắt ra chiếc xe ngựa. Vợ chồng tôi nâng nó như nâng trứng, hứng nó như hứng hoa. Tôi nhịn cả miếng ăn để may mặc cho nó bằng con nhà người, để cho nó đỡ tủi thân khi nhìn chị em cùng trang lứa. Chúa đã cho cháu sống tới ngày nay. Nhưng ít lâu nay, nó gầy mòn hẳn đi. Chẳng ốm đau gì, thế mà càng ngày cháu càng tiều tụy. Tôi nghe nó bảo u nó rằng nó buồn vì trông thấy chị em đi lấy chồng cả mà nó thì vẫn còn ở vậy. Tôi bảo nó: “Chớ có lo, con ạ, rồi đến lượt con thôi. Con nhìn lên kẻ khác làm gì. Họ giàu. Lũ con trai bây giờ chỉ thích đi tìm lấy cho được vợ giàu. Nhưng mà rồi con cũng sẽ có chồng, mày đừng lo, mày còn trẻ, mày đã lỡ thì đâu, con!”.
 
- Cô ấy năm nay bao nhiêu tuổi?
 
- Cháu cũng gần đôi mươi. Đến ngày lễ Đức Bà năm nay thì nó tròn hai mươi đấy.
 
- Cô ấy còn trẻ lắm.
 
- Vâng, tôi cũng nghĩ rằng cháu hãy còn ít tuổi.
 
Bác nông dân im và đưa mắt thẫn thờ nhìn phía đàn cừu. Gần ngay đây, một tiếng ve sầu lanh lảnh cất lên trong không gian oi ả.
 
- Mùa hè này, cháu nó xin tôi cho nó đi gặt cùng với chị em. Chúng tôi nghèo, cũng cần kiếm thêm ít tiền, nhưng thấy nó gầy yếu, tôi không muốn cho nó đi làm. “Bố ạ, con van bố, bố cho con đi gặt với chị em”. Ừ, nó đã muốn đi thì cho nó đi vậy. Từ đó, tôi cũng chẳng có đấy để biết sự việc xảy ra thế nào. Chúng nó ngủ luôn ở ngoài đồng, về nhà nó kể sao thì tôi biết vậy thôi. Một hôm, chúng nó gặt suốt ngày; tối đến ăn xong, chúng nó hát, chúng nó nô rồi chúng nó đi ngủ. Con Nonca nhà tôi - Nonca là tên cháu - cũng đi ngủ như chị em. Nó kể lại: “Bố ạ, con nằm xuống giữa những bó lúa, nấp sau một đống rơm, con trùm chăn lại và ngủ. Đột nhiên, con cảm thấy một vật gì nặng, lạnh, đè lên ngực. Con mở mắt ra, trời ơi, một con rắn!”.
 
- Thôi đi, bác!
 
- Đúng thế, nó bảo một con rắn. Một con rắn cuộn tròn và nằm ngay ngực cháu. Con gái tôi nó hét lên một tiếng, và mặc dù khiếp đảm, nó vẫn tóm được đuôi con rắn ném ra xa.
 
- Cô ấy ném được con rắn đi ư? Kể ra, những chuyện như thế về mùa gặt thỉnh thoảng cũng xảy ra. Tôi còn nghe người ta nói có một lần một con rắn nhỏ chui cả vào miệng một người đàn bà nữa kia. Nhưng nó có cắn cô ấy không? Cô không bị rắn cắn chứ, hở bác?
 
- Không, rắn không cắn. Nó chỉ nằm trên ngực cháu. Nó tóm được cái đuôi và quẳng con rắn đi. Cháu kể với tôi như thế. Cháu nằm mơ, hay là có thật như vậy? Tôi cũng không rõ nữa. Nhưng từ hôm ấy, thế là sinh chuyện chẳng lành. Con gái tôi cứ khô dần như một cành cây gãy. Ngực nó đau. Nó nói: con đau ở chỗ con rắn nằm ấy.
 
Mocanin ngạc nhiên:
 
- Chuyện lạ nhỉ. Thế giờ bác đưa cô ấy đi đâu, đến bác sĩ à?
 
- Ối dào, các ông bác sĩ ấy, chúng tôi thừa biết họ đến chán ra rồi. Giờ tôi cho cháu đi… Nói thế nào cho bác hiểu nhỉ. Nếu là chỉ tùy ý tôi thì tôi chẳng có tin đâu, nhưng bác lạ gì bụng dạ đàn bà… Cả bà xã tôi nữa cũng đòi đi. Với lại, cháu nó đang ốm, và nó là đứa con gái duy nhất của tôi…
 
Giọng bác run lên, bác ngừng lời. Đôi mắt lại thẫn thờ, thỉnh thoảng bác bứt râu mép, bứt râu cằm đều cứng tua tủa, một số sợi đã bắt đầu điểm bạc. Mocanin hiểu những sợi râu bạc kia là do phiền não mà ra. Bác nông dân nói tiếp:
 
- Hôm nọ, có mấy người làng tôi đi làm ở các công trường về. Họ nói ba hoa thiên địa, mình cũng chẳng biết. Họ chẳng có điều gì phiền muộn trong lòng, có thể là họ chỉ nói đùa cho vui chuyện. Chẳng biết thế nào mà bà Stonienitza, một người đàn bà lắm mồm, chuyện gì đâu đâu cũng rõ, chạy đến nhà tôi. Vừa tới cổng, bà đã kêu toáng lên: Bác Gunxô ơi, phúc cho nhà bác nhé, phúc cho cả cháu Nonca của bác nữa. Chúc gia đình bác được như ý - Việc gì thế hở bà? Tôi hỏi - Hai anh em Nicola và Pơnu Sidiroevi vừa từ công trường về. Họ bảo rằng là ở làng Mangilari vừa xuất hiện… vừa xuất hiện một con bạch yến. Lông chim én mà trắng như tuyết ấy - Thế thì sao? - Vậy chứ bác không biết rằng xưa nay người nào đau ốm mà được nhìn thấy chim bạch yến thì khỏi bệnh ngay sao? Cho dù là mắc bệnh gì đi nữa cũng khỏi luôn thôi. Chim bạch yến ấy à, một trăm năm mới xuất hiện một lần. Bác Gunxô, bác rõ đấy chứ, bác không nên chần chừ nữa. Bác hãy đưa cháu Nonca về dưới làng ấy đi”. Tôi còn biết làm gì được nữa, con bé tôi nghe nói thế là nó cứ khóc ròng, mẹ nó cũng khóc đòi đi; thế là chúng tôi rời nhà ra đi…
 
- Thật vậy ư? - Mocanin thốt lên: - Nhưng con chim bạch yến ấy, nó ở đâu ra cơ chứ?
 
- Thì tôi vừa nói với bác, người ta nhìn thấy nó xuất hiện ở làng Mangilari mà.
 
- Bác bảo lông nó trắng như tuyết ư?
 
- Hoàn toàn trắng, người ta bảo vậy.
 
Mocanin ngạc nhiên nhìn ra đường cái. Ngày nào anh cũng dừng đàn cừu ở khoảng rừng thưa này, nhưng hình như chẳng bao giờ anh để ý đến cơ man là chim én vẫn đậu trên các sợi dây thép. Vả chăng cũng chẳng có gì khác thường. Sắp đến lễ Tạ Ơn rồi, vào dạo này én và cò thường tụ tập hàng đàn rời các vùng lạnh giá bay về những xứ ấm áp hơn. Chim én đỗ sát bên nhau nhiều đến nỗi sợi dây bằng thép mà chùng hẳn xuống, trông như tràng hạt vậy. Rất nhiều chim én, nhưng toàn là chim én lông đen.
 
- Vì vậy cho nên tôi mới đến đây - Bác nông dân nói, giọng bây giờ mạnh dạn và hình như đỡ băn khoăn hơn: - Khi trông thấy bác, tôi nghĩ bụng: ta đến hỏi người này đi, có lẽ bác ta nhìn thấy chim én trắng, có lẽ bác ta nghe nói đến chuyện ấy rồi cũng nên…
 
- Không, ông anh ạ. Chim bạch yến? Tôi chưa từng được thấy và cũng chưa từng nghe nói đến nó bao giờ.
Mocanin chợt nhận ra mình nói như vậy sẽ làm nản lòng tất cả những người kia, anh vội tiếp luôn:
 
- Nhưng có thể là có. Vâng, có thể lắm chứ. Có trâu trắng, có chuột trắng, có quạ trắng, thế thì tại sao lại không thể có chim én trắng? Vả lại người ta đã nói đến bạch yến, thì thế tất là có chim én trắng…
 
Bác nông dân thở dài:
 
- Biết đâu được. Tôi thì tôi chả tin, nhưng bác lạ gì, chuyện các bà ấy mà…
 
Bác đứng dậy. Cảm động, Mocanin cũng đứng dậy đi theo tiễn bác và để nhìn xem cô con gái luôn thể. Khi hai người đến gần đường cái, bà mẹ vàng bủng, tàn tạ vì cuộc sống vất vả, chăm chú dò xét nét mặt chồng từ xa, cố đoán trước những tin tức chồng mang về có tốt đẹp hay không. Người con gái thì vẫn nằm quay mặt về bên kia, chăm chú nhìn đàn én đỗ trên các đường dây điện thoại.
 
- Bác đây bảo làng ấy không con xa lắm nữa đâu.
 
Nghe tiếng bố, người con gái quay mặt lại. Người cô mảnh khảnh, thân thể gầy mòn vì bệnh tật, lép kẹp dưới tấm chăn đắp. Trên khuôn mặt bềnh bệch, chỉ có đôi mắt là ánh lên chút sáng tươi của tuổi trẻ. Cô nhìn bố, lúc nhìn Mocanin. Bác nông dân chỉ Mocanin làm chứng:
 
- Nonca à, bác đây đã trông thấy chim bạch yến rồi đấy. Nó ở đằng thôn kia. Miễn là cả nhà ta cũng được nhìn thấy nó!
 
- Rồi chúng cháu có được nhìn thấy chim én trắng không, thưa bác? - Người con gái hỏi, đôi mắt sáng hẳn lên.
 
Mocanin cảm thấy như mình tức thở, cổ họng nghẹn ngào, mắt mờ đi.
 
- Rồi cháu sẽ nhìn thấy chim én trắng, cháu gái ạ - Mocanin cao giọng nói: - Nếu bác đã nhìn thấy thì sao cháu lại sẽ không nhìn thấy được? Chính mắt bác đây đã trông thấy một con chim bạch yến, bộ lông nó hoàn toàn trắng, trắng như tuyết. Rồi cháu cũng sẽ được nhìn thấy. Chúa sẽ ban phúc lành ấy cho cháu, cháu sẽ được nhìn thấy chim bạch yến và cháu sẽ khỏi bệnh luôn thôi… Cháu còn trẻ thế! Cháu à, bác bảo rằng rồi cháu sẽ nhìn thấy chim én trắng và cháu sẽ khỏi bệnh, cháu chớ quá lo âu…
 
Bà mẹ đưa tay che mắt, bật khóc nức nở. Bác nông dân cao lớn đằng hắng, nắm đầu dây cương và thúc ngựa lên đường.
 
Mocanin nói càng cao giọng hơn:
 
- Thôi, chào nhé, chúc các bác gặp may. Làng Mangilari ấy chẳng còn xa mấy nữa đâu, các bác cứ việc theo các cột dây thép mà đi là tới. 
 
Anh vẫn còn đứng lại hồi lâu bên đường, ngóng nhìn theo chiếc xe, hết nhìn người mẹ đội khăn trùm đen đến cô con gái nằm dài bên cạnh, đến người nông dân cao lớn giang tay kéo cương ngựa và con vật gù lưng lên kéo chiếc xe, rồi lại quay nhìn đàn én lông đen đậu ở các sợi dây thép phía trên đầu họ. Chúng bay vụt lên trời khi chiếc xe ngựa đi ngang qua bên dưới, xe đi qua khỏi chúng lại quay về đỗ lên dây thép.
 
Mocanin trầm ngâm trở về với đàn cừu của mình và tiếp tục công việc bỏ dở - anh đang xén tấm da ngựa tươi khâu một đôi giày đi làm đồng. Anh lẩm bẩm: “Chim bạch yến, chim bạch yến… Nhưng mà có thật có chúng trên đời này không?”.
 
Anh cảm thấy ngực mình nằng nặng, một cái gì khuấy động trong lòng anh. Buông rơi chiếc đục cầm trên tay, anh ngước nhìn trời và kêu lên:
 
- Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng, trên trái đất này sao mà lắm đau thương khổ ải đến thế! Biết tìm đâu ra chim én trắng trong cõi trần này!
 
- Anh cúi xuống đưa mắt dõi theo chiếc xe ngựa đi tìm chim én trắng đang xa dần.
 
(YORDAN YORKOV - Nhà văn Bungari, 1880-1937)
 
PHAN QUANG dịch