Trưng bày sách nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

08:01, 28/01/2022
(LĐ online) - Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thư viện Lâm Đồng đã tổ chức trưng bày, giới thiệu với bạn đọc gần 70 đầu sách có chủ đề Đón Tết mừng Xuân. 
 
Nhiều bạn đọc tìm đến sách để hiểu cặn kẽ hơn Tết cổ truyền dân tộc
Nhiều bạn đọc tìm đến sách để hiểu cặn kẽ hơn Tết cổ truyền dân tộc
 
Qua những trang sách cho bạn đọc hiểu cặn kẽ: Tết Nguyên đán là những ngày đầu tiên sau mùa đông giá lạnh, cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua sắc khoe hương, con người rạo rực sức sống, tràn đầy ước mơ, chào đón năm mới với nhiều hy vọng. Tết đi vào tiềm thức, Tết đến từ tâm trạng mỗi người Việt, mang ý nghĩa sâu sắc với cộng đồng dân tộc. Tết với những phong tục, tập quán cổ truyền phong phú mà dù đã trải qua hàng ngàn năm với không biết bao biến cố thăng trầm, vận nước có lúc chông chênh bị ngoại bang thay nhau đô hộ, giày xéo, thế mà dân tộc ta chẳng những vẫn giữ vững, mà nhân Tết truyền đạt những tín hiệu nuôi ý chí quật khởi, để giành lại chủ quyền dân tộc. Mà cho đến hôm nay, những nét đẹp văn hóa trong nghi lễ, phong vị ẩm thực, chợ quê ngày Tết, tranh Tết, câu đối Tết, sửa soạn bàn thờ tổ tiên, dựng nêu, múa lân, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, dưa đỏ, mâm ngũ quả, đưa ông táo, rước ông bà, đoàn viên sum họp, thăm hỏi, chúc tụng, mừng tuổi, lễ hội đầu xuân... tất cả đều hàm chứa những ý nghĩa thiêng liêng. 
 
Có thể kể các sách tiêu biểu: Bác Hồ chúc Tết (Nguyễn Phan Quang - Đinh Thu Xuân), Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến (Hà Minh Hồng - Trần Thiện), Lễ hội văn hóa 3 miền (Vũ Thụy An), Thơ chúc Tết mừng Xuân của Bác Hồ và lời bình (Lê Xuân Đức), Tết đoàn viên (Nguyễn Quang Thiều), Tết Việt (nhiều tác giả), Hội hè lễ Tết của người Việt (Nguyễn Văn Huyên), Khảo luận về Tết (Huỳnh Ngọc Trảng), Mùa xuân - Mùa sum họp (nhiều tác giả), Tết cổ truyền người Việt (Lê Trung Vũ), Lễ tết 365 ngày (Thanh Bình), Phong tục ngày Tết - Nghi lễ đi chùa đầu năm (Thanh Huệ - Kim Xuyến), Nghi lễ xông đất và nghi lễ cầu an (Ngô Thiện Mẫn), Dân ta ăn Tết (Nguyễn Hữu Thiệp), Tết Việt Nam xưa (nhiều tác giả), Tết Việt Nam qua tranh dân gian,  Còn mãi những mùa xuân (Thi đàn Người cao tuổi Di Linh), Phiên chợ Tết quê (Duy Khoát)... 
 
Trong đó, 22 bài thơ chúc Tết mừng Xuân của Bác Hồ được ra đời trong suốt 30 mùa xuân đấu tranh chống Pháp và Mỹ vừa làm lòng người ấm áp, phấn khởi, vừa như hồi kèn xung trận thúc giục mỗi người tăng thêm tinh thần dũng khí, động viên cổ vũ toàn dân tộc đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng, trong lao động, sáng tạo, xây dựng quê hương đất nước. 
 
Các lễ hội ngày xuân ở 3 miền đất nước cũng mang ý nghĩa lớn lao, là sinh hoạt cộng đồng rộng lớn với các loại hình: Hội nông nghiệp, hội vui chơi giải trí, diễn xướng dân gian, hội thi tài, hội giao duyên, hội lịch sử. Lễ nghi trong các ngày hội nhằm thần thánh hóa các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, thiêng liêng hóa hào khí núi sông đất nước, ở đó không thể thiếu các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, diễn xướng dân gian... Tết không chỉ sum họp gia đình mà còn là ngày hội sum họp cộng đồng trên mọi miền Tổ quốc, nêu cao lòng tự hào dân tộc, đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. 
 
Ngày nay đất nước đã đổi thay, trên bước đường ra sức kiến tạo quê hương, đời sống vật chất tinh thần được nâng cao phát sinh nhiều loại hình vui chơi mới hiện đại, nhưng Tết vẫn là dịp người Việt tự tìm về với cội nguồn, với bản sắc dân tộc. Đọc những trang sách nhắc nhở chúng ta, cùng tự hào gìn giữ truyền thống văn hóa, đạo lý, phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông. 
 
Cuộc trưng bày diễn ra từ nay đến hết tháng Giêng năm Nhâm Dần.
 
QUỲNH UYỂN