Ngày xuân Đà Lạt đọc thơ Nông Quy Quy

02:01, 31/01/2019

Lật từng trang thơ trong tập "Chiều ơi chảy nhé" (NXB Hội nhà văn, 2017) của Nhà thơ Nông Quy Quy không hiểu sao tôi không rời được bài thơ "Nồng nàn tháng giêng", bài thơ thứ tư trong tập thơ...

Lật từng trang thơ trong tập “Chiều ơi chảy nhé” (NXB Hội nhà văn, 2017) của Nhà thơ Nông Quy Quy không hiểu sao tôi không rời được bài thơ “Nồng nàn tháng giêng”, bài thơ thứ tư trong tập thơ. Mặc dù trong lời “Giao cảm”, tác giả đã tâm sự: “... những gì tôi trao gửi trong thơ là sự trải lòng trong nỗi ám ảnh của sự lìa xa mất mát, khắc khoải riêng tư...”, nhưng có lẽ “ám ảnh” về tháng giêng gợi lại mối đồng cảm nào đó đã cột chặt tôi với những lời thơ thủ thỉ êm êm mà sâu lắng lạ lùng.
 
Hãy đọc lại toàn bài thơ một lượt để lắng lại lòng mình:
 
NỒNG NÀN THÁNG GIÊNG
 
Tháng giêng đã gọi hoa đào thức
giữa buổi chiều nghiêng, Đà Lạt nghiêng
vòm hoa nhóng nhánh môi con gái 
thơm tựa bài thơ ai bỏ quên
 
Đà Lạt cùng em choàng khăn ấm
mộng đời trôi trên phiến lá xanh
Đà Lạt - Tháng giêng và gió lạnh
gõ xôn xao trong giấc mộng hoa đào
 
Đà Lạt - ngẫu nhiên... một mối tình
tháng giêng về rót một lời yêu
chiều nghiêng quá trên vòm hoa nở muộn
màu nguyên xưa, ai níu vội bên đường?!
 
Đã chớm hoàng hôn rờn rêu cỏ
người về để lại dấu chân quên
nghe chừng thơm quá hương con gái
biết chiều còn giữ lại màu: Em!?
 
Cái níu kéo ban đầu tưởng chừng chỉ là do biểu hiện cảm tính nhưng thâm nhập vào bài thơ, từ níu kéo đã trở thành lôi cuốn. Có một sự đồng điệu nào đó trong cảm nhận về tháng giêng ở vùng xứ lạnh mà tác giả cũng như người đọc thơ chọn nơi đây làm quê hương thứ 2 của mình. Tháng giêng Đà Lạt và tháng giêng quê cũ xa nhau lắm chứ! Xa không gian, xa thời gian nhưng không xa lạ với những khăn ấm, gió lạnh, hoàng hôn rờn rêu cỏ, dấu chân quên người về để lại. Chỉ có “hoa đào thức giữa buổi chiều nghiêng, Đà Lạt nghiêng” là khác, là chỉ của Đà Lạt.
 
Cách nói của nhà thơ cũng khác lạ lắm: 
 
- “vòm hoa nhóng nhánh môi con gái
thơm tựa bài thơ ai bỏ quên”
- “Đà Lạt - Tháng giêng và gió lạnh
gõ xôn xao trong giấc mộng hoa đào”
-  “người về để lại dấu chân quên”.
 
Nhất là với câu thơ “chiều nghiêng quá trên vòm hoa nở muộn”, ta dễ cảm nhận tư thế “nghiêng” của “chiều” và “vòm hoa”. Nhưng “quá” là trạng thái nhích gần của khoảng cách không gian hay độ lùi vô tình của dòng chảy thời gian đây? Khổ thơ đầu đã có hình ảnh “chiều nghiêng”, “Đà Lạt nghiêng” trên vòm hoa nhóng nhánh thơm môi con gái. Nhưng đến đây, từ “quá” làm tăng cung bậc “nghiêng” của chiều Đà Lạt và tăng cả cung bậc người đã từng trôi “mộng đời trên phiến lá xanh” để nay vòm hoa đã đến kỳ “nở muộn”. Cái lung linh của câu thơ cứ để người đọc cảm nhận, nhập hồn.
 
Cái khác lạ có vẻ thơ ngây ẩn chứa trong mỗi hành động “gọi hoa đào thức”, “gõ xôn xao trong giấc mộng”, “giữ lại màu: Em!?”... có phải là loại ngôn ngữ “điệu đàng” của thơ?
 
Chỉ với 4 khổ thơ, toàn bài 16 câu thơ 7 tiếng, “Nồng nàn tháng giêng” “đã gọi hoa đào thức”, từ đó đánh thức “mộng đời trôi trên phiến lá xanh”, đến đánh thức “một mối tình... về rót một lời yêu” “trên vòm hoa nở muộn”, để khi “hoàng hôn rờn rêu cỏ”, người thơ nhớ “người về để lại dấu chân quên” mà thương mùi “hương con gái” biết ai còn giữ lại? Người thiếu nữ thơ ngây xây “mộng đời trên phiến lá xanh” và khi tình yêu qua rồi, hoàng hôn đến với tuổi đời thì màu tháng giêng chỉ còn là màu tiếc nuối. Từ màu xanh của tuổi hoa niên đến màu tàn tạ của rêu cỏ là thời gian đong đầy nỗi niềm mà tháng giêng chỉ là dịp để nhớ về.
 
Tập thơ chọn lọc 72 bài thơ với nhiều đề tài như tác giả đã giãi bày: “... niềm vui tìm đến trong nắng gió, sương trăng, hoa cỏ, trong phố xá quê hương, bạn bè thân ái và mộng thực chan hòa ...” (Giao cảm). Riêng đề tài về “Tháng giêng”, về “Mùa xuân Đà Lạt hoa đào”, dù với cảm xúc chủ đạo hay những tình cảm gắn kết, ý thơ này chỉ xuất hiện trong 7 bài thơ. Ngoài “Nồng nàn tháng giêng” (trang 10) còn có thể kể thêm các bài thơ “Hương xuân” (trang 8), “Xuân đầy” (trang 17), “Tháng giêng ngoan” (trang 27), “Mùa xuân tình yêu” (trang 58), “Cám ơn hoa đào” (trang 70), “Trong một khoảng trời” (trang 85). Điều dễ nhận thấy ở những bài thơ xuân Đà Lạt của Nông Quy Quy là nghệ thuật ngôn từ mới mẻ, có tính chắt lọc. Ngoài những tín hiệu đã liệt kê trong bài thơ “Nồng nàn tháng giêng” kể trên, ta còn bắt gặp trong những bài thơ xuân Đà Lạt của Nông Quy Quy những tứ thơ giàu hình tượng:
 
- “Mùa trôi trên búp tay thon
nửa như ma mị, nửa còn trinh nguyên 
Ngày ươm lên cánh môi duyên
tay người là gối trong đêm nguyệt cầm” 
(Xuân đầy)
 
“Mùa”, “Ngày” không chỉ là 2 khái niệm thời gian mà đọc lên nghe như bước chân xa gần “bâng khuâng”, “huyễn hoặc” của người “khoác áo tình nhân” bất ngờ thoáng qua. Tên bài thơ “Xuân đầy” còn khiến ta nghĩ đến tứ thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mạc Tử ngày xưa.
 
- “Mùa giăng trên cành biếc
chồi bung bầy lá non
nắng vàng lên từng chút
khỏa lên ngày nét son”
(Mùa xuân tình yêu)
 
“Mùa giăng”, “chồi bung”, “nắng khỏa” là những chi tiết tả thực bình thường, gắn với “cành biếc”, “lá non”, “nét son” cũng là những chi tiết tả thực bình thường nhưng những câu thơ 5 tiếng đọc lên vẫn thấy có cái gì lưu luyến, hòa quyện. Có lẽ là do cách sắp đặt điệp thanh bằng trắc 3 tiếng sau của 2 cặp vần “trên cành biếc”, “bầy lá non”/“lên từng chút”, “ngày nét son”?
 
“Một ngày người đón đưa ta
là ngày chỉ có hoa và người thôi”
(Cám ơn hoa đào)
 
Cái lạ của câu bát trong cặp lục bát này là nhịp thơ. Nếu thể hiện nhịp theo thi luật lục bát hay những cách biến thể thường gặp thì không đọc được ý câu thơ này. Nhịp câu bát ở đây phải là “là ngày chỉ có hoa/và/người thôi” (5/1/2)
 
Viết về tháng giêng - mùa xuân Đà Lạt, thành phố ngàn hoa của muôn hồng nghìn tía đua sắc, bản lĩnh Nông Quy Quy chỉ dừng lại ở mỗi cành đào. Nhưng hoa đào trong “Nồng nàn tháng giêng” không phải là chi tiết gợi hình mà nổi trội là tính biểu cảm. Hoa đào được đánh thức để làm điểm tựa cho những nỗi niềm. Thơ Nông Quy Quy phần lớn không sa đà vào miêu tả ngoại cảnh mà lắng sâu vào những uẩn khúc nội tâm. Tiếng thơ là tiếng lòng giãi bày, tâm sự. “Chiều ơi chảy nhé” là tập thơ thứ tư của nhà thơ đã được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải năm 2017. Với ngôn từ mới lạ, câu thơ không gò bó, ý tứ đằm thắm, thâm trầm, thơ Nông Quy Quy không phải đọc để chỉ cảm nhận vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên mà còn ngấm sâu vào lòng người những tâm tư thầm kín, những tình cảm sâu lắng dành cho Đà Lạt, cho quê hương đất nước và những người thân yêu.  Là hội viên Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số, Xuân Kỷ Hợi - 2019 lại về, thi đàn còn chờ những sáng tác mới tiếp theo của nhà thơ.
 
NGUYÊN VŨ