Suy tư về nhà nông thời hiện đại

08:04, 14/04/2016

Tháng tư trời vào hạ, mưa đầu mùa trên vùng cao nguyên xua tan đi cái nóng nung người, vạn vật hả hê dưới cơn mưa, nhất là tại những vùng thiếu nước. Mưa giải hạn, ông bà ta thường có câu như vậy. Quả nhiên, ngày nay việc ông trời làm "hạn" ngày càng phổ biến...

Tháng tư trời vào hạ, mưa đầu mùa trên vùng cao nguyên xua tan đi cái nóng nung người, vạn vật hả hê dưới cơn mưa, nhất là tại những vùng thiếu nước. Mưa giải hạn, ông bà ta thường có câu như vậy. Quả nhiên, ngày nay việc ông trời làm “hạn” ngày càng phổ biến. Đó là hậu quả của biến đổi khí hậu xảy ra trên khắp hành tinh chứ không riêng gì trên đất nước ta. Hàng ngày, mở internet người ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh khô hạn trên mặt ruộng ở các tỉnh miền Tây Nam bộ với lời cảnh báo nếu không có hành động cụ thể thì mấy chục triệu dân lưu vực sông Cửu Long sẽ không còn kế sinh nhai bởi thượng nguồn người ta đã đắp đập giữ nước, “thượng nguồn tích thủy hạ nguồn khan” mà! Trong bức tranh ảm đạm đó thỉnh thoảng lại lóe lên vài tia sáng cuối đường hầm: đâu đó ở Bạc Liêu, Sóc Trăng… người dân và cả nhà khoa học đang bàn một lúa một tôm, thay đổi cách canh tác ba vụ lúa liên tục trong năm để thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Người miền Nam có câu rất hay “sống chung với lũ”, lũ đây là mùa nước nổi nay lại mang ý nghĩa là… thiếu nước ngọt để làm ra hạt lúa vụ hè thu!
 
Tôi không rành lắm chuyện ở miền Tây sông nước, nhưng ở miền cao nguyên này, chuyện thiếu nước cũng không phải là điều hiếm thấy. Bây giờ nước là một thứ tài nguyên ngày càng có giá, nước không còn là vô hạn nữa rồi. Câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” bao giờ cũng đúng với người nông dân. Nước ở vị trí đầu tiên tùy thuộc ở tự nhiên hay tác động của con người trong việc tích trữ nước để sản xuất và sinh hoạt, còn ba yếu tố sau con người có thể điều tiết được. Tôi có ông bạn trước là một công chức, sau một biến cố trở về làm vườn. Nhà anh trên một quả đồi cao, đất rộng nhưng chuyện nước nôi là chuyện… đau đầu! Anh trồng rau, trồng hoa như đa số người dân sống ở đây, tất cả đều trong nhà lồng có mái che bằng ni lông mà người ta hay gọi là nhà kính. Năm ngoái, cơn mưa đầu mùa mang nước đến cho đất hạn đồng thời trời cho luôn một cơn mưa đá! Nhà lồng của anh bạn tôi bị sụp, thiệt hại cũng đáng kể, nhưng rồi anh cũng vượt qua được như bao nhiêu thiên tai khác. Năm nay, anh thử tìm hướng đi mới, qua tìm hiểu anh thử trồng trên đất nhà một sào dưa có tên gọi là sapina. Tôi không biết dưa sapina như thế nào, nghe anh kể đó là một giống dây leo cho trái sau chừng 5 tháng trồng, trái dưa nặng chừng nửa ký, có vân sọc theo thân trái rất đẹp. Nghe đâu hiện tại giá thị trường tầm một trăm ngàn đồng một ký, mà dưa này cũng “năng suất” lắm, anh đang kỳ vọng một vụ mùa bội thu. Nhưng anh chợt thở dài đánh thượt một cái rồi nói “biết thì biết vậy nhưng để khi thu hoạch mới rõ thực hư!”. Tôi chia sẻ với trăn trở của anh, phàm thứ gì mới ra đời số lượng ít thì có giá, khi trồng nhiều giá rớt đúng như câu “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, cái vòng lẩn quẩn của nông nghiệp xứ ta!
 
Năm nay, theo dự báo, nước về các hồ chứa trên ba miền chừng 60 - 70% rồi, nghĩa là ít lắm, nền nông nghiệp đang bị đe dọa, mà nông nghiệp là nguồn sống của mấy chục triệu người. Nghe mà lo quá đỗi nhưng tôi ngẫm nghĩ không lẽ người nông dân và các nhà khoa học chịu bó tay? Nhìn ra thế giới, nước Do Thái đất đai đa số là sa mạc vậy mà họ xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại, lo đủ thực phẩm cho dân chúng, còn xuất khẩu nữa. Người Do Thái nuôi cá trên… cát, nghe chừng như một chuyện cổ tích nhưng đó lại là chuyện thật. Họ lại có hệ thống hợp tác xã hiện đại, chuyên cung cấp giống cây trồng, phân bón… và lo tiêu thụ sản phẩm của xã viên. Người nông dân chỉ biết làm cho tốt công việc của mình. Rồi ở Nhật, làng Thần Kỳ trồng rau trở nên giàu có, họ đã đến Đà Lạt mở trang trại trồng xà lách có thể ăn ngay tại ruộng! Trông người lại ngẫm đến ta, điều kiện Việt Nam hiện nay do biến đổi khí hậu xấu đi rất nhiều so với chừng chục năm về trước, nhưng so sánh lợi thế với đất nước Do Thái xa xôi kia, còn thuận lợi bội phần.
 
Không gì là không thể. Anh bạn tôi bắt đầu “nghiên cứu” hệ thống tưới nhỏ giọt để áp dụng vào việc trồng rau của mình, nghe đâu số vốn đầu tư cũng không lớn lắm bởi đã có hàng Việt thay thế hàng nhập từ Israel đắt đỏ. Nông dân thời hiện đại không thể cứ xài kinh nghiệm và ỷ lại vào… trời, với kiến thức của các nhà khoa học và sự năng động của người làm nông, trong cái “khó” hiện nay sẽ “ló” cái khôn thôi! 
 
Tản văn: VÕ ANH CƯƠNG