Thị trường lao động ổn định sau Tết

NHẬT MINH 01:33, 13/02/2023

Trái hẳn với không khí sôi động của thị trường lao động trước Tết do nhu cầu sử dụng lao động, cũng như chính nhu cầu tìm kiếm việc làm thời vụ tăng cao, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh hiện khá ổn định.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tính đến ngày 9/2, đơn vị đã nhận được đăng ký tuyển dụng lao động của 145 doanh nghiệp, với 1.023 vị trí. Trong đó, tập trung vào nhóm lao động phổ thông chiếm 60% và các nhóm ngành khác như: Kinh doanh, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Theo ông Hoàng Trọng Vinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trái với không khí sôi động của thị trường lao động thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhìn chung, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay tương đối ổn định, nếu không nói là đến thời điểm này, thị trường lao động của tỉnh vẫn đang còn không khí “vui xuân”.

Cũng theo ông Hoàng Trọng Vinh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trước Tết, thị trường lao động đã tập trung vào một số ngành nghề dịch vụ, như ngành Du lịch - Dịch vụ, các doanh nghiệp đã tuyển dụng để cung ứng kịp thời cho thị trường lao động. Mặt khác, tỉnh Lâm Đồng là khu vực chế biến, sản xuất nông sản, hoa, nên lao động trước Tết vì vậy cũng cần nhiều hơn là sau Tết, vì lúc đó là lúc sản xuất hàng hóa, cung ứng hàng hóa mang tính chất phục vụ Tết, nên rất thiếu lao động. Sau Tết, và tính đến thời điểm bây giờ, nhu cầu lao động đã giảm mạnh. Bởi lẽ, khách du lịch giảm, các nhà hàng, khách sạn khu vực dịch vụ phục vụ đặc biệt cho khối du lịch bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định; cùng đó, các công ty chế biến nông sản cũng bước vào giai đoạn ổn định, vì vậy các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng ở ngành Du lịch và chế biến nông sản tại Trung tâm Giới thiệu việc làm mặc dù cũng có nhưng rất ít. Trong đó, ngành Du lịch lúc này chủ yếu tập trung tuyển lao động có trình độ và lúc này lao động trong nhóm đó cũng là nhóm “nhảy” việc, chuyển việc, tìm cơ hội tốt hơn. 

Cũng theo phân tích của ông Hoàng Trọng Vinh, tại thời điểm này, xuất hiện thêm một nhóm ngành hàng khác, đó là ngành may, nhưng đây không phải là một hiện tượng tích cực, vì cuối năm 2022, khối ngành may không có đơn hàng, lương thấp, không cạnh tranh được với lao động thời vụ, vì lương của công nhân may trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng từ 3 - 4 triệu đồng, trong khi đó, lương thời vụ trước Tết có thể từ 4 - 5 trăm ngàn đồng/ngày, cho nên một số công nhân may đã “bứt” ra để làm lao động thời vụ. Vì vậy, sau Tết, khi có đơn hàng, các công ty may cũng bắt đầu thiếu hụt lao động nên bắt đầu tuyển dụng. Hiện, 8 công ty may trên địa bản tỉnh Lâm Đồng đều đăng thông báo tuyển dụng lao động với số lượng hàng trăm người. Tuy nhiên, lương của các công ty may vẫn không thay đổi nên rất khó tuyển lao động. Bên cạnh đó, đối với lao động không có trình độ hoặc chỉ làm nghề may thì vẫn còn cơ hội để làm nông nghiệp theo hướng tự phát hoặc thời vụ, vì lúc này trong nông nghiệp cũng bắt đầu xuống giống, vào thời vụ... 

Riêng đối với các đơn hàng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm của tỉnh cũng nhận, nhưng cũng chủ yếu là ngành may, ngành da giày. Đối với nhóm ngành công nhân kỹ thuật qua đào tạo cũng đạt ở mức độ tương đối ổn định, với khoảng 80 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với khoảng 100 lao động, còn lại đa phần là tuyển lao động phổ thông.

Ông Hoàng Trọng Vinh cho biết thêm, ngoài tổ chức phiên giao dịch việc làm cố định tại Trung tâm vào ngày 10, 25 hàng tháng, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phiên giao dịch lưu động nhằm giới thiệu cho người lao động trong tỉnh những công việc phù hợp, những doanh nghiệp chất lượng với nhiều chế độ ưu đãi để vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động nhân lực làm việc và phát triển. “Đối với thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, chúng tôi rất mong muốn khi tỉnh phê duyệt các dự án phát triển kinh tế xã hội, các dự án công trình được đầu tư của tỉnh, thậm chí là các chương trình, dự án lớn được đầu tư vào tỉnh, các ngành, cơ quan chức năng cần cho ngành Lao động, trong đó, trực tiếp là Trung tâm Dịch vụ việc làm biết để tìm nguồn lao động, xây dựng bản tin lao động và cập nhật thị trường lao động để tuyên truyền, quảng bá đến các cơ sở đào tạo, từ trung cấp, cao đẳng, đại học, thậm chí là các em học sinh phổ thông để các em nắm bắt được khi học ra trường thì việc làm ra sao, thị trường lao động đang cần ngành, nghề gì... Để từ đó, góp phần định hình thị trường lao động, giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương”, ông Hoàng Trọng Vinh chia sẻ.