Hội thảo "Giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa tại Lâm Đồng"

11:06, 27/06/2019

(LĐ online) - Ngày 26/6, tại huyện Lạc Dương đã diễn ra hội thảo khoa học "Giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa tại Lâm Đồng" do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng phối hợp cùng Sở VH-TT-DL, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức.

(LĐ online) - Ngày 26/6, tại huyện Lạc Dương đã diễn ra hội thảo khoa học “Giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa tại Lâm Đồng” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng phối hợp cùng Sở VH-TT-DL, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Tham dự có bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện các sở, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thành phố, các nhà khoa học, già làng, nhân sĩ trí thức am hiểu văn hóa dân tộc.
 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
 
Phát biểu đề dẫn, ông Thái Văn Long - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Lâm Đồng đã nhấn mạnh: Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lâm Đồng có 43 dân tộc anh em, trong đó các tộc người bản địa gồm Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông chiếm 17% dân số; hơn 70% là người Kinh và 13% là các dân tộc khác từ nhiều vùng miền trong cả nước đến đây lập nghiệp. Sự chuyển biến về địa bàn cư trú do chính sách định canh định cư, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các cộng đồng làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của các tộc người bản địa. Hình thái kinh tế thay đổi từ tự cấp, tự túc chuyển dần sang sản xuất hàng hóa kéo theo các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể như: kiến trúc nhà sàn, trang phục truyền thống, nghi lễ dân gian, tín ngưỡng - tôn giáo, nghệ thuật diễn xướng, tri thức dân gian, tập tục, thói quen... gần như không có các điều kiện tương ứng để duy trì. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống không còn môi trường để tồn tại, đang dần bị mai một, trong khi hệ giá trị mới chưa kịp hình thành.  
 
Cùng với việc triển khai các chính sách về kinh tế, tỉnh đã quan tâm tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa như: mở lớp truyền dạy cồng chiêng, phục dựng duy trì các lễ hội dân gian, nhận diện, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình văn hóa truyền thống, đưa di sản văn hóa dân tộc trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách... Dù vậy, trong quá trình giao lưu văn hóa nhiều giá trị văn hóa đang dần mất đi. Ngày nay đến các buôn làng rất ít bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ngồi dệt, vắng đi tiếng cồng chiêng trong các nghi lễ của gia đình, dòng họ; vai trò của già làng cũng nhạt dần trong các mối quan hệ cộng đồng... Tuy cả xã hội đã rất quan tâm, nhưng việc đầu tư nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa chưa tương xứng với mức đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống văn hóa ở nhiều thôn, tổ dân phố còn khá nghèo nàn, đơn điệu, mức độ hưởng thụ văn hóa giữa các vùng còn chênh lệch. Một số biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của các cấp chính quyền còn mang tính hình thức, chưa đi vào đời sống thực của người dân, chưa trở thành hoạt động tự thân của cộng đồng nên thiếu tính bền vững.
 
Hội thảo đã đi sâu phân tích làm rõ thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc bản địa. 13 tham luận và 3 ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý là bức tranh về thực trạng văn hóa các dân tộc bản địa, những cứ liệu xác thực, những giải pháp đầy trăn trở mong níu giữ, bảo tồn các giá trị văn truyền thống một cách bền vững, đặc biệt là việc bảo tồn ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết của đồng bào.
 
Chúng tôi xin lược ghi một số ý kiến tâm huyết:
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng: Ngành văn hóa đã mở 52 lớp truyền dạy cồng chiêng ở các địa phương có đông bào Mạ, K’Ho, Churu sinh sống; tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: nghi lễ Nhô Wèr của người K’Ho Srê ở Di Linh, hệ thống nghi lễ nông nghiệp của người Mạ ở Lộc Bắc - Bảo Lâm, lễ Pơ-thi (bỏ mả) của người K’Ho ở Đức Trọng, người Churu ở Đơn Dương... ; tiến hành sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể: dân ca, truyện cổ, phong tục; đầu tư bảo tồn nghề thủ công truyền thống, tín ngưỡng, tri thức dân gian; đưa di sản văn hóa vào phục vụ du lịch. Trong thời gian tới, bên cạnh viện thực hiện đường lối của Đảng về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan, thì cần phải giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đó là mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong đời sống đương đại; nếu chỉ bảo tồn mà không khai thác sẽ gây lãng phí, hạn chế phát huy giá trị; nếu chỉ phát huy mà không bảo tồn thì sẽ gây hủy hoại. Di sản văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của cuộc sống đương đại. Vì thế cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu, thợ nghề, nghệ nhân, những người bảo vệ di sản ở cơ sở. 
 
Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương
Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương
 
Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Là huyện có trên 70% dân số là người K’Ho bản địa với 3 nhánh chính K’Ho-Cil, K’Ho-Lạch, K’Ho-Srê. Một số giá trị văn hóa tiêu biểu mang đậm bản sắc tộc người vẫn còn được duy trì cho đến nay, dù không còn đầy đủ, phong phú như vốn sinh ra đã có. Nhiều di sản văn hóa vẫn còn được lưu giữ phát huy như: cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc, các lễ hội (lễ cúng hạ chiêng, lễ báo hiếu cha mẹ, lễ cúng phát rẫy, lễ mừng năm mới...), các trò chơi và môn thể thao truyền thống (đua ngựa không yên, bắn nỏ, đẩy gậy...), nghề thủ công (đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần). Giá trị văn hóa dân tộc vừa là tài sản của tộc người, đồng thời là tài sản của quốc gia, việc bảo tồn và phát huy là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách. Cần thường xuyên chú trọng xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập trở thành lực lượng then chốt trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Hướng phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao về cơ sở, quan tâm vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn. Sử dụng một cách hợp lý tài nguyên văn hóa đặc trưng của người dân tộc bản địa để phục vụ hỗ trợ phát triển du lịch, dịch vụ nhằm góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho một bộ phần nhân dân; qua đó nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào. 
 
Bà Đoàn Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng
Bà Đoàn Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng
 
Bà Đoàn Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng: Hiện nay toàn tỉnh có 36 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được công nhận; trong đó, 1 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên), 1 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích khảo cổ Cát Tiên), 18 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh, cùng một hệ thống di sản kiến trúc và nhiều công trình tôn giáo; 5 bảo tàng công lập và tư nhân, hàng chục nhà sưu tập sở hữu một khối lượng di sản khổng lồ. Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm như các lễ hội, dân ca, dân vũ, truyện cổ, kỹ năng nghề truyền thống, diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng... 
 
Tuy nhiên, công tác quản lý và khai thác di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh còn chưa hiệu quả, chưa phát huy đầy đủ giá trị của các di sản. Hầu hết các di tich danh lam thắng cảnh đều bị lấn chiếm trái phép phạm vi khoanh vùng bảo vệ. Việc đầu tư tôn tạo cho các di tích còn quá ít và chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm để phục vụ cho việc khai thác dịch vụ mà chưa chú ý đầu tư tôn tạo và bảo vệ cảnh quan, môi trường của các di tích; các di tích chưa thật sự phát huy được các giá trị văn hóa. Công tác quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập cần giải đáp như: chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác về lễ hội, chưa có cơ sở pháp lý khả thi trong việc quản lý lễ hội, chưa có đủ nguồn lực để quản lý lễ hội, các tổ chức, thiết chế văn hóa. Đội ngũ cán bộ trình độ không đồng đều, chưa được đào tạo kỹ năng làm việc với cộng đồng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Thiếu kiến thức cơ bản để có thể hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng tổ chức và thực hành lễ hội. Việc kết hợp giữa du lịch và văn hóa đã có, nhưng chưa thật sự nhịp nhàng, chặt chẽ và hiệu quả chưa cao. 
 
Bên cạnh nhiều nhóm giải pháp thì giải pháp tối ưu nhất là thực hiện bảo tồn tại chỗ: Tại các địa phương có nhiêu đồng bào dân tộc sinh sống nên cho xây nhà văn hóa cộn đồng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống, cấp kinh phí sưu tầm mua cồng chiêng, các loại nhạc cụ và một số hiện vật trong sinh hoạt của đồng bào vừa để trưng bày, vừa phục vụ cho việc truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ, dân ca, dân vũ giữa thế hệ già và con em đồng bào. Ở những nơi có làng nghề truyền thống, nên chọn một nơi thuận lợi ở khu dân cư để xây dựng nhà xưởng làm nơi trao truyền nghề. 
 
QUỲNH UYỂN ghi