"Khúc hát đồi thông" đồng vọng non ngàn

08:01, 24/01/2019

Tôi gặp nhạc sĩ Mạnh Đạt tại Trường Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia) vào khoảng cuối năm 1976 - khi ấy tôi là nhạc sinh Khoa Nhạc cụ truyền thống. Phải nói, thời bấy giờ anh đã là người nổi tiếng với cách chơi Accordéon cho ca sĩ hát và đệm đàn một số nhạc cụ dân tộc độc tấu.

Cố nhạc sĩ Mạnh Đạt
Cố nhạc sĩ Mạnh Đạt
Tôi gặp nhạc sĩ Mạnh Đạt tại Trường Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia) vào khoảng cuối năm 1976 - khi ấy tôi là nhạc sinh Khoa Nhạc cụ truyền thống. Phải nói, thời bấy giờ anh đã là người nổi tiếng với cách chơi Accordéon cho ca sĩ hát và đệm đàn một số nhạc cụ dân tộc độc tấu. Ngày đó, anh hình thành một nhóm nhạc gọn nhẹ là những sinh viên tên tuổi như: Ái Vân, Lệ Quyên, Quang Thọ, Quang Huy, Doãn Tần, Ma Bích Việt cùng các thầy những nghệ sĩ thành danh: Thao Giang, Kiều Hưng, Quang Phát… tham gia biểu diễn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận rồi lên vùng cao miền biên giới. Năm 1979, nhạc sĩ Mạnh Đạt về lại Trường Âm nhạc Huế giảng dạy Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy.
 
Cuối năm 1980, tôi vào công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin Lâm Đồng. Không biết cơ duyên gì mà đầu năm 1981 tôi và anh lại gặp nhau ở Đà Lạt - lúc ấy anh đang làm việc ở Phòng Biên tập văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. Chúng tôi mừng vui ôn lại nhiều chuyện cũ và bất chợt anh nảy ra ý định hợp thành một nhóm văn nghệ xung kích. Thế là, chúng tôi gồm có: Lương Văn Trung (lái xe), Nguyễn Trung Kiên (kỹ thuật), Anh Dũng (ca sĩ), Lê Nam (Trompette), Mạnh Đạt, Đình Nghĩ (nhạc sĩ) và anh Nguyễn Đăng Cương - Giám đốc Đài kiêm luôn trưởng nhóm. Cả nhóm văn nghệ cùng nhau đi trên một chiếc Intenational cũ kỹ của Đài thẳng tiến về Nam Ban - Vùng Kinh tế mới Hà Nội. Xe đã thiếu chỗ ngồi, thế mà còn phải mang thêm đàn sáo lỉnh kỉnh, đạo cụ linh tinh, nhưng tất cả chúng tôi đều vui vẻ vượt khó... Cả nhóm rong ruổi sáng tối, sân khấu có khi ở trong rạp, đôi lúc giữa bãi mía nương dâu kể cả trên công trường đang xây dựng. Những cái tên đất, tên làng quen thuộc, những con phố yêu dấu của Thủ đô như Đông Anh, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Mê Linh, Từ Liêm, Hai Bà... trên quê mới vẫn còn in đậm trong chúng tôi. Chúng tôi hát ngợi ca Hà Nội một thời và những sáng tác mới viết về quê hương trong suốt gần một tuần liền. Đi đến đâu bà con cũng nồng nhiệt tiếp đón thân tình. Những bữa cơm đạm bạc, cá suối rau rừng, những buổi liên hoan đặc trưng với đậu hũ, canh dưa, rượu “Quốc lủi”. Tình cảm nồng hậu ấy ai nấy tươi vui đón nhận như về nhà mình vậy.
 
Nhạc sĩ Mạnh Đạt chính thức học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1974, nhưng trước đó anh đã viết nhiều thể loại âm nhạc lớn nhỏ khác nhau; có những đề tài rất đời thường nhưng gần gũi cuộc sống: Đẹp đường em đến trường, Chiếc xẻng con, Gái giỏi quê ta, Hành khúc binh đoàn Trường Sơn, Quê tôi Ngư Thủy... (ca khúc). Ngày hội sắc bùa - Trên đỉnh Hải Vân - Biển và núi... (khí nhạc); Những bước chập chững, Đội thuyền đảm đang... (đồng ca - hợp xướng)... Khi nhạc sĩ Mạnh Đạt mới vào Đà Lạt, nhiều cơ quan, đơn vị, công nông trường xí nghiệp, vùng sâu vùng xa mời anh tọa đàm - trao đổi âm nhạc. Anh nói chuyện có duyên và xúc cảm đến lạ kỳ, giọng hát giọt đàn của anh ma mị - điệu nghệ cuốn hút người nghe. Có lần đang đứng trên bục giảng, anh bỗng rơi nước mắt vì nét đẹp trong câu hát. Cuộc đời anh là một kho tư liệu, anh sưu tầm khai thác, anh sáng tác phát huy âm nhạc trên chất liệu dân ca, dân vũ của vùng miền trong cả nước. Anh có biệt tài nắm từng đoạn, từng câu, thuộc lòng từng giai từ tiết điệu những sáng tác cũ của anh em bè bạn mà ngay cả tác giả đó cũng không còn nhớ đến. Mọi người đều thừa nhận anh là: “Từ điển sống âm nhạc”.
 
Đến với cao nguyên dạt mùa hanh nắng, đến với Đà Lạt gặp suối tóc mềm cho nên nhạc sĩ Mạnh Đạt bừng phát - thăng hoa viết nhiều tác phẩm trong giai đoạn này... Ca khúc hợp xướng “Ơi cánh hoa phù dung” dành cho giọng nam lĩnh xướng 4 bè phụ họa đầy đủ, đối âm, phức điệu, bè đuổi, giai từ vang lên luân phiên, nhẹ nhàng uyển chuyển lời ca có tố chất nhân sinh suy tưởng... “Có những cuộc đời cho tôi giọt buồn/ Có những cuộc đời cho tôi dòng lệ vui...”. Với Romance “Chuyện tình Lang Bian”, là thể loại phức hợp và phải có phần đệm Piano chồng âm. Tác phẩm này đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng. Nhiều ca khúc nghệ thuật của anh: Hãy nói về cuộc sống, Mùa xuân ở mãi nơi này, Nghe tiếng khèn ai, Mùa dâu quê mới, Cánh hoa anh đào..., trong đó “Khúc hát chiều Đà Lạt” là bài ca được nhiều học sinh - sinh viên yêu quý và đông đảo công chúng đón nhận. Tất cả tác phẩm của nhạc sĩ Mạnh Đạt thể hiện dưới hình thức nào vẫn rất cân đối, chỉn chu, gọn gàng, gợi cảm. Anh viết nhanh kịp thời có lúc hô hào tụng ca nhưng trên hết vẫn là những âm giai mượt tình điệu thức biến thể. Ngoài dòng cảm xúc đó, anh còn có một ca khúc mà ít người biết đến đó là “Khúc hát đồi thông”... Không hiểu sao, tôi lại thích và đánh giá cao tác phẩm này, có lẽ vì đây là một sáng tác bất chợt - ngẫu hứng khi anh vừa đặt chân lên xứ lạnh cao xanh mà ca sĩ Anh Dũng có chất giọng Ténor nhẹ bay, thể hiện khá thành công và là người thu thanh đầu tiên trong chương trình “Tiếng hát quê ta” của Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. “Những đồi thông tỏa bóng mênh mông xanh trời Đà Lạt/ hương vờn bay cùng làn sương mai trên mặt hồ xanh soi bóng mây./ Say lòng ai khi bước đến nơi đây,/ nghe khúc nhạc thông rì rào hát câu hát xanh rờn sắc trời cao nguyên,/ tha thiết như lời ước hẹn trao duyên...”. Bài hát kết cấu hai đoạn đơn (A B) - cung thể rê thứ (Dm). Những khuông nhạc mở đầu bồng bềnh lắng lạ, anh khéo léo đẩy quãng 3 thứ đi lên, kéo quãng 4 đúng chùng xuống đan xen vài note ngũ vô cùng gợi cảm. Tôi thầm nghĩ lúc này trong trái tim nhạc sĩ thoáng một “ngăn” cho bóng hồng nào đó. Bởi âm nhạc được pha trộn từ ballade Tây phương sang dân gian miền cao đằm sâu - xanh ngát. Tư duy tác phẩm là một hư không, một khoảng vắng, một bức tranh tình yêu giữa người với người, giữa trời và đất, giữa thiên nhiên hoang hoải, rồi nâng niu, rồi kết tinh, rồi hóa thành thang âm chùm 5 chùm 3 bủa tràn mê thức. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập nhận xét: “Những tác phẩm khí nhạc cũng như thanh nhạc của anh mãi mãi là sự ngợi ca về quê hương, về tình yêu, về sự hào hùng của một dân tộc...”.
 
Năm 1999, trong lúc hưng phấn bởi bàn thắng của đội tuyển bóng đá U21 Việt Nam, bất chợt anh bị tai biến. Mặc dù, trí nhớ và sức khỏe của anh không còn như xưa, nhưng nơi nào tổ chức sự kiện hoặc thơ nhạc là anh nhiệt tình tham gia. Anh còn dự Liên hoan Âm nhạc khu vực do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức vài năm sau đó. Đến khoảng năm 2005 - 2007, sức khỏe anh yếu dần. Anh thường nằm viện, chị Thúy Liễu - vợ anh và các con của anh tranh thủ đưa anh đi chơi nhiều nơi, thăm quê hương, bạn bè, đồng đội kể cả nước ngoài. Và cứ mỗi lần như thế anh hay điện thoại cho tôi, câu đầu tiên: Đình Nghĩ ơi! Dạo này em có viết thêm gì không? Tôi nói với anh: Đoàn Ca nhạc Lâm Đồng mới thành lập tốp nhạc dân tộc Tây Nguyên, em đang viết cho các loại nhạc cụ tre nứa hòa tấu đây. Nghe vậy anh rất vui và nói qua điện thoại: Tốt! Quý lắm đó! Sáng tác âm nhạc dù thể loại nào chăng nữa vẫn phải phát huy từ dân gian em ạ...
 
Đến cuối năm 2008 bệnh của anh phát mạnh và phải nằm ở nhà, lúc này nhiều anh em bạn bè, nhiều người thân thường lui tới thăm anh... Chiều ngày 17/1/2009 (22-12 ÂL), chúng tôi gồm: Nhà thơ Bùi Minh Quốc; nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm; nhà thơ, nhà báo Trần Ngọc Trác; nhạc sĩ Nguyễn Tánh... đã đến thăm gia đình anh trên dốc Hồ Tùng Mậu. Anh cùng chị Thúy Liễu phấn chấn tiếp chúng tôi. Chị Thúy Liễu nguyên là Việt kiều Thái Lan về nước năm 1962 theo tiếng gọi quê hương qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị trở thành diễn viên Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình cùng đơn vị với anh thuộc Quân khu 4. Chị giành được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong nhiều lần hội diễn toàn quân. Chị có chất giọng Soprano cao vút và biểu diễn thành công những bài ca đi cùng năm tháng: Tiếng đàn Ta Lư, Tình ca Tây Bắc, Bài ca hy vọng... Cháu Dương Anh Đào, thiếu tá Quân đội - con gái đầu của anh chị đang công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 7, luôn ở bên cạnh chăm sóc và kéo violon cho anh nghe những khúc nhạc mà anh yêu thích, tiếng đàn dìu dịu đến đâu nước mắt anh lại dạt dài đến đó... Chiều ấy, thần thái của anh lóe sáng rồi quay sang bắt cả nhà kể chuyện hào khí một thời và yêu cầu hát ca khúc phổ thơ Bùi Minh Quốc, nhạc: Phan Huỳnh Điểu. Tất cả chúng tôi cùng vỗ đều nhịp vẫy tay hát... “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp...”. Bất chợt anh nói: Ah... a... không... không!!! Đây, đây là lời của dương gian mới hay nè “Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao dù hàm răng không còn cái nào...”. Rồi anh cười thật hiền, thật hồn nhiên như ngày nào bên bè bạn buồn vui, cụng chén nhấp ly khoe bài hát mới. Chúng tôi nhìn nhau ra về, nghèn nghẹn không ai nói với ai điều gì, chỉ thầm mơ rồi lặng lẽ cúi xin trời đất và mong một điều ước vô biên trong lúc ấy…
 
Đến 23h30 chuông điện thoại rung, tôi hỏi: Xin lỗi ai đầu dây? Giọng nói rất khẽ: Đình Nghĩ ơi! Chị Liễu đây... anh Đạt đi rồi. Tôi nghe rõ nhưng không thốt lên được lời nào chỉ “Dạ” rồi buông vào xa xăm nơi có con sông đồng dao ngày nào với điệu hò câu lý mà anh và tôi thường trao đổi - tranh luận, nhằm đưa dân ca dân nhạc vào sáng tác, để nâng cao giá trị thẩm mỹ trong âm nhạc. Tôi sực nhớ và bật lên câu hát “Cuộc đời ta đó bấy nhiêu trong không gian./ Như làn sương trắng sớm nở tối tàn./ Mặt trời rọi đến, ta bay về ngàn…”. Chớp mắt, ngoái lại gia tài âm nhạc của anh vẫn còn đâu đây trong cung quãng mùa xuân. Bởi “Khúc hát đồi thông” của nhạc sĩ Mạnh Đạt mãi mãi đồng vọng non ngàn...
 
Đà Lạt một ngày cuối năm 2018

 
NS ÐÌNH NGHĨ