Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa ở Hiệp An

03:07, 01/07/2012

Cách đây 12 năm, vào năm 2000, thôn Tân An là thôn đầu tiên của xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) phát động xây dựng thôn văn hóa đã mở đầu cho phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Hiệp An. Phong trào dần lan tỏa mạnh mẽ ra cả 6/6 thôn và đi vào từng hộ gia đình.

Cách đây 12 năm, vào năm 2000, thôn Tân An là thôn đầu tiên của xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) phát động xây dựng thôn văn hóa đã mở đầu cho phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Hiệp An. Phong trào dần lan tỏa mạnh mẽ ra cả 6/6 thôn và đi vào từng hộ gia đình.

Đến nay toàn xã đã có 5/6 thôn được công nhận Thôn văn hóa, 1 thôn còn lại là thôn Đarahoa đang được xét công nhận; 1.820 hộ gia đình văn hóa (86%), trong đó 1.436 hộ gia đình văn hóa 3 năm liền (68%); xã có 6 câu lạc bộ GĐVH thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt... Từ mục tiêu đề ra ban đầu: khi có 80% thôn được công nhận thôn văn hóa thì tiến hành xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa; nên ngày 19/9/2011, xã Hiệp An đã phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa; và chỉ sau chưa đầy 1 năm phát động, nhân dân trong xã lại vui mừng đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn văn hóa do UBND tỉnh trao tặng.

Ngay sau khi phát động xây dựng xã văn hóa, từng người dân đã được tham gia đóng góp ý kiến để thực hiện 5 tiêu chí. Với diện tích tự nhiên gần 6.000ha, Hiệp An là nơi quần cư của 11 ngàn người dân sống chủ yếu dọc quốc lộ 20, trong đó 45% dân số trong xã là đồng bào dân tộc Cill và K'Ho cư trú tại 3/6 thôn: Đarahoa, K'Rèn, K'Long, 3 thôn quy tụ đồng bào từ khắp nơi trong cả nước về sinh sống: Định An, Trung An, Tân An. Nằm ngay cửa ngõ ra vào thành phố Đà Lạt, xã văn hóa Hiệp An (Đức Trọng) đang từng ngày đổi thay mang sức sống của một vùng rau hoa ngoại vi thành phố. Theo ông Từ Văn Sậu - Bí thư Đảng ủy xã thì đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong suốt một chặng đường dài của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân trong xã. Nhiều thành tích trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đáng được ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 15%, toàn xã có 95% số hộ có đời sống kinh tế ổn định, thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 4,6%, giảm 3,9% so với năm 2011. Với trên 700ha trồng rau hoa, thương phẩm, Hiệp An là xã đi đầu của huyện Đức Trọng trong việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau hoa, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa bắp; hệ thống nhà kính nhà lưới, vườn trồng rau hoa cao cấp ngày càng được mở rộng, trở thành một trong những vựa rau hoa lớn của tỉnh. Các phong trào như: đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân, tương ái, xóa nhà tạm; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật và quy ước của cộng đồng, chăm lo sự nghiệp giáo dục, nuôi con khỏe dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... được đẩy mạnh.

Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa xã đã ban hành quy chế và quy định về thực hiện nếp sống văn minh đến tận hộ dân, lấy kết quả thực hiện nếp sống văn minh là tiêu chí hàng đầu để đánh giá, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Việc cưới đã đơn giản hóa về thủ tục, quy mô phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng thách cưới, tảo hôn; loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc trong việc cưới ở các thôn dân tộc, chỉ tổ chức tiệc cưới trong gia đình dòng họ không mời ăn uống tràn lan. Việc tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm theo phong tục, tín ngưỡng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian trong các lễ hội được phụng dựng. Nhiều thôn đã tổ chức lễ hội truyền thống, khôi phục các trò chơi dân gian đặc sắc, xây dựng nơi thờ tự văn minh gắn với bài trừ mê tín dị đoan, giảm thiểu các tệ nạn xã hội cờ bạc, lô đề, cá độ. Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện có hiệu quả. 68 đối tượng chính sách có mức sống trung bình trở lên so với dân cư vùng nơi cư trú.

Tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được thụ hưởng và tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng là một nội dung quan trọng của phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Hiệp An. Việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống văn hóa cũng được quan tâm. Xã đã có 4 thôn xây dựng được hội trường thôn mới, thôn Trung Hiệp sẽ xây dựng vào cuối năm. Đặc biệt, xã đã có quyết định xây dựng nhà văn hóa trị giá 2 tỷ đồng, trong đó 1 tỷ từ nguồn ngân sách huyện và 1 tỷ là tiền thưởng cho đơn vị dẫn đầu khối thi đua khối xã - thị trấn huyện Đức Trọng năm 2011. Ngoài ra, còn có 3 sân bóng đá (1 sân ở trung tâm xã, 2 sân nằm ở các thôn), 6 sân bóng chuyền và sân cầu lông ở thôn, trường học. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao được phát triển khá mạnh, thu hút trên 1.000 người tham gia luyện tập; hàng năm có 2.000 người tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng và các CLB. Đã xây dựng được 1 đội tuyển bóng đá, 1 đội tuyển văn nghệ, 1 đội tuyển bóng chuyền hàng năm đi thi đấu giải toàn huyện; tại các thôn đều có phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh, mỗi thôn có một đội văn nghệ, đội bóng đá người lớn và đội bóng đá thiếu nhi.

Cùng với việc xây dựng nông thôn, phát triển nông nghiệp, Hiệp An chú trọng gìn giữ phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Từ lớp truyền dạy cồng chiêng cho 24 thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên thêm 2 đội cồng chiêng, nâng tổng số lên 4 đội cồng chiêng thường xuyên luyện tập, trong đó K'Long 1 đội, K'Rèn 1 đội và Đarahoa 1 đội. Vinh dự lớn là vừa qua đội cồng chiêng của Hiệp An được chọn là đại diện cho đồng bào dân tộc huyện Đức Trọng tham dự Lễ hội cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng 2012 tổ chức tại Đơn Dương và đã để lại ấn tượng. Để văn hóa cồng chiêng có điều kiện được phát huy gìn giữ, đội cồng chiêng K'Rèn vừa ký kết hợp đồng với Khu du lịch thác Prenn biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách vào các ngày cuối tuần. Hàng năm có 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đã giảm rõ rệt.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tạo nên sức mạnh nội lực trong phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Toàn xã có 138 đảng viên sinh hoạt ở 13 chi bộ trực thuộc, 100% thôn có đảng viên, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh 6 năm liền, 85% chi bộ TSVM, không có chi bộ yếu kém, chính quyền đạt TSVM 11 năm liền.

QUỲNH UYỂN