Đất và người qua tiểu thuyết "Những mảnh vỡ ký ức"

08:02, 23/02/2017

Tác giả Võ Anh Cương - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng vừa cho ra đời tiểu thuyết "Những mảnh vỡ ký ức", Nhà xuất bản trẻ xuất bản cuối tháng 12/2016 và phát hành đến tay bè bạn đầu năm 2017. Một cuốn tiểu thuyết điểm qua khá nhiều sự kiện lịch sử của đất nước và những hình ảnh sinh động của mỗi vùng đất, thông qua câu chuyện của một dòng họ. 

Tác giả Võ Anh Cương - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng vừa cho ra đời tiểu thuyết “Những mảnh vỡ ký ức”, Nhà xuất bản trẻ xuất bản cuối tháng 12/2016 và phát hành đến tay bè bạn đầu năm 2017. Một cuốn tiểu thuyết điểm qua khá nhiều sự kiện lịch sử của đất nước và những hình ảnh sinh động của mỗi vùng đất, thông qua câu chuyện của một dòng họ. 
 
Tác phẩm “Những mảnh vỡ ký ức” của Võ Anh Cương. Ảnh: Minh Đạo
Tác phẩm “Những mảnh vỡ ký ức”
của Võ Anh Cương. Ảnh: Minh Đạo
Nhà văn Võ Anh Cương sinh năm 1954, là một trong những cư dân có mặt lâu đời ở Đà Lạt. Trước khi nghỉ hưu, anh là quyền Giám đốc Nhà in Lâm Đồng và bây giờ Đà Lạt - Sài Gòn là cung đường anh thường xuyên lui tới… Những điều kiện đó đã giúp tác giả hiểu nhiều về xứ sở của vùng đất Nam Tây Nguyên với những biến cố thăng trầm lịch sử đi qua mấy chục năm nay. Sau tác phẩm “Lời hẹn cuối mùa thu” (Nhà Xuất bản Thanh niên năm 2013), tiểu thuyết “Những mảnh vỡ ký ức” càng bộc lộ rõ năng lực mĩ cảm và lăng kính thế sự tiềm tàng của Võ Anh Cương. 
 
Tiểu thuyết “Những mảnh vỡ ký ức” dày hơn 300 trang, với 15 chương, nội dung xoay quanh những câu chuyện của dòng họ Trương gia phong và dòng dõi mấy đời. Chuyện trải dài chủ yếu ở hai không gian của vùng đất chủ yếu: Lâm Đồng và Sài Gòn, và thời gian ngót nghét cả trăm năm. Với lối kể “lục lại ký ức”, tác giả Võ Anh Cương khéo léo dẫn dắt hướng nhìn của độc giả theo nhân vật chính Trương Thái (Trương Quốc Thái) trong những bộn bề sự kiện, trăm mối duyên và nợ, kết dính và đan cài nhau trong thế sự vần xoay… 
 
Với mạch kể như vậy, tiểu thuyết bắt đầu là chuyện từ một cậu bé sinh tồn giữa không gian núi rừng Lang Biang ở tỉnh Lâm Đồng. Và về cuối chuyện, tác giả cũng khéo léo đưa nhân vật chính trở lại vùng đất này một cách như là định mệnh của triết lý sống “lá rụng về cội”. Nếu như cuộc sống ở thị thành Sài Gòn đô hội, văn minh và rộn ràng theo nhịp sống hối hả thì không gian sinh tồn ở vùng đất Tây Nguyên có độ cao hơn Sài Gòn từ hơn 1.500 mét đến hơn 2.000 mét chậm rãi, yên tĩnh và hoang dã. Tác giả Võ Anh Cương đã dụng công dựng được những khung cảnh thiên nhiên phong phú về hệ sinh thái, đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật trù phú của một vùng đắc địa tài nguyên rừng. Đây là những trang văn tôi thích hơn cả. Bởi vẻ đẹp và sự sinh động thông qua những quan sát tinh tế và vốn hiểu biết khá nhiều về sinh thái rừng và văn hóa rừng, cũng như văn hóa bản địa của tác giả. Dường như khi viết những dòng văn này, Võ Anh Cương cũng đạt được tâm cảm hoan hỉ và tâm trí khoáng đạt. Người đọc được tiếp nhận những hình ảnh, những chi tiết của các cung bậc cảm xúc thăng hoa. Những trang văn vừa thực mà hoang dã, vừa huyền ảo mà lung linh, như những bức tranh đa sắc, nhiều mảng khối, đan cài những đường nét của hội họa lập thể. Mạch chuyện theo lối dẫn đó cứ mở dần ra không gian sinh tồn theo chiều kích ngày thêm đủ đầy hơn, từ những con người mới đến những sự việc, sự kiện mới một cách khá tự nhiên...
 
Với cách lần tìm “những mảnh vỡ ký ức” từ một nhân vật chính họ Trương qua các hệ chiếu liên trục ngang và dọc, tác giả lần lượt cho xuất hiện trong chiều dài tác phẩm những con người với nhiều tính cách khá đa dạng. Ngồn ngộn thế sự. Từ trong họ Trương đến bạn bè, đồng đội, từ người Kinh đến người Thượng, từ người Việt đến người ngoại quốc, từ trong nhà ra ngoài phố thị... Những người trong gia tộc họ Trương vừa là chủ nhân, vừa là chứng nhân xâu chuỗi, kết nối các sự kiện. Theo dòng chảy của lịch sử diễn tiến như vậy, tiểu thuyết đã xuất hiện khá nhiều sự kiện và vùng đất có thật ngoài đời, nhất là những năm tháng ở đô thành Sài Gòn và Đà Lạt. Vì vậy, độc giả có thể sắp xếp “những mảnh vỡ ký ức” của nhà văn Võ Anh Cương lại, phần nào hiểu được khá nhiều sự kiện lịch sử về kinh tế và xã hội của hai vùng đất này trong nhiều thập niên đi qua. Trong đó, hai lĩnh vực được tác giả khai thác nhiều hơn là những cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc Việt Nam và những diễn tiến của nền kinh tế thời kỳ trước đổi mới. 
 
Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc là chính dòng chảy của một dòng hệ. Ở đó, người ta thấy được lấp lánh của nền văn hóa Á Đông: truyền thống hiếu học, cần cù lao động; tôn ti nề nếp gia phong; giàu lòng nhân ái, vị tha và luôn hướng thiện. Họ nhập thế với một triết lí sống là “Người quân tử phải có đức độ hành vi hơn người, cứ việc gì hợp đạo nghĩa và chính đáng thì làm, dù một mình đối diện với thiên hạ cũng không sợ…”. Đây là một câu văn trong tiểu thuyết, cũng là thông điệp mà tác giả Võ Anh Cương nung nấu muốn thể hiện và gửi gắm trong tác phẩm của mình. Dù thành công đến đâu, nhưng với tôi, thật sự trân quý về ý thức lao động sáng tạo nghệ thuật của anh. 
 
TĨNH XUYÊN