Long đào

08:12, 28/12/2017

Đang vào cữ giữa tháng chạp. Con đường dẫn đến xóm Sắn Cơm lắm kẻ vào ra lạ thường. Hỏi mới biết, người ta đang đi tìm đào tết. Trong xóm Sắn Cơm có nhiều kẻ trồng đào, nhưng khách chỉ đổ về vườn ông Lê Kê. Tại sao ông ta lại có cái tên như người nước ngoài vậy?

Đang vào cữ giữa tháng chạp. Con đường dẫn đến xóm Sắn Cơm lắm kẻ vào ra lạ thường. Hỏi mới biết, người ta đang đi tìm đào tết. Trong xóm Sắn Cơm có nhiều kẻ trồng đào, nhưng khách chỉ đổ về vườn ông Lê Kê. Tại sao ông ta lại có cái tên như người nước ngoài vậy?
 
Minh họa: P.Nhân
Minh họa: P.Nhân

Thưa rằng: Ngày xưa đây là nơi heo hút, xứ sở của muông thú. Có một bậc túc nho đi thi mấy khoa liền không đỗ. Ông dồn sức vào lần thi thứ ba, lại bị đánh trật vì phạm húy. Phẫn chí, ông liền bỏ nhà ra đi. Bước chân vô định đã đưa ông đến một vùng non xanh, nước biếc. Ông dựng một túp lều và ngủ một đêm ngon lành nhất trong đời. Sáng dậy đã thấy một người đàn bà xuất hiện trước lều. Qua vài câu ngượng ngùng thăm hỏi, chủ khách tự nhiên cảm được lòng nhau. Thì ra, người đàn bà vào rừng lấy Cát Căn bán cho thầy thuốc nam. Nàng còn trẻ lắm và đã góa chồng. Rồi mấy lâu sau, ông trời se duyên cho họ thành vợ chồng, con đàn cháu đống. Làng Sắn Cơm ra đời từ đó. Thực ra, vùng này còn có nhiều lâm thổ sản quý, nhưng nhiều nhất vẫn là loài Sắn Cơm, tức là cây Cát Căn theo tên thuốc. Mỗi khi có con, có cháu đầu lòng, ông tổ làng Sắn Cơm đều lấy tên con, tên cháu gọi ghép vào tên cha, tên ông để kiêng tên húy. Điều đó lâu dần trở thành tục lệ và thế là tên cúng cơm của những người đàn ông trong làng đã bị chuyển hóa thành tên kép. Âu cũng là cái sự bất đắc chí của vị ẩn sĩ xưa, dù không đỗ đạt khoa trường nhưng cũng đã kịp đóng một dấu ấn vào cõi nhân gian bé tí... Và ông Lê Kê, hậu duệ của người sinh ra cái làng này cũng không ngoại lệ, khi ông có cái tên ghép như người nước ngoài. 
 
Khu vườn ông Lê Kê rộng khoảng ba sào. Ngày trước nó loam nhoam chỗ vài cụm sắn, nơi vạt khoai lang chỉ như những tiêu điểm cho cỏ dại vươn tới. Ông Lê Kê quanh năm suốt tháng rong ruổi trong rừng cùng đám lục lâm săn tìm gỗ quý. Mà vợ ông vốn ốm yếu, con cái lại một túm. Lo ăn cho con, lo uống cho chồng, bạn chồng đã đủ đứt hơi. Ông Lê Kê đang nổi như một thủ lĩnh của xứ rừng Độc Long. Ông nổi không phải do hung hăng đánh đấm. Thiên hạ phải phục ông bởi cái khiếu cắt rừng và nhận dạng các loài gỗ. Nhưng rồi, miệng ăn núi lở. Rừng Độc Long vốn xưa kia là giang sơn của nhiều loài gỗ quý đã bị tận diệt. Và ông Lê Kê cùng đám lục lâm cũng dần xuống sức theo vòng quay tạo hóa. Người ta đã loáng thoáng thấy ông cầm liềm, cầm cuốc. Chao ôi! Cái cuốc, cái liềm sao mà nặng nề, bải hoải. Mà cái chân ông giờ lại đi nhắc như cà kheo. Ông ngán ngẩm nhìn cưa, rìu trong góc nhà. Ông tự nhủ thầm, lóc xóc không bằng một góc ruộng. Anh hùng thất thế, phải quay về phụ tế gia bần. Nhưng sự đời không phải khi nào cũng chiều ý con người. Bắt đầu nảy sinh những hệ lụy vợ chồng. Ngày trước, khi ông thường vắng nhà, chuyện con cái, chuyện đối nội, đối ngoại, vợ ông lo tất. Nhưng từ khi ông bỏ rừng, bà vợ bắt đầu chiếu tướng. Mà cái lý của bà xem ra vững như bàn thạch? Không ư? Đi dự đình, dự đám, người ta ra đón và câu đầu tiên là, ông đi đâu? Người càng ngày càng đông, nhân sinh sự thì sự càng tăng nhân. Tăng thì tăng tiền. Cái cốt lõi là tiền đâu? Ngày trước, lâu lâu ông về dúi cho vợ một ít tiền, còn nữa mọi thứ  một tay bà vợ mượn vay trang trải tất. Tất nhiên, cuối cùng thì cũng còn nhờ ở cái tài làm thịt gỗ của ông để có mà trả nợ. Nhưng nay nguồn sống ấy đã bị cắt. Vòng xoáy mưu sinh cuốn cuộn ông đi trên con đường vô định. Trách gì những kẻ anh hùng xưa thường phẫn chí, hoặc là quyên sinh, hoặc là quẫn bách mà trở thành phế nhân. Ô hô! Làm trai đứng ở trong trời đất, không lẽ gây cười cho thế gian? Đang xô bồ trong cõi nghĩ, ông chợt bình tâm khi nghe một tiếng Khướu vút ngang trời. Ông ngước nhìn lên: ngọn Độc Long đã ngay trước mắt. Trong ánh chiều của ngày đầu tiết lập Xuân bỗng hừng lên ánh hào quang kỳ vĩ, ánh hào quang đó như đang tụ về một điểm ở lưng chừng ngọn núi. Ông Lê Kê chớp chớp mi mắt: có một màu đỏ trắng khác lạ đang đu đưa ở đó. Cái màu đỏ trắng kỳ lạ kia quá đỗi hấp dẫn. Ông định thần lại và quyết định trèo lên núi. Vách Độc Long dựng đứng, đá nhọn lởm chởm. Ngày còn bé, chỉ mình ông mới leo được lên vách đá này tìm bắt chim sáo. Khi lên đến nơi, ông thoáng bàng hoàng bởi cảnh vật bày ra trước mắt. Mấy cây đào đang trổ hoa! Sắc đỏ trắng của những nụ hoa tinh khôi như đang vờn vẫy khoe mình trong gió xuân hây hẩy, càng ngắm càng say. 
 
Tết đó, nhà ông Lê Kê có sự lạ. Một nhành đào ngự ngay trên cây sập đã xập xệ giữa nhà. Vợ ông, vốn đã quen với sự lạ của chồng, ban đầu lườm nguýt, sau tự nhiên cũng thấy hay hay. Hàng xóm đồn nhau đến xem kỳ hoa. Thành ra, nhà ông Lê Kê tết đó thật đúng vui như tết. Trong đám người xem hoa, có cả Tu Ru, hàng xóm gần mái, kề hồi. Y không sang nhà ông Lê Kê mà chỉ đứng sau lùm Sắn Cơm ngó nghiêng. Nhưng sự ngó nghiêng đó cũng phải dè chừng khi đã vãn người.
 
Rồi mảnh vườn nhà ông Lê Kê đổi khác. Những cây đào rừng yểu điệu, thướt tha trỗi hẳn lên đánh bạt màu cỏ dại. Hai năm, đào khai hoa. Cái màu hoa lóng lánh đó đỏ pha màu trắng muốt là tuyệt đỉnh, nhưng thế cây mới thật là hay. Những cây đào non tơ uốn lượn như thân rồng đang bay theo nhiều thế khác nhau. Người đến đây không ai không hỏi ông Lê Kê rằng, ông lấy giống đào ở đâu? Ông Lê Kê nói thẳng là lấy đào ở núi Độc Long. Ông chẳng cần giấu giếm làm gì khi biết chắc chẳng ma nào dám leo lên đó. 
 
Trời cho ông giống đào quý để ông có cơ hội đổi đời, ấy là theo sự phán định của thiên hạ. Điều đó mới chỉ đúng một nửa, tức là đúng ý vợ ông. Khi cầm từng xấp tiền triệu bán đào, vợ ông đã toan tính đến chuyện xây nhà. Người ta sống cậy nhà, hơn nữa trong thâm tâm bà, con gà tức nhau tiếng gáy. Ngôi nhà Tu Ru kề bên xây đã lâu, nhưng cái gác hai như chuồng cu trắng toát, nghễu nghện trêu ngươi. Người sao vật vậy. Cái nhà Tu Ru vốn là y sĩ đang làm ở đội phòng dịch huyện, một thằng cha coi người như cỏ rác. Bà còn căm mãi vụ thằng Cu Tỵ, con bà, đau bụng quặn quẹo trong đêm. Khi bà chạy sang nhờ Tu Ru thăm bệnh, vợ y chạy ra bảo rằng Tu Ru không về nhà. Rõ ràng chính mắt bà trông thấy Tu Ru chiều hôm ấy, chủ nhật, phóng xe máy về nhà. Đã không giúp, vợ hắn lại còn tỏ vẻ miệt thị, khinh khí cái nhà Lê Kê quanh năm chúi mũi trong rừng, nợ nần lút cổ. 
 
Bây giờ thì ông Lê Kê có thể lên nhà tầng được rồi. Nhưng ông không muốn ganh đua mà làm chi, chỉ là phù phiếm nhất thời. Ông cho kê cao căn nhà gỗ sến ba gian và thưng ván vàng tâm bóng lộn. Vợ ông ngúng nguẩy phản đối, cho là dù ông có làm gì đi nữa thì nhà vẫn bẹp nhép như cái chuồng trâu. Ông Lê Kê bèn kêu thợ sắt đến, dựng lên một mái che bằng tôn lạnh, trùm kín cả cái sân đã lát gạch men cao cấp. Trong tâm khảm, bằng bất cứ giá nào, ông cũng không thể thay thế căn nhà gỗ sến. Đó là dấu ấn, là kỷ niệm tâm cốt một thời trai trẻ. Cây gỗ sến lớn nhất, nằm chênh vênh nơi sườn núi Vực Đá sâu hoắm đã kích thích mạo hiểm của ông. Không có tốp thợ cưa nào dám tính đến chuyện vác rìu đến đó. Nhưng dưới tay Lê Kê, cây sến đã gục ngã. Ông lái cho cây sến đổ nghiêng dọc theo sườn núi rồi chỉ huy đám thợ bắc giàn một bên, bên kìa đào đá để ngồi cưa. Trong một lần khi ông đang loay hoay lựa thế ngồi thì dây bảo hiểm đứt phựt. Người ta chỉ kịp thấy cái tà áo của ông nhoáng nhoàng cuốn theo giàn giáo và những phiến gỗ lao ầm ầm xuống vực. Ai cũng tưởng ông đã chết. Nhưng số ông còn dài. Ông không chết nhưng bắp chân phải đã bị dập nát khiến đi nhắc nhoi từ đó. Và chính vết thương là kỷ niệm gắn liền với căn nhà sến dấu yêu này...
 
Vườn đào ông Lê Kê ngày càng nổi tiếng. Cái sự đó cũng làm ông hàng xóm thay đổi theo. Từ sau vụ Cu Tỵ đau bụng, Tu Ru cho người xây tường bịt kín cái lối mòn thông hai nhà. Nhiều khi, Tu Ru đứng ngẩn người trên mái “chuồng cu”, ghé mắt qua lỗ thông gió ngắm vườn đào hàng xóm. Quái quỷ thật! Hắn trồng đào thì thành rồng, thành bạc, đào mình thì cứ phườn phượt, phườn phượt. Thực ra, Tu Ru cũng chỉ mới trồng có dăm cây đào, mà là đào xin lại của người bà con. Người bà con này là bạn rừng của ông Lê Kê. Ông Lê Kê lấy hạt đào trong vườn ươm thành giống rồi cho bạn bè. Nhưng lạ thay, không một ai trồng được một cây đào thế giống rồng bay, Tu Ru nghiền ngẫm cho rằng, lão Lê Kê có bí quyết. Y bảo vợ, con rắp tâm rình xem. Mỗi khi về nhà, việc đầu tiên Tu Ru hỏi là: có chi mới không? Nhưng vợ con y cứ tròn mắt bảo rằng, chỉ thấy ông Lê Kê hằng ngày ngồi trên cái chòi mái tròn mà ngâm Kiều. Thế thì tức thật! Lão ta bày trò giễu mình ngay trước mắt mà chịu sao? Tu Ru thay đổi chiến thuật. Y tạo vết nứt nơi tường rào và kêu người đến mở lại lối thông sang nhà ông Lê Kê rồi gọi người bà con kia đến. Người bà con này mời ông Lê Kê sang nhà Tu Ru. Tu Ru giơ cao bình rượu ngâm và hể hả giới thiệu về công năng của cao ngựa bạch. Không hiểu sao, ông Lê Kê thấy bắp chân mình ngứa ngáy như có kiến bò. Cao ngựa bạch chủ trị thần kinh tọa! Cao ngựa bạch chủ trị chứng đau lưng tê mỏi chân tay! Giọng Tu Ru như hát. Sau vài chầu rượu, Tu Ru mở tủ biếu ngay cho ông Lê Kê mấy lạng cao ngựa bạch. Vậy là lối ngõ ngày càng dày bước chân hàng xóm qua nhau. 
 
Ông Lê Kê thường ngồi trên cái chòi cao giữa vườn. Dạo mới chỉ có mấy cây đào ra hoa, trẻ con thường đến xem và nghịch phá nên ông tính dựng cái chòi để trông giữ. Nhưng khi vườn đào đã dày dặn, ông cho thợ làm lại cái chòi vòm tròn hình dù và gọi đó là “lầu vọng hoa”. Một sáng tinh mơ, ông bỗng ngạc nhiên nhìn lướt vườn đào. Từ trên cao, ngàn vạn đóa đào, nụ đào đang khoe sắc trong làn sương tinh khôi, kể từ buổi đó, ông thường lên “lầu” ngắm hoa. Những cành hoa đào hút hồn ông đến mê mẩn. Ông như lạc vào cõi phiêu bồng. Khách thường vào ra ngày càng nhiều. Nhưng không phải ai vào cũng mua được những cây đào ưng ý. Có những đại gia đi ô tô, xách những cặp tiền căng phồng, xồng xộc vào giữa vườn đào như chỗ không người. Họ thường đến mân mê ba cây đào nhiều tuổi nhất, hết lời nài nỉ. Nhưng ông Lê Kê lặng lẽ phẩy tay. Cái kết cục cho những đại gia này là quay xe về không với vẻ mặt tột cùng cau có.
Tu Ru càng ngày càng tăng cường đi lại nhà ông hàng xóm bí hiểm. Những cuộc rượu diễn ra dày hơn. Rất nhiều lần, giữa cuộc rượu, Tu Ru tìm mọi cách gợi ý, moi móc bí quyết chăm Long Đào. Có lần, bí quá, ông Lê Kê phải nại rằng, chắc là do giống đào ở nơi hoang dã, mà vườn nhà ông bỏ hoang lâu ngày quá nên thích hợp cho thân đào phát triển quăn queo. Đám nhậu tròn mắt, nửa tin, nửa ngờ rồi cuối cùng chỉ còn cách gục đầu uống tiếp…
 
Xuân qua rồi xuân đến. Ông Lê Kê già yếu dần. Vườn đào nhà ông càng nổi tiếng hơn. Mọi công việc vườn đào, ông đều giao cho mấy đứa con, cháu chăm nom. Chỉ duy nhất khi đặt cây giống, ông mới cùng làm. Mà xem ra, việc trồng đào của ông cũng bình thường như bao người khác.
 
Một ngày cuối giêng, khi những bông đào nở muộn đã rụng, ông Lê Kê nhẹ nhàng ra đi. Trước đó, ông có triệu chứng đau đầu. Tu Ru đi lại săn sóc ông hàng xóm tận tình như người nhà. Ngày ông đi, Tu Ru nghỉ làm, xắn tay tắm rửa cho ông. Đó là sự lạ lùng, dân làng Sắn Cơm chưa từng thấy. Khi lần tìm những đồ dùng của ông Lê Kê để tang theo, Tu Ru thấy một tờ giấy nhỏ ghi mấy dòng: “Của trần gian phải trả cho trần gian. Ta không muốn đem bí mật trần gian xuống mồ. Long Đào chỉ có được khi có đá núi Độc Long…”. Người con cả của ông Lê Kê nhoáng thấy Tu Ru cuống cuồng cất dúi tờ giấy vào túi. Chữ ghi trên mảnh giấy là của anh, theo lời trăng trối của người cha. Không lâu sau khi ông Lê Kê mất người ta thấy Tu Ru đổi khác. Y lẩm bẩm một mình dưới những gốc đào trước vườn nhà và thấy lấy que đào bới xung quanh. Trong óc Tu Ru bấn loạn những câu hỏi. Long Đào, Long Đào? Độc Long, Độc Long? Làm sao làm sao để có Long Đào? Rồi y sinh chứng tâm thần, hô hét lung tung, theo thầy thuốc chuyên khoa, các chứng bệnh của Tu Ru khó bề chạy chữa.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN NGỌC PHÚ