Có một Đà Lạt - thơ...

08:11, 29/11/2018

Đà Lạt là xứ thơ, miền thơ. Thơ như là một đặc sản riêng của Đà Lạt như hoa, như sương vậy. Thiên nhiên Đà Lạt là nguồn cảm hứng của các thi nhân từ các miền khác đến. Và chính con người sống ở Đà Lạt cũng mang tâm hồn thơ và sáng tác thơ về xứ sở ngàn hoa...

Đà Lạt là xứ thơ, miền thơ. Thơ như là một đặc sản riêng của Đà Lạt như hoa, như sương vậy. Thiên nhiên Đà Lạt là nguồn cảm hứng của các thi nhân từ các miền khác đến. Và chính con người sống ở Đà Lạt cũng mang tâm hồn thơ và sáng tác thơ về xứ sở ngàn hoa. Bởi “Văn chương nết đất…”, nết đất Đà Lạt có mạch nguồn từ xưa đến nay khi tôi đọc lại tập thơ “Đà Lạt xưa và nay” (NXB Văn học) của nhiều tác giả mà nhà thơ Trần Ngọc Trác trong nhóm sưu tầm và biên soạn tặng. Vâng, trước hết ta hãy đọc bài thơ của anh “Đà Lạt của tôi” thì rõ ràng Trần Ngọc Trác là người của Đà Lạt, là cư dân ở đây. Có vậy hồn vía mới có cái bềnh bồng nâng đỡ anh thăng hoa: “Bồng bềng sương, bồng bềnh cây/ Bồng bềnh nỗi nhớ khóa đầy tuổi thơ”. Tôi rất thích chữ “khóa”, vì chỉ có tuổi thơ mới cất giữ được những bí ẩn của tạo hóa trong tiềm thức của mình. Nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm lại có cách nói khác về Đà Lạt khi trong bài thơ “Sao vội thế một lần về Đà Lạt”. Có thể là lời “trách khéo” hay là một lời nhắn gửi. Thường với những tứ thơ này, nhà thơ sẽ có cơ hội để lật bao lấp lánh tâm tình (hay là ân tình). Chỉ một vài nét chấm phá mà rất Đà Lạt, vừa ấn tượng mà thắm thiết cái cốt cách hương vị tình người nơi đây: “Ly cà phê chưa kịp truyền hơi ấm/ Áo măng-tô chưa xuống phố cơ mà”. Chính những câu hỏi (và thật ra đã chứa đựng trả lời trong đó) có vẻ vu vơ, nhưng không, Đà Lạt là thế, hướng nội chứ ít khi bộc bạch bên ngoài. Người Đà Lạt ít nói nhưng sống hồn hậu và truyền cảm chân tình có khi từ những buâng quơ lãng đãng như sương như khói. Bất chợt tôi lại nhớ đến bài thơ “Đà Lạt một lần trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy: “Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ/ Ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người/ Ta lơ đãng nhìn em lơ đãng/ Siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi”. Đó là thơ của cảm giác cao hơn cấp độ của cảm xúc. Và chỉ có về Đà Lạt, ông thi sĩ tài hoa được mệnh danh là “thảo dân” mới có cái “ấp úng” đa cảm ấy. Mới biết, thơ viết về Đà Lạt chính là bắt đầu từ cái hồn cốt bập bùng truyền sức ấm lan tỏa như ngọn lửa vậy...
 
Ảnh: Quý SG
Ảnh: Quý SG
 Có thể nói miền đất lưu dấu thi nhân này đã hội tụ được nhiều tác phẩm hay của các nhà thơ nổi tiếng. Nguyễn Khoa Điềm vốn rất hào sảng và triết luận trong chương “Đất nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng”, khi viết về Đà Lạt ông lại chọn một điểm nhấn của tâm trạng đó là “Hoa dã quỳ”: “Hoa dã quỳ/ Em chợt đến / Sau mưa - Để chợt lóe/ Trước ngày đông/ Tháng giá”. Để bày tỏ một chân thành chia sẻ: “Anh chợt đến/ Và chợt về/ Xa lạ - Một trăm năm/ Một khoảnh khắc/ Giao mùa - Hoa Quỳ vàng, hoa Quỳ nở/ Như mưa..”. Những li ti (của mưa) những bung nở (của hoa) thật tươi rói nhuần nhị cái đại lượng định tính thời gian ở đây là cảm giác giao mùa là xào xạc tâm tình, là mông mênh vời vợi. Tinh tế, điềm đạm để chưng cất hội tụ chính là cái “điểm tựa” nâng đỡ tâm hồn con người. Đó là vẻ đẹp của thi ca của sự cứu rỗi. Mới hay thiên nhiên Đà Lạt chính là sự cứu rỗi của một bản thể, của một tự do, của một khao khát. Viết về Đà Lạt mà thiếu vắng “Thung lũng Tình yêu” thì có lẽ chưa hoàn hảo trọn vẹn. Có điều thơ không phải để tả mà thơ là để cảm. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã “cảm” và thẩm thấu được cái vĩnh cửu hóa của tình yêu ở cái thung lũng nhiều dự cảm và tiên cảm này trong bài thơ “Tiên cảnh ở Thung lũng Tình yêu”. Con người ở đây hòa mình với thiên nhiên phiêu bồng và lãng mạn. Con người phát hiện thiên nhiên và chính thiên nhiên là một phần cốt cách của con người Đà Lạt. Ông viết: “Điều khó nói có cỏ xanh nói giúp/ Mượn trăng non làm quà tặng ban đầu”. Những “giúp” và “mượn” là những khiêm nhường. Ông không nói về tình yêu cụ thể mà những cung bậc sắc thái đều là tâm trạng của người khi yêu, ban đầu yêu. “Cất giữ hộ cái điều không nói/ Là tháng năm thủ thỉ tiếng thông ngàn”. Không có gì rõ rệt cứ mơ hồ, cứ như tự vấn, cứ chập chùng lên xuống trong bước chập chùng thung lũng ấy cho ta cái cảm giác hòa đồng nhiều chia sẻ. “Thành phố thấp thoáng” là một tứ thơ hay của thi sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Và quả thế, đến Đà Lạt ta mới có cái cảm giác thấp thoáng mơ hồ và tinh khiết: “Thung lũng Ái Ân, hồ Than Thở - Hoa vô tình thắp nắng giữa chiều đông”. Hoa chính là nắng của tình yêu không chỉ khoe sắc mà làm rạng rỡ thêm, ấm nồng hơn. Tôi lại chợt nhớ đến một câu thơ thần tình của nhà thơ Khương Hữu Dũng: “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” thì ở đây chỉ một bông hoa thôi cũng làm sáng cả căn phòng. Hoa không chỉ là định tính của thực vật mà hoa đã một phần của định lí quang học, hấp thu và tỏa sáng. Cũng chỉ mấy câu thơ mà nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã vẽ thật sinh động mấy loài hoa đặc trưng của Đà Lạt trong bài thơ “Một ngày Đà Lạt”: “Mi mô sa vàng như gót chân của nắng/ Lay ơn đỏ lời hoàng hôn thầm lặng/ Tím tròn xoe đóa cẩm tú cầu/ Hoa vũ nữ múa rồi về đâu/ Để bông xu xi ngẩn ngơ mãi thế”. Nói hoa cũng chính là người, chính là nhụy hoa. Hoa làm nên hương sắc Đà Lạt, tính cách và phẩm hạnh của Đà Lạt. Viết về Đà Lạt có rất nhiều cảm giác thấp thoáng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã neo giữ: “Thành phố còn thấp thoáng suốt đời tôi” ta có thể nhặt ra những viên ngọc thơ dù chỉ viết về một thấp thoáng Đà Lạt như thế: “Ta chơi một kiếp trần ai/ Để em gánh lệch hai vai đồi Cù” (Thu Bồn); “Nếu ta thoát tục về trời/ Nửa ta lãng đãng cõi người với thông” (Phi Tuyết Ba); “Đà Lạt phố trong làng/ Đà Lạt rừng trong phố/ Gái Đà Lạt thương chồng/ Ớt Đà Lạt không cay” (Tùng Bách); “Một đời héo nụ chờ hoa/ Một đời thông đứng ngoài ga chờ tàu” (Lê Đình Cánh)...
 
 Cảm giác Đà Lạt thường là bất chợt và ngẫu hứng. Bất chợt bởi nơi đây một ngày có bốn mùa, thiên nhiên và khí quyền của nhân văn cho ta ngẫu hứng thơ. Nói là ngẫu hứng nhưng đã ấp ủ như rượu nho lên men để chếnh choáng đắm đuối. Nhà báo - thi sĩ Uông Thái Biểu có một khoảng thời gian dài gắn bó với Đà Lạt. Nhưng thơ anh không “thông tấn” báo chí mà “thông tấn” của tâm hồn. “Ngẫu hứng phố” là phút bất chợt nồng nàn như thế: “Đà Lạt của tôi/ Người bạn vong niên/ Gậy trúc khấp khểnh/ Gò đá chênh vênh quán nhậu/ Chén rượu ngoại ô/ Ngấm một tiếng khà” thì mới khám phá lữ hành mà đã thành “cổ điển”. Tôi rất thích “Ngấm một tiếng khà” vừa hào hoa hiệp sĩ với bước chân nghiêng ngả độc hành, song hành với khấp khểnh gậy trúc tìm... thơ. Nhà thơ Vương Tùng Cương viết một “Truyền thuyết tình yêu chưa kể bao giờ” mà chính Đà Lạt là một địa chỉ thân thương, một nơi lưu trú tâm hồn cho hai trái tim vàng. Và cũng chính Đà Lạt đã cho: “Hồn ta xanh thông ngàn thông gió..”, câu thơ mở ra khỏi biên giới của cái thực để bước chân vào khung cảnh tiên bồng của cái ảo: “Cho ta tuổi đời hoàng hôn nương tựa/ Phép nhiệm màu trong những câu thơ”. Vâng, Đà Lạt là thánh đường của những phép nhiệm mầu “cứu thế” như thế. Ở đây đấng tối cao là thiên nhiên dang rộng cánh tay chở che và chúc phúc. Thi sĩ - nhà giáo Phạm Quốc Ca đã có một phát hiện khá tinh tế trong “Hoa chờ em”. Tôi biết có nhiều loại hoa “hẹn giờ” như hoa mười giờ thì đây có hoa “hẹn mùa”: “Lòng anh như Dã quỳ đúng hẹn/ Vàng rực mùa hoa chờ em”. Đà Lạt có nhiều con đường vòng, đường nghiêng vàng hoa Dã duỳ thì con đường vòng của Phạm Quốc Ca chính là nghiêng độ chênh chao của: “Em có về khi hoa báo nắng/ Kỉ niệm rực vàng như Lối yêu”. Tôi yêu Đà Lạt như thế, một xứ sở mà thiên nhiên đã ưu đãi và ban tặng. Đến Đà Lạt ta được tự phát hiện ra mình, thêm mình. Đến Đà Lạt ta được rũ bỏ mọi phiền muộn để thanh lọc mình. Một thành phố được phát hiện cách đây 125 năm mà có cả trầm tích của hàng ngàn năm mạch nguồn chưng cất thành một Đà Lạt xứ sở ngàn hoa, ngàn thông và cả ngàn thơ nữa.
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ