Một tiết học còn dang dở

05:11, 18/11/2021

Một tiết học còn dang dở

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Như thông lệ, sáng nay tôi khởi động laptop mở sẵn phòng học từ sớm để cho học sinh vào chờ đến giờ sẽ tiến hành tiết dạy. Tuy chưa tới giờ học mà học sinh đã vào đông đủ. Tranh thủ thời gian các em mở mic nói chuyện í ới với nhau thật rôm rả. Đang loay hoay sắp xếp lại sách vở, bỗng tôi nghe tiếng của Ngọc Hân - lớp trưởng:
 
- Gia Bảo ơi! Hôm nay, hình như ba của bạn đã hết thời gian cách ly rồi đúng hông? 
 
- Đúng rồi Hân. Hôm nay ba mình được về nhà rồi. 
 
Trả lời bạn mà miệng Gia Bảo cứ mãi chúm chím cười. Hổm nay, nó đếm từng ngày, từng giờ trông cho đến ngày hôm nay để được gặp lại ba. Không biết, ba giờ như thế nào nhỉ? Chắc là ba ốm đi nhiều vì lo nghĩ những chuyện đã qua.
 
Đoạn đến đây, bỗng dưng nó nhớ đến mẹ. Nỗi nhớ cồn cào, da diết. Phải chi mẹ còn sống thì hôm nay nó cũng sẽ được gặp mẹ. Được mẹ mua cho tập vở, sắm thêm quần áo mới để đi học. Được mẹ làm cho món bánh canh cá lóc - món khoái khẩu của nó… Nghĩ mà nó căm ghét con vi rút quỷ quái kia đã cướp đi mẹ, chia rẽ tình thân của biết bao gia đình. 
 
***
 
Hoàn cảnh của Gia Bảo rất khó khăn. Nhà không có đất canh tác, ba mẹ phải rời quê lên Sài Gòn để tìm việc làm. Gia Bảo ở nhà với bà nội. Hàng tháng, ba mẹ gửi tiền về cho hai bà cháu trang trải và lo cho chuyện học hành của Gia Bảo. Những tưởng cuộc sống gia đình được tạm yên ổn, nào ngờ trong đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, ba mẹ của Gia Bảo bị mất việc. Không những thế cả hai vợ chồng đều không may bị dương tính với SARS-CoV-2 và phải đi cách ly điều trị. Đúng là phúc bất trùng lai họa vô đơn chí! Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. 
 
Vào bệnh viện điều trị một thời gian thì bệnh tình của người vợ trở nặng hơn. Mặc dù được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng người vợ đã không qua khỏi. Lúc nhận được tin, anh Tuấn (ba của Gia Bảo) ngã quỵ, gào thét trong vô vọng và liên tục gọi tên vợ trong tiếng nấc nghẹn ngào:
 
- Hằng ơi! Sao em bỏ ba con anh mà ra đi vậy hả em? Anh và con biết phải sống làm sao đây. Hằng ơi! Em ơi!...
 
Kể từ đó, anh Tuấn sống thất tha thất thểu như người mất hồn. Nhờ có láng giềng khuyên lơn, đùm bọc nên anh sống lây lất qua ngày chờ hết dịch sẽ trở về quê.
 
Một hôm hay tin, Sài Gòn nới lỏng giãn cách. Anh Tuấn cùng mấy người quen lật đật khăn gói về quê. Trên các tuyến đường xuôi về miền Tây, dòng người về quê đông như ngày về quê ăn tết. Những chiếc xe máy chở lỉnh kỉnh đồ đạc nối đuôi nhau chạy. Anh mang theo bên mình chiếc ba lô và bộ hài cốt của người vợ quá cố đạp xe vượt hàng trăm cây số. 
 
Ven tuyến đường quốc lộ, xa xa lực lượng đoàn viên, thanh niên và các nhà hảo tâm tổ chức phát cho cơm, nước uống… miễn phí cho người dân trở về quê. Nhờ vậy mà anh nhẹ gánh được phần nào. Khỏi phải lo đến chuyện ăn uống, trái lại có thêm sức để đạp xe. Đã biết bao lần mồ hôi ướt đẫm áo rồi lại khô quánh. Biết mấy trận mưa kèm theo sấm chớp ì đùng, nhờ có gầm cầu, mái hiên mà người không bị ướt. Biết mấy bận “con ngựa sắt” chở chứng, anh phải dẫn bộ tìm chỗ sửa... Sau mấy ngày liền ròng rã vượt nắng, đội mưa, chẳng quản đêm ngày. Lúc nào trong đầu anh cũng nghĩ “Bằng mọi giá mình phải trở dìa quê. Đưa nàng dìa nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đoàn tụ với mẹ và con trai”. Cuối cùng anh Tuấn cũng đạt được ước nguyện. Vừa đặt chân tới quê, anh thở phào nhẹ nhõm: “Sau những ngày vất vả, rốt cuộc mình cũng đã dìa tới được quê rồi!”. 
 
Tới quê, anh quyết định không về nhà, mà đi thẳng đến Trạm Y tế xã khai báo y tế. Xong, được cán bộ hướng dẫn hiện cách ly tập trung tại Trường Trung học cơ sở của địa phương. Hành lý mang trên vai cùng bộ hài cốt của vợ, anh dẫn “con ngựa sắt” hiên ngang đi vào chỗ cách ly: 
 
- Ráng 14 ngày nữa thôi! 14 ngày nữa là mình được dìa nhà đoàn tụ với má và con trai!
 
Trong cuộc họp Hội đồng sư phạm đầu năm của trường, nhận thấy hoàn cảnh gia đình của Gia Bảo đặc biệt khó khăn, tôi đã mạnh dạn đề xuất với nhà trường tìm giải pháp hỗ trợ để em có điều kiện tham gia học trực tuyến. Ý kiến của tôi được tập thể đón nhận và đưa ra trao đổi, bàn bạc. Cuối cùng, tập thể quyết định quyên góp tiền mua máy tính bảng tặng cho Gia Bảo. 
 
Tôi cùng thầy Hiệu trưởng đến tận nhà để trao máy cho Gia Bảo. Lúc thầy Hiệu trưởng trao máy cho em, tôi lấy điện thoại chụp lại tấm ảnh của hai thầy trò làm kỷ niệm. Nhận quà trên tay, hai mắt của Gia Bảo ngân ngấn nước, nói lời cảm ơn thầy (cô) trong nghẹn ngào:
 
- Nhờ có thầy (cô) trong trường giúp đỡ mà con mới có máy tính để học. Con xin cám ơn thầy (cô) rất nhiều ạ!
 
Bà Hai - nội của Gia Bảo đứng cạnh bên chen lời vào:
 
- Tội nghiệp thằng nhỏ lắm thầy ơi! Nhà chỉ có được cái điện thoại cùi bắp hà. Nghe mấy bạn nói học on - lai, on gì đó, hổm nay nó cứ than với tui hoài. Nó sợ không có máy để tham gia học cùng với mấy bạn…
 
Gia Bảo vốn thông minh, học giỏi. Tôi vừa hướng dẫn sơ qua về cách sử dụng và đăng nhập vào học trực tuyến là em đã tự mình thao tác được. 
 
Xong, chúng tôi từ giã gia đình ra về. Bà Hai liền ngăn lại “Khoan! Hai thầy chờ tui một chút!”. Rồi bà vội vã đi ra phía sau nhà. Chẳng bao lâu, bà hớt hải quay trở ra. Hai tay cầm hai trái bưởi, hổn hển bảo: 
 
- Nhà không có gì hết. Chỉ có cây bưởi trước nhà được ít trái. Tui biếu hai thầy dùng lấy thảo với bà cháu!
 
- Gia Bảo đi lấy 2 cái bọc cho nội coi! 
 
Nó nhanh nhẩu chạy đi tìm bọc cho nội. Bà Hai để mỗi trái vào một bọc, rồi lần lượt dúi vào tay thầy Hiệu trưởng và tôi; luôn miệng cám ơn vì đã giúp cháu bà có điều kiện để học. Tôi đưa mắt nhìn ra sân thấy có cây bưởi và chỉ còn vỏn vẹn đúng một trái đang đung đưa trên cành.
 
***
 
Trong lớp, Ngọc Hân và Gia Bảo chơi thân với nhau. Cả hai đều là học sinh giỏi. Đặc biệt, hai em thường xung phong phát biểu mỗi khi giáo viên đặt câu hỏi. 
 
Dạy xong phần lý thuyết. Tôi có câu hỏi dành cho cả lớp. Vừa nêu ra là cả lớp tranh nhau mở mic và “giơ tay” phát biểu. Những tiếng “em thầy!”, những lời bàn tán, những nhận xét liên tục vang lên rộn rịp cả phòng học. Trong đó, Gia Bảo là người “giơ tay” xin phát biểu trước và nói tiếng to nhất lớp. Được giáo viên cho phép trình bày. Nó đang nói ngon trớn, bà Hai đi ngang. Nhìn vào màn hình thấy tôi, bà mừng rỡ:
 
- A, thầy Dũng phải hông?
 
Tôi gật đầu chào. Bà Hai tiếp tục:
 
- Tui chào thầy. Tui cám ơn thầy lắm! Thầy khỏe hé?
 
- Dạ, con cám ơn bác, con khỏe ạ. 
 
Rồi bà Hai bỏ đi chỗ khác. Gia Bảo trình bày tiếp ý kiến của mình. Lời em diễn đạt nghe sang sảng, trơn tru, rành mạch và rất sát với câu hỏi. Dứt lời, nghe văng vẳng tiếng của bà Hai:
 
- Gia Bảo ơi! Ba con dìa tới rồi nè.
 
- A, ba về. Ba về rồi!
 
Ngay lập tức, nó vụt chạy ra đón ba mà chưa kịp tắt mic. Tiếng gọi “ba”, lời hỏi thăm ba liên tục phát ra nghe inh ỏi. Anh Tuấn nhắc nhở con trai:
 
- Mình mẩy ba dơ lắm! Đợi ba tắm rửa cho sạch cái đã.
 
Dù vậy nó cứ đi theo dính ba và liên tiếp hỏi khiến anh Tuấn trả lời không kịp. Một lúc sau, sực nhớ đến mẹ, giọng nó trầm ngâm: 
 
- Mẹ con ở đâu vậy ba?
 
Nghe được câu hỏi của Gia Bảo, cả lớp ai nấy cũng lặng thinh, không nói điều gì. Hình như có ai đó đang thút thít…
 
NGUYỄN VĂN DÔ