Tôi đã có một giấc mơ Lào

09:03, 12/03/2019

(LĐ online) - Ngày còn bé, những lúc nhàn rỗi, tôi hay nghe Mẹ tôi hát "Ơi này cô, cô gái, ơi, này cô gái Lào/Mình anh hát, mình anh lăm tơi/Múa một mình sao không đẹp, không đẹp, không đẹp, không đẹp/Em hỡi em ra đây cùng khều lăm tơi, khèn anh ngân vang/Trông kìa đôi tay mềm/Thân uốn cong lăm vông nhịp nhàng, nhịp nhàng, nhịp nhàng, nhịp nhàng/ Anh đã nhìn thấy em từ xa, trong tiếng cười ấm vui bạn bè" tiếng hát của mẹ tôi trong những đêm trăng sáng ở Miền trung lẫn trong tiếng máy nổ của những con thuyền chuẩn bị ra khơi lúc to, lúc nhỏ, trải dài trên những ngọn phi lau, nghe như hơi thở của biển cả. 

(LĐ online) - Ngày còn bé, những lúc nhàn rỗi, tôi hay nghe Mẹ tôi hát “Ơi này cô, cô gái, ơi, này cô gái Lào/Mình anh hát, mình anh lăm tơi/Múa một mình sao không đẹp, không đẹp, không đẹp, không đẹp/Em hỡi em ra đây cùng khều lăm tơi, khèn anh ngân vang/Trông kìa đôi tay mềm/Thân uốn cong lăm vông nhịp nhàng, nhịp nhàng, nhịp nhàng, nhịp nhàng/ Anh đã nhìn thấy em từ xa, trong tiếng cười ấm vui bạn bè” tiếng hát của mẹ tôi trong những đêm trăng sáng ở miền Trung lẫn trong tiếng máy nổ của những con thuyền chuẩn bị ra khơi lúc to, lúc nhỏ, trải dài trên những ngọn phi lau, nghe như hơi thở của biển cả. Tôi hỏi mẹ, về cô gái trong câu hát đó, mẹ nói đó là cô gái Lào, đẹp lắm con ạ.Và, mẹ tôi kể về những lần gánh gạo vượt Trường Sơn tiếp viện cho miền Nam thân yêu, trên những cung đường hiểm trở, có lúc phải đi vòng qua các bản làng của đất nước Lào; mẹ tôi nói hồi đó khổ lắm, gánh gạo cho tiền tuyến với định mức có hạn, ngoài ra phải gánh thêm phần gạo ăn của mình (mẹ tôi là dân công hỏa tuyến) nên phải tranh thủ những sản vật của rừng trên dọc đường đi để lót lòng. Thỉnh thoảng lại gặp những người bạn Lào hiền lành, tốt bụng sẵn sàng sẻ cả nắm rau rừng vừa hái cho đoàn dân công Việt Nam. Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng giữa đại ngàn Trường Sơn, bóng dáng anh bộ đội Việt Nam cùng múa Lăm Vông với cô gái Lào xinh đẹp như là một hình ảnh và biểu tượng của hạnh phúc thời chiến mà mẹ tôi và mọi người trong đoàn cứ ngắm nhìn và mơ ước. Mẹ tôi còn kể nhiều lắm, nhưng tôi không nhớ hết. Và từ đó, giấc mơ về nước Lào xa ngái cứ luẩn quẩn trong tôi. Sau này, khi lớn lên, đọc sách địa lý mới biết Lào là một phần không thể chia rời trong vùng không gian văn hóa Đông Nam Á, và không xa lắm như tôi hằng nghĩ. Phía Tây Bắc, Lào giáp với Cộng hòa Liên bang Myanma (230 km) và Trung Quốc (416 km), phía Đông giáp Việt Nam (với đường biên giới dài nhất 2.067 km), phía Nam giáp với Camphuchia (492 km) và phía Tây giáp với đất nước Thái Lan (1.730 km), Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không có biển, chỉ có núi và những cánh rừng xanh bạt ngàn bao quanh và con Sông  huyền thoại Mènamkhoong (Mê Kông) bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải (Trung Quốc), chảy qua Tây Tạng và Vân Nam (Trung Quốc) rồi xuống Myanma, Thái Lan và Bán đảo Đông Dương với 4.800 km, đoạn chảy qua nước Lào dài nhất 1.800 km. Với diện tích 236.800 km 2 và dân số chỉ 6 triệu người, Lào là nước có mật độ dân số khá thấp. Nhìn từ trên cao xuống, nước Lào giống như một thung lũng lớn, được hợp thành từ nhiều thung lũng nhỏ nằm kế tiếp nhau ở các phụ lưu và dọc theo sông Mekong.
 
Lãnh đạo cấp cao của tỉnh Bolykhamxay (Lào) tiếp xã giao Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng
Lãnh đạo cấp cao của tỉnh Bolykhamxay (Lào) tiếp xã giao Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng
Nền kinh tế chủ yếu dựa vào rừng và sông Mekong nhưng với sự nỗ lực của mình, đời sống nhân dân Lào đang ngày một đi lên. Còn được biết đến với những cái tên quen thuộc là “đất nước Triệu Voi” hay “xứ sở Champa”, đất nước Lào được biết đến với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, yên bình và hiền hòa, hiện đang là điểm đến của rất nhiều du khách, đặc biệt là những người Việt Nam anh em. Ngày 21/11/2008, Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ban hành quyết định số 213/QH về việc công nhận số lượng các bộ tộc Lào hiện nay bao gồm 49 bộ tộc và sắc tộc khác nhau, cùng chung sống, sinh hoạt xen kẽ từ Bắc xuống Nam, thuộc 3 nhóm tộc người chủ yếu: Nhóm (1) tộc người thuộc nhóm ngữ hệ Lào-Thay (ở Lào thường gọi Lào Lùm) là cư dân đông đúc nhất và có vai trò quyết định đối với quá trình hình thành quốc gia Lào. Nhóm (2) tộc người thuộc nhóm ngữ hệ Môn-Khơme (ở Lào gọi là Lào Thơng) và nhóm (3) thuộc ngữ hệ Tạng-Miến, Mẹo-Dao, Hán ( ở Lào gọi là Lào Xủng).
 
Đến với đất nước Lào là đến với xứ sở của Phật giáo, nơi có tỉ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới (1.400 ngôi chùa/6 triệu người). Chùa gắn với trường học, gắn cả với đời sống. Lào còn được coi là đất nước của những lễ hội quanh năm, tháng nào cũng có lễ hội. Lễ hội Lào là dịp để mọi người vui chơi, múa hát, và các hoạt động này luôn gắn bó với trong không gian của các ngôi chùa. Xứ sở Champa cũng có nhiều điểm tham quan kỳ thú, hấp dẫn khách du lịch đặc biệt là với các Phật tử và những ai muốn tìm hiểu về Phật giáo. Những chùa tháp, đền đài, những hang động kỳ bí, nhiều thác nước hùng vĩ, những đỉnh núi mây mù và nhiều cánh rừng nhiệt đới dày đặc. Cả đất nước Triệu Voi, cả xứ sở Champa hiền hòa quyến rũ luôn mở rộng vòng tay chờ đón bạn bè gần xa đến thăm và khám phá.
 
Vì sao tình cảm của người dân Việt Nam đối với người dân Lào và ngược lại luôn nồng hậu và tràn đầy tình cảm thắm thiết đến thế? đây là câu hỏi dễ, nhưng không phải lúc nào cũng  có câu trả lời và lý giải một cách khoa học. Bên cạnh những gắn kết trong bối cảnh chính trị, và lợi ích của cả hai nước trong việc chống lại giặc ngoại xâm, theo chúng tôi còn có một gắn kết trường tồn không thể chia cắt đó là gắn kết về văn hóa. 
 
Người Việt và người Lào đều sống hòa hiếu, mềm dẻo, cần cù lao động và trọng nghĩa tình. Người Việt và người Lào cũng có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa - đều là nơi có văn minh lúa nước, có nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống, Phật giáo có ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh và tinh thần. Người dân đều thích trò chuyện hay bộc lộ nỗi niềm bằng thơ ca, hò vè, ca dao tục ngữ... Hai dân tộc láng giềng vốn đã có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lại tăng cường giao lưu, học hỏi lẫn nhau, nên tạo sự giao thoa mạnh mẽ giữa hai nền văn hóa. Ngày nay, nếu có dịp chúng ta tới Buôn Đôn (tiếng Lào có nghĩa là Làng đảo), ngôi làng nhỏ bên sông Sêrêpok do chính người Lào góp công khai phá và khởi phát nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, ta có thể thấy những công trình kiến trúc theo phong cách Lào như ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi của vua voi Khunjunop và ngôi mộ của ông nằm giữa rừng tượng nhà mồ của người M’nông. Vào những ngày lễ hội, nét đẹp văn hóa truyền thống càng hiện rõ, bên cạnh trang phục thiếu nữ Tây Nguyên, người ta còn thấy các cô gái Lào với bộ trang phục khác biệt. Người Lào cũng là một tộc người chế tác cồng chiêng rất giỏi. Trong quá khứ xa xưa, người M’Nông, ÊĐê, Gia Rai, K’Ho, Châu Mạ thường mua những bộ cồng chiêng (Ching Lao) của người Lào để sử dụng. Do đó, người Lào cũng góp công cho các dân tộc Tây Nguyên cất cao âm thanh cồng chiêng, để đến một ngày chính không gian văn hóa cồng chiêng này được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền miệng và di sản phi vật thể của nhân loại.
 
Sự giao thoa văn hóa này còn được thể hiện rõ nét hơn ở núi rừng Trường Sơn. Ngày xưa, trong lịch sử của những dân tộc ở phía Tây của các tỉnh miền Trung Việt Nam đã có quan hệ sâu sắc với người Lào. Những người bạn Lào cũng vượt núi sang tận Đông Trường Sơn để trao đổi, buôn bán. Họ cũng bán voi và truyền nghề thuần dưỡng voi rừng cho một số dân tộc như Tà Ôi, Bru - Vân Kiều... Người Cơtu sinh sống tỉnh Sekong có mối quan hệ gắn bó thân thiết với người Cơtu ở Quảng Nam và người Tà Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Người Cơtu ở Lào còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà làng, trang phục, trang sức, tập tục, nếp sống... 
 
Thông qua quan hệ qua lại thường xuyên và một số người Cơtu sinh sống bên Lào chuyển sang định cư ở Việt Nam, họ cũng đã mang theo khá nhiều sắc thái văn hóa độc đáo như giống bông vải kpay Lao hay thuốc nhuộm vải đỏ (mực poong). Người Cơtu ở Lào cũng đi trước trong việc chăm chút sắc đẹp theo tập tục cổ truyền. Bộ trang sức đẹp của người Cơtu như những vòng đá ngọc đeo cổ, khuyên bạc đeo tai, vòng đồng đeo tay... đều có nguồn gốc từ Lào.
 
Không chỉ các dân tộc ở miền Trung - Tây Nguyên, mà theo bước chân của cộng đồng người Việt ở Lào (khoảng 20.000 người), truyền thống văn hóa của cộng đồng người Việt cũng dần dần có mặt trên đất nước Triệu Voi, đó là những món ăn truyền thống, những tà áo dài duyên dáng, những phong tục tập quán truyền thống… Ngay cả những ngôi chùa của người Việt, tuy vẫn giữ được các nét văn hóa truyền thống qua kiến trúc, song do sống lâu ngày trên đất Lào, tiếp nhận văn hóa của người Lào nên cũng có những sự biến đổi trong bố cục và họa tiết trang trí cho gần gũi hơn với người Lào bởi vì người Lào cũng đến chùa người Việt và ngược lại. Như ở chùa Phật Tích và chùa Bành Long tại Viêng Chăn, tuy diện tích không lớn nhưng đều dành đất để xây hồ sen, ao nuôi cá, rồi tôn tượng Bồ Tát Quan Âm ở giữa hồ giống như nhiều ngôi chùa ở Việt Nam. Nhưng chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Lào, hai ngôi chùa đều không có nhà tổ trong cùng gian Phật điện, khác với khuôn mẫu “tiền Phật hậu thánh” hay “tiền Phật hậu Tổ” ở các chùa tại Việt Nam... 
 
Đ/c Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh trồng cây lưu niệm tại tỉnh Bolykhamxay nhân chuyến thăm bạn vào tháng 6/2017
Đ/c Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh trồng cây lưu niệm tại tỉnh Bolykhamxay nhân chuyến thăm bạn vào tháng 6/2017
Tỉnh Lâm Đồng hiện đang kết nghĩa với 2 tỉnh của Lào là Champasak và Bolykhamxay. Tại tỉnh Champasak, Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng mới trường Năng Khiếu Champasak; chuyển giao công nghệ nuôi cá nước lạnh; kỹ thuật trồng rau hoa theo hướng công nghệ cao cho bà con nông dân Lào. Đang có 12 em học sinh của 2 tỉnh đang học tập tại Đại học Đà Lạt. Tôi đã có hơn một lần đến đất nước Lào, được dự lễ “buộc chỉ cổ tay”, được ăn những món ăn do các bạn Lào nấu, được khép vòng Lâm Vông huyền hoặc bên bờ sông Mê Kông diệu vợi. Có một điều gì đó trong sâu thẳm dâng tràn trong trái tim mình. Đó là cảm xúc rất thật về tình cảm chân thành mà những người con đất nước Lào dành cho các anh em Việt Nam mến yêu.
 
Sự giao thoa văn hóa Việt - Lào đang ngày càng góp thêm sắc màu cho vườn hoa đầy hương sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và các Bộ tộc Lào.
 
Câu hát ngày xưa của nhạc sỹ Trần Tiến mà Mẹ tôi vẫn hát, như đang vang vọng đâu đây “Ơi cô em Sầm Nưa/Nhớ thương anh đợi chờ/ Đợi chờ anh em nhé/ Người đẹp ơi anh về”. Tôi và nhiều người Việt khác đang có một giấc mơ Lào.
 
Hội phụ nữ tỉnh Bolykhamxay giao lưu Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tại Đà Lạt,12/2017
Hội phụ nữ tỉnh Bolykhamxay giao lưu Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tại Đà Lạt,12/2017

 

Chiều về bên dòng Mekong dịu dàng
Chiều về bên dòng Mekong dịu dàng

 

Rước Voi trong lễ khai mạc năm du lịch Quốc gia Lào tai Di sản thế giới Wat Phou - tỉnh Chămpasak
Rước Voi trong lễ khai mạc năm du lịch Quốc gia Lào tai Di sản thế giới Wat Phou - tỉnh Chămpasak
                                                 Trần Thanh Hoài