Đẹp hơn hoa hồng

09:04, 28/04/2016

Con Mai vừa đi chợ chiều về. Một ông ba gác chở rau củ trong lúc chen lấn đã thúc xe vào chân nó. Đau như thể bong gân. Nó ném uỵch mấy mớ rau con cá lên kệ bếp rồi lấy rượu gừng bóp chân. Tiện thể, nó quay qua bóp cho ba, mẹ ngồi gần đó.

Con Mai vừa đi chợ chiều về. Một ông ba gác chở rau củ trong lúc chen lấn đã thúc xe vào chân nó. Đau như thể bong gân. Nó ném uỵch mấy mớ rau con cá lên kệ bếp rồi lấy rượu gừng bóp chân. Tiện thể, nó quay qua bóp cho ba, mẹ ngồi gần đó. Già cả, gặp ngày trái gió trở trời, có chút rượu gừng giữ ấm cơ thể khỏi lo cảm lạnh. Dăm phút sau khi nó về, cô Nghĩa tất tả đẩy cửa bước vào, liếc mắt nhìn qua Mai. Con bé cất tiếng “chào cô”, giọng nhấm nhẳng uể oải, có vẻ không thân thiện. Cô gật đầu nhẹ rồi kéo ghế ngồi xuống giữa hai chiếc giường gỗ đặt song song nhau. Ba mẹ nó vẫn ngồi dựa lưng giường hai bên. Như một thói quen, cô bắt đầu bằng tiếng thở dài quen thuộc.
 
Đành rằng quen thuộc, nhưng con Mai vẫn thấy tiếng thở dài ấy vô duyên. Vô duyên bởi nó chất chứa nhiều phiền muộn lo toan, mà chẳng biết hướng tới điều gì cụ thể. Con Mai ngày cũng như đêm tất bật, chẳng có thói quen nghĩ kĩ, nghĩ sâu hay phiền muộn điều gì. Bao năm, ngoài kia dòng đời vẫn chảy vội với bao thứ chuyện, còn trong này quanh năm vẫn vậy. Hai người nằm trên hai chiếc giường song song, nhiều năm nay vẫn ngó qua nhau. Im lặng. Ông lão nhẫn nại nằm nghe tiếng xe qua lại trước nhà, tiếng đẩy cửa mà không nhìn ra ông cũng biết là ai về, ai đến. Bà cụ không có hoặc có rất ít khái niệm trong đầu. Đã lâu thật lâu rồi bà chẳng biết mở lời nói điều gì. Từ những thứ thân thuộc với đàn bà như gương, cái lược bà cũng chẳng nhớ nổi nó là cái gì thì còn nhớ nổi thứ gì khác. Trong vòng im lặng quẩn quanh ấy, mỗi tuần có 15 phút xao động một chút, là như lúc này, cô Nghĩa ngồi giữa hai chiếc giường ấy thở dài rồi trò chuyện.
 
Minh họạ: H.T
Minh họạ: H.T

Ông lão thi thoảng dặm thêm vào vài câu như nêm một chút gia vị vào: “Bà ơi, nhắc chi mấy chuyện cũ nữa?”. Hoặc: “Ừa há, mới đó mà bốn, năm chục năm rồi. Nhoằng một cái nhanh như chớp mắt”. Cô Nghĩa không chú tâm vào những câu nói ấy, cô vẫn nắm lấy bàn tay gầy xương của bà lão nắn nắn, vuốt vuốt. Bàn tay khô rộc ấy một thời từng bón cho cô những thìa cháo trắng, đánh cảm và chăm sóc cô những ngày đau ốm, những lúc tưởng không còn sống nổi ở “chuồng cọp”. Ông lão liếc nhìn, lần đầu ông thấy bàn tay bà lão cũng là buổi đầu gặp mặt, bà đưa tay đón những bông hoa hồng ông tự làm để trao tặng. Bông hoa được kết từ những sợi bao ni lông xé nhỏ. Trong tù chẳng có quà tinh thần nào đáng giá hơn thế. Những bông hoa ngày ấy giờ vẫn được bày trang trọng ở vị trí trung tâm căn phòng. Có lần con Mai chưng một bình hoa hồng lên đó, dẹp bình hoa ni lông vào góc tủ, bà lão rối rít đi tìm, ông lão cáu ầm lên một cách khó hiểu. Từ đó con Mai chẳng thèm chú ý gì tới hoa với  lá. Dù đôi khi, bình hoa cũ xì vẫn khiến nó ngứa mắt.
 
Ngoài ra, trong căn nhà chỉ chừng 50 mét vuông này còn có thêm dăm ba câu nói của con Mai, anh chồng và thằng Toét. Những âm thanh ấy không đáng kể. Anh chồng chạy xe ôm, chắc trò chuyện nhiều với khách nên về nhà chẳng còn hứng nói năng gì. Thằng con - cu Toét là thằng nhỏ bị bác sĩ tâm lí chẩn đoán mắc chứng chậm nói, tăng động giảm chú ý nên cả ngày hầu như không nói. Thi thoảng nó lảm nhảm hát vài bài hát học được đâu đó, khi là từ trường mẫu giáo, khi là từ quán Karaoke gần nhà hoặc có thể sang hơn, từ sân khấu bên kia đường, cứ đến ngày “cúng cụ” lại mở ầm ĩ khắp mấy con phố. Dạo này thằng nhóc chịu khó nói nhiều hơn vì muốn tập nói cho bà nó. Còn con Mai, bao nhiêu công việc cơm nước chợ búa lo toan trong nhà đã lấy hầu hết sức lực của nó, khiến nó u ám mặt mày, còn đâu tâm trạng nói gì ngoài chuyện bó rau con cá.
 
***
 
Mai chẳng rõ bà lão nuôi nó từ lúc nào, lâu quá nó đã quên mất. Hồ sơ xin con nuôi thì nó đã xé nát vì cơn giận ngút đầu khi phát hiện ra rằng nó không phải là con của hai ông bà già. Hồi bé con Mai được cả xóm gọi siêu quậy. Vài người chậc lưỡi tiếc rẻ vì ba mẹ nó là những người ưu tú như thế mà có đứa con không giống ai. Có người ác miệng còn rủa, con Mai không ra cái giống gì.
 
Ông bà già của nó trong mắt mọi người là những người đảng viên mẫn cán, ưu tú. Yêu nhau từ thời sinh viên đại học, cùng được giữ lại giảng dạy ở trường nhưng cùng từ chối để đi hoạt động cách mạng. Rồi cùng bị bắt vào tù ra khám...
 
- Khờ thiệt, đang yên đang lành lại chui đầu vô tù! - con Mai bình luận khi có lần nghe mẹ nó kể lại. Mới chỉ nhận xét “khờ” thôi mà bà già đã quắc mắt nhìn nó, ông già thì gầm lên: “Láo! Vô ơn!”.
 
Thực tình chuyện ông bà già kéo nhau vào tù ra khám không khiến nó ức chế bằng chuyện hai người từ chối căn nhà cả hơn trăm mét vuông nhà nước cấp cho trên Sài Gòn, về quê sinh sống. Khi nghe chuyện này, con Mai tiếc ngơ ngẩn. Ông bà mà biết nghĩ như nó là giờ “ngon” quá rồi. Nhà ở Sài Gòn mà chê. Chẳng thể nào hiểu nổi. Cuối cùng nó ấm ức nhận xét:
 
- Ông bà không biết nghĩ cho cái thân mình thì thôi, còn không biết nghĩ cho đời con đời cháu mình...
 
Đáp trả nó lần này là ánh mắt hình gì nó chẳng kịp rõ. Ngay lập tức là cái ca ông già đang cầm uống nước trên tay bay ngay vô mặt nó làm mắt mũi tối sầm. Nước trà nóng bắn tung tóe rát mặt. Ông đứng dậy đóng rầm cửa, để mặc nó khóc thút thít. Bà già cũng bất ngờ trước sự ra đòn của ông. Từ hồi huyết áp ông cao lên tới trăm bảy, trăm tám, ông thường hành động thiếu kiểm soát. Bà thấy con Mai đáng thương, lựa lời an ủi nó. Nhưng những lời đó chẳng bao giờ lọt tai nó nổi khi cứ toàn những câu chuyện đấu tranh cũ mốc cũ meo.
 
Có lần ông bà già kéo nhau lên Sài Gòn họp hội cựu tù Côn Đảo, con Mai ở nhà buồn tình ngồi lục lọi. Nó lục ra hồ sơ ghi rõ nó tên Trần Thị Hạnh chứ không phải Nguyễn Thị Ánh Mai như bây giờ. Nó ở trong cô nhi viện, được ông bà xin về nhận làm con nuôi. Thảo nào hồi bé như mọi cô bé nó thắc mắc nó từ đâu tới thì mẹ nó kể từ một bà tiên đem tới. Hừ, hồi đó nói quách là xin từ mấy bà sơ đi thì nó đâu có thất vọng như bây giờ. Nó xé nát bộ hồ sơ rồi ăn cắp mấy món đồ của ông bà đem cầm đồ, có chút vốn liếng ra đi. Nó chẳng áy náy chút nào, thậm chí cho rằng như vậy là đáng. Bởi ông bà già giấu nó, lừa gạt nó. Bởi ông bà già không phải là cha mẹ ruột của nó nên không thương nó. Bởi một bên má nó vẫn còn ran rát nước trà nóng vừa hắt hôm kia.
 
Nó đi theo thằng bồ làm nghề hớt tóc vỉa hè bên kia đường. Năm đó nó 17 tuổi. Hai đứa bàn mưu tính kế qua tỉnh bên cạnh làm ăn. Số tiền có được từ cầm đồ dư dả để tụi nó mở cái quán cà phê nhỏ nhỏ. Quán dựng xong, mở cửa cả tuần chỉ lác đác một hai khách. Miệng ăn núi lở, huống chi vài chục triệu đồng có hạn. Hai đứa bắt đầu lo khi thấy tiền bay vèo vèo từ tay này qua tay kia rồi mất hút. Túi tiền ngày càng bóp lại mà bụng con Mai ngày càng to ra. Túi tiền gần cạn thì công an tìm đến lôi hai đứa về. Con Mai bụng bảo dạ cú này chắc chết. Tính khí ông già như vậy, chắc ổng sẽ kêu công an nhốt mình vô tù cho bõ ghét. Nó bất ngờ khi thấy mấy chú công an vừa bước vào nhà lại thay đổi ngay thái độ, niềm nở nói cười với ông bà già rồi cáo từ ra về. Nó còn loáng thoáng nghe ông già nói với công an là chính ông cho nó mang đồ đi cầm để có chút vốn làm ăn. Giờ làm ăn khó khăn quá, lại bụng chửa vượt mặt nên kêu nó về lại, chắc lại phải nhờ mấy chú tìm người sang lại quán, gỡ được đồng nào hay đồng đó.
 
Con Mai ngạc nhiên đến độ cứ trơ mắt ếch ra nhìn. Nhìn tận khi chiếc xe cảnh sát mất hút trong dòng xe cộ xuôi ngược nó mới tin là có thật. Ông già không tìm cách tống nó vô trại vô tù như nó nghĩ. 
 
Đó là chuyện từ 5, 7 năm trước. Còn bây giờ ông già đã vào viện, nhiều tháng nay phải cắm ống đưa thức ăn thẳng vào dạ dày và kè kè một bịch nước tiểu vàng khè bên mình. Nước tiểu nào chẳng khai, nhưng con Mai quen cái mùi đó đến đỗi, có ai hỏi nó có khó chịu không, có khai không, nó nói không chắc nịch. Người thương nó, nói con nhỏ chịu khó, làm mẹ rồi biết thương ba mẹ. Người ghét, nói con nhỏ chịu nhục chút mai mốt kiếm của nả, nhà cửa của ông bà, hơn nữa hai sổ hưu cộng các khoản tiền tù, tiền trợ cấp của hai lão thành cách mạng cũng gần 20 triệu, chăm vậy cũng đáng đồng tiền bát gạo. Tiếng lành, tiếng dữ gì cũng trôi lại tai nó. Con Mai tức nghẹn họng nhưng chẳng dư thời gian đâu mà phân bua.
 
Đúng là có thời gian nó có sự tính toán, không tốt với ba mẹ nó. Vì sự bực mình không chung quan điểm mà ông bà già vẫn hay nhắc chuyện thời chiến, con Mai vẫn bỏ tai này qua tai kia. Nó dần rút kinh nghiệm cho mình, khi không chia sẻ được với nhau điều gì, tốt hơn hết là lờ đi, đỡ va chạm và bực mình không đâu. Ngày đó, nó quay về sống với ông bà vì biết ông bà đủ oách để nhờ công an tìm ra nó bất cứ ở đâu. Ngoài ra còn vì lí do cao hơn, ra ngoài thật khó sống. Kiếm tiền của thiên hạ chưa bao giờ dễ hơn xin tiền ba mẹ. Để xin được tiền ba mẹ, thực tình nó cũng chẳng sung sướng gì. Những câu chuyện của ông lão, của cô Nghĩa như thể những bài giảng đạo bám riết nó, nghe rất rát tai khó chịu. Đã có lúc nó thấy phiền tới mức mong ông lão cũng nín luôn như bà lão. Cứ nằm im một nơi cho nó chăm bẵm, tắm rửa như một đứa trẻ thì tốt biết mấy.
 
Nhưng thái độ ân cần của ông lão khi đón nó trở về với bụng chửa ngập mặt đã khiến nó thay đổi. Khi nó sinh thằng Toét, bà lão đã yếu không chia sẻ nhiều được. Ông lão không ngại giặt từng cái tã cái quần bé xíu. Nhìn ông treo những món đồ đó lên với ánh mắt lấp lánh niềm vui, nó thực lòng thấy mình mắc nợ.
 
Hôm nay, con Mai và cô Nghĩa đưa bà lên Sài Gòn tái khám, ông bác sĩ quơ cây bút trước mắt hỏi: “Cụ ơi, cái gì đây?”. Bà ấm ớ mãi vì chẳng nhớ ra cái gì. Bác sĩ chụp phim thấy rõ có cái rãnh trên vỏ não bà bão, chính vết thương ấy bây giờ mới phát lại, khiến bà lão lẫn nhanh đến thế. Khi ông bác sĩ hỏi bà có chấn thương mạnh bao giờ chưa? Con Mai bó tay bó cả chân không biết gì. May còn cô Nghĩa biết rành để kể lần ở tù Côn Đảo, mẹ nó bị cai ngục dùng gậy to bằng cổ tay, giáng thẳng vào đầu. Cú giáng đó khiến bà sốt mê man mấy ngày, không ăn không uống được, tưởng không qua khỏi. Ngày thứ 5, gần sáng, cả phòng còn ngủ li bì thì nghe giọng hát khe khẽ cất lên phía góc phòng: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”…
 
Mẹ nó nổi tiếng hát hay trong các cựu tù. Nhờ tiếng hát ấy mà ba mẹ nó tìm ra nhau. Mấy lần cầm đầu các bạn tù nổi dậy trong nhà ngục, ông lão lúc đó còn là chàng trai chưa tới 30, bị tra tấn dã man tưởng chết được. Giữa những cơn mê sảng, những trận sốt ác tính, lại cả những đêm rát họng, khó thở vì hen suyễn, ba nó nghe mẹ nó cất những câu hát về lý tưởng, khát vọng của tuổi trẻ, lại thì thào: “Đồng chí ơi, hát nữa đi, hát nữa đi”. Chẳng biết có mối giao cảm nào đó mà tiếng hát lại cất lên, tiếng hát làm vết thương nhanh hết sưng nhức, làm mau lành da. Tiếng hát làm trái tim tù nhân reo lên giữa những cơn đau và bất ngờ vượt qua nó.
 
Trong ngày trao trả tù binh, ba nó đi tìm mẹ nó. Buồn cười, chẳng biết tên gì, phòng giam nào, cứ đi lòng vòng hỏi cô gái hát hay bên khu B. Đồng đội trêu nhau, dẫn ra dì Bảy, gần 60 tuổi bảo đấy, dì Bảy hay hát bài “Tự nguyện” đấy. Nhìn vẻ mặt tẽn tò của anh chàng, đám con gái cười ngặt nghẽo. Không đành lòng đùa dai, họ chỉ cho hai người gặp nhau. Hóa ra hai người lại là đồng hương. Đồng chí, đồng hương, đồng lòng từ chối căn nhà bạc tỉ (nếu bán với giá bây giờ) để về quê sống dưới những rặng dừa. Thiệt bực hết sức. Con Mai quên hết ráo những chi tiết lãng mạn mà nó hay gọi là “sến súa”, chỉ nhớ  mãi chi tiết ngôi nhà bạc tỉ bị từ chối.
 
Cô Nghĩa vẫn rủ rỉ rù rì với con Mai suốt chuyến xe từ Sài Gòn về nhà. Cô bảo, con Mai biết không, trước khi vô cô nhi viện xin con, mẹ mày sẩy thai tới lần thứ 5 vẫn không thành công. Người bà ấy đúng nghĩa xác ve, gầy tới mức da bọc xương luôn. Mắt bà ấy dại hẳn. Đó là do những ngày còn ở tù, nhiều tù nhân nữ như mẹ nó bị tra tấn bằng cách thúc dùi cui vào vùng kín. Có khi, cả ngày mỗi người chỉ được 2 lít nước để sinh hoạt. Bình thường dè xẻn được, những ngày đến tháng, nhiều chị em bị viêm nhiễm vùng kín nặng mà không có cách nào cải thiện. Hậu quả bây giờ sờ sờ ra đó, người vô sinh, người sẩy thai hoài như mẹ nó. Bao nhiêu năm ở tù, chẳng gì khuất phục được bà. Ra tù, khát vọng làm mẹ lại có thể quật ngã. Cô Nghĩa xót quá phải gào lên “Chị đừng tự giết mình như thế. Một lần sảy bằng bảy lần sinh, sao chịu hoài được”. Lúc đó cả hai chị em ôm nhau khóc ròng và dắt nhau vào cô nhi viện xin con nuôi. Con Mai lúc đó hai tuần, má căng hồng, nhìn y như  búp bê...
 
Mây trời vẫn trôi mải miết xa xa bên ngoài cửa kính xe. Xe chạy dọc những cánh đồng nặng trĩu lúa chín. Những gốc cây thốt nốt thẳng tắp xòe tán lá tròn xoe trên đồng. Nắng trong veo, bỏng rát xói thẳng vào chỗ ngồi của con Mai. Nó mê mải nhìn, chẳng bận tâm gạt rèm che nắng. Lần đầu tiên nó biết nhìn bâng quơ nơi khác để che giấu rằng mình đang khóc khi nghe cô Nghĩa vẫn trò chuyện. Trong một thoáng chốc, nó thèm trở lại thời thơ bé để sẻ chia nhiều hơn với ba mẹ mình. 
 
***
 
Độ này ông lão vào ra bệnh viện liên tục. Con Mai tranh thủ ngày nắng to, đẩy chiếc giường đơn của ông ra ngoài hiên phơi cho nắng và gió thổi bay mùi mồ hôi, ẩm mốc. Bà lão tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn quanh. Chừng như hiểu ra điều gì, bà đẩy cửa bước vội ra ngoài. Nước mắt từ hai hốc mắt tưởng đã khô cạn từ bao giờ trong phút chốc bỗng trào ra. Bà cứ gục xuống thành giường mà khóc nấc từng tiếng khô khan, hờn tủi. Những tiếng rên hờ hờ tức tưởi buột ra từ bà lão. Thực tình chắc bà muốn nói thật nhiều, thật nhiều nhưng cũng đã đến lúc bà quên hết từ ngữ, chẳng nhớ điều gì để nói. Lần đầu tiên con Mai thấy bà lão khóc. Nó thấy lòng mình quặn đắng lại, nó mím môi không biết xử lí thế nào, thấy có gì đó như thể mặn hơn cả nước mắt vừa lướt qua môi mình.
 
Cũng may cô Nghĩa vừa đến. Cô nhìn vẻ mặt hốt hoảng của con Mai, vội vã vỗ tay lên vai nó trấn an rồi ngồi xuống cạnh bà lão. Bà lão gục hẳn đầu sang vai cô Nghĩa tiếp tục nức nở. Cô Nghĩa sai con Mai kéo giường vào nhà. Một lúc sau đó, cô tâm tình với bà lão điều gì đó khiến bà yên tâm hơn cũng líu ríu vào nhà theo.
 
Hóa ra bà lão tưởng ông lão chết. Cô Nghĩa giải thích, tập tục ở quê bà lão, người ta sẽ khiêng giường người chết ra sân đốt để “gửi” cho người đã khuất. Trong những mảng màu kí ức nhớ nhớ quên quên của bà lão, những gì sót lại ở vùng nhớ chắc chỉ là những chuyện liên quan đến ông. Con Mai thấy sống mũi mình cay cay, nghèn nghẹt như thể có ai bóp. Nó dìu mẹ vào nhà, bà lão ngả cổ dựa vào vai nó, bước từng bước chậm rãi.
 
***
 
Bà lão thân với thằng Toét nhất nhà. Kì lạ, một già một trẻ, kẻ lẫn người khờ lại thân thiết với nhau. Thằng Toét là người duy nhất được bà lão cho cầm những đóa hoa hồng bằng ni lông cũ xì cũ mốc bà rất quý. Hai bà cháu thường lui cui trong góc nhà lúc xếp thuyền khi xếp máy bay. Thằng Toét học xếp hình ở trường mẫu giáo về chỉ cho bà. Có khi con Mai đi làm về thấy cả mấy chục cái máy bay giấy quăng quật khắp nhà. Hôm vui vẻ thì lẳng lặng gom dọn, hôm mệt mỏi thì cáu kỉnh ầm ĩ, cảm giác gánh nặng thêm, rồi cũng phải dọn.
 
Ông lão không qua được trận ốm. Cũng ngoài 80 rồi, cái chết đến chẳng còn là bất thình lình. Điều khiến con Mai rối bời ruột gan nghĩ đến chuyện bà lão sẽ sống ra sao khi biết điều này? Đám tang ông lão phải tổ chức luôn tại ngôi chùa gần nhà vì sợ bà lão quỵ ngã, không vượt qua được cú sốc. Đám tang ông lão xong, bà lão thình lình biến mất. Con Mai, cô Nghĩa phải nhờ thêm cả chục bà con hàng xóm túa đi khắp nẻo kiếm tìm. Tìm chưa ra bà lão thì tá hỏa hơn khi phát hiện thằng Toét cũng biến mất nốt.
 
Gần cuối buổi chiều, con Mai sực nhớ ra buổi trưa thằng Toét hỏi mẹ về mấy bông hoa ni lông bỗng dưng biến mất. Lúc ấy cả nhà đang rối rít tìm bà lão nên con Mai gạt phắt thằng con, quát nó một câu lấy lệ. Lúc nghe Mai kể lại chi tiết này, cả cô Nghĩa và nó cùng nhìn lên lọ hoa thì thấy mấy bông hoa biến mất thật. Bà lão biến mất, bông hoa biến mất, thằng Toét biến mất nốt... 
 
Mai và cô Nghĩa trở lại khu mộ mới đắp. Bên những vòng hoa còn tươi, bà lão vẫn ngồi, tay cầm những bông hoa ni lông cũ kĩ bao nhiêu  năm. Đối diện là thằng Toét đang trò chuyện gì đó. Bà lão đưa tay lau những giọt nước mắt cuối cùng còn sót lại lấp lánh trên gò má da mồi. Bà đặt nhẹ những bông hoa ni lông xuống, se sẽ hôn lên bầu má căng của thằng bé và nắm tay nó đứng dậy.  
 
Nắng quái xiên ngang những đám cỏ mới đắp, ánh lên màu mật ong thấm đượm. Những giọt nắng mật ong ấy tràn ngập cả trên những đóa hoa cũ kĩ bà lão vừa đặt xuống. Trong thoáng chốc, Mai thấy chúng còn đẹp hơn cả những đóa hồng kề bên.
 
Truyện ngắn: VÕ THU HƯƠNG