Lâm Đồng - Mười năm thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa"

06:12, 06/12/2019

Đến nay, Lâm Đồng "hội tụ" 43 dân tộc ở các tỉnh, thành phố trong cả nước về đây lập nghiệp...

Đến nay, Lâm Đồng “hội tụ” 43 dân tộc ở các tỉnh, thành phố trong cả nước về đây lập nghiệp. Trong quá trình sinh sống, văn hóa của dân cư từng vùng miền đã giao thoa, quyện hòa với văn hóa của các dân tộc bản địa, tạo cho Lâm Đồng một tỉnh có nền văn hóa đa dạng, phong phú...
 
Các hoạt động văn hóa dân gian ở cơ sở. Ảnh: T.D.H
Các hoạt động văn hóa dân gian ở cơ sở. Ảnh: T.D.H
 
Đặc trưng văn hóa Lâm Đồng
 
Theo các tài liệu, cư dân Lâm Đồng được tập hợp từ các “nguồn” cơ bản: người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa có nguồn gốc lâu đời (Mạ, Kơ Ho, Churu); một lượng lớn cư dân Hà Nội và các tỉnh lân cận; các tỉnh miền Trung (chủ yếu Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên); cư dân một số tỉnh miền Nam và những năm gần đây là đồng bào các DTTS miền núi phía Bắc... 
 
Người Việt Nam khi đi lập nghiệp bất cứ nơi đâu dường như chẳng mang theo nhiều tiền của (đa số nghèo), cái mà họ luôn mang theo trong hành trang xa xứ là tín ngưỡng, tập quán, thói quen... văn hóa! Bởi vậy, văn hóa Lâm Đồng vừa mang nét chung, vừa có nét riêng - văn hóa từng sắc tộc, vùng miền. Song, tất cả đều hòa quyện trong cuộc sống vốn luôn luôn vận động và hướng tới cái mới, hiện đại, tốt đẹp hơn. Điều kỳ diệu là dù người miền Bắc, miền Trung, hay miền Nam; người đến trước hay người lập nghiệp sau; người Kinh hay DTTS... khi đến Lâm Đồng đều sống đan xen trong cùng một cộng đồng dân cư; trong quá trình sinh sống và sự “sàng lọc” của thời gian, người ta biết học hỏi nhau cái tốt, phát huy cái hay, bỏ dần cái xấu, cái cá biệt... Nét đặc trưng ấy thể hiện rõ nét qua cách tổ chức đời sống, lao động, sinh hoạt, nhất là qua các lễ hội văn hóa truyền thống cộng đồng. 
 
Với đặc trưng đa dân tộc, đa văn hóa; muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trước hết phải quan tâm phát triển văn hóa. Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã thể hiện rất rõ quan điểm chỉ đạo này trong các văn kiện, chương trình hành động: “Tập trung bảo tồn và phát triển văn hóa, di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn; trong đó, chú trọng phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS; đồng thời, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch”. 
 
Theo đó, UBND tỉnh đã triển khai các đề án, chương trình; chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VH,TT,DL) phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào các DTTS bị mai một; khôi phục một số làng nghề và nghề truyền thống bị thất truyền; lấy phát triển văn hóa làm nền tảng, sức mạnh nội sinh để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh... 
 
10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa
 
Sau khi Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Kế hoạch số 2016-KH/UBND triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”. Với 5 mục tiêu và 6 nhiệm vụ được UBND tỉnh xác định trong việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa” cụ thể qua 2 giai đoạn: 2010 - 2015 và 2016 - 2020, đó là: xây dựng con người văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức các tôn giáo, tín ngưỡng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
 
Trong nhiều năm qua, các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động; các quy ước, hương ước xây dựng đời sống văn hóa; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; lồng ghép việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
 
Sở VH,TT,DL phối hợp các ngành tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học về lịch sử, văn hóa, du lịch; tổ chức hàng chục lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng du lịch cho 2.000 cán bộ văn hóa cơ sở, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhân viên trong các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng...
 
 Đến nay, toàn tỉnh có 114/116 xã có nhà văn hóa (đạt 98,3%); 906/976 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (đạt 92,8%)... Sở VH,TT,DL đã khảo sát, lập danh mục, đề xuất bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc... Trên địa bàn tỉnh hiện có 36 di tích đưa vào danh mục đã được công nhận (20 di tích cấp quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh). 20 di tích cấp quốc gia, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khảo cổ Cát Tiên; 2 di tích kiến trúc; 14 di tích danh lam thắng cảnh và 2 di tích lịch sử cách mạng. Đa số di tích danh lam thắng cảnh được giao cho các doanh nghiệp khai thác phục vụ du lịch, tạo những “điểm đến” hấp dẫn du khách.
 
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS được chú trọng. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”; Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030”; lập Đề án trình Bộ VH,TT,DL công nhận “Làng dân tộc Churu” (tại xã Proh - huyện Đơn Dương); phục dựng và đưa Di tích lịch sử cách mạng Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt vào phục vụ du khách tham quan, học tập, nghiên cứu...
 
Thực hiện Đề án của Chính phủ về hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS, Lâm Đồng đã đầu tư phục dựng hơn 10 lễ hội tiêu biểu của các DTTS bản địa như: Lễ Pơthi (của người Churu và nhóm Kơ Ho ở thôn K’Long - huyện Đức Trọng), lễ Nhô Wèr (của người Kơ Ho Srê ở huyện Di Linh), lễ Bok Chu-bur (của cộng đồng Churu ở huyện Đức Trọng), các nghi thức cúng lúa rẫy (của người Mạ ở huyện Bảo Lâm), lễ đưa lúa về kho (dân tộc Kơ Ho huyện Lâm Hà)...
 
Lâm Đồng đã đầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề và các nghề truyền thống của đồng bào các DTTS. Toàn tỉnh hiện có 33 Làng nghề truyền thống gắn với các sản phẩm văn hóa đặc trưng (Làng nghề làm rượu cần, Làng nghề trồng dâu nuôi tằm; Làng nghề dệt thổ cẩm; các nghề: làm nõ, làm bầu hồ lô, đan lát...) đã được UBND tỉnh công nhận. Phát triển các làng nghề truyền thống và nghề truyền thống gắn với du lịch thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm.
 
Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển văn hóa, hệ thống các thiết chế văn hóa ở cơ sở được trang bị cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh của Nhân dân. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh, các địa phương tranh thủ các nguồn tài trợ; thực hiện xã hội hóa và chi ngân sách trang bị tư liệu cho các thư viện, bảo tàng; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, các sân chơi thể thao... góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
 
THANH DƯƠNG HỒNG