Khi đất và người chung một dòng suy nghĩ

06:09, 05/09/2019

Về công tác tại huyện Đạ Tẻh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Mạnh Việt - nguyên nhà giáo, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện - nhỏ nhẹ tâm sự: Nhà báo cũng không lạ vùng kinh tế mới này... Nhưng thôi cứ nêu vài nét để hình dung rõ hơn về 10 năm chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Đạ Tẻh có tổng diện tích tự nhiên trên 52.696 ha, gồm 10 cấp xã và 1 thị trấn...

Về công tác tại huyện Đạ Tẻh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Mạnh Việt - nguyên nhà giáo, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện - nhỏ nhẹ tâm sự: Nhà báo cũng không lạ vùng kinh tế mới này... Nhưng thôi cứ nêu vài nét để hình dung rõ hơn về 10 năm chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Đạ Tẻh có tổng diện tích tự nhiên trên 52.696 ha, gồm 10 cấp xã và 1 thị trấn. Tổng dân số khoảng 50.372 người (12.330 hộ). Triển khai xây dựng NTM, vốn liếng của huyện có tới 5 xã thuộc diện xã nghèo và xã đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm, đầu tư nhỏ lẻ, chắp vá. Trình độ dân trí không đồng đều, khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn hạn chế... Với xuất phát điểm thấp như vậy nhưng sau 10 năm xây dựng NTM Đạ Tẻh đã đạt những kết quả khả quan. Điều này được minh chứng: Nếu năm 2010, bình quân mỗi xã đạt 3,3 tiêu chí NTM thì đến năm 2016 có 4 xã đạt chuẩn NTM (An Nhơn, Đạ Kho, Hà Đông, Quảng Trị); bình quân mỗi xã đạt 16,6 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí. Đến tháng 5/2019 có 10/10 xã đạt chuẩn NTM, các xã Quảng Trị, Mỹ Đức, Đạ Pal đạt chuẩn NTM sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
 
Sinh hoạt hàng tuần ở câu lạc bộ Thôn 2, xã Hà Đông
Sinh hoạt hàng tuần ở câu lạc bộ Thôn 2, xã Hà Đông
 
Sau lời khái quát, Phó Bí thư Huyện ủy gợi ý chúng tôi đi tìm hiểu thực tế ở bất cứ xã nào trong huyện. Một tuần ở đây, tôi lang thang, mục sở thị một số địa phương và ghi nhận những điều tâm đắc trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Ở xã Mỹ Đức, quê hương của bà con tỉnh Hà Tây cũ, đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng từ hiệu quả thấp sang giá trị kinh tế cao để có giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích đạt 80 triệu đồng (tăng 15 triệu đồng so với năm 2015). Trong 3 năm qua, diện tích cây lúa giảm mạnh từ 220 ha xuống chỉ còn 0,5 ha, cây bắp từ 150 ha xuống 10 ha. Thay vào đó, là các loại cây lên ngôi: Cây dâu 231 ha, tăng 166 ha; cây ăn quả 165 ha, tăng 135 ha; cây cao su tiểu điền 450 ha, tăng 92 ha... Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt xã, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Thư trao đổi với đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh: Muốn vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì mình phải xác định quyết tâm “dễ làm trước khó làm sau”, phải xây dựng các mô hình và thường xuyên rút kinh nghiệm, phải tính được “đầu ra” ổn định và có lợi cho nông hộ. Người Mỹ Đức vào quê mới mang theo nghề truyền thống là trồng dâu, nuôi tằm. Bây giờ nghề này không còn là nghề của người nghèo mà đang trở thành sản xuất hàng hóa giá trị cao. Hàng năm Mỹ Đức đạt sản lượng kén trên 500 tấn, vấn đề đặt ra là làm sao có nơi bao tiêu, đảm bảo giá cả...? Từ nỗi lo đó, thời gian qua, anh năm lần bảy lượt đi về Bảo Lộc, để vận động, thuyết phục và nay trên địa bàn Thôn 1 Công ty TNHH tơ lụa Minh Quân đã xây dựng nhà máy ươm tơ thu hút 60 công nhân với công suất 500 tấn kén/năm. Chủ tịch Thư tin rằng, nhà máy sẽ phát triển mở rộng thêm, vận hành hiệu quả trong vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha dâu tằm của mấy xã kề bên... 
 
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức Phùng Minh Đức nhận xét: Chủ động và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cán bộ và người dân Mỹ Đức đã “suy nghĩ trên từng thước đất” nên mức sống Nhân dân nâng cao. Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 12,19%, nay xuống 4,44%; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 7,08% còn 5,5%. Cùng với chăm lo sản xuất, Nhân dân đã nâng cao ý thức chung tay xây dựng cảnh quan, môi trường địa phương ngày thêm khang trang, sạch đẹp. Nhân dân đã trồng cây xanh tạo bóng mát trên các tuyến đường dài gần 11 km, trồng 12.200 m2 hoa và cỏ lạc. Từ 2015 xã trang bị, đặt 32 thùng và xe đựng rác tại các điểm xung yếu để Nhân dân thu rác tập trung, khắc phục tình trạng vứt rác xuống mương thủy lợi... Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho đời sống văn hóa, tinh thần lên theo và ngược lại. Điều này tôi chứng kiến ở xã Hà Đông dường như thôn nào cũng có một câu lạc bộ hát dân ca. Ở thôn 2 - thôn văn hóa kiểu mẫu cấp huyện, Câu lạc bộ thu hút trên 30 thành viên và sinh hoạt thường kỳ vào sáng chủ nhật hằng tuần. Mới đây chúng tôi đến gặp dịp Câu lạc bộ đang luyện tập cho đợt hội diễn 2/9 tại nhà ông Thảo. Thấy các ca sĩ - nông dân phần lớn trên 60 tuổi, có vị ngoài 70 song rất say sưa thể hiện những làn điệu chèo, quan họ và ngón đàn, nhịp trống mượt mà, tình tứ mà ngỡ mình đang ở xứ Đông, xứ Đoài miền châu thổ sông Hồng. Chị Đặng Thị Thưởng - Bí thư Chi bộ Thôn 2, chủ nhiệm Câu lạc bộ niềm nở: 
 
- Câu lạc bộ có thành viên trẻ song ban ngày lo sản xuất nên chỉ tham gia khi tổ chức vào buổi tối. Chúng tôi quy định mỗi lần sinh hoạt sẽ luân phiên họp tại nhà một thành viên để mọi người gần gũi, chia sẻ hoàn cảnh với nhau. Thành lập nhiều năm nhưng mừng là tham gia sinh hoạt còn có các ông Thượng Thiêm, Thanh Hương, cô Năm ở thị trấn cũng thường xuyên vào tham gia... 
 
Tình cờ, gần trưa người quen của tôi là thiếu tá Thịnh đã nghỉ hưu ở thị trấn phóng xe vào tính đón bà xã là cô Năm về. Ngồi nhấm rượu, thiếu tá quân đội bật mí: - Chị Thưởng thường đùa thời thanh nữ mê ca hát đến nỗi quên người yêu hẹn hò. Mấy lần cháu ngoại mình mới gần ba tuổi được bà ngoại Năm đưa vào đây chơi nhìn thấy chị ngồi giữ nhịp trống nên mỗi lần chị Thưởng ra nhà là bé xoắn xuýt gọi “bà cắc tùng”. Ở nhà cháu thường đòi bà mở dân ca cho nghe... Về huyện, chia sẻ mô hình Câu lạc bộ Thôn 2 với Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hồ Quốc Phong, anh suy tư một chút rồi khẳng định:
 
- Điều đó chứng minh đời sống Nhân dân đã ổn rồi. Khi còn nặng nợ áo cơm thì mấy ai tính chuyện đàn ca nữa! 
 
Nhận xét của Trưởng ban làm tôi gật gù nhớ đêm trước thầy giáo Nguyễn Hoàng Trọng - hội viên Hội VHNT Lâm Đồng đã có đơn chờ Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết nạp, thân tình mời tôi và họa sĩ Lương Minh, nhà văn Thanh Hương, Thượng Thiêm đến nhậu tối tại gia. Vì bà xã đang bệnh nên Hoàng Trọng kêu MC Xuân Tình chơi nhạc cho các đám cưới đến làm bếp. Dĩ nhiên tối ấy trong căn nhà tuềnh toàng đã bày biện loa thùng, âmpli, micro và mấy cây đàn guitar... Cuộc vui càng cao trào hơn khi gia chủ bấm máy mời hai giọng hát khả ái khá chuyên nghiệp của thị trấn đến hát nhạc Trịnh... Đạ Tẻh là quê hương mới của cư dân nhiều vùng văn hóa truyền thống nổi tiếng từ Bắc - Trung - Nam hội tụ... nên có nhiều hạt nhân thuộc các lĩnh vực của đời sống khiến phong trào văn nghệ lan tỏa trong các xã, thôn là chuyện không lấy gì làm ngạc nhiên!
 
Nét mới chuyện làm ăn ở Mỹ Đức là vậy và ở xã Hương Lâm vốn là vùng kinh tế mới của thành phố Huế thời thập niên cuối 70 đầu 80 thế kỷ XX cũng đáng nể. Một chiều, tại trụ sở xã Hương Lâm, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tố và cụ Lại Văn Danh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, đều dân tỉnh Hà Nam vào lập nghiệp từ lâu cho hay: Trước đây, cây trồng chủ yếu là điều (900 ha), cây mỳ (700 ha) với giá trị kinh tế thấp. Nay thay vào đó là: sầu riêng 65 ha, quýt và bưởi da xanh 65 ha, cao su 178 ha, cây tre tầm vông gần 95 ha... Nói về giá trị kinh tế các loại cây trồng, Bí thư Đảng ủy xã Lê Phi Hùng tâm đắc: Doanh thu bình quân cây sầu riêng từ 1,2-1,4 tỷ đồng/ha, quýt và bưởi da xanh 700 triệu đồng và cây tre tầm vông, mạnh tông cho 70 -100 triệu đồng/ha... Chỉ tiêu thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác xã đề ra kế hoạch 40 triệu đồng/ha/năm, nay đạt 44 triệu đồng... Đáng mừng là Hương Lâm đã xây dựng được 5 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp (2 trồng dâu nuôi tằm, 1 trồng tre tầm vông và 2 trồng cây ăn trái) làm ăn khấm khá. Năm 2017, xã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hương Lâm với 44 thành viên, hiện hoạt động trên cơ sở tập hợp, hiệu quả của 5 tổ hợp tác. Hàng năm, tổ hợp tác tre tầm vông đều ký liên kết, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp ngoài tỉnh; các tổ hợp tác cây ăn trái liên kết với doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bảo Lộc tham gia vào chuỗi giá trị gắn liền với sản phẩm của các hộ. 
 
- Được biết Bí thư là người lặn lội về Tây Ninh tìm hiểu rồi tổ chức đoàn cán bộ chủ chốt đi tham quan và đưa giống cây tầm vông lên đứng chân đại trà trên đất Hương Lâm, vậy dự tính sắp tới của xã đối với loại cây này?
 
Gương mặt chữ điền sáng nụ cười rạng rỡ, Bí thư Hùng cởi mở: 
 
- Qua thời gian đứng chân, cho thấy loại cây này rất thích hợp với vùng nông thôn. Ưu điểm là dễ trồng, không sâu bệnh, ít công chăm bón, đầu tư chăm sóc thấp, tạo độ che phủ rừng... và đặc biệt là được thị trường ưa chuộng. Cây tầm vông đã được huyện đưa vào nghị quyết nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Chúng tôi đang bàn với đối tác ở Nha Trang sẽ thành lập hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đáp ứng yêu cầu sơ chế trước khi cây tầm vông rời địa phương... 
 
Khoảng 35 năm trước từng đến công tác ở Hương Lâm, ký ức trong tôi đây là vùng quê nghèo, lam lũ nhưng bù lại người dân xứ Huế rất tảo tần, chất phác. Vào vùng đất mới, đất chưa nuôi nổi người, dân phải lặn lội vào rừng tìm lâm sản phụ, làm tăm nhang đắp đổi qua ngày, do đó, nhiều người nản chí tứ tán đi nơi khác hoặc trở về quê cũ. Nhưng nay thì chắc đã an cư từ lâu rồi... Giải đáp thắc mắc, tâm tư ấy, anh Hùng thoáng chút trầm tư đồng cảm rồi cười khà khà: - Thì tôi cũng một lần lên Đà Lạt tìm đường “cứu vợ con” nhưng ngẫm ra mình nặng nợ với đất này. 
 
Tìm hiểu “nút thắt” này, tôi biết thêm về người đàn ông cũng xấp xỉ lục tuần có gương mặt phong sương và kiên nghị: Cha mẹ mất sớm, tháng 2/1978, tròn 20 tuổi đời (trên giấy tờ khai sụt xuống 3 tuổi để trốn quân dịch) Lê Phi Hùng dắt hai người em trai rời quê Hương Thủy - đường lên Nam Giao, cố đô Huế vào vùng kinh tế mới Hương Lâm. Lúc này, thanh niên xung phong đã cơ bản khai hoang, xây dựng lán trại cho dân ở. Nhà nước chỉ trợ cấp lương thực 6 tháng đầu năm, thị dân “sông Hương núi Ngự” quen nếp sống thị thành thật bỡ ngỡ khi bắt tay làm quen với việc trồng lúa, trồng mỳ... Kể chuyện canh tác mấy chục năm trước, giờ chắc con em đồng bào bản địa cũng khó hình dung nổi. Ấy là mùa nắng phát rẫy, đốt nương chờ mùa mưa học theo đồng bào K’Ho, Mạ cũng kẻ đi trước dùng cây chọc lỗ, người sau tra hạt lúa, hạt bắp, gạt đất... Vùng lập 10 đội sản xuất, lao động tập thể, chấm công lao động chính 6 hào, phụ 4 hào/ ngày. Cuối vụ tính công điểm để hưởng lương thực. Vượt qua gian nan, thử thách bởi nắng mưa khắc nghiệt và bệnh tật, nhất là sốt rét hoành hành cướp nhiều sinh mạng; đời sống Nhân dân dần ổn định, chàng trai xứ Huế trở thành tập đoàn phó phụ trách kế hoạch. Năm 1979, hình thành xã Đạ Lây và trên đất mới, củ mỳ đã to như bắp đùi, buồng chuối dài chấm đất thế nhưng đi lại thì “nắng bụi, mưa lầy”, gia đình vợ cho chiếc xe đạp mang vào đành treo quanh năm... Năm 1986, xã Hương Lâm được tách từ xã Đạ Lây, có 320 hộ và 1.562 nhân khẩu, chi bộ lâm thời 11 đảng viên. Lúc đó, Lê Phi Hùng nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn 719 Tỉnh Đội Lâm Đồng, đến 1988 trở về Hương Lâm đảm nhận chức Phó Trưởng Công an xã... Năm 1993 vào Đảng. Kinh tế địa phương tuy có bước phát triển song vẫn loay hay tìm hướng đi cho cái ăn, cái học. Do nặng gánh gia đình nên tháng 5/1997, anh Hùng đưa 2 con nhỏ lên nhà người em xin học Trường Tiểu học Đa Thành, Phường 7, Đà Lạt... Phường 7 mời tham gia công tác nhưng đã “dứt áo” ra đi làm kinh tế, anh không nhận lời. Mất mấy tháng trời đi bốc xếp hàng hóa ở cây số 6, những lần ngồi chờ xe tải tới anh cám cảnh buồn với phận như “chó chờ xương”, suy nghĩ và nhận ra rằng “nước cờ” lên Đà Lạt là sai lầm khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Cuối năm ấy Lê Phi Hùng quyết định trở lại Hương Lâm... Địa phương tiếp tục bố trí anh làm cán bộ Tư pháp kiêm nông - lâm - thủy. Năm 2000 làm Trưởng Công an xã rồi 2007 trở đi được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch, Quyền Chủ tịch; làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và từ 2015 được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm. 
 
- Anh nghĩ gì nếu như vẫn bám trụ ở Đà Lạt? 
 
Trả lời đồng nghiệp tôi, ánh mắt lấp lánh sau cặp kính trắng, Bí thư Hùng trầm giọng:
 
- Bản tính người miền Trung không sợ khó, sợ khổ và có ý chí vươn lên rất cao... Bám trụ Đà Lạt chắc tôi cũng sẽ tích góp, mua đất mua vườn và là chủ trang trại rau hoa nhưng điều ấy có lẽ chỉ được cho gia đình mình. Về đây, tôi được đóng góp tâm sức cho bà con, cống hiến cho cộng đồng nơi tôi đã gắn bó một thời trai trẻ. Thú thật là Hương Lâm cán đích xã nông thôn mới, tôi thấy mình đã trả được nợ cho miền đất này!    
 
Trả được nợ cho quê hương hay hết lòng, hết sức vì quê hương no ấm cũng là suy nghĩ, là nhịp đập chung của nhiều thế hệ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở trong huyện Đạ Tẻh. Một chiều thứ bảy, các anh Nguyễn Hữu Hiền - Bí thư Đảng ủy, Trần Mạnh Nhuần - Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ An Nhơn mà tôi đã gặp năm 1996 khi đến viết bài bút ký về thầy giáo Ma Ngọc Thanh - một trong ít người đầu tiên mang giống lúa Nếp Quýt có nguồn gốc từ Cao Bằng về địa phương - mọi người đón chúng tôi ngay tại nhà anh Phượng - Phó Chủ tịch xã, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Quyết Tâm... Bữa cơm chiều với nhiều món đặc sản của vùng quê lúa được chế biến theo ẩm thực người Tày Cao Bằng, người Bình Định rất hấp dẫn... Dĩ nhiên không thể thiếu món xôi Nếp Quýt dẻo thơm và chai rượu Nếp Quýt An Nhơn trong vắt, thơm nồng được đóng chai với mẫu mã khá bắt mắt. Trong không gian rộn rã tiếng cười, lời trò chuyện thân tình, Phó Bí thư Đảng ủy Bế Văn Bối - người Tày Cao Bằng, tự hào bộc bạch cùng tôi: - Trước anh viết bài “Hương Nếp Quýt An Nhơn bay xa» thì nay đã thành hiện thực. Nếp Quýt của huyện được một doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh ký bao tiêu đã bay sang tận châu Âu rồi. Hợp tác xã Quyết Tâm hoạt động hiệu quả, bà con yên tâm trồng 3 vụ lúa một năm, trong đó có 2 vụ Nếp Quýt... Chủ tịch Nhuần tiếp lời: - Từ An Nhơn cây lúa nếp đã được huyện nhân rộng ra các xã và thương hiệu Nếp Quýt Đạ Tẻh không còn xa lạ với thị trường. Huyện đã quy hoạch vùng chuyên canh cây lúa 2.000 ha, trong đó, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, quy mô 1.600 ha, doanh thu đạt từ 90 - 120 triệu đồng/ha. Riêng sản xuất lúa VD 20, Nếp Quýt đã áp dụng quy trình VietGAP 400 ha, GlobalGAP 20 ha. Nhãn hiệu gạo Nếp Quýt được xác định, chọn lựa là sản phẩm OCOP của huyện trong giai đoạn 2016-2020... Từ một vùng thuần nông với cây lúa, cây mỳ ngỡ khó trở nên giàu có song khoảng 5-7 năm nay, An Nhơn - vùng quê mới của cư dân Bình Định, Cao Bằng, Hà Nam... đã dần trở nên trù phú - Từ cảm nhận này, tôi thêm thấm thía hơn về ý chí đột phá, năng động của An Nhơn khi nơi đây đặt tên Hợp tác xã nông nghiệp là Quyết Tâm với ý nghĩa rộng lớn và giàu khát vọng. 
 
Trở lại Huyện ủy Đạ Tẻh, câu chuyện xoay quanh vấn đề đồng bào DTTS bản địa trong xây dựng NTM, Bí thư Huyện ủy Tôn Thiện Đồng và Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hùng như chạm điều lâu nay trăn trở. Theo Chủ tịch Hùng: Đạ Tẻh có 12.498 người DTTS, chiếm 24,5%, riêng đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên 3.454 người (907 hộ), chiếm 6,86%. Để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân, gần 10 năm qua, huyện vận động, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi hơn 2.500 ha cây trồng có giá trị thu hoạch dưới 50 triệu đồng sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao (chủ yếu là chuyển đổi đất trồng điều, đất lúa chưa chủ động được nguồn nước và đất vườn tạp). Huyện cũng tập trung nhiều giải pháp để đẩy mạnh đầu tư phát triển KT-XH trong vùng đồng bào DTTS. Đối với vùng đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên, do điều kiện đặc thù riêng, nên Đạ Tẻh xây dựng các dự án sản xuất tập trung, để đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Triển khai các chương trình gắn với xây dựng NTM, tại đồi Đất Đỏ (xã Mỹ Đức) đã xây dựng vùng sản xuất cao su tập trung 62 ha từ năm 2012 và tiếp tục mở rộng tại khu vực Trảng Cỏ (xã Quốc Oai) 120 ha; tại Tố Lan (xã An Nhơn) thực hiện mô hình trồng tre Tầm vông, diện tích 25 ha, tiếp tục mở rộng thêm 20 ha trong năm 2019. Năm 2019, huyện tiếp tục hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng cho các dự án trong vùng đồng bào. Các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện lồng ghép đồng bộ, hiệu quả. Đời sống kinh tế, xã hội của Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS tại các xã nghèo được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Các hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào DTTS được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Năm 2010 thu nhập bình quân đầu người trong huyện chỉ đạt 10,7 triệu đồng, đến năm 2018 đạt trên 39,6 triệu đồng và đến tháng 5/2019 ước đạt 41,5 triệu đồng... Theo Bí thư Huyện ủy, điều ông tâm đắc là: Vừa qua, các xã ở Đạ Tẻh đều đạt các tiêu chí NTM, để có kết quả này, các cấp ủy và chính quyền trong huyện đã tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch, phát động phong trào thi đua, huy động nguồn lực để thực hiện các nội dung phù hợp, sát thực tế, gắn với với quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân...
 
Chia tay Đạ Tẻh vào một ngày cuối Tháng Tám mùa Thu Cách mạng, tuy mới chấm phá hiện thực sinh động về Đất và Người vùng đất mới được cư dân ba miền hội tụ mang theo truyền thống cách mạng, sự cần cù và tinh thần năng động, sáng tạo; giàu ý chí vươn lên với nhiều khát vọng lớn lao, hòa nhập cùng đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên bắt nhịp cho “đất và người chung một dòng suy nghĩ” tôi cảm nhận những gam màu tươi sáng bừng trên diện mạo miền đất ăm ắp huyền thoại xưa và nay. 
 
Đạ Tẻh, tháng 8/2019
 
KÝ: NGUYỄN THANH ÐẠM