Khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên lần thứ II

09:11, 24/11/2018

(LĐ online) - Tối 23/11/2018, tại Quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt) đã khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên lần thứ II do Cục Văn hoá cơ sở phối hợp cùng Sở VH-TT-Du lịch Lâm Đồng tổ chức. Đây là sự kiện chào mừng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam và 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

(LĐ online) - Tối 23/11/2018, tại Quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt) đã khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên lần thứ II do Cục Văn hoá cơ sở phối hợp cùng Sở VH-TT-Du lịch Lâm Đồng tổ chức. Đây là sự kiện chào mừng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam và 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.
 
Lời chào K’Nai
Lời chào K’Nai
 Tham dự có ông Nguyễn Công Trung – Cục phó Cục Văn hoá cơ sở, ông Trần Văn Hiệp – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng,  ông Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, thành phố Đà Lạt cùng hơn 300 nghệ nhân đại diện cho 30 dân tộc anh em đến từ các tỉnh Trường Sơn – Tây Nguyên: Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi và các đoàn nghệ nhân khách mời: Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hội An. 
 
Với chủ đề “Trường Sơn Tây Nguyên – đoàn kết, bản sắc và phát triển”, chương trình được mở đầu bằng cảnh diễn “Lời chào K’Nai” của các nghệ nhân K’Ho – Lâm Đồng với cồng chiêng, rượu cần và những vũ điệu say mê. Đám rước vật thiêng của các đoàn nghệ nhân kết hợp trình diễn nghệ thuật cộng đồng và diễn xướng dân gian đã phô diễn những nét đẹp văn hoá đặc sắc trong sinh hoạt đời thường, tín ngưỡng, tâm linh, tái hiện sống động cuộc sống của mỗi dân tộc sinh sống ở đại ngàn Trường Sơn – Tây Nguyên và đại diện các vùng văn hoá Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bắc Bắc bộ, duyên hải miền Trung.
 
 Đại diễn tấu “Cồng chiêng tiếng vọng đại ngàn” là một bản hoà tấu trầm hùng, đắm say của tất cả các nghệ nhân hoà cùng các vũ điệu khoẻ khoắn, nhịp nhàng. 
 
Các đoàn nghệ nhân đã giới thiệu đến liên hoan trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu  qua hội thi trình diễn trang phục truyền thống cùng các tiết mục diễn xướng đặc sắc như: Múa rùa của người Dao (Ba Vì – Hà Nội), Bài chòi (Hội An), Hát múa hầu đồng (Hà Nam), múa trống quân (Vĩnh Phúc), lễ hội truyền thống gắn liền với Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên của các dân tộc Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Pa Kô (Quảng Ngãi), dân tộc M’Nông (Đắc Nông), dân tộc Bana (Kon Tum)...
 
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Công Trung nhấn mạnh giá trị của các di sản văn hoá dân tộc trong sự phát triển trường tồn của dân tộc, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Ngày hội không chỉ tôn vinh các giá trị di sản, trình diễn những nét đẹp văn hoá đặc sắc, các tích trò, dân ca, dân vũ của các dân tộc trong lao động sản xuất, đồng thời trao truyền cho các thế hệ tiếp nối; mà còn là ngày hội đoàn kết gắn bó của các dân tộc anh em sống trên dải Trường Sơn – Tây Nguyên hùng vĩ vì sự phát triển. 
 
Liên hoan diễn ra trong 3 ngày với nhiều hoạt động phong phú như: hội thi trai tài, gái đảm; phiên chợ ẩm thực Trường Sơn – Tây Nguyên, hội thi diễn xướng dân gian văn hoá các dân tộc, trải nghiệm Đà Lạt và đêm hội bế mạc. 
 
Vũ điệu cồng chiêng
Vũ điệu cồng chiêng

 

Bà Nguyễn Thị Nguyên phát biểu chào mừng
Bà Nguyễn Thị Nguyên phát biểu chào mừng

 

Ông Nguyễn Công Trung – Cục phó Cục Văn hoá cơ sở trao cờ lưu niệm cho các đoàn nghệ nhân tham gia liên hoan Đại diễn tấu Cồng chiêng tiếng vọng đại ngàn
Ông Nguyễn Công Trung – Cục phó Cục Văn hoá cơ sở trao cờ lưu niệm cho các đoàn nghệ nhân tham gia liên hoan Đại diễn tấu Cồng chiêng tiếng vọng đại ngàn

 

Trình diễn trang phục truyền thống
Trình diễn trang phục truyền thống

 

QUỲNH UYỂN