Việc xác định công chức, viên chức còn bất hợp lý

08:03, 13/03/2015

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thì cán bộ là những người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ, còn công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang…, đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ người đứng đầu mới được xác định là công chức.

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thì cán bộ là những người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ, còn công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang…, đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ người đứng đầu mới được xác định là công chức. Trong khi đó, Luật Viên chức quy định viên chức là những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
 
Mặc dù, quy định về phân loại cán bộ, công chức và viên chức khá rõ ràng như vậy nhưng việc triển khai thực hiện, nhất là một số quy định của văn bản dưới luật đã dẫn đến những chồng chéo, bất cập rất vô lý. Ví dụ: Theo hướng dẫn của các văn bản dưới luật thì Trường Chính trị tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Đảng ở các địa phương là đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, những người đứng đầu các cơ quan này như Hiệu trưởng, Giám đốc, Tổng Biên tập Báo mới được công nhận là công chức, các chức danh còn lại từ Hiệu phó, Phó Giám đốc Đài, Phó Tổng biên tập Báo trở xuống lại là viên chức, không được hưởng phụ cấp công vụ và phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Điều đáng nói ở đây là các chức danh này đều đáp ứng các điều kiện của công chức theo Luật Cán bộ, công chức như phải qua quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ chặt chẽ, bài bản và với cương vị được giao họ đều thực hiện chức năng quản lý tại cơ quan, đơn vị cũng như hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong toàn bộ hệ thống của mình. Đặc biệt, các chức danh Hiệu phó, Phó Giám đốc Đài, Phó Tổng biên tập Báo Đảng tương đương với cấp phó của các sở, ngành và đều thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý và chỉ cần quyết định điều động, bổ nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là họ sẽ trở thành người đứng đầu sở, ngành. Chẳng lẽ, trong trường hợp này buộc họ phải sát hạch từ viên chức sang công chức mới tiến hành bổ nhiệm, chưa nói đến trường hợp sát hạch không đạt! Trong khi đó, những người hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP về hợp đồng một số trường hợp trong cơ quan nhà nước như lái xe, tạp vụ, bảo vệ, văn thư nếu làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước lại được xem là công chức và được hưởng phụ cấp công vụ là 25% nếu ở khối chính quyền và 55% nếu ở khối đảng, đoàn thể.
 
Ví dụ khác, đó là trường hợp chức danh hiệu phó các trường THPT, THCS, tiểu học khi muốn điều chuyển về làm chuyên viên các phòng giáo dục, các phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo thì họ phải qua quy trình sát hạch để chuyển sang ngạch công chức, mặc dù nhiều người trước đây đã là công chức từ phòng giáo dục điều về làm hiệu phó các trường này.
 
Việc quy định như vậy đã gây khó khăn, làm chậm việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển, xếp lương, ngạch bậc cho cán bộ, công chức, viên chức không cần thiết, vừa gây phiền hà, khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi cho công chức, viên chức vì mỗi khi chuyển vị trí công tác, đó là phải tiến hành sát hạch chuyển ngạch mất thời gian, giấy tờ, tiền bạc, công sức. Có nhiều trường hợp từ công chức chuyển sang viên chức, chỉ sau một vài năm chuyển công tác lại phải sát hạch chuyển sang công chức, có người trong vòng 5 năm phải 2 lần tiến hành sát hạch chuyển công chức để phù hợp với vị trí công tác mới.
 
Để khắc phục tình trạng trên, theo chúng tôi, nên quy định đối với các chức danh lãnh đạo quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập từ phó phòng chuyên môn trở lên đến người đứng đầu đều được công nhận là công chức, nhất là ở các cơ quan ngang cấp sở, ngành hoặc tương đương, điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, đó là được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ. Bên cạnh đó, cần quy định một người cán bộ, công chức, viên chức chỉ phải thực hiện sát hạch một lần nghĩa là những ai đã qua sát hạch để chuyển ngạch từ viên chức sang công chức hoặc đã thi tuyển trực tiếp vào công chức thì không phải sát hạch lần nữa, cho dù có chuyển vị trí công tác để dễ dàng cho việc sắp xếp bố trí và đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức.
 
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về quy định phân loại cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho công tác quản lý và thiệt thòi vô lý cho cán bộ, công chức, viên chức đang là lãnh đạo, quản lý các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Đây cũng là biện pháp, bước đi góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định về quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đang rất còn quá rườm rà, phức tạp, chồng chéo hiện nay.
 
Phạm Văn Chung