Vài nét chân dung đại nguyên soái Stalin

04:05, 07/05/2019

Trong Lời nói đầu tập sách "Cách mạng tháng Mười - Ký ức và sự thật" của nhà nghiên cứu văn học Lê Sơn dịch và giới thiệu được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2017 nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, tác giả viết: "Cuộc cách mạng tháng Mười mà nhà báo Mỹ John Reed gọi là những ngày làm rung chuyển thế giới, đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển nhân loại...

Trong Lời nói đầu tập sách “Cách mạng tháng Mười - Ký ức và sự thật” của nhà nghiên cứu văn học Lê Sơn dịch và giới thiệu được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2017 nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, tác giả viết: “Cuộc cách mạng tháng Mười mà nhà báo Mỹ John Reed gọi là những ngày làm rung chuyển thế giới, đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển nhân loại. Nhà triết học và nhà xã hội học Nga Alesandr Zinov’ev, một người bất đồng chính kiến với chính quyền Xô viết, từng bị ngồi “bóc lịch” trong nhà tù của KGB, rồi sau đó bị trục xuất khỏi Liên Xô, với tư cách là một nhà khoa học, cũng phải thẳng thắn khẳng định rằng: “Nếu không có Lenin, không có Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười và sau đó là Liên bang Xô viết, thì trong lịch sử không thể xuất hiện cả một tuyến tiến hóa có quy mô ngang với tuyến mà đại diện chính là thế giới tư bản phương Tây. Tuyến tiến bộ này có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển tiếp theo của nhân loại”. Và ông có đầy đủ cơ sở để gọi thế kỷ XX là thế kỷ của Lenin và Stalin”... 
 
Stalin (bìa trái) bên V.I Lenin - lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga và Đảng Bolshevik, vào năm 1919. Ảnh: TL
Stalin (bìa trái) bên V.I Lenin - lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga và Đảng Bolshevik, vào năm 1919. Ảnh: TL
 
Nước Nga thời hậu Xô viết như nhà triết học, nhà xã hội học, nhà văn Nga Aleksandr Zinov’ev viết trên báo Pravda: “Hiện nay người ta đang rắp tâm xóa bỏ tên tuổi của Lenin và Stalin, và ra sức đề cao những gã tiểu nhân như Gorbachev, Elsin và các đồ đệ của họ... Elsin từng leo lẻo: Tôi xin thề với UBTƯ Đảng thân yêu của Lenin và với cá nhân đồng chí Leonid Ilich Brezhnev... Loáng một cái, con người  ấy đã vù sang Mỹ và tuyên bố một câu xanh rờn tại quốc hội Hoa Kỳ: Tôi xin thề với các ngài rằng chúng tôi sẽ không để cho con quái vật chủ nghĩa cộng sản phục hồi(!)”. Aleksandr Zinov’ev còn nhận định: “Điều khủng khiếp nhất là ở chỗ sau khi phá tan tành cái hệ thống xã hội chủ nghĩa vốn được tạo dựng ở nước ta nhờ công lao của những người khổng lồ của nhân loại như Lenin và Stalin, nước Nga đã đánh mất đi khả năng tồn tại trong những điều kiện hiện nay của hành tinh, đã đánh mất khả năng bảo vệ mình và bảo vệ giá trị lịch sử của mình. Chính phương Tây đang mong muốn điều đó. Luôn luôn mong muốn, nhưng đặc biệt là từ những ngày đầu tiên của hệ thống Xô viết được thiết lập dưới sự lãnh đạo của Lenin. Một tội ác ghê gớm chống lại những người ưu tú nhất của nước ta đã được thực hiện và hiện nay vẫn tiếp diễn với sự ủng hộ của cái gọi là giới thượng lưu”.
 
Khoảng thập niên nay, ở Liên bang Nga, vấn đề tìm hiểu về Đại Nguyên soái I.V. Stalin - Người kiến trúc sư tài ba của cuộc chiến tranh vệ quốc (1941-1945) đánh sập đế quốc phát xít Đức từng “làm mưa làm gió” ở châu Âu - ngày càng thu hút sự quan tâm chú ý của các học giả và đông đảo quần chúng. Nhiều luận điểm xuyên tạc, đổi trắng thay đen nhằm bôi nhọ nhân cách, phủ nhận công lao to lớn của Stalin đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Liên Xô đã lần lượt bị vạch trần một cách đầy sức thuyết phục. Gần đây, vào những dịp kỷ niệm long trọng như: Cách mạng tháng Mười (ngày 7/11), Chiến thắng phát xít Đức (ngày 9/5), trận đánh lịch sử Stalingrad (ngày 2/2), Ngày chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc (ngày 23/2)..., người ta thấy lãnh tụ Stalin lại được tôn vinh một cách công khai ở Nga. Để hiểu hơn về Stalin, được sự đồng ý của dịch giả Lê Sơn, chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung tuyển trong tập “Cách mạng tháng Mười - Ký ức và sự thật” .
 
ẤN TƯỢNG VỀ STALIN
 
 - “... Trong giọng nói nhỏ nhẹ và trong các động tác chậm rãi của ông, tôi cảm thấy một sự tự tin mạnh mẽ và sự nhận thức rõ sức mạnh của mình” (N.G. Kuznetsov - Đô đốc Hải quân Liên Xô).
 
 - “Ông thường xuyên nêu những câu hỏi - cho bản thân mình và cho người khác, thường xuyên tranh luận - với chính mình và với những người khác. Đối với ông, mọi cái luôn luôn biến đổi theo quan niệm triết học. Tuy nhiên, ở phía sau điều đó là những ý tưởng lớn, và ông cương quyết cố gắng đạt được chúng bằng cách cải tạo hiện thực và con người”(M.D. Jila - Nhà hoạt động chính trị Nam Tư).
 
 - “Ông không nói được tiếng Anh, nhưng khi tiếp xúc với tôi, ông không để ý đến người phiên dịch và nhìn thẳng vào mắt tôi dường như tôi hiểu được từng lời nói của ông... Không một động tác thừa nào. Ông nói giống như người lính nổ súng - chuẩn xác và trúng đích. Dường như tôi đang nói chuyện với một cỗ máy thông minh hảo hạng” (H. Hopking - Cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt).
 
- “Stalin am hiểu nhiều lĩnh vực rất khác nhau. Sức làm việc đáng kinh ngạc của ông, khả năng nắm bắt tư liệu một cách nhanh chóng đã cho phép ông thâu tóm được một khối lượng sự kiện to lớn. Tư duy phân tích của ông đã giúp ông chắt lọc được cái chủ yếu nhất từ các nguồn thông tin. Ông thường trình bày những suy nghĩ và những cách giải quyết của mình một cách rõ ràng, ngắn gọn, với một lô gich không thể bắt bẻ. Ông không ưa và không nói những lời dông dài” (G.K. Zhukov- Nguyên soái Liên Xô). 
 
- “Ở ông hội tụ được những kiến thức sâu sắc, khả năng kỳ diệu thâm nhập vào các chi tiết, sự năng động của trí tuệ và sự thấu hiểu hết sức tinh tế về tính cách con người. Tôi cho rằng ông được thông tin đầy đủ hơn Roosevelt, có đầu óc thực tế hơn Churchill và trên một phương diện nhất định, linh hoạt nhất trong số những người cầm quân” (A. HARRIMAN - Nhà hoạt động chính trị, nhà ngoại giao Hoa Kỳ).
 
 - “Ngay từ giây phút đầu tiên Stalin đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Đó là một con người có chiều kích phi thường. Phong thái diễn đạt tỉnh táo, lạnh lùng của ông, cung cách tiến hành đàm phán một cách quyết liệt nhưng cũng biết cách nhún nhường đã chứng minh rằng ông có quyền mang danh tính của mình” (I.font Ribentrov - Bộ trưởng Ngoại giao Đức quốc xã).
 
MÃI MÃI LÀM NGƯỜI HỌC TRÒ XỨNG ĐÁNG CỦA LENIN
 
Trong bài “Stalin đích thân trả lời” đăng trên báo Nga Sovetskaja Rossija (số 139, ngày 17/12/2012) đã phác họa đôi nét phẩm chất, tính cách và quan niệm về dân chủ của Đại Nguyên soái lừng danh trong thế kỷ XX.
 
Đầu năm 1937, trong cuộc đàm đạo cởi mở giữa Stalin và hai nhà văn Đức Leon Feuchwanger, Emil Ludwig đến thăm Liên bang Xô viết, Stalin đã bộc bạch về bản thân như sau: “... tôi chỉ là học trò của Lenin và mục đích của đời tôi là mãi mãi làm một người học trò xứng đáng của Người. Nhiệm vụ mà tôi hiến dâng cả cuộc đời mình là đề cao một giai cấp khác - đó là giai cấp công nhân. Nhiệm vụ này không phải là củng cố một quốc gia “dân tộc” nào đó mà củng cố nhà nước xã hội chủ nghĩa. Mà như thế có nghĩa là nhà nước mang tính quốc tế, hơn nữa, mọi sự củng cố nhà nước đó đều giúp cho việc củng cố giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Nếu như mỗi một động thái trong công việc của tôi nhằm đề cao giai cấp công nhân và củng cố nhà nước xã hội chủ nghĩa mà không hướng tới việc cải thiện hoàn cảnh của giai cấp công nhân thì tôi cho rằng cuộc đời của tôi là vô ích”. 
 
Khi được hỏi có phải Stalin tự mình quyết định mọi công việc và không thừa nhận sự lãnh đạo tập thể, vị Đại Nguyên soái khẳng định: “Không, không thể quyết định bởi một cá nhân. Tất cả các quyết định do một người đưa ra, bao giờ hoặc hầu như bao giờ cũng là những quyết định phiến diện... Trên cơ sở kinh nghiệm của ba cuộc cách mạng, chúng tôi biết rằng trong số khoảng 100 quyết định do một cá nhân đưa ra mà chưa được kiểm tra, chưa được tập thể bàn bạc thì đến 90 quyết định mang tính chất phiến diện”. 
 
Khi bị vặn vẹo “Tôi rất hiểu ý nghĩa bản Hiến pháp mới của ngài và hoan nghênh nó - nhưng tôi e rằng việc ngài dùng từ “dân chủ” không đạt cho lắm. Ở phương Tây, trong suốt 150 năm, từ “dân chủ” được hiểu như nền dân chủ mang tính chất hình thức. Liệu có xảy ra sự ngộ nhận do việc ngài dùng từ “dân chủ” mà ở nước ngoài người ta quen gán cho một ý nghĩa nhất định... Liệu có nên nghĩ ra một từ khác hay không?”, Stalin đáp lại: “Nền dân chủ của chúng tôi không đơn thuần được du nhập từ các nước tư bản tới. Nền dân chủ của chúng tôi mang tính chất đặc biệt, ở nước chúng tôi, khái niệm dân chủ được bổ sung thêm một từ “xã hội chủ nghĩa”. Đó là một sự khác biệt... Đồng thời chúng tôi không muốn chối bỏ từ “dân chủ” bởi lẽ, trong một chừng mực nhất định, chúng tôi là những học trò, những người kế tục các nhà dân chủ phương Tây, là những người học trò đã chứng minh sự thiếu sót và sự quái gở của thứ dân chủ hình thức... Khi chủ nghĩa phát xít xuất hiện thì nền dân chủ trở nên nguy hiểm. Không phải ngẫu nhiên một số phe nhóm của giai cấp tư sản đã tán thành chủ nghĩa phát xít bởi lẽ trước đây nền dân chủ là có lợi còn bây giờ thì trở nên nguy hiểm. Nền dân chủ tạo ra cho giai cấp công nhân cơ hội tận dụng những quyền khác nhau để đấu tranh chống lại giai cấp tư sản. Đó chính là thực chất của nền dân chủ vốn được tạo ra không phải để các nhà văn có cơ hội tán hưu tán vượn trên báo chí... Ngài vừa mới hỏi tôi rằng có phải ở nước tôi một người quyết định tất cả mọi thứ không? Không bao giờ, không trong bất kỳ hoàn cảnh nào những người công nhân của chúng tôi lại cam chịu quyền lực của một cá nhân. Những uy tín lớn nhất ở nước chúng tôi cũng chả là cái gì, sẽ thân bại danh liệt một khi quần chúng công nhân không còn tín nhiệm họ nữa, một khi họ đánh mất mối liên hệ với quần chúng công nhân”.
 
Là vị Nguyên soái vĩ đại của thế kỷ XX nhưng 3 năm sau khi Stalin mất, ông cũng đã bị Khrushchev– Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và năm 1958 kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng gian trá xuyên tạc, vu khống tệ sùng bái cá nhân của Stalin nhằm “bài Stalin”. Sau này, báo chí Nga đã đưa tin và bình luận: “Mới đây, trên các quầy sách ở Nga vừa xuất hiện một cuốn sách thuộc thể loại không hư cấu gây chấn động dư luận. Đó là cuốn “Trò hèn mạt chống Stalin” của Grover Furr - nhà sử học Hoa Kỳ, giáo sư trường đại học Monclair, do Nhà xuất bản Algoritm ấn hành năm 2008, 462 trang. Trong suốt cuốn sách này, tác giả đã phân tích cặn kẽ bản “báo cáo nội bộ” của N.S. Khrushchev nhằm chống lại Stalin tại đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1956) và đã phát hiện ra 61 điều sai sự thật...”. Grover Furr cho hay: “Thì ra trong bài diễn văn của mình, Khrushchev không nói một điều gì đúng sự thật về Stalin và Beria (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ- NV) cả. Toàn bộ “báo cáo nội bộ” được thêu dệt bằng những xuyên tạc đổi trắng thay đen kiểu đó. Và, đây chính là cái bản báo cáo “chiến công” mà Taubman đã tâng bốc Khruschev lên chín tầng mây! (Tất nhiên, người được giải thưởng Pulitzer này xứng đáng với một vài lời nhận xét (dù rất ngắn) về những tuyên bố gian trá của chính ông ta trong báo cáo đăng trên tờ New York Time nhân dịp kỷ niệm bản báo cáo của Khrushchev)...”. Xin dẫn chứng: Chính Beria, chứ không phải Khrushchev, đã thả nhiều người bị giam giữ, mặc dầu không phải “hàng triệu” như Taubman đã viết một cách không đúng...  Taubman khẳng định rằng Khrushchev nói dường như ông ta “không can dự” vào những vụ trấn áp; tuy nhiên trên thực tế, Khrushchev chẳng những không nghe những lời khuyên can của Stalin mà trong vấn đề này còn chủ động tăng những mức hình phạt cao hơn so với những gì mà sự chỉ đạo của Stalin mong muốn... Dường như Khrushchev chứ không phải là ai khác, giống như một kẻ liều mạng và tên sát nhân.
 
Với quan điểm của Tổng thống Nga V.Putin: “...Không được đánh mất những cội nguồn văn hóa của mình, những gì đã được hình thành qua nhiều thế kỷ, những gì là công sức của nhiều thế hệ những người đại diện cho các dân tộc khác nhau và hơn một lần trên những bước ngoặt gay go nhất của lịch sử nhà nước Nga đã bảo vệ quốc gia này cho các thế hệ tương lai”, thiết nghĩ lời khẳng định đó có ý nghĩa rộng lớn không chỉ đối với văn hóa mà liên quan tới cả phạm trù lịch sử. Do đó, tin tưởng rằng vai trò, giá trị của Lenin cũng như Stalin sẽ tiếp tục được ghi nhận khách quan, tiếp tục tỏa sáng trong hiện tại và tương lai của nước Nga. 
 
ĐAN THANH tổng hợp