Tình làng mây

12:05, 03/05/2021

Trận địa cao xạ của chúng tôi được đặt trên một ngọn đồi. Dưới chân đồi là làng Mây, một ngôi làng xanh mát một màu xanh của cau và mít...

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Trận địa cao xạ của chúng tôi được đặt trên một ngọn đồi. Dưới chân đồi là làng Mây, một ngôi làng xanh mát một màu xanh của cau và mít. Dưới nắng hè rực rỡ, khắp các đường ngang ngõ dọc của làng Mây cứ ngan ngát hương cau và thơm lừng mùi mít chín.
 
Nhưng có lẽ cái đặc biệt của làng Mây không phải ở chỗ đó. Cái đặc biệt của làng Mây là con gái sao mà đẹp đến lạ lùng? Con gái ở cái làng này cô nào cũng tròn lẳn, đặc biệt là bộ ngực. Chàng trai nào đã một lần (dù chỉ một giây, một phút) nhìn thấy các cô gái cởi trần tắm bên bờ giếng dưới trăng - thì có lẽ - cả đêm, cả tháng, cả năm và cả... đời không ngủ được (nếu như cứ “phòng không” mãi).
 
Có biết bao nhiêu điều kỳ diệu được giấu kín trong cái bộ ngực nõn nà nây nẩy dưới trăng kia?
 
Và, đặc biệt hơn là… giọng nói. Cái giọng nói nghe mới ấm áp làm sao, tha thiết làm sao! Chàng trai nào đã trót nghe một lần giọng nói ấy thì cả đời không sao mà quên được.
 
Chỉ trừ có đại đội trưởng, đại đội phó là có vợ con ở quê, còn lại tất cả cánh lính cao xạ phòng không chúng tôi đều còn “phòng không” cả. Vì thế, điều huyền bí kia lại càng huyền bí với chúng tôi.
 
Ngày thường, đại đội chia làm hai ca trực. Đại đội trưởng cho phép ca không trực có thể được vào làng xin tre về đan rổ, rá, vót đũa hoặc chơi bời nhưng phải đi theo tổ tam tam và không quá nửa giờ đồng hồ. Mỗi lần chỉ được một tổ đi. Tôi vốn hiền lành, nhút nhát nên chấp hành “nghiêm văn chỉnh”. Thế nhưng, thằng Hoan, bạn tôi thì ngược lại. Chẳng hiểu thế nào mà chỉ mấy lần vào làng, nó đã làm quen và thân được với một cô gái tên là Nhung. Và tình yêu của họ cứ lớn dần theo năm tháng.
 
Vì là bạn thân của Hoan nên tôi cũng được nhiều lần cùng Hoan đến chơi nhà Nhung. Chỉ trong vòng sáu tháng, Hoan - Nhung đã thành một đôi uyên ương son sắt.
 
Thế rồi, đùng một cái, đơn vị có lệnh hành quân gấp. Hoan chỉ kịp chạy hộc tốc vào làng báo cho Nhung biết rồi lên đường ngay.
 
Vì nhiệm vụ quân sự, Hoan không được phép tiết lộ địa điểm đóng quân mới của đơn vị cho Nhung. Vì thế Nhung không thể biết được Hoan đang ở đâu. Thế rồi, đơn vị tôi tiến dần về phía mặt trận.
 
Trong chiến dịch đánh đường Mười bốn - giải phóng thị xã Phước Long đông xuân 1974-1975, Hoan đã cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm. Đến phút cuối cùng, một viên đạn quái ác của kẻ thù đã bắn vào ngực Hoan. Một dòng máu đỏ từ ngực Hoan phun ra ướt cả cánh tay tôi. Lúc ấy, tôi là người đồng đội chiến đấu bên cạnh Hoan. Trước khi ngã ra, một tay Hoan nắm chặt lấy bàn tay tôi, một tay từ từ rút trong ngực túi áo phía trái ra nửa cái lược đuya-ra và nói: “Nhờ Minh… Nhung…Nhung... Nhung…”. Có lẽ Hoan nhờ tôi chăm sóc cho Nhung chăng? Tôi cầm nửa cái lược từ tay Hoan, đỡ Hoan đứng thẳng dậy rồi nhìn vào mắt Hoan, khẽ gật đầu. Hoan từ từ nhắm mắt lại, người mềm nhũn ra và ngả vào vòng tay tôi...
 
Lễ truy điệu Hoan và mười đồng đội khác diễn ra trong không khí trang nghiêm, sục sôi căm thù trong khu rừng cao su Phước Long ngay trong đêm hôm ấy. Thi hài của đồng đội được giao cho một đơn vị bộ đội địa phương mai táng. Đơn vị tôi lại nhận lệnh lên đường tiếp tục chiến đấu. Và tôi cũng bị thương trong trận này.
 
Tháng 11 năm 1975 tôi được ra Bắc điều trị. Đầu năm 1976, cầm quyết định xuất ngũ, đeo ba lô về quê, đáng lẽ tôi phải về ngay quê hương Thái Bình của tôi. Nhưng không hiểu trái tim mách bảo thế nào mà bàn chân tôi cứ xăm xăm bước về phía làng Mây, ngôi làng ngan ngát hương cau và thơm lừng hương mít chín.
 
Vâng, tôi khoác ba lô về làng Mây - quê Nhung. Đây rồi! Cái làng Mây thương nhớ ấy đây rồi! Ngôi nhà lá đơn sơ nhưng ấm tình quân dân cá nước của gia đình Nhung đây rồi!
 
Tôi nhẹ nhàng bước vào sân. Im ắng. Rồi tôi bước vào nhà. Vẫn im ắng. Tôi nhìn lên bàn thờ ở gian giữa thấy có ảnh của bố Nhung. Và, bên cạnh có ảnh của… Hoan! Tôi bỏ ba lô xuống, chắp tay vái lạy ba vái. Có bước chân nhè nhẹ đằng sau. Tôi quay lại. Ồ, Nhung! Đúng Nhung rồi! Vẫn thân hình tròn lẳn như xưa. Nhưng khuôn mặt có phần già dặn đi một chút. Đôi mắt Nhung chợt sáng lên… Rồi đôi mắt lại buồn…
 
Nhung khóc. Tôi lại gần đặt tay lên vai Nhung. Những tiếng nấc lại rung lên một đợt nữa… Một lúc sau, mẹ Nhung về. Thế rồi cả làng Mây kéo đến ngôi nhà của Nhung... Từ bé đến giờ, tôi chưa từng được chứng kiến một tình cảm nào thiêng liêng và cảm động như tình cảm của bà con làng Mây ngày hôm ấy. Ngày hôm sau, trước khi về quê Thái Bình, tôi đem nửa cái lược của Hoan trao lại cho Nhung. Nhung cũng đem nửa cái lược còn lại để bên nửa cái lược của tôi. Kỳ lạ thay, hai nửa cái lược gãy lắp lại - lại thành một cái lược mới vẹn nguyên?
 
Không! Tôi không dám nói với Nhung điều gì. Tình cảm ấy là do Nhung quyết định. Thế rồi tôi tạm biệt mẹ con Nhung, tạm biệt bà con làng Mây, xốc ba lô lên đường về quê hương tỉnh Thái. Nhung tiễn tôi ra tận đầu làng Mây, rồi bất ngờ ôm chặt lấy tôi mà khóc. Nhung khóc nức nở như chưa từng được khóc bao giờ.
 
Bốn mươi năm đã qua.
 
Chắc các bạn không hiểu câu chuyện rồi sẽ ra sao? Không biết bây giờ Nhung sống ra sao? Và, không biết bây giờ gia đình tôi như thế nào? Xin thưa: Bây giờ, ngay trong khi đang viết những dòng này, tôi đang sống tại cái làng Mây yêu thương và thơ mộng ngày ấy, đang hít hà cái hương cau ngan ngát và cái hương thơm lừng của mít chín làng Mây.
 
Phu nhân của anh lính cao xạ hiền lành, nhút nhát ngày nào lại chính là người có cái tên Nhung ngày ấy. Chúng tôi có hai con. Một trai, một gái đều là thợ giỏi của nhà máy chuyên sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong cả nước. Bốn đứa con gái, trai, dâu, rể và bốn cháu nội ngoại ngày ngày vẫn quây quần bên ông bà ở cái làng ngan ngát hương cau và thơm lừng hương mít chín của quê hương. Phần mộ của Hoan đã được đồng đội, gia đình và dân làng quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã. Ngày lễ, ngày tết, ngày hai bảy tháng bảy, vợ chồng con cháu tôi đều ra nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho Hoan và đồng đội.
 
Cầu giời cho Hoan luôn luôn được thanh thản ở cõi niết bàn. Tôi và đồng đội của Hoan xin hứa cùng với dân làng sẽ phấn đấu thực hiện bằng được những điều mong ước khi xưa để cuộc đời này đẹp tươi lên mãi mãi…
 
Truyện ngắn: PHẠM MINH GIANG