Người góp công đầu phục dựng Lễ hội Lồng Tồng

05:02, 09/02/2019

(LĐ online) - Vào mồng 6 Tết hàng năm, người dân xã Phước Cát 1 (nay là thị trấn Phước Cát) và xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên) lại luân phiên tổ chức Lễ hội Lồng Tồng - lễ hội truyền thống của các dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào huyện Cát Tiên sinh sống cách đây khoảng 30 năm...

(LĐ online) - Vào mồng 6 Tết hàng năm, người dân xã Phước Cát 1 (nay là thị trấn Phước Cát) và xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên) lại luân phiên tổ chức Lễ hội Lồng Tồng - lễ hội truyền thống của các dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào huyện Cát Tiên sinh sống cách đây khoảng 30 năm. Lễ hội truyền thống này đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc của những đồng bào xa xứ. Người góp công đầu để phục dựng Lễ hội Lồng Tồng chính là ông Hứa Văn Mông (người dân tộc Tày, 72 tuổi, quê gốc ở Bắc Kạn).
 
Tiết mục hát then, đàn tính được biểu diễn tại Lễ hội Lồng Tồng
Tiết mục hát then, đàn tính được biểu diễn tại Lễ hội Lồng Tồng
Qua rồi thời khốn khó
 
 
Theo lời của ông Hứa Văn Mông, người dân miền núi phía Bắc di cư vào huyện Cát Tiên từ những năm 80. Những năm đầu vào đây, hầu hết bà con đều ít ruộng, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên chỉ chú trọng làm ăn, ít nghĩ đến đời sống văn hóa tinh thần. Đến năm 1999 - 2000, vùng đất Cát Tiên vẫn thường xuyên gặp lũ, vì thế bà con khó khăn ngày càng khó khăn hơn trong việc phát triển kinh tế.  Dần dà, khi các công trình thủy lợi, hệ thống đê điều được đầu tư, các công trình phòng chống lũ được đưa vào hoạt động thì người dân cũng ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và đời sống từng bước được nâng lên.
 
 
Đời sống vật chất ngày được nâng cao nhưng vào những dịp tết đến xuân về thì các hoạt động văn hóa truyền thống của người dân tộc miền núi phía Bắc lại ít được tổ chức. Chính vì thế, người dân thôn Cát Hòa, Cát Điền (hai thôn có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống) đã tự phát làm cột còn, làm cà kheo để vui chơi vào dịp tết vào những năm 2006 - 2007. Cũng trong thời điểm này, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03 về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và Huyện ủy có Nghị quyết về phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc. Do đó, Tết Mậu Tý năm 2008, xã Phước Cát 1 lần đầu tiên phục dựng và tổ chức Lễ hội Lồng Tồng. Ông Hứa Văn Mông cho biết: Xã Phước Cát 1 trước đây (nay là thị trấn Phước Cát) có dân cư đông đúc và nhiều người dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc sinh sống. Mong muốn chung của bà con địa phương là phục dựng được lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là điều kiện, là cơ hội để bà con giao lưu, trao đổi nét đẹp văn hóa giữa các vùng miền. Tại lễ hội, không chỉ những bài hát then, điệu đàn tính được thể hiện mà các tiết mục văn hóa của các dân tộc khác như bài chòi, dân ca và đặc trưng ẩm thực của các vùng miền đều được hội tụ. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết của các dân tộc trên khắp mọi miền về sinh sống tại Phước Cát.
 
Trong Lễ hội Lồng Tồng, cày vỡ đất là một nghi lễ không thể thiếu với ý nghĩa cầu mùa
Trong Lễ hội Lồng Tồng, cày vỡ đất là một nghi lễ không thể thiếu với ý nghĩa cầu mùa
Cầu mưa thuận gió hòa
 
Theo bác Mông,  Lễ hội Lồng Tồng gắn với văn hóa tâm linh của dân tộc. Do đó, tại lễ hội phải có một trong ba thầy cúng là thầy Then, thầy Tào, thầy Bụt để đứng ra tổ chức lễ cúng. Trong năm đầu tổ chức Lễ hội Lồng Tồng, tại địa phương chưa có ai đủ tiêu chuẩn để đứng ra làm thầy cúng, do đó Ban Tổ chức phải qua huyện Đăng Hà (tỉnh Bình Phước) để học hỏi và tìm hiểu về cách thức tổ chức lễ cúng; đồng thời, mời một thầy cúng sang chủ trì phần lễ cúng. Ý nghĩa của phần lễ cúng là cầu mùa, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và chúc xuân, đem lại may mắn cho mọi người. Cũng trong phần lễ này thì các hoạt động như cày vỡ đất, gieo hạt cũng được tiến hành. Sau phần lễ, bà con khắp mọi miền bước vào phần hội với phần mở màn là tung còn có ý nghĩa trình báo về kết quả làm ăn lên thiên đình và cầu thiên đình phù hộ cho dân chúng sang năm được mùa. Màn tung còn cũng chính là hình thức cầu hôn, trao duyên giữa các đôi trai gái. Trên thực tế, tại các Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức trước đây, đã có nhiều cặp đôi được kết duyên sau khi tung còn. Các già làng, lãnh đạo địa phương là những người tung quả còn đầu tiên, sau đó người dân sẽ bước vào các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê, đi cà kheo... Đặc biệt, trên sân khấu các màn biểu diễn diễn hát then, đàn tính và các chương trình giao lưu văn nghệ giữa các vùng miền được trình diễn liên tục.
 
Ông Hứa Văn Mông - người có công đầu trong việc phục dựng Lễ hội Lồng Tồng trên địa bàn thị trấn Phước Cát (huyện Cát Tiên)
Ông Hứa Văn Mông - người có công đầu trong việc phục dựng Lễ hội Lồng Tồng trên địa bàn thị trấn Phước Cát (huyện Cát Tiên)
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
 
Từ khi khôi phục Lễ hội Lồng Tồng, Ban tổ chức thấy rằng trong các lễ hội không thể thiếu tiết mục hát then, đàn tính, do đó cần phải có một tổ chức đứng ra để đảm nhiệm vai trò trọng trách này. Một lần nữa, bác Mông lại đứng ra làm cầu nối để những người có năng khiếu đăng ký tham gia câu lạc bộ hát then,  đàn tính. Bác cũng chính là người xin phép phòng văn hóa thông tin, lãnh đạo địa phương cho phép thành lập câu lạc bộ này vào tháng 2 năm 2014. Khi mới ra mắt, câu lạc bộ có 44 người đăng ký tham gia. Câu lạc bộ hát then, đàn tính thu hút được đông đảo thành viên tại 10 thôn tham gia.  Thôn Cát  Lợi và  Cát An là những thôn có đông người tham gia nhất; trong đó, có nhiều thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và  trưởng thành trên vùng đất Cát Tiên đã tham gia vào câu lạc bộ hát then, đàn tính. Đến hiện tại, đàn tính và các trang phục phục vụ biểu diễn được thành viên tham gia câu lạc bộ tự trang bị. Trên địa bàn huyện cũng đã có người tự làm được đàn tính không chỉ bán cho các thành viên trong câu lạc bộ mà còn bán đi nhiều tỉnh thành khác.
 
Ông Bế Ích Từ - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Phước Cát cho biết hiện tại Lễ hội Lồng Tồng đang được tổ chức luân phiên hàng năm giữa xã Phước Cát 2 và thị trấn Phước Cát. Trong khi đó,  Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội truyền thống của các dân tộc miền núi phía Bắc nên  cần được tổ chức đúng ngày,  đúng địa điểm vào mùng 6 tết hàng năm. Mong muốn của phần lớn người dân là hàng  năm đều duy trì tổ chức một lần tại mỗi địa phương. Qua hơn 10 năm tổ chức, hàng năm Lễ hội Lồng Tồng đã thu hút đông đảo người dân các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh và một số huyện trong tỉnh như Bảo Lâm, Bảo Lộc cũng về tham dự. Các địa phương về tham dự chủ yếu để học tập kinh nghiệm về việc phục dựng Lễ hội Lồng Tồng này; trong đó, có xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã phục dựng thành công Lễ hội Lồng Tồng vào năm 2018. Trong quá trình phục dẫn lễ hội Lồng Tồng tại địa phương thì bác Mông là người có công đầu, là người chủ trì, có công rất lớn trong việc phục dựng  Lễ hội Lồng Tồng và xây dựng câu lạc bộ hát then, đàn tính. Đây chính là cách để bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy góp phần cùng địa phương xây dựng đời sống văn hóa ngày càng tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Trong phần hội, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đâm bù nhìn được đông đảo người dân tham gia
Trong phần hội, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đâm bù nhìn được đông đảo người dân tham gia
 
Hiện tại, Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức luân phiên giữa xã Phước Cát 2 và thị trấn Phước Cát mỗi năm một lần
Hiện tại, Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức luân phiên giữa xã Phước Cát 2 và thị trấn Phước Cát
mỗi năm một lần
 
Bài: Đông Anh - Ảnh: Khánh Phúc