Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - những vấn đề đặt ra 

NGUYỆT THU 06:12, 03/03/2023

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ. Tại Lâm Đồng, chương trình đã đi vào hoạt động, đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, còn đó nhiều khó khăn, thách thức cần sự quan tâm đầu tư kịp thời từ Trung ương tới địa phương. 

 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng Trần Đức Lợi cho biết, qua 2 năm học triển khai dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới đáp ứng được nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13; khi xây dựng kế hoạch bài dạy, giáo viên cụ thể hóa từng phẩm chất và năng lực để hình thành cho học sinh theo đúng đối tượng, độ tuổi được quy định trong chương trình môn học qua mỗi tiết dạy học. Quá trình dạy học, giáo viên thường xuyên theo dõi, đánh giá nhận xét giúp học sinh nhận thấy được ưu điểm, sở trường để phát huy, nhược điểm để khắc phục. 

Liên quan nội dung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhận thấy, về cơ bản thực hiện dạy học đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nội dung đã được quy định cụ thể trong chương trình theo từng cấp học. So với Chương trình GDPT 2006 thì công tác giáo dục toàn diện chủ yếu triển khai thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động hướng nghiệp (đối với cấp THPT). 
Kết quả qua 2 năm học triển khai công tác giáo dục toàn diện đối với từng cấp học cụ thể như sau: Đối với lớp 1, 2 đã triển khai có hiệu quả về hình thành và phát triển những yếu tố căn bản giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; thực hiện dạy học văn hóa kết hợp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, tăng cường các hoạt động trải nghiệm thiết thực phù hợp với đối tượng học sinh. Trong năm học 2022 - 2023, tiếp tục triển khai đối với lớp 3. 

 Đối với lớp 6 thực hiện tốt việc tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, giúp học sinh biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp thông qua tổ chức dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Năm học 2022 - 2023, tiếp tục triển khai đối với lớp 7.

Đối với lớp 10, năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018, vì vậy, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang theo dõi sát sao để đánh giá kỹ hơn về công tác giáo dục toàn diện cho học sinh trong suốt năm học. 

Đa số các thầy cô giáo, học sinh và đội ngũ cán bộ ngành Giáo dục đều có chung nhận định: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT đặt ra tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 là phù hợp với sự vận động, phát triển của thực tiễn, công tác chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại tỉnh Lâm Đồng diễn ra thuận lợi; việc lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương được thực hiện theo quy định của pháp luật; việc triển khai tổ chức dạy học chương trình GDPT mới diễn ra theo đúng lộ trình. Nội dung phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh, do việc thay đổi phương pháp, kỹ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; học sinh hào hứng trong học tập, mạnh dạn, tự tin thể hiện quan điểm cá nhân.

 Kết quả về triển khai Chương trình GDPT 2018, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục theo yêu cầu, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; tăng cường đổi mới mạnh mẽ phương pháp, kỹ thuật dạy học theo hướng hình thành phẩm chất và phát triển năng lực của học sinh; tiếp tục vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học hiện đại phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện có; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện.

Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực không ngừng của ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng trong đổi mới công tác quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện hiện có của nhà trường.