Nghệ nhân K'Tơng và trầm tích văn hóa chiêng

08:12, 07/12/2020

Giữa cơn mưa kéo dài, nhưng anh K'Mark - cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Ðạ Huoai vẫn nhiệt tình dẫn tôi vào xã Ðạ Ploa. "Ơ…K'Tơng…". Giọng anh vang lên đầu ngõ một ngôi nhà xây nhỏ nép mình nơi Thôn 5.

Giữa cơn mưa kéo dài, nhưng anh K’Mark - cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Ðạ Huoai vẫn nhiệt tình dẫn tôi vào xã Ðạ Ploa. “Ơ…K’Tơng…”. Giọng anh vang lên đầu ngõ một ngôi nhà xây nhỏ nép mình nơi Thôn 5.
 
Nghệ nhân K’Tơng và chiêng Mẹ tại nhà mình
Nghệ nhân K’Tơng và chiêng Mẹ tại nhà mình
 
Chúng tôi đứng giữa thềm nhà một lúc cho nước mưa rũ bớt xuống. Ông lão khá lực lưỡng mở cửa, cùng nụ cười hồn hậu và lời chào “niêm xă” của khách và chủ. Cuộc trò chuyện giữa tôi và ông K’Tơng mở lòng, rôm rả như chỗ thân tình lâu ngày gặp lại nhờ cầu nối hoạt ngôn và rất tận tâm từ anh K’Mark, một người có nhiều năm trong hoạt động văn hóa truyền thống của huyện. 
 
Ông K’Tơng nay đã hơn 73 tuổi, giọng chậm rãi, chia sẻ với tôi những câu chuyện của văn hóa cồng chiêng. Đặc biệt là theo gợi ý của K’Mark, ông hào hứng kể lại những câu chuyện giao hảo chia sẻ niềm hạnh phúc được mùa bằng văn hóa ẩm thực và văn hóa cồng chiêng diễn ra trong nhiều ngày nối đêm của một thời quá vãng giữa các buôn… K’Tơng được tắm mình trong không gian văn hóa thiêng như thế từ thời còn nhỏ, người dân tộc Mạ ấy giờ là “của hiếm” những nghệ nhân còn lại ở huyện Đạ Huoai. Anh K’Mark cùng xác nhận, toàn huyện số người cao niên giỏi đánh cồng chiêng đếm chưa hết bàn tay. Ngoài ông K’Tơng có thêm mấy người nữa như ông K’Niểu, ông K’Lập, ông K’Chiu, ông K’Đàng… Nhưng ông K’Tơng là một cộng tác viên đắc lực của Trung tâm Văn hóa huyện trong những dịp tổ chức lễ hội văn hóa Tây Nguyên. Và đặc biệt là ông trao truyền những di sản đặc sắc ấy cho các lớp hậu sinh. Theo anh K’Mark, trong khoảng gần 20 năm nay, huyện Đạ Huoai đã tổ chức nhiều lớp học đánh chiêng cùng dạy dân vũ ở tất cả các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Mạ trong huyện. Số lượng người được trao truyền đến nay khoảng 500 lượt người qua các đợt học đánh chiêng. Người thầy K’Tơng truyền dạy 4 bài biểu diễn cơ bản là: Tiếp khách (Gơm piếp, gơm gòh), Mừng trước mùa thu hoạch nông sản (Tìng grar vơh), Nghe tiếng chim hót (Địp peir) và Mừng lúa mới (Tìng prọt). Mỗi bài diễn có nhịp phách và âm sắc tiết tấu khác nhau. Ví dụ bài “Tiếp khách” có nhịp nhanh, vui tươi, khoáng trãi; bài “Nghe tiếng chim hót” nhịp chậm và tròn rõ âm sắc hơn… “Còn xoang (dân vũ) vốn gốc xưa cũng khác lắm anh. Người ta chỉ đứng một chỗ, bên chóe rượu, đàn ông, đàn bà múa hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển trong không gian của chiêng, của men rừng và của đại ngàn. Sau này vì nhu cầu phục vụ công chúng đại trà, trong đó có du lịch mới cách điệu nhiều theo các hoạt động sản xuất và sinh hoạt”, K’Mark vừa thị phạm vừa giải thích cho tôi. Thú thực, tôi phải bày tỏ sự tiếc nuối! 
 
Nghệ nhân K’Tơng trầm ngâm nói: “Mình biết mà không nhiệt tình dạy cho lớp trẻ cái hay của văn hóa truyền thống dân tộc mình thì nó ra đi mất”. Xã Đạ Ploa của ông hiện có 2 “bộ chiêng 6”: chiêng mẹ (me) và 5 chiêng con (còn) là rơdao, dờn, thòng, thơ và thê. Một bộ do huyện trang bị còn một bộ của ông K’Tơng, rất quý, độ tuổi cả trăm năm. Vốn liếng văn hóa cồng chiêng có bề dày lại tâm huyết, ngoài việc truyền dạy và tham gia trong ban thẩm định các lễ hội văn hóa của huyện, nghệ nhân K’Tơng còn có công duy trì đội nghệ thuật cồng chiêng của xã Đạ Ploa nhiều năm nay. Đội có 36 người, độ tuổi từ 16 đến 30; trong đó 18 nữ và 18 nam, con trai học đánh chiêng, con gái học dân vũ. Đặc biệt, đội có 4 người con của ông K’Tơng, đó là 2 con trai K’Tim và K’Tuoi, 2 con gái Ka Nhoi và Ka Thanh Nga. Đội cồng chiêng của xã do nghệ nhân K’Tơng dìu dắt nhiều năm nay đoạt các giải thi, không chỉ trong huyện mà cả cấp tỉnh. Đội cũng là hạt nhân trong các đợt biểu diễn cho khách du lịch trên địa bàn huyện. Đây là một trong những giải pháp rất thiết thực và linh động để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Hoạt động này do chính anh K’Mark là chủ đạo trong vai trò tổ chức sự kiện, đạo diễn và dựng chương trình. 
 
Văn hóa cồng chiêng đồng bào dân tộc Mạ ở Đạ Huoai chỉ diễn ra trong những sự kiện của niềm vui và hạnh phúc, không xuất hiện tại không gian của ma chay như một số vùng và dân tộc khác. Vì vậy, để duy trì, bảo tồn và phát triển tốt văn hóa bản địa, rất cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp quản lý. Luôn thực thi một thiết chế văn hóa trong xu hướng vừa bảo lưu những giá trị tinh hoa, vừa giao thoa trong tiếp biến văn hóa thì mới bảo tồn được hiệu quả. Muốn vậy phải có những đầu tư thực sự từ chính những cơ quan chức năng với vai trò quản lý nhà nước. Tôi cũng đặt vấn đề này với lãnh đạo xã Đạ Ploa, Phó Chủ tịch UBND Đinh Công Định. Đặc biệt những nghệ nhân như ông K’Tơng, một kho tàng văn hóa bản địa còn nhiều giá trị nguyên bản, một năng lượng lớn chất chứa tâm huyết, rất cần khích lệ, động viên và có chính sách thích đáng để phát huy. Được biết, ông K’Tơng ngoài sự ghi nhận là Huân chương Kháng chiến hạng Ba của Chủ tịch nước tặng năm 2001; mấy năm gần đây có sự quan tâm của huyện Đạ Huoai, ông đón nhận giấy khen của Huyện ủy, thành tích 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và bằng khen của Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Già K’Tơng cũng là “Nghệ nhân văn hóa cồng chiêng” cấp tỉnh, là một trong 12 nghệ nhân vừa được Hội đồng tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Tôi nghĩ, chừng đó vẫn chưa đủ để khai thác những vỉa văn hóa đặc sắc đang tiềm tàng ở một ngọn núi trầm tích lớn về văn hóa, trong biên độ dễ khai thác nhất.
 
MINH ĐẠO