Giữ hồn cốt dân tộc

09:05, 29/05/2018

Trong thời buổi hội nhập, giao thoa văn hóa theo nhịp sống hiện đại, nhiều hộ dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Di Linh đã đầu tư xây dựng những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang. Tại thị trấn Di Linh, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng, hiện đại thì đâu đó vẫn còn thấp thoáng những mái nhà dài truyền thống của người K'Ho, để bảo tồn bản sắc văn hóa, lưu giữ hồn cốt dân tộc.

Trong thời buổi hội nhập, giao thoa văn hóa theo nhịp sống hiện đại, nhiều hộ dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Di Linh đã đầu tư xây dựng những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang. Tại thị trấn Di Linh, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng, hiện đại thì đâu đó vẫn còn thấp thoáng những mái nhà dài truyền thống của người K’Ho, để bảo tồn bản sắc văn hóa, lưu giữ hồn cốt dân tộc.
 
Dưới mái nhà dài của người K’Ho vẫn lưu giữ nhiều chóe cổ có giá trị. Ảnh: N.Brừm
Dưới mái nhà dài của người K’Ho vẫn lưu giữ nhiều chóe cổ có giá trị. Ảnh: N.Brừm
Tổ dân phố (TDP) Di Linh Thượng 1 và Di Linh Thượng 2 thường được đồng bào nơi đây gọi bằng những từ thân thương là “bòn Njrìng” nằm ngay trung tâm thị trấn Di Linh. Đây là buôn đồng bào còn giữ lại những ngôi nhà dài truyền thống của người K’Ho (với chiêng, trống, bếp lửa và hàng chục chóe cổ xưa của ông bà, tổ tiên).
 
Cũng đã khá lâu rồi, chúng tôi mới có dịp trở lại “bòn Njrìng”, nên mọi thứ đã khác xưa, chúng tôi cảm nhận được một nhịp sống mới đang hiện hữu với bà con nơi đây, như báo hiệu và minh chứng một sự đổi thay từ đời sống vật chất cho đến tinh thần của người dân. Những ngôi nhà mái ngói san sát xen lẫn với mái nhà dài truyền thống vừa hiện đại vừa giữ nét cổ xưa hòa quyện cùng nhau; những tuyến đường nhựa, bê tông thông thoáng, sạch đẹp và phía trước mặt là cánh đồng lúa bát ngát, trải dài dưới các chân đồi núi cao trập trùng tạo nên một vẻ đẹp hữu tình...
 
Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, bà con nơi đây đã nỗ lực vượt khó trong lao động sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng ngôi nhà mới, tiện nghi hơn để phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt của gia đình. Cuộc sống thay đổi, phát triển là vậy, nhưng một số hộ dân nơi đây vẫn xem trọng, ý thức được việc bảo tồn, lưu giữ những ngôi nhà dài truyền thống của dân tộc, điều mà nhiều hộ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác của huyện Di Linh “không làm được”, làm nhạt nhòa dần những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
Gia đình ông Moul Sơn, TDP Di Linh Thượng 1 là một trong những hộ còn lưu giữ ngôi nhà dài truyền thống của người K’Ho. Tuy không còn dài theo đúng nghĩa của nhà dài xưa kia, nhà chỉ còn dài 16 mét, rộng 7 mét, nhưng trong ngôi nhà của ông vẫn còn lưu giữ khoảng 70 chóe lớn nhỏ các loại và có một số chóe cổ mà người K’Ho gọi là Gong được những người buôn bán đồ cổ trả giá 50 triệu đồng/cái nhưng gia đình nhất quyết không bán. “Đây chẳng những là gia tài ông bà tổ tiên để lại, mà còn là bản sắc văn hóa dân tộc, nên mình phải biết trân trọng và lưu giữ. Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu phải tự hào, nâng cao ý thức và bảo tồn cho muôn đời sau. Vì ngôi nhà này đã từng tổ chức Lễ hội Nhô sa rơpu (uống ăn trâu) của người K’Ho trên 10 lần rồi và lần cuối cùng được tổ chức vào năm 1984, gia đình hiến tế cùng lúc 2 con trâu” - ông Moul Sơn tự hào.
 
Ngày nay, xã hội có nhiều thay đổi và phát triển. Đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng “cuốn” vào dòng chảy ấy để thích nghi, phù hợp, nên các nghi lễ, lễ hội truyền thống của cư dân bản địa ngày càng xa dần với đời sống tinh thần, tâm linh của bà con như: Lễ đặt tên, cúng dưỡng lúa, mừng lúa mới, cúng bến nước và đặc biệt là lễ hội uống ăn trâu… 
 
Theo ông K’Broh ở TDP Ka Ming - một trong những người tâm huyết sưu tầm văn hóa K’Ho ở Di Linh cho biết: “Hằng năm, ngoài một số lễ hội được tổ chức ở cánh đồng, đầu làng, bến nước thì những lễ hội lớn, đặc trưng, như mang lúa về kho, mừng lúa mới, ăn uống trâu... thường được tổ chức tại nhà. Tuy mỗi lễ hội mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng có điểm chung là mang lại không khí vui tươi, ấm cúng, lan tỏa đến với cộng đồng. Các lễ hội chính là sợi dây bền chặt, cố kết giữa các thành viên trong cộng đồng, từ việc chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất cho đến việc định hướng cho các thế hệ trẻ nâng cao ý thức bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống”.
 
Trong xã hội hòa nhập, phát triển, hiện đại như ngày nay, bên cạnh các chủ trương, chính sách của Nhà nước, rất cần những người tâm huyết, các nghệ nhân, ý thức của người dân, cộng đồng để lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa. Khi còn lễ hội truyền thống, còn nếp nhà dài xưa... thì tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ còn được ngân vang; lúc đó, từ người già cho đến thế hệ trẻ có dịp gặp gỡ, giao lưu qua những bài hát dân gian, diễn tấu cồng chiêng hòa cùng với nhịp điệu múa truyền thống của dân tộc.
 
Theo thống kê sơ bộ, đến nay trên địa bàn TDP Di Linh Thượng 1 và Di Linh Thượng 2 còn khoảng 30 ngôi nhà dài truyền thống còn khá nguyên sơ theo nếp xưa như: nhà già K’Brịp, ông Moul Sơn, K’Mês, K’Dùl, bà Ka Dép...
 
Có thể nói, đã nhiều năm nay, trong đời sống sinh hoạt cộng đồng dưới các mái nhà dài truyền thống của bà con K’Ho ở thị trấn Di Linh dần thiếu vắng tiếng cồng chiêng. “Bà con nơi đây vẫn hy vọng một ngày không xa tiếng cồng chiêng lại được đều đặn ngân vang, để góp phần cho cuộc sống buôn làng thêm phần vui tươi, nhộn nhịp, thu hút đông đảo bà con xa gần cùng tham gia. Có như thế, âm thanh cồng chiêng, cùng nhịp điệu múa của các cô gái bên ánh lửa bập bùng cùng với men say của ché rượu cần... như hòa quyện vào nhau. Đây thật sự là điều mà bà con chúng tôi chờ đợi, được trở về với không gian xưa, với nguồn cội, đó còn là “món ăn” tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc cần được cộng đồng ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nhất là trong cuộc sống hiện đại, xã hội hòa nhập ngày nay” - ông K’Sội - Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận TDP Di Linh Thượng 1 kỳ vọng.
 
NDONG BRỪM