Đến với bài thơ "Trước ngàn thông Đà Lạt"

10:12, 28/12/2018

Bài thơ "Trước ngàn thông Đà Lạt" là một sáng tác vào những năm gần đây của nhà thơ Nguyễn Hồng Chuyên trong lần được cử đi dự Trại sáng tác ở Đà Lạt. Kiểu gieo vần bằng cách kết hợp vần tiếp cùng với nhịp điệu thơ năm chữ khiến cho bài thơ thật trẻ trung. 

Trước ngàn thông Đà Lạt
 
“Kiếp sau xin chớ làm người  Làm cây thông đứng  giữa trời mà reo” 
 
(Trích thơ Nguyễn Công Trứ)
 
Người xưa buồn thế sự
Muốn hóa thành cây thông
Để tự do đứng thẳng
Giữa đất trời mênh mông
Ôi tươi xanh Đà Lạt
Khắp núi đồi điệp trùng
Thông ùn ùn vươn thẳng
Vi vu reo đầy lòng
Hãy vui người xưa ơi
Nước non nay giàu đẹp
Đắp vun mọi cuộc đời
Dáng thông bừng hồn Việt
Và tươi xanh mãnh liệt
Và thách ngàn bão giông.
 
NGUYỄN HỒNG CHUYÊN
 
Bài thơ “Trước ngàn thông Đà Lạt” là một sáng tác vào những năm gần đây của nhà thơ Nguyễn Hồng Chuyên trong lần được cử đi dự Trại sáng tác ở Đà Lạt. Kiểu gieo vần bằng cách kết hợp vần tiếp cùng với nhịp điệu thơ năm chữ khiến cho bài thơ thật trẻ trung. 
 
Phụ đề bài “Trước ngàn thông Đà Lạt” trích hai câu thơ nổi tiếng của danh nhân Nguyễn Công Trứ để minh họa cho nguồn gốc đã hình thành tứ thơ. Điều này theo tôi là không cần thiết bởi sự thực khi đọc bài thơ của Nguyễn Hồng Chuyên, độc giả vẫn bắt kịp dòng suy tưởng của tác giả. Thật vậy: “Người xưa buồn thế sự/ Muốn hóa thành cây thông/ Để tự do đứng thẳng/ Giữa đất trời mênh mông”.
 
Trước mặt tác giả, cây thông chính là biểu hiện của người quân tử, là ý chí quật cường, bất khuất, là sự cống hiến vẻ đẹp, khí phách, cống hiến màu xanh yên bình cho gấm vóc non sông.
 
Đây có còn là những hàng thông? Không, trước mắt tác giả đó là hàng triệu người dân yêu nước đang vươn tới tự do, thanh thản, thoát tục trong những lời ca khúc nhạc bất diệt của thiên nhiên tươi tốt, bình yên, thanh bình: “Ôi tươi xanh Đà Lạt/ Khắp núi đồi điệp trùng/ Thông ùn ùn vươn thẳng/ Vi vu reo đầy lòng”. Bạt ngàn thông xanh sừng sững kề dựa bên nhau vững chãi như khối đoàn kết của 54 dân tộc anh em. Đọc đến đây, bất chợt tôi liên tưởng đến bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây tôi thường nghĩ về đời người”. Quả thật, rung cảm của nhà thơ và nhạc sĩ đã hòa nhịp cùng nhau. Ở hai khổ thơ 1 và 2, tác giả sử dụng “Đứng thẳng” (câu 3 khổ 1) và “Vươn thẳng” (câu 3 khổ 2) như vậy bị điệp từ, trùng ý. Theo tôi, chữ “Đứng thẳng” ở khổ 1 nên thay bằng “Ca hát” cho gần ý thơ của Nguyễn Công Trứ hơn? Câu “Vi vu reo đầy lòng” nên thay bằng “Vi vút vui ngập lòng” vì “Vi vu” hẳn là “Reo” rồi. 
 
Có lẽ Nguyễn Hồng Chuyên đang cảm thấy hạnh phúc ngập đầy: “Hãy vui người xưa ơi/ Nước non nay giàu đẹp/ Đắp vun mọi cuộc đời/ Dáng thông bừng hồn Việt”. Không chỉ chiêm ngưỡng, nhà thơ muốn lay gọi hồn người xưa dậy để cùng tận hưởng ấm no, hạnh phúc của hôm nay, hạnh phúc đã được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ. Tinh thần yêu nước, thương nòi, ý chí kiên cường, bất diệt cùng với truyền thống văn hóa giàu bản sắc, tâm hồn Việt đã góp phần bảo vệ, dựng xây để Tổ quốc ta vươn tới tầm cao thời đại. Hạnh phúc của mỗi cá nhân hòa quyện trong hạnh phúc chung của toàn quân, toàn dân ta.
 
Ngàn thông lúc này không phải là rừng cây, cũng không phải là đời người mà thông đã trở thành hình tượng của quê hương. Non sông gấm vóc ta đang tràn ngập màu xanh, màu của tự do, hy vọng, màu của hòa bình, màu của hạnh phúc, bình yên. Đó là chân lý không thể đổi thay, là niềm tin muôn đời bền vững. Đó là ngọn đuốc lý tưởng soi sáng suốt thời gian. Đó là quyết tâm không gì lay chuyển nổi... Không khó khăn, trở lực nào có thể ngăn bước chúng ta: “Và tươi xanh mãnh liệt/ Và thách ngàn bão giông” - tác giả đã khẳng định dứt khoát sự tất thắng của tinh thần và sức sống Việt Nam.
 
NGUYỄN THANH TOÀN