Khởi sắc làng nghề thổ cẩm truyền thống

HỒNG THẮM 09:48, 25/02/2023

(LĐ online) - Khi sản phẩm thổ cẩm được may trên những bộ áo cưới, những bộ trang phục dạ hội, áo dài… thì cũng là lúc bà con dân tộc K’Ho ở Làng nghề thổ cẩm thôn Đam Pao hào hứng quay trở lại với khung dệt và tự hào với công việc của mình.

Gia đình 3 thế hệ nhà bà Ka Niêr vẫn cần mẫn với khung cửi
Gia đình 3 thế hệ nhà bà Ka Niêr vẫn cần mẫn với khung cửi

NÂNG TẦM SẢN PHẨM THỔ CẨM

“Hiện nay, sản phẩm tồn đọng trong dân rất ít, mỗi gia đình chỉ còn một vài tấm. Từ khi có nguồn tiêu thụ ổn định, bà con cũng phấn khởi, hoạt động của làng nghề cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Đó là một tín hiệu đáng mừng”, ông Nguyễn Minh Thu - Trưởng thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà) phấn khởi nói.

Là một trong những làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận từ khá sớm, hơn 11 năm qua, bà con thuộc làng nghề thổ cẩm này vẫn đều đặn duy trì hoạt động, cung cấp thổ cẩm cho cộng đồng người K’Ho tại các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, một số người Chăm tại Ninh Thuận và một số đơn vị ở TP Hồ Chí Minh đặt mua nhưng số lượng không lớn. 

Từ tháng 4/2022, sau một thời gian tìm kiếm, nhà thiết kế thời trang Jona (TP Đà Lạt) đã trực tiếp khảo sát, kiểm định chất lượng và là đối tác tiêu thụ chính cho các sản phẩm thổ cẩm (ở dạng thô - thường được gọi là ùi) của bà con thôn Đam Pao.

Sản phẩm từ các loại sợi đủ màu sắc với các họa tiết tinh tế
Sản phẩm từ các loại sợi đủ màu sắc với các họa tiết tinh tế

Anh Jona cho biết, thổ cẩm của các buôn làng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng đều vô cùng đặc sắc, khi kết hợp thành các chi tiết trên áo dài, áo cưới, hay đơn giản là các bộ váy, áo vest… khiến bộ trang phục trở nên tinh tế, bắt mắt hơn. Cũng chính vì vậy, gần một năm qua, anh đã thu mua và tiêu thụ hơn 500 tấm ùi của làng nghề thổ cẩm Đam Pao. Giá thành mỗi tấm ùi thành phẩm được anh Jona thu mua dao động từ 350.000 - 400.000 đồng, cao hơn trước đây.

“Bà con ở làng nghề Đam Pao với số lượng hộ dân đông, dễ dàng đáp ứng số lượng lớn nguyên liệu mỗi khi yêu cầu. Với tay nghề của các nghệ nhân, sản phẩm làm ra cũng đồng đều về chất lượng, đáp ứng yêu cầu trên các thiết kế của mình”, anh Jona cho biết.

Ông Nguyễn Minh Thu cho biết, trước kia, bà con chủ yếu sử dụng ùi để may những bộ trang phục truyền thống, sử dụng khi đi lễ trong nhà thờ hoặc các dịp quan trọng trong gia đình, lễ tết truyền thống. Hiện nay, hoạt động của làng nghề có phần khởi sắc, nhộn nhịp hơn khi thổ cẩm được ứng dụng nhiều trên các sản phẩm thời trang hiện đại. 

Với bề dày truyền thống hơn 50 năm và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động tham quan, du lịch trong vài năm trở lại đây, bà con đã dần được tiếp cận với hoạt động du lịch cộng đồng, cởi mở với du khách. Ông Thu cũng thường xuyên chia sẻ các bài viết của nhà thiết kế trên mạng xã hội và cho bà con xem việc thổ cẩm do mình làm ra được nhà thiết kế cẩn thận cách điệu, ai nấy cũng vô cùng bất ngờ vào cũng không kém phần tự hào vì đã góp phần làm nên những sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, thậm chí theo chân khách hàng đến Mỹ, Châu Âu.

Bà Niêr là một trong số rất ít những người còn giữ công thức nhuộm sợi làm từ các loại cây tạo từ thiên nhiên
Bà Niêr là một trong số rất ít những người còn giữ công thức nhuộm sợi làm từ các loại cây tạo từ thiên nhiên

MONG MANH “SỢI TƠ” NỐI DÀI 

Vừa xong Tết Nguyên Đán, gia đình 3 thế hệ của bà Long Dinh Ka Niêr đã bắt tay vào dệt vải. Ở Đam Pao, có lẽ bà là người lớn tuổi nhất còn làm nghề. Ở tuổi ngoài 90, đôi tay chẳng còn thoăn thoắt nhưng vẫn chậm rãi cuốn từng cục công, xe từng sợi chỉ, dùng cây lá nhuộm ra các màu bền bỉ với thời gian. 

May mắn, trong gia đình bà Niêr, cả con gái và cháu gái vẫn một lòng cần mẫn bên những khung dệt. Trước đây, bà con thường sẽ nghỉ ngơi sau một mùa vụ cà phê, và cứ túc tắc làm khi rảnh rỗi bởi phần lớn sản phẩm làm ra để cất trong nhà, nếu có khách hỏi mua thì mới bán.

Người dân Đam Pao tự hào với sản phẩm của mình làm ra
Người dân Đam Pao tự hào với sản phẩm của mình làm ra

Nhưng hiện nay, không chỉ nhà bà Ka Niêr mà hầu như các gia đình đều không còn hàng tồn. Chỉ có một số ít thổ cẩm được dệt từ sợi vải nhuộm thủ công được cất giữ cẩn thận, dành cho những dịp quan trọng như cưới hỏi, quà biếu tặng bởi giá trị của chúng gấp 3, 4 lần những tấm ùi làm từ sợi vải công nghiệp.

Hơn 50 năm qua, những sợi tơ được nối dài, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng trong lòng những người dân, nỗi lo về sự mai một cũng chưa bao giờ nguôi. Như bà trong nhà bà Niêr, con gái, cháu gái dù khéo tay nhưng vẫn không không thể học cách xe sợi và nhuộm chúng bằng những nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên.

“Nhìn bà làm thì đơn giản vậy chứ khó lắm, mình học mãi mà không được. Chỉ xe được một đoạn là lại đứt, suốt mấy năm nay cũng chỉ một mình bà làm được, con cháu có học cũng không làm ra sợi chỉ đều, bền đẹp như vậy”, chị Long Đinh Ka Thơm, cháu ngoại bà Ka Niêr  nói.

Ông Thu cho biết, cả thôn bây giờ chỉ còn 3 người am hiểu về cách thức xe sợi, nhuộm màu từ các loại cây lá tự nhiên. Sản phẩm từ sợi cây bông truyền thống không có màu sắc tươi mới, sặc sỡ như các loại sợi vải thông thường, nhưng lại mang giá trị về văn hóa, tinh thần rất cao. Và để làm ra nó, những công thức nhuộm được truyền miệng trong nhân dân từ bao đời đến nay dần mai một. 

Thời gian qua, được sự quan tâm và ủng hộ từ các cấp chính quyền, thổ cẩm Đam Pao theo chân nhiều khách hàng đến mọi miền đất nước. Tuy nhiên, trăn trở trước mắt của vị trưởng thôn, đó chính là việc làm sao để thổ cẩm Đam Pao có thương hiệu riêng, có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với các đối tác yêu cầu cung cấp số lượng lớn. Hiện nay, thôn và xã cũng đã đặt vấn đề muốn thành lập hợp tác xã thổ cẩm, và đang chờ hướng dẫn từ phía ngành chức năng của huyện Lâm Hà.

Nhà thiết kế thời trang Jona cách tân trang phục cưới với thổ cẩm
Nhà thiết kế thời trang Jona cách tân trang phục cưới với thổ cẩm
 
Một số sản phẩm trang phục hiện đại kết hợp thổ cẩm
Một số sản phẩm trang phục hiện đại kết hợp thổ cẩm