Raxun Gamzatov

08:05, 31/05/2018

Raxun Gamzatovits Gamzatov, nhà thơ nổi tiếng nhất của dòng văn học tiếng Avar, sinh ngày 8/9/1923 ở làng Tsađa Khuzaxki Cộng hòa Đaghextan, trong một gia đình có người bố là một nhà thơ, cũng là người thầy đầu tiên của Gamzatov về thi ca. Những bài thơ đầu tay của ông được viết từ năm 11 tuổi. 

Nhà thơ Raxun Gamzatov
Nhà thơ Raxun Gamzatov
Raxun Gamzatovits Gamzatov, nhà thơ nổi tiếng nhất của dòng văn học tiếng Avar, sinh ngày 8/9/1923 ở làng Tsađa Khuzaxki Cộng hòa Đaghextan, trong một gia đình có người bố là một nhà thơ, cũng là người thầy đầu tiên của Gamzatov về thi ca. Những bài thơ đầu tay của ông được viết từ năm 11 tuổi. 
 
Sau khi học xong trường phổ thông địa phương, ông vào học cao đẳng sư phạm và dạy học. Ông đã chuyển qua các nghề khác nhau, khi thì làm người trợ giúp đạo diễn nhà hát lưu động bằng tiếng Avar, khi là cộng tác viên của tờ báo “Người Bonsevits miền núi”, khi làm việc tại Đài Phát thanh...
 
Từ năm 1945 đến 1950, ông học tại Trường Đại học Văn học mang tên Macxim Gorki ở Matxcơva. Năm 1951, ông trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Đaghextan và làm việc tại đây đến cuối đời. Từ năm 1962 đến năm 1966, ông được bầu vào Xô Viết tối cao Liên Xô, là thành viên Ủy ban Đoàn kết Á-Phi. Ông được trao tặng các danh hiệu Nhà thơ nhân dân Đaghextan, Huân chương Lenin, Anh hùng Lao động Liên Xô, Nhà thơ lớn của thế kỷ XX và giải thưởng Hoa sen của Hội Nhà văn Á-Phi.
 
Tuyển tập thơ đầu tiên của ông xuất bản năm 1943, vào những năm sau đó, ông liên tục cho xuất bản hàng loạt tác phẩm thơ và trường ca: “Núi đồi của chúng tôi” - 1947, “Mảnh đất của chúng tôi”, “Tổ quốc của người sơn cước” - 1950, “Trò chuyện với cha” - 1953, “Năm sinh của tôi” - 1950, “Những ngôi sao trên cao” - 1962... Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất là “Đaghextan của tôi” - 1968, một tác phẩm văn xuôi trữ tình, được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ngoài ra, ông còn dịch và giới thiệu ra tiếng Avar những tác phẩm của các nhà thơ Nga như Puskin, Lermontov, Maiakovxki và viết những bài phê bình văn học.
 
Ông mất ngày 3/11/2003 tại Matxcơva, và được an táng tại quê nhà, trong nghĩa trang Makhachkala dưới chân núi Tarkitau bên cạnh mộ người vợ Patimat (mất năm 2000). Thơ của Raxun Gamzatov được chọn dịch ra tiếng Việt bởi nhiều tác giả như Triệu Lam Châu, Nguyên Anh, Hồ Thượng Tuy, Thái Bá Tân, Bằng Việt... Đặc biệt tập văn xuôi trữ tình “Đaghextan của tôi” được dịch giả Phan Hồng Giang dịch và tái bản nhiều lần, là một tác phẩm được độc giả Việt Nam yêu thích. 
 
Lâm Đồng Cuối tuần xin được giới thiệu về tác giả - tác phẩm của nhà thơ Raxun Gamzatov được rút từ tuyển thơ chiến tranh vệ quốc 1941-1945 “Đợi anh về” (Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông 2017, do các dịch giả Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Văn Minh dịch từ nguyên bản tiếng Nga).

Ðàn sếu
 
Tôi cứ tưởng đôi khi, người lính
Từ chiến trường xa đẫm máu không về
Không nằm lại đâu đó trong lòng đất
Mà hóa thành đàn sếu trắng bay đi.
 
Cho đến tận bây giờ, đàn sếu
Sải cánh bay và tha thiết gọi ta
Nếu chẳng vậy, sao ta thường buồn bã 
Im lặng nhìn đau đáu phía trời xa.
 
Chiều hôm nay, như bao chiều thanh vắng
Tôi thấy đàn sếu trắng trong sương
Cất cánh bay theo đội hình, thẳng lối
Như người đi dàn bước trên đồng.
 
Đàn sếu bay, cất tiếng kêu lần lượt
Như điểm danh lướt dọc chặng đường xa
Phải thế chăng, nghe âm thanh tiếng sếu
Tự muôn đời giống hệt giọng Avar.
 
Như mũi tên, trên bầu trời sải cánh
Trong màn sương mờ ảo chiều giăng
Giữa đội hình vẫn còn dư khoảng trống
Dường như dành tôi một chỗ đó chăng?
 
Rồi một ngày, bay lên cùng đàn sếu
Tôi hòa vào trong xám biếc màu mây
Dưới bầu trời, theo tiếng chim, tôi gọi
Những người thân còn trên cõi đất này. 
 
Những đồng chí ngày xưa
 
Những đồng chí ngày xưa ấy của tôi
Lớp đồng niên sống trên đời ngắn ngủi
Chắc tôi ở trên đời còn lại
Để giữ nguyên kỷ niệm ở đất này.
 
Giữa sa trường, bạn nằm lại nơi đây
Họ nhiều lắm, yêu cuộc đời cháy bỏng
Tôi tự nhủ, tôi cần phải sống
Để kể về đời các anh, ngắn ngủi vô cùng.
 
 
BÌNH NGUYÊN