Ðào nguyên lạc lối

09:12, 28/12/2017

Khi nói đến đào nguyên thường người ta nghĩ ngay đến tích cũ của người xưa rằng một ông lão đất Vũ Lăng tình cờ thấy một cánh hoa đào trôi từ trên nguồn xuống. Ngược dòng, ông tìm ra được một rừng đào dọc theo một con suối, cảnh đẹp như cõi tiên, còn con người thì ăn mặc rất thoát tục…

Khi nói đến đào nguyên thường người ta nghĩ ngay đến tích cũ của người xưa rằng một ông lão đất Vũ Lăng tình cờ thấy một cánh hoa đào trôi từ trên nguồn xuống. Ngược dòng, ông tìm ra được một rừng đào dọc theo một con suối, cảnh đẹp như cõi tiên, còn con người thì ăn mặc rất thoát tục… Trở về, ông quyết định dọn nhà đến chốn non tiên này ở nhưng không tìm ra! Đại khái thế, bởi cố sự của người Trung Quốc bao giờ cũng bàng bạc một chút hư hư thực thực, có lẽ do ảnh hưởng của đạo Lão trong xã hội người Tàu!
 
Rồi đào nguyên còn gắn cho chuyện Lưu - Nguyễn nhập thiên thai, khi hai chàng trở về thì người quen không còn nữa cho dù chàng chỉ xa nhà độ một năm bởi một ngày ở cõi tiên bằng một năm ở dưới thế gian này!
 
Hẳn vậy, dù sao với đại đa số chúng ta cuộc sống này gắn với ký ức từ thuở xa xưa, một dân tộc không có ký ức là một dân tộc không có tương lai, ai đó đã từng nói như vậy mà!
 
Ảnh: Võ Trang
Ảnh: Võ Trang

Với tôi thì đào nguyên không liên quan gì đến cố sự xa xôi, không phải tôi chối bỏ ký ức của dân tộc Việt - ký ức đôi khi gắn liền với những trường huyễn hoặc, tôi chỉ muốn nói đến chuyện đào nguyên một cách… đương đại, chẳng có gì liên quan đến Lưu - Nguyễn nhập Thiên Thai hay ông lão ở Vũ Lăng trong truyền thuyết.
 
Trong dòng ký ức của người Việt, đào nguyên ít nhất cũng xuất hiện với Nguyễn Du trong truyện Kiều, mặt nào đó đào nguyên của Nguyễn Tiên Điền đậm chất thuần Việt:
 
“Chào mừng đón hỏi dò la
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?”
 
Có lẽ các nhà Kiều học sẽ phân tích, bình luận… mọi nhẽ, còn với tôi không gian trong hai câu sáu tám của cụ Nguyễn chất chứa trọn vẹn tâm hồn Việt, đạt được đỉnh ấy theo thiển ý của tôi là do ta cảm nhận bằng tâm hồn, vượt qua khỏi rào cản của ngôn ngữ.
 
Thôi thì hãy để đó bởi Truyện Kiều còn thì nước ta còn, Phạm Quỳnh đã nói một câu bất hủ như vậy. Tôi quay về với cái… đương đại, đương đại của đào nguyên! Thật ra thì hoa đào mới là… ám ảnh chứ rừng đào dọc theo một con suối (đào nguyên) có lẽ chỉ có ở xứ sở thần tiên!
 
Hoa đào gắn liền với đất Bắc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, phòng khách nhiều nhà ở ngoài đó không thể thiếu hoa đào trong dịp này. Cũng phải thôi, mùa đông xứ Bắc sự lạnh được gọi bằng rét, chỉ có rét mới đủ sức diễn tả được cái dúm dó, cái tê tái, cái khô khẻn… của mùa đông đất Bắc! Vậy đó, hoa đào báo mùa xuân đang đến với vẻ đẹp rất bình dị, rất tinh khôi, rất… mơn mởn gái xuân sao người ta không thích chứ? Cho nên người ta trồng hoa đào bán tết thành một nghề, thành một làng, thành một địa danh… và đi luôn vào văn, thơ, nhạc, họa.
 
Ở Tây Nguyên cũng có hoa đào, ít nhất là tại Đà Lạt và mấy huyện chung quanh. Hoa đào Đà Lạt mỗi độ xuân về lọt thỏm trong muôn hồng nghìn tía của vô số hoa tươi đang hơn hớn nở chào đón mùa xuân. Đội ngũ của hoa Đà Lạt ngày càng đông đảo bởi đất lành thì chim đậu, hoa từ khắp bốn phương trời hội tụ về đây như là... định mệnh vì Đà Lạt còn được gọi là vùng đất của tình yêu! Trong cái xôn xao ấy, hoa đào - nhất là đào già, một giống đào lông da lên mốc vẫn được người Đà Lạt cũ say mê. Tết đến, người ta tìm mua, hoặc chặt trong vườn một cành đào ưng ý rồi mang đi trui, nghĩa là dùng lửa hơ cho gốc cây săn lại, giữ nguyên được các mạch sống trong cành để nuôi hoa. Và cứ thế hoa nở, tươi nguyên màu hồng thắm hay phớt hồng của hoa đào Đà Lạt. Trong tâm thế đó, ông Mười Lời, một nghệ nhân hoa thuở sinh tiền lập nên một thung lũng đào hoa ở dưới chân đường Lê Hồng Phong. Nay ông Mười đã về với tổ tiên, may quá con ông là Nguyễn Văn Sang đang tiếp tục sự nghiệp và còn nhân rộng ra nhiều loại cây khác! Tôi không có ý gì khi dùng từ người Đà Lạt cũ bởi xu thế hiện nay người ta thiên về hoa đào trồng chậu, rất đẹp được trồng nhiều ở huyện Lâm Hà mang lên Đà Lạt bán mỗi độ tết đến xuân về!
 
Tuy không có rừng đào dọc theo một con suối nhưng với một khía cạnh nào đó, Đà Lạt xứng với tên một cõi đào nguyên? Nói thế nhiều khi có người bảo tôi... không bình thường bởi đào nguyên là nơi tiên ở, không lẽ người Đà Lạt đều là... tiên? Tôi không có ý đó, chỉ mơ một chút hơi hám của cõi đào nguyên hiện diện nơi vùng đất này, Đà Lạt đáng được như thế và nên như thế!
 
Thôi thì chuyện đào nguyên ở Đà Lạt cứ tạm như vậy, tôi ghé qua chuyện một... gã nhà thơ Đà Lạt! Nhà thơ, tất nhiên là phải yêu Đà Lạt vì Đà Lạt đẹp, mát mẻ, con người hiền hòa... mọi nhẽ! Gã gây dựng được sự nghiệp về kinh tế và... thơ ở đây. Gã yêu Đà Lạt biết bao, vậy mà trong cõi vô thường này, gã rời Đà Lạt về với biển! Có lẽ biển làm gã nhớ hoa đào nên khi nhận trách nhiệm quản lý một tòa nhà bên bờ biển Nha Trang, trên cái căn hộ cho thuê ấy, trên cái sân thượng ấy... gã có một cõi riêng. Lập tức gã đặt tên là Đào Nguyên, căn hộ ấy như là định mệnh, lấy ngay cái tên Đào Nguyên để phô phang nét đẹp của mình!
 
Hoa đào không mọc được ở Nha Trang nhưng Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây... sẽ làm bạn hài lòng.
 
VÕ ANH CƯƠNG