Chuyện bên dòng Ða Nhim

08:01, 17/01/2019

Trời mưa rả rích, hết ngày qua đêm. Cả đoàn người nằm chờ ở binh trạm. Lệnh của cấp trên là phải gấp rút vượt sông Đa Nhim về nhận nhiệm vụ tác chiến mới.

Trời mưa rả rích, hết ngày qua đêm. Cả đoàn người nằm chờ ở binh trạm. Lệnh của cấp trên là phải gấp rút vượt sông Đa Nhim về nhận nhiệm vụ tác chiến mới.
 
Đoàn người lặng lẽ bước theo chân người giao liên đi lần về bến sông. Trời tối mịt, thỉnh thoảng lóe lên một vài tia chớp, mặt sông về đêm càng mênh mông lai láng. Quần áo tư trang gói gọn trong bọc ni lông, súng gác lên bọc, trên người chỉ còn độc chiếc quần đùi. Cái lạnh thấm sâu vào da thịt, toàn thân An run lên bần bật.
 
Bơi càng ra xa, nước càng chảy mạnh, anh cố đạp chân lượn theo dòng nước trườn tới, nhưng nước vẫn đẩy anh đi càng lúc càng xa điểm xuất phát. An không dám kêu cứu vì la lên địch phát hiện sẽ bắn cối hàng loạt về phía bến sông. Anh tự trấn tĩnh “Lúc này mình phải bình tĩnh, không nên hoảng hốt, dễ sặc nước và không biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Một dòng xoáy mạnh, nhấn chìm người và súng xuống nước, trong lúc nguy cấp tay anh vớ được cành cây từ một cây to đổ ngang sông. Lòng mừng thầm mình vừa thoát chết.
 
Lên bờ, đêm tối mịt anh không tài nào xác định được vị trí mình đang ở đâu. Một ánh chớp lóe lên, An phát hiện ra nơi mình đứng gần một gốc cây, bên cạnh là một cái chòi canh rẫy. Một thoáng suy nghĩ: “Mình phải cảnh giác” coi chừng có người. Anh trườn người lần tới hiên mái chòi, những giọt mưa rả rích vẫn gõ đều lên mái tôn, áp tai vào vách ván, không nghe động tĩnh gì bên trong. Lần mò tìm được cửa, nhưng cửa có khóa, An dùng dao lê cạy vách ván bìa vào được bên trong anh thấy người đỡ lạnh hơn.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Trời mờ sáng, An quyết định mặc áo mưa rời khỏi chòi. Vì ở trong chòi sẽ bị lộ, anh ra tìm vườn su su chui vào bên trong ẩn mình quan sát. Chừng hơn 2 giờ đồng hồ sau trời đã sáng rỡ, xuất hiện trên đường mòn một cô gái mặc áo mưa, chân bước đi thoăn thoắt về hướng nhà chòi. Một làn khói lam quyện quanh mái nhà, cô gái tay nhóm lửa miệng hát líu lo. Lúc này mưa lạnh len vào cơ thể An, thôi thúc anh tiến lại phía chòi tìm lửa ấm. Khi cô gái vừa bê tấm ván lên chỗ cũ thì phát hiện ra An. Cô hoảng hốt miệng ú ớ chưa kịp la. An nhanh chóng đưa tay lên miệng “suỵt”, tay kia che miệng cô lại.
 
- Tôi không làm hại cô đâu, tấm ván này do tôi tháo ra.
 
Cô gái buông tấm ván, ngồi thừ người bên bếp lửa. Một tay chận lên ngực, tay kia làm dấu thánh giá, miệng lẩm bẩm
 
- Lạy Chúa tôi… lạy Chúa tôi, xin đừng hại tôi.
 
- Tôi không làm điều gì hại cô đâu, đêm qua tôi bị nước cuốn trôi vào đây.
 
- Vậy!... Ông là… là… Việt Cộng. Xin ông đừng bắn.
 
An dựng súng bên vách ván, nhặt những cành củi khô cho thêm vào bếp, ngọn lửa cháy bùng lên, không khí trong chòi lúc này thật ấm áp.
 
- Cuộc gặp hôm nay xin cô đừng để lộ cho ai biết.
 
Cô gái không nói gì thêm, lúc này cô đã bớt run, hơi thở đã nhẹ nhàng hơn, len lén nhìn ông Việt Cộng, thở ra một hơi dài. Bây giờ An mới nhìn rõ mặt cô gái ở tuổi mới lớn, anh nghĩ thầm “Đẹp như Đức Mẹ Đồng Trinh”.
 
- Cô ra đây làm gì? Sao đi sớm vậy?
 
- Dạ… dạ… Con đi thăm rẫy bắp, xem nước có ngập không.
 
Miệng nói tay đẩy những thanh củi lớn vào bếp, tay kia vớ chiếc xoong, cho mấy trái bắp non mà cô vừa hái vào nấu. An xích lại gần bếp lửa, ngồi đối diện với cô bé anh hỏi thăm về gia đình, hỏi thăm về quê hương xứ Đạo phá tan sự im lặng. Không khí bây giờ có phần thân mật hơn. Thời gian cứ chầm chậm trôi đi, nồi bắp luộc đã chín, bốc khói lên nghi ngút. 
 
- Mời ông ăn cho đỡ đói, chắc ông chưa ăn gì?
 
An chỉ chờ lúc này, cơn đói cồn cào suốt đêm qua người cứ bứt rứt khó tả. Vừa nhai từng hạt bắp non, An có cảm giác sao mà nó ngon chi lạ. Vừa ăn, anh vừa suy nghĩ, làm sao phải kéo dài thời gian, giữ chân cô gái lại đây cho đến tối, nếu để cô gái về sớm, mình sẽ bị lộ mất.
 
- À!... Bé ơi! Cô tên gì nhỉ? 
 
- Con tên là Quỳnh Hương.
 
- Năm nay học lớp mấy?
 
- Dạ, năm nay con học lớp đệ nhị.
 
An ngồi tính nhẩm, lớp đệ nhị tương đương với lớp 9 (hệ 10 năm) ngoài Bắc, rồi anh giới thiệu về quê mình: - Quê tôi ở miền trung du, có núi đồi, có đồng ruộng như vùng này. Năm 1971 đang học năm thứ hai ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, giã từ bạn bè, thầy cô, giã từ bờ tre, gốc lúa, làng quê thân yêu lên đường đi đánh giặc giải phóng miền Nam.
 
Ngoài trời đã nhá nhem tối, cô gái xin phép ra về: - Ông cho con về để bố mẹ khỏi ngóng trông, ở lâu sẽ không hay.
 
Một lời van xin cũng là một lời thách thức để An phải suy nghĩ. Ra khỏi chòi mỗi người đi mỗi hướng, cô gái ù té chạy nhanh về nhà.
 
*
 
5 năm sau ngày giải phóng, một lần đi truy quét Fulro ở vùng núi Gia Ú - Gia Vé giáp với huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận, An và đồng đội lọt vào ổ phục kích, đơn vị anh chống trả quyết liệt trước các loạt súng của bọn Fulro. Bỗng một quả M.79 nổ ngay trước mặt, An ngã xuống và ngất đi.
 
Nơi đây là ở đâu? - An hỏi.
 
Dạ, trạm xá huyện. - Cô y sỹ trả lời.
 
Tôi vào đây lúc nào?
 
Dạ tối hôm qua. 
 
Một vài ngày sau, vết thương trên vùng đầu đã bớt nhức, An gặp lại cô y sỹ có đôi mắt to tròn.
 
Ông không nhận ra em sao? Em là Quỳnh Hương, người con gái gặp ông ở chòi giữ rẫy bắp năm nào, ông còn nhớ không?
 
A… À! Tôi nhớ ra rồi. Gần 10 năm rồi còn gì. Thảo nào trông quen quen, ai ngờ trái đất tròn lại gặp nhau… Bây giờ đừng gọi bằng ông nữa, nghe xa lạ quá!  
 
Những ngày ở trạm xá huyện, Quỳnh Hương tận tình chăm sóc vết thương cho An, tình cảm giữa 2 người ngày càng gần gũi, thân thiết hơn.
 
Tối nay có chiếu bóng ngoài bãi, em đưa anh đi xem nhen?
 
An ầm ừ… trong lòng thì muốn, nhưng miệng thì e:
 
Ừ thì cùng đi xem. Nhưng chân anh còn yếu.
 
Em sẽ đỡ nạng cho anh.
 
Trong bãi chiếu bóng, người ta thấy hai mái đầu ngồi bên nhau. Cũng từ đêm ấy An ngỏ lời yêu Quỳnh Hương. Họ đã đến với nhau bằng mối tình trong trắng, thánh thiện, bằng tình yêu thương đầy ắp kỷ niệm. Quỳnh Hương thủ thỉ bên tai An:
 
- Anh biết không? Đêm chia tay anh về em không sao ngủ được, hình ảnh của anh cứ hiển hiện trong em, sao mà đáng thương đến lạ lùng. Em thấy Việt Cộng đâu có ác như người ta nói.
 
- Nói thế nào hả em?
 
- Người ta bảo Việt Cộng là loại người khát máu, gặp con gái thì rút hết móng tay, móng chân. Bây giờ em thấy anh cũng…
 
- Cũng sao hả?
 
- Cũng dễ thương.
 
- Dễ yêu chứ!
 
Những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, chuyện một cán bộ có quan hệ yêu đương lén lút với một cô gái xứ đạo là một việc không thể chấp nhận. Cuộc họp Chi bộ tiến hành kiểm điểm đồng chí Trung úy Ngô Văn An do Trung tá Năm Giáo chủ trì. Biên bản nêu rõ: Việc làm của đồng chí An, ngoài việc quan hệ với cô gái xứ Đạo và nghiêm trọng hơn là đã có con với cô ấy, nhưng không báo cáo với tổ chức. Trước đây, Chi bộ đã nhiều lần góp ý nhưng đồng chí vẫn bảo thủ không nghe. Nay Chi bộ kết luận, đồng chí An là một cán bộ thoái hóa biến chất, đề nghị đưa ra khỏi Đảng.
 
Một vài đảng viên trong Chi bộ đã phát biểu ý kiến bảo vệ An, nhưng đa số vẫn biểu quyết hình thức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.
 
An lặng lẽ ngồi nghe hết ý kiến của đảng viên trong Chi bộ, từ tốn lấy khăn tay lau những giọt mồ hôi trên trán, rồi chậm rãi nói:
 
Tôi rất cảm ơn Chi bộ, cảm ơn các đồng chí đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian qua. Tôi với cô y sĩ Quỳnh Hương không có tội, chúng tôi trai chưa vợ, gái chưa chồng đến với nhau là lẽ thường tình. Mặt khác, cô ấy đã bảo vệ tôi trong chiến tranh và chăm vết thương của tôi trong thời bình. Tôi xin khẳng định với các đồng chí, đó là một con người tốt. Dù vậy, tập thể chi bộ đã thống nhất thì tôi xin chấp nhận. Nhưng giọt máu của tôi mà cô ấy đang mang tôi không thể bỏ được vì đó là con tôi.
 
Kể từ hôm ấy An về sống chan hòa với bà con ở xóm đạo, bên dòng sông Đa Nhim như những ngày anh cùng đơn vị về đây huấn luyện dân quân. Cuộc sống cứ tưởng bình yên như dòng nước Đa Nhim hiền hòa. Nhưng trong lòng An, cứ ray rứt, người trở nên bần thần như người mất hồn, làm trước quên sau. Làm sao anh quên được những năm tháng trong quân đội với bao tấm lòng yêu thương của đồng chí đồng đội. Thời gian trôi đi những kỷ niệm đời lính giờ đây chỉ là ký ức một thời trai trẻ hào hùng.
 
Năm 1986, khi đất nước chuyển mình, bước vào công cuộc đổi mới, nghị quyết của Trung ương, mỗi huyện sẽ là một pháo đài trên các mặt trận kinh tế, quốc phòng, an ninh xã hội. Trước nhu cầu cấp bách, khi xã hội bước vào thời kỳ chuyển hóa từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang phát triển một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi cán bộ phải thật sự có năng lực, có trình độ mới đáp ứng được công việc thường ngày. Trạm y tế huyện đã cử Quỳnh Hương đi học lớp bác sĩ chuyên tu. Một buổi sáng tháng giêng, nắng xuân nhẹ mơn man trên cành hoa mai. Từng cơn gió nhẹ thoảng qua bên bến sông năm nào, giờ đây An tiễn đưa vợ lên đường vào đại học.
 
Em yên tâm học cho thật tốt và luôn luôn tâm niệm phải phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội. Mọi việc ở nhà đã có anh lo.
 
Hai năm sau anh nhận được thư của Quỳnh Hương từ trường đại học y dược “… thành phố… ngày… tháng… năm… Anh thân yêu, khi em viết những dòng thư này, anh sẽ vô cùng ngạc nhiên. Nhưng trước tiên, em báo cho anh một tin vui, hiện nay em đã là đồng chí của anh… Anh biết không? Một lần đi thực tế ở xã đảo Thanh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, em đã đội mưa, dùng thuyền vượt biển để đưa một sản phụ lớn tuổi mắc bệnh cao huyết áp, thai nhi lại lớn, vả lại đây là con so nên rất khó sanh nhưng em cùng ê kíp đã kịp thời đưa về bệnh xá huyện. Tại đây em là người trực tiếp đỡ đẻ, kết quả mẹ tròn con vuông. Nhà trường biểu dương việc làm của một y sinh quên thân mình để cứu người trong lúc nguy cấp. Đảng ủy nhà trường quyết định kết nạp em vào đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân…”.
 
Truyện ngắn: VÕ TRẦN PHÚ