Văn học thiếu nhi - Dòng chảy lặng lẽ

09:09, 11/09/2017

Trong khi tác phẩm văn học viết cho người lớn được đón nhận bởi những cuộc ra mắt, hội thảo rầm rộ thì văn học thiếu nhi lại rất khiêm tốn, êm ả. Như một dòng chảy lặng lẽ, văn học thiếu nhi vẫn được đánh giá là "rất cần nâng cao văn hóa đọc cho trẻ em" nhưng không ít nhà văn viết cho thiếu nhi đang phải bàn nhau cách "giải cứu" tác phẩm.

Trong khi tác phẩm văn học viết cho người lớn được đón nhận bởi những cuộc ra mắt, hội thảo rầm rộ thì văn học thiếu nhi lại rất khiêm tốn, êm ả. Như một dòng chảy lặng lẽ, văn học thiếu nhi vẫn được đánh giá là “rất cần nâng cao văn hóa đọc cho trẻ em” nhưng không ít nhà văn viết cho thiếu nhi đang phải bàn nhau cách “giải cứu” tác phẩm.
 
Thiếu nhi đang rất cần những cuốn sách viết cho chính mình. Ảnh: K.N.T
Thiếu nhi đang rất cần những cuốn sách viết cho chính mình. Ảnh: K.N.T
Đánh giá thiên lệch
 
Hội thảo sách văn học thiếu nhi nếu có, hầu hết… đều bàn về sách của người đã mất. Đó là những hội thảo về Đoàn Giỏi, Tô Hoài… Hiếm hoi có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang sống được tổ chức hội thảo.
 
Tọa đàm về văn học thiếu nhi gần đây nhất là về tác phẩm Người quản tượng của vua Quang Trung, của tác giả Ngọc Toàn đã mất cách đây một năm, do Nhà Xuất bản (NXB) Kim Đồng và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Tác phẩm từng được xem là “best seller” với số lượng in hơn 50.000 bản vào những năm 80, vừa được NXB Kim Đồng tái bản lại. Tại hội thảo này, nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh “giao cho Ban Văn học thiếu nhi phải tìm ra được cuốn sách thiếu nhi hay để trao giải thưởng hàng năm của hội”. Có nhà văn nói đùa, nhiệm vụ này xem ra... bất khả thi. Trong nhiều năm gần đây, sách văn học thiếu nhi vắng bóng trong những giải thưởng Hội Nhà văn. Vắng tới mức, nhiều người quan tâm văn học còn nhầm tưởng, Hội Nhà văn chỉ trao cho... tác phẩm viết cho người lớn.
 
“Nếu như Nhà nước quan tâm đến văn học thiếu nhi, nên chăng đề ra chính sách đãi ngộ ở mảng văn học này bằng việc đầu tư đặt hàng cho tác giả, có chủ trương quảng bá khi phát hành; sẵn sàng tài trợ, bao tiêu, ví như sách hay có thể in số lượng lớn, tặng cho thư viện các trường tiểu học và THCS. Nếu như, Hội Nhà văn có chính sách in ấn với nhuận bút cao; có kế hoạch quảng bá, phát hành đến thư viện các trường tiểu học THCS; có tổ chức trại sáng tác, có tổ chức thi sáng tác văn học cho thiếu nhi với giải thưởng cao thì... tôi cam đoan không ai dám xem thường văn học thiếu nhi, và nhà văn viết cho thiếu nhi như tôi không chỉ “loe hoe” vài chục người như hiện nay. Qua đó, tôi tin rằng số lượng thiếu nhi đọc sách văn học, yêu thích học văn sẽ tăng và những công dân tương lai này qua tác động của sách văn học sẽ biết yêu thích người tốt, việc tốt, thích làm điều tốt và biết căm ghét, tránh xa điều xấu...” - nhà văn Mai Bửu Minh, tác giả của hơn 10 đầu sách văn học thiếu nhi chia sẻ.
 
Nhà văn bàn chuyện “giải cứu” tác phẩm
 
Ngay Ngày Quốc tế thiếu nhi, sau khi nhà văn Thu Trân đưa ra ý kiến cần “giải cứu” sách văn học thiếu nhi, không ít nhà văn chuyên viết đề tài này cũng chung tâm trạng không vui khi tác phẩm văn học thiếu nhi vẫn còn khó đến với rộng rãi độc giả. Các nhà văn lớn tuổi, có hàng chục năm kinh nghiệm viết cho thiếu nhi còn bàn nhau “giải cứu” theo cách tự phát hành, cùng nhau giới thiệu tác phẩm của nhau để tác phẩm đến được tay độc giả nhiều hơn. 
 
Nhà thơ Hồ Huy Sơn lại “cám cảnh” cho việc hiếm tìm được đầu ra cho thơ thiếu nhi. Theo anh, thị trường sách dành cho thiếu nhi hiện nay khá phong phú và đa dạng. Ngoài sách văn học là thể loại không thể thiếu thì thời gian gần đây, dòng sách kỹ năng cũng đặc biệt phát triển. Nhu cầu đọc sách lúc nào cũng có, và quan trọng hơn, sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với việc đọc sách của con em mình đang có những tín hiệu vô cùng đáng mừng. 
 
Chính vì lẽ đó, việc tìm đầu ra cho sách thiếu nhi hiện nay không quá khó. Chỉ cần có một bản thảo tốt, các tác giả hoàn toàn có thể gửi về các NXB hay công ty sách thì sớm muộn bản thảo đó cũng được ra mắt bạn đọc với một hình hài bắt mắt và dễ thương. Tuy nhiên, sự “không quá khó” này dường như chỉ đến với thể loại văn xuôi (gồm truyện dài và truyện ngắn), còn thơ thiếu nhi thì lại đang gặp tình cảnh chung của thơ: không nhiều nơi mặn mà in thơ thiếu nhi vì “thơ không bán được”. Thời gian gần đây, một số đơn vị xuất bản đã có sự sáng tạo khi kết hợp thơ và tranh, mang lại những cuốn sách “2 trong 1” tạo sự thích thú với bạn đọc nhí. 
 
Trở ngại lớn nhất trong việc viết cho thiếu nhi, nhiều nhà văn cùng nhìn nhận, chính là viết làm sao để tác phẩm của mình được các em đón nhận, các em đọc xong và thấy được hình ảnh hay tâm tư của mình trong đó. Điều quan trọng nhất là tình yêu dành cho thiếu nhi có đủ lớn hay không; một khi tình yêu đó đủ lớn chắc chắn mỗi người sẽ có cách để vượt qua những trở ngại nếu có.
 
KHÔI NGUYÊN THẢO