Bí thư ở một bản Mường

04:09, 04/09/2013

Đó là anh Hoàng Công Trọng, người dân tộc Mường, hiện là Bí thư Chi bộ thôn 7 (còn gọi là bản Mường), xã Tân Lâm, huyện Di Linh. Anh cùng với bà con từ Hòa Bình vào đây lập nghiệp đã tròn 20 năm. Và, anh đã dành trọn chừng ấy thời gian tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Đó là anh Hoàng Công Trọng, người dân tộc Mường, hiện là Bí thư Chi bộ thôn 7 (còn gọi là bản Mường), xã Tân Lâm, huyện Di Linh. Anh cùng với bà con từ Hòa Bình vào đây lập nghiệp đã tròn 20 năm. Và, anh đã dành trọn chừng ấy thời gian tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Hoàng Công Trọng
Hoàng Công Trọng

Vào thời điểm mới đến lập nghiệp, ở bản Mường này rất ít người được học hết trung học phổ thông (cấp 3). Riêng anh Hoàng Công Trọng được “lọt” vào danh sách hiếm hoi ấy. Anh có được trình độ học lực căn bản, vừa lao động sản xuất giỏi, lại vừa tích cực với mọi công việc xã hội trong thôn bản, nên anh được bà con tín nhiệm và được chính quyền địa phương tin tưởng giao cho làm phó thôn, rồi trưởng thôn từ năm 1993 đến năm 2008. Năm 2009, anh được cử đi học trung cấp chính trị trong thời gian 1 năm. Sau khi học xong (năm 2010), cũng là lúc Chi bộ thôn 7 thành lập, anh được giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ.

Công việc hết sức mới mẻ, nhưng anh biết cách củng cố, xây dựng Chi bộ; kết hợp giữa Chi bộ cùng với các già làng, trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận và cán bộ trong thôn bản để chỉ đạo, vận động và triển khai nhiệm vụ. Anh Hoàng Công Trọng “miệng nói, tay làm” và bản thân luôn gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng cuộc sống gia đình; đồng thời, tích cực vận động, hướng dẫn người dân làm ăn, chung tay xây dựng nông thôn mới và tham gia các phong trào khác… Kể từ khi anh làm Bí thư Chi bộ thì Chi bộ thôn 7 luôn đạt danh hiệu TSVM. Nhờ vậy, thôn 7 đã tạo được lòng dân, phát động được nhiều phong trào và vận động “xã hội hóa”, đóng góp từ sức dân.  

Anh Hoàng Công Trọng cho biết, trong thời gian ban đầu mới vào đây lập nghiệp, bà con ở bản Mường rất nghèo, nên phải trồng lúa để lo cái ăn trước mắt. Dần dần, bà con đã chuyển sang trồng và thâm canh cà phê. Trong thôn hiện có 135 hộ, với gần 700 nhân khẩu (hầu hết là dân tộc Mường) và đã có 143 ha đất canh tác, chủ yếu là trồng cà phê. Trong thôn hiện chỉ còn 16 hộ nghèo; số hộ khá và giàu ngày càng nhiều hơn; tỷ lệ nhà xây chiếm khoảng 70%. Mức thu nhập bình quân của bà con đã hơn 18 triệu đồng/người/năm.

Nhờ phát huy được sự đồng thuận của cả thôn, trong những năm qua, bà con tự đóng góp xây dựng trường mẫu giáo; tự kéo đường điện lưới vào thôn để có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Bà con trong thôn cũng đã hiến đất và đóng góp tiền và ngày công để nâng cấp, mở rộng 1,5 km tuyến đường chính vào thôn và các tuyến đường liên xóm. Ngoài ra, bà con trong thôn 7 còn góp tiền mua 1 sào đất và mỗi gia đình góp thêm 400 triệu đồng để xây dựng hội trường thôn (nhà sinh hoạt cộng đồng)… Đặc biệt, bà con ở thôn 7 hiện nay đã có cuộc sống ổn định, là thôn không có tội phạm. Thôn 7 cũng đã vận động bà con bỏ dần mê tín, dị đoan và những hủ tục lạc hậu; bắt đầu khôi phục, gìn giữ nét văn hóa riêng có của dân tộc Mường.

Hiện nay, thôn 7 đã có những đội bóng chuyền, hình thành đội văn nghệ và thường tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ, các trò chơi dân gian (như ném còn, đánh mảng, nhảy sạp…) trong ngày tết và những dịp lễ, hội.   

XUÂN LONG