Hỗ trợ tín dụng cho tuổi trẻ khởi nghiệp

QUỲNH UYỂN 03:59, 08/03/2023

Đề án “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt cuối năm qua trở thành một điểm tựa để thúc đẩy Phong trào Tuổi trẻ khởi nghiệp. 

Đề án là điểm tựa cho thanh niên khởi nghiệp
Đề án là điểm tựa cho thanh niên khởi nghiệp

Theo đó, Đề án nhằm hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho thanh niên vay để khởi nghiệp, lập nghiệp; qua đó, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích khát vọng làm giàu chính đáng của tuổi trẻ trong tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình du lịch mới, đa dạng nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. 

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2023-2025, mỗi năm hỗ trợ cho 300 thanh niên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, trong đó, có ít nhất 20 dự án khởi nghiệp. Giai đoạn 2026-2030, mỗi năm hỗ trợ cho 500 thanh niên vay vốn, trong đó, có ít nhất 50 dự án khởi nghiệp. Đối tượng cho vay là thanh niên Lâm Đồng đang sinh sống, học tập, lao động trong tỉnh có nhu cầu khởi nghiệp, có ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo; ưu tiên những dự án đoạt giải trong các Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp (cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên), ưu tiên dự án có sản phẩm mới, phương thức sản xuất, kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới... Đặc biệt là các dự án phục vụ cộng đồng, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Bên cạnh đó, các tổ chức do thanh niên thành lập và làm chủ (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh...) có nhu cầu vay vốn để thực hiện ý tưởng lập nghiệp, sản xuất, kinh doanh cũng được cho vay. 

Điều kiện vay vốn, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do thanh niên làm chủ: Được thành lập và hoạt động hợp pháp; có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, duy trì hoặc thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật (nếu có). Đối với cá nhân thanh niên: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp, có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

Mức cho vay, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án; đối với cá nhân thanh niên mức tối đa là 200 triệu đồng. Cơ sở sản xuất, kinh doanh có mức vay 200 triệu đồng trở lên phải có tài sản đảm bảo tiền vay theo quy định. Lãi suất cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động là thanh niên bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định. Thời hạn cho vay tối đa là 120 tháng.

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 260.000 thanh niên (chiếm gần 20% dân số); đây là nguồn nhân lực lớn phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đến nay, tổng số vốn ủy thác cho vay qua tổ chức Đoàn Thanh niên đạt trên 683 tỷ đồng với gần 15.000 hộ vay. Trong đó, dự án thanh niên phát triển kinh tế được thụ hưởng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 83 tỷ đồng với hơn 1.300 lao động là thanh niên. Trong những năm qua, cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền về khởi nghiệp, tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp trẻ, nhiều mô hình câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, tổ hợp tác thanh niên, trong đó, có khoảng 30% doanh nghiệp, mô hình sản xuất... do thanh niên làm chủ. 

Với sự ưu đãi đặc biệt, Đề án “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” như một điểm tựa khích lệ động viên tuổi trẻ vươn lên làm giàu chính đáng, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên, chủ động tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh góp phần thiết thực xây dựng quê hương.