Tết đang vào nhà

02:01, 31/01/2019

Chị đạp xe uể oải như người sắp chết. Những vòng xe nặng trịch dưới đôi chân chai sần, thô ráp của chị. Từ chỗ làm về nhà chỉ cách có một cây số nhưng thật xa xôi. Ba lần chị suýt tông vào người đi bộ vì lơ đễnh...


Chị đạp xe uể oải như người sắp chết. Những vòng xe nặng trịch dưới đôi chân chai sần, thô ráp của chị. Từ chỗ làm về nhà chỉ cách có một cây số nhưng thật xa xôi. Ba lần chị suýt tông vào người đi bộ vì lơ đễnh. Đến nhà, chị đẩy xô mạnh cửa rào bằng tre đến độ ngã chỏng chơ. Tiếp theo là âm thanh “rầm” - chiếc xe đạp nằm một góc. Chị ngồi phịch xuống ván, mặt vẫn “đằng đằng sát khí”. Mới hớp ngụm trà, chị đã hét toáng lên:

 
- Pha trà gì mà đắng thế? Cuộc đời đã đắng chát chưa đủ khổ sao?
 
    Anh chồng nghe tiếng oang oang ở nhà trước, biết là vợ về nên chống nạng đi lên:
 
- Chuyện gì mà em to tiếng thế? Cuối năm rồi, đừng để nhà hục hặc mất vui. Con mà nghe được thì tội cho nó. 
 
Chị vẫn chưa hết bực mình, trút giận sang cả chồng:
 
- Chính vì cuối năm nên tôi mới bực mình nè! Nay là ba mươi Tết rồi mà nhà không có đồng xu lấy gì sắm sửa trong nhà, mua quần áo cho con…?
 
- Vậy không lẽ chỗ xưởng gạch của em chưa trả lương sao?
 
- Nếu mà chưa trả lương, có thể tôi sẽ không như vậy. Bọn chủ bất lương trốn nợ cao chạy xa bay rồi, một đồng cũng không có. Bao nhiêu người chết dở sống dở trong cái tết này!
 
- Anh hiểu, sau một tháng lao động cực nhọc, bị giật lương ai chẳng bực. Nhưng mà thôi, chuyện không may cứ bỏ qua đi, giờ nóng giận cũng chẳng giải quyết được gì!
 
- Anh mà hiểu cái quái gì chứ! Có ai hiểu hoàn cảnh của tôi không nè trời. Sao đời tôi khổ thế này…
 
Không nói thêm câu nào, anh lặng lẽ chống nạng bỏ ra sau hè đưa võng. Câu nói của vợ vừa rồi như dao cứa vào tim anh. Đau lắm chớ. Nhục lắm chớ. Phận làm chồng, làm cha phải là trụ cột vững chắc, ra ngoài xã hội kiếm thật nhiều tiền về lo cho gia đình. Nhưng anh thì khác. Sau lần tai nạn công trình, gã thợ hồ chăm chỉ lao động như anh trở thành người tàn phế. Chân trái của anh dù đã được nối xương nhưng đi còn không vững chứ nói gì đến làm việc nặng. Dù may mắn sống sót sau cú ngã từ lầu 3 xuống đất, nhưng cũng từ đây, gia cảnh vốn dĩ đã nghèo lại thêm khốn khó. Mọi năm, nghèo thì nghèo nhưng cũng có nồi bánh tét, hũ dưa cải, lọ dưa kiệu và vài thứ mứt do vợ làm. Mỗi cái một ít thôi nhưng cũng đủ cho 3 thành viên vui vẻ trong mấy ngày tết. Còn năm nay, chắc là “treo mỏ”. Cả tháng lương của vợ anh đã đi tong. Anh không giận vợ, ngược lại hiểu tình cảnh mà vợ mình phải hứng chịu. Từ lúc anh bị tai nạn, bao nhiêu là việc một tay vợ anh gánh vác. Nặng quá, mỏi mệt quá khiến đôi vai thon mềm của vợ anh chai sần, sức khỏe hao mòn, tâm lý bất ổn nên bực mình là lẽ tất nhiên. Anh chỉ giận mình, giận xã hội mà thôi…
 
***
 
Cái nắng của trưa ngày ba mươi tết xuyên qua kẽ lá, dù dịu nhẹ nhưng cũng đủ làm anh giật mình dụi mắt. Choàng tỉnh, anh thấy vợ ngồi ngay bên mình:
 
- Trưa rồi, anh vào nhà kẻo nắng. Vô ăn cơm với em.
 
Chị thay đổi tính tình đến 360 độ. Người lạ gặp tình cảnh này có thể thảng thốt. Nhưng với anh, chuyện này là bình thường. Anh quá hiểu tính vợ, nóng đấy rồi cũng nguội đấy thôi:
 
- Em hết bực mình rồi sao?
 
- Hết rồi! Em không muốn nghĩ đến chuyện đó nữa… Cho em xin lỗi vì nặng lời với anh!
 
Anh ngồi nhìn kỹ vợ. Những lúc này, sao cô ấy dễ thương quá, đáng yêu quá đi mất. Anh không đòi hỏi gì hơn thế. Con người sống đều trải qua những cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố-ai-cụ-dục, tránh sao được. Âu đó cũng là để cân bằng tâm lý, nếu không sẽ không còn là người bình thường nữa. Khẽ vuốt mái tóc vợ, anh giật mình khi thấy có vài sợi tóc bạc. Vì lo âu quá, làm việc không ngơi nghỉ, quên chăm sóc bản thân nên trông vợ anh hốc hác, già trước tuổi so với những người phụ nữ trong xóm. Nhưng mặc kệ! Anh yêu vợ mình vì vẻ đẹp tiềm ẩn: ngày xưa, bây giờ và cả về sau. Sực nhớ đến chuyện tiền bạc, anh vội móc ví đưa vợ:
 
- Sáng anh bán vé số, có vị khách “sộp” trúng giải sáu 20 tờ nên họ mua hết vé số của anh luôn. Đã vậy họ còn lì xì anh năm trăm nghìn đồng lấy lộc. Em cầm lấy mà mua đồ trong nhà.
 
Sáng giờ lo vụ lương ở xí nghiệp mà chị quên béng chuyện chồng mình có mặt ở nhà giờ này. Mọi ngày, 5 giờ sáng anh đã ra đường rồi. Đến trưa mới chống nạng về nhà dùng cơm rồi lại đi tiếp mãi cho đến 9 giờ tối mới có mặt tại nhà. Hóa ra anh về quá sớm là vì “vô mánh”.
 
- Tiền lời vé số em lấy, nhưng tiền khách tặng anh giữ mà tiêu. 
 
- Anh cũng có sắm sửa gì đâu. Mấy ngày tết đi bán anh đoán lời cũng khá, vả lại đến nhà nào họ cũng mời ăn uống, có tốn kém chi.
 
- Cực cho anh quá! Thôi được rồi! Để em giữ. Em biết bao nhiêu đây dù không nhiều nhưng em nghĩ có thể mua được nhiều thứ. Không có tiền thì mình sẽ ăn tết tiết kiệm nhé anh!
 
- Em biết nghĩ thế là tốt! Chẳng bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là thiếu, em ạ! Do con người chúng ta cầu toàn thôi. Nhà mình cũng có đầy rau củ, gà vịt, lo gì! Quan trọng mua cho thằng nhóc một bộ đồ đi chơi tết.
 
- Ý chết, anh nhắc tới con em mới nhớ! Thôi em đạp xe ra ngoại rước thằng bé rồi đi chợ tết kẻo muộn.
 
Chị nói rồi xách giỏ đi ngay! Hai vợ chồng bỏ bữa cơm trưa. Anh cảm thấy no vì cuộc trò chuyện thú vị với vợ. Gia đình hạnh phúc phải bắt đầu từ sự nhân nhượng, nhẫn nhịn, nhún nhường. Giật mình vì sắp đến thời khắc rước ông bà, anh vội đi làm chú gà trống thiến đã cột dây sẵn. Ngoài ngõ, bà Tám hàng xóm mang cặp bánh tét với hũ dưa kiệu biếu vợ chồng anh ăn lấy thảo. Tết đang vào nhà từ những điều bịnh dị như thế.
 
Truyện ngắn: VŨ THANH THANH
Minh họa: PHAN NHÂN