Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - những vấn đề đặt ra (bài 2)

NGUYỆT THU 06:14, 06/03/2023

Sách giáo khoa mới đã bám sát với chương trình, được trình bày, trang trí đẹp, hấp dẫn hơn, tạo điều kiện giúp cho học sinh tiếp thu bài học tốt hơn; cấu trúc và nội dung có tính mở, tạo cơ hội để nhà trường, tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế địa phương. Đồng thời, khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực chủ động trong học tập, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, giáo dục gợi mở, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng đã được biên soạn bám sát chương trình chi tiết theo môn học của từng khối lớp, và được thiết kế các hoạt động để học sinh tự tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, tạo điều kiện để giáo viên tổ chức các hoạt động học tập một cách linh hoạt, sáng tạo; được thẩm định để UBND tỉnh trình Bộ GDĐT phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thuận lợi cơ bản, còn đó rất nhiều khó khăn, thách thức cho ngành Giáo dục. Trao đổi về những vấn đề còn bất cập trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Khắc Bốn - Phó Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh, thành viên Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH thẳng thắn nhìn nhận: Chính sách huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho giáo dục chưa hợp lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao. Ngân sách địa phương cân đối cho đầu tư công về cơ sở vật chất cho ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, dẫn đến việc mua sắm thiết bị tối thiểu cho việc dạy học theo Chương trình GDPT 2018 chưa kịp thời. Mặt khác, từ thực tế, việc mua sắm trang thiết bị gặp khó khăn, vướng mắc, chưa có quy định cụ thể về chất lượng, tiêu chuẩn, giá, đến nay, thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 3, 7, 10 chưa được trang bị. Đến năm học 2021 - 2022, tỷ lệ thiết bị dạy học chỉ đáp ứng được từ khoảng 72 - 85% tùy cấp học. Về đội ngũ giáo viên, dù đã được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phục vụ cho chương trình mới, nhưng độ vênh khi bước vào trực tiếp giảng dạy các môn tích hợp còn lúng túng; giáo viên chưa được đào tạo kịp thời nên không đáp ứng việc triển khai môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý cấp THCS, môn Nghệ thuật ở cấp THPT. Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới, chưa chủ động trong việc nghiên cứu, tiếp cận với Chương trình GDPT 2018, lúng túng trong việc xây dựng các kế hoạch giáo dục nhà trường, giáo dục bộ môn và bài dạy. 
 Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu và không đồng bộ; thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn và các phương tiện dạy học bước đầu được trang bị nhưng chưa đảm bảo về số lượng, chủng loại và chất lượng so với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. 

Theo phụ lục, thống kê cả 3 cấp học còn thiếu khoảng 1.400 phòng học, phòng bộ môn, hơn 150 thư viện; có những loại thiết bị, máy móc thiếu rất nhiều, chẳng hạn như máy vi tính của cấp Trung học phổ thông còn thiếu đến 38.500 bộ (hiện chỉ có 3.500 bộ, chiếm tỷ lệ chưa đến 10%).

Trên cơ sở khảo sát, giám sát, nắm bắt các vấn đề còn khó khăn, bất cập, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo cho biết: Làm việc với UBND tỉnh về chuyên đề này, Đoàn Giám sát đã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018; thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó, tập trung cho các cơ sở giáo dục phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số. 

Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Đoàn sẽ đề nghị tiếp tục xem xét hoàn thiện thể chế để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất và hiệu quả giáo dục phổ thông. Sách giáo khoa là hàng hóa thiết yếu, giá sách giáo khoa có tác động diện rộng đến các gia đình học sinh trên cả nước; đề nghị UBTVQH tiếp thu thống nhất trình Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trong phân bổ ngân sách trung hạn và hàng năm, cần ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo quy định.

Đặc biệt, liên quan chế độ, chính sách, Đoàn ĐBQH đã và sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm động viên, khuyến khích các nhà giáo yên tâm công tác.

Đoàn ĐBQH sẽ đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với học sinh, sinh viên, giáo viên khu vực khó khăn lồng ghép trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để tạo điều kiện cho các địa phương triển khai tốt chương trình.

Đề nghị tỉnh đôn đốc, chỉ đạo ngành Giáo dục tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình; triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, 7, 10 năm học 2022 - 2023 và các lớp khác trong những năm tiếp theo. Rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Có phương án bổ sung nguồn tuyển giáo viên, đặc biệt là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới đã được đề ra theo nghị quyết của Quốc hội và đề án của Chính phủ; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày cấp Tiểu học đảm bảo đúng quy định.