Sinh hoạt Ơ khan của người Chu ru

03:12, 20/12/2017

(LĐ online) - Trong đời sống sinh hoạt của người Chu ru thì "Ơ khan Tơ rơ can" (kể truyện cổ) đã trở thành một phong tục đẹp được diễn ra một cách phổ biến trong cuộc sống của họ. Dù thời gian và không gian Ơ khan Tơ rơ can  có đôi chút thay đổi nhưng trên hết, giá trị mà nó mang lại chính là góp phần củng cố đời sống tinh thần của  đồng bào  dân tộc Chu ru

(LĐ online) - Trong đời sống sinh hoạt của người Chu ru thì "Ơ khan Tơ rơ can" (kể truyện cổ) đã trở thành một phong tục đẹp được diễn ra một cách phổ biến trong cuộc sống của họ. Dù thời gian và không gian Ơ khan Tơ rơ can  có đôi chút thay đổi nhưng trên hết, giá trị mà nó mang lại chính là góp phần củng cố đời sống tinh thần của  đồng bào  dân tộc Chu ru.
 
NGƯỜI CHU RU KỂ CHUYỆN (Ơ KHAN)
 
Ơ khan Tơ rơ can có ý nghĩa bồi dưỡng đạo đức, ý thức dân tộc cho mọi thành viên trong cộng đồng nhớ về nguồn cội, để xứng đáng với cha ông, với đất trời, với tổ tiên của tộc người Chu ru. Trong mỗi câu chuyện được truyền kể, những bài học bổ ích, những lời nhắn nhủ không ngừng được truyền đi, mang thông điệp gửi đến mỗi lớp người mới nối tiếp nhau của bản thân dân tộc Chu ru. Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc Chu ru dần có nhiều thay đổi, nhiều câu chuyện được Ơ khan cũng thay đổi dần cho phù hợp với sắc thái mới của cuộc sống. Tuy nhiên, về bản chất, những giá trị văn hóa dù có cách thức nhìn nhận và ứng dụng thay đổi theo thời gian thì nó vẫn có vị trí rất quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người con Chu ru.
 
Những người Khan Tơr can của dân tộc Chu ru nói chung là những người nông dân có trí nhớ và giọng kể đặc biệt. Họ có thể kể chuyện nhiều giờ, nhiều câu chuyện với niềm đam mê kì lạ. Những người kể chuyện có thể là đàn ông hoặc đàn bà, có thể là người lớn tuổi hoặc trẻ tuổi, không nhất thiết phải là người già, miễn là người thuộc và có giọng kể hay truyền cảm. Tuy nhiên, phần lớn những người kể truyện cổ dân tộc Chu ru thường là những người có uy tín và khá lớn tuổi trong cộng đồng. Người kể chuyện chỉ kể mà không có chiêng trống kèm theo. Trước khi kể theo yêu cầu mọi người, người kể có thể vừa hát dạo, vừa tâm sự chuyện riêng hoặc khen ngợi người này, người kia tốt bụng. Họ cũng không quên nhắc nhở người nghe nên và không nên bắt chước những câu chuyện nào, hoặc gợi nhớ lại những khúc hát trong mỗi câu chuyện cổ. Đây chính là nét độc đáo về sự hoà đồng không gian thực tại và không gian kí ức khá thú vị.
 
Người nghệ nhân kể chuyện với phong cách cường điệu, kì vĩ hóa, diễn đạt theo một kết cấu trùng điệp, với nhiều đoạn mô tả được nhắc đi nhắc lại. Người nghệ nhân kể truyện cổ không chỉ dừng lại ở việc tái hiện một cách sống động  chi tiết truyện mà còn kết hợp lời kể với động tác thân thể như chính nhân vật làm nên tính hấp dẫn đối với ngươi thưởng thức. 
 
Người nghệ nhân thường kể chuyện trên những ngôi nhà sàn, nhà rông, bên đống lửa cháy bập bùng trong đêm, hay trong các ngày lễ như các nghi lễ vòng đời người hay lễ cúng thần linh. Họ cũng có thể kể cho nhau nghe trong những lần đi rừng, hay sau những ngày đi phát nương trên rẫy, đổi công tuốt lúa, trong những phút nghỉ ngơi mệt nhọc, khi cảm hứng muốn thưởng thức của mọi người đến bất chợt. Tuy nhiên, hiện nay, những người thuộc truyện cổ, biết kể, hát  cũng như ngày càng ít đi vì nhiều lý do.
 
 LÀM PHONG PHÚ ĐỜI SỐNG CỦA ĐỒNG BÀO CHU RU 
 
Cùng với nghệ nhân biết hát, kể, công chúng là nơi tiếp nhận truyện cổ, đồng thời là cái nôi để nuôi dưỡng và sinh ra các nghệ nhân. Trong buổi nghe hát kể truyện cổ, họ như đắm mình vào thế giới mộng ảo, họ chăm chú nghe từng lời từng chữ. Người nằm, người ngồi, người nghe cứ như thế hàng giờ có khi từ đêm này sang đêm khác, hòa mình vào thế giới của các nhân vật anh hùng, cùng cảm nhận niềm vui, hạnh phúc hoặc bất hạnh của các nhân vật. Bên bếp lửa bập bùng, tất cả dường như đắm chìm vào cuộc viễn hành quá khứ. Âm thanh thường nhật hầu như lắng xuống. 
 
Bản thân các tác phẩm truyện cổ được Ơ khan cũng giống như bất cứ một thể loại văn học nào khác, đều mang trong mình những giá trị đặc sắc về nghệ thuật, đóng góp cho kho tàng văn học những điểm rất đặc trưng làm đặc sắc thêm nét đẹp văn học nghệ thuật của dân tộc, nhất là về mặt ngôn ngữ. 
 
Về mặt tinh thần, Ơ khan Tơ rơ can  mang lại cho mỗi con người Chu ru một sức sống mãnh liệt và niềm tự hào lớn lao đối với dân tộc mình. Nội dung của các truyện cổ thường là những câu chuyện thường ngày, về những mộng ước của cuộc sống, về những vị anh hùng, về những chiến công kỳ vĩ, lớn lao của con người trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. Chính vì lẽ đó, trong vô thức của mỗi người, Ơ khan Tơ rơ can đã trở thành một phần không thể thiếu dệt nên những hình ảnh đẹp và sống động về quê hương và con người của dân tộc mình. Chính điều này đã gieo vào lòng họ niềm tin và sự kiêu hãnh sâu sắc về dân tộc mình, khiến họ tự tin vững bước hòa nhập với cuộc sống.
 
Về mặt nội dung, bản thân các câu truyện cổ chứa đựng những quan điểm, những kinh nghiệm sống được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Đó có thể là những bài học về kinh nghiệm lao động sản xuất, những nhận định về thay đổi của thời tiết, những cái nhìn nhân sinh quan trong sinh hoạt hằng ngày. Thông qua Ơ khan Tơ rơ can, lịch sử của dân tộc Chu ru được gắn kết từ thế hệ này đến thế hệ khác. Từ mỗi câu chuyện được Ơ khan, những người nghệ nhân đã truyền hơi thở của quá khứ đến với hiện tại. 
 
Trong đời sống sinh hoạt của dân tộc Chu ru, Ơ khan Tơ rơ can  đóng một vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong cuộc sống tinh thần của họ. Vào bất cứ ngõ ngách nào của cuộc sống sinh hoạt, Ơ khan Tơ rơ can  luôn để lại dấu ấn của mình một cách rõ nét. Người dân Chu ru khắc họa chính mình trong Ơ khan Tơ rơ can  và Ơ khan Tơ rơ can  phản chiếu cũng như soi rõ cuộc sống của họ. Thông qua Ơ khan Tơ rơ can , người dân Chu ru sống với chính bản thân mình và mang nó đi theo từng chặng đường của cuộc sống, mang ánh hào quang của bản sắc văn hóa dân gian dân tộc mình làm "lớp vỏ bảo hộ" cho đời sống tinh thần để cuộc sống vật chất của họ thêm phần phong phú.
 
Ma Hiêng