Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi

08:07, 23/07/2015

Là địa phương có lợi thế trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua, Lâm Đồng đã triển khai tốt việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để thúc đẩy thay đổi về năng suất và chất lượng sản phẩm trong sản xuất, trong phát triển kinh tế - xã hội.

Là địa phương có lợi thế trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua, Lâm Đồng đã triển khai tốt việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để thúc đẩy thay đổi về năng suất và chất lượng sản phẩm trong sản xuất, trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi (NTMN) là sự hội tụ tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất và dịch chuyển phương thức đầu tư thiết thực, lôi cuốn tích cực đối ứng xã hội hóa. Tại hội nghị tổng kết Chương trình NTMN do Bộ KH&CN vừa tổ chức, kết quả thực hiện Chương trình NTMN của Lâm Đồng đã được đánh giá cao. Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Xuân Thám - Giám đốc Sở KH&CN về vấn đề này.
 
PGS.TS Lê Xuân Thám - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng
PGS.TS Lê Xuân Thám - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng

PV: Xin ông cho biết kết quả thực hiện Chương trình NTMN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
 
PGS.TS Lê Xuân Thám: Lâm Đồng là tỉnh còn nhiều khó khăn, việc đăng ký, triển khai các dự án NTMN ứng dụng công nghệ mới, khả năng đối ứng và thu hút các tổ chức KH&CN đến tham gia triển khai các dự án trên địa bàn gặp nhiều trở ngại. Mặc dù vậy, giai đoạn 2011 - 2015, được sự quan tâm hỗ trợ của Văn phòng Chương trình NTMN thuộc Bộ KH&CN, trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 7 dự án đạt kết quả cao:
 
Đầu tiên phải kể đến dự án “Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vật từ bã thải trồng nấm, phế phẩm chăn nuôi và trồng trọt tại thành phố Bảo Lộc”. Sau khi hoàn thành, dự án đã chuyển giao 3 quy trình công nghệ: công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật, công nghệ xử lý nguyên liệu hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh vật và công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vật. 
 
Dự án thứ hai là “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm ở huyện Lâm Hà”. Dự án đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của ngành trồng dâu, nuôi nằm của huyện Lâm Hà, bước đầu hình thành mối liên kết từ sản xuất dâu, nuôi tằm đến tiêu thụ trứng cho các hộ sản xuất trong huyện. 
 
Dự án thứ ba là “Ứng dụng tiến bộ  KHKT sản xuất nấm dược liệu quý và nấm ăn quy mô công nghiệp tại xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc” đã tiếp nhận 15 quy trình công nghệ nuôi trồng các loại nấm như ngọc châm, kim châm, đầu khỉ, linh chi…; công nghệ bảo quản, chế biến và xử lý sau thu hoạch. Dự án đã tạo việc làm cho 50 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 2,7 - 4,5 triệu đồng/tháng. 
 
Thứ tư là dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng và sản xuất meo giống một số loại nấm ăn, nấm làm thuốc tại huyện Đơn Dương” đã xây dựng 20 nhà nuôi trồng nấm tập trung mức công nghệ cao và 12 nhà nuôi trồng nấm phân tán. Dự án đã tạo sức lan tỏa cho vùng nấm Đơn Dương với việc đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nấm bào ngư Đơn Dương”, đây là mô hình đạt hiệu quả cao, được lãnh đạo huyện quan tâm và hỗ trợ.
 
Thứ năm là dự án “Xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu cây ca cao tại huyện Đam Rông” đã bổ sung và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh ca cao và trồng xen dưới tán vườn điều, hoàn thiện quy trình kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản ca cao. Dự án đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ các mô hình của dự án và các mô hình ở các hộ dân đối với công ty. 
 
Dự án thứ sáu là “Ứng dụng KHCN xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Lâm Hà”. Đến thời điểm này, dự án đã xây dựng được mô hình vườn nhân chồi giống cà phê vối mới, mô hình vườn sản xuất hạt lai đa dòng, mô hình vườn sản xuất hạt giống cà phê chè mới, mô hình ghép cải tạo vườn cà phê giống cũ, mô hình quản lý mùa vụ tổng hợp. 
 
Và dự án thứ bảy là “Ứng dụng tiến bộ KHKT trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên”. Dự án đã triển khai các mô hình: trồng lúa nước năng suất từ 48,7 - 50,5 tạ/ha, tăng 162 - 166% về năng suất; cải tạo vườn điều cũ năng suất đạt 12,3 tạ/ha, tăng 150% năng suất so với các hộ không tham gia mô hình; trồng mới cà phê, trồng xen cà phê trong vườn điều; trồng bơ tại vườn cà phê; trồng dứa xen dưới tán điều; trồng cam canh. 
 
PV: Kết quả này đóng góp như thế nào vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
 
PGS.TS Lê Xuân Thám: Dự án thuộc Chương trình NTMN với các mô hình và kết quả đạt được đã cho thấy vai trò ứng dụng tiến bộ KHCN trong phát triển sản xuất với sản phẩm đặc thù vùng, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Kết quả đạt được từ các mô hình trình diễn của dự án đã được phổ biến để người dân trong vùng dự án học tập, nhân rộng, góp phần đổi mới cách nghĩ và cách làm của người dân để thực hiện quy trình sản xuất một cách khoa học, tạo thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có lợi thế so sánh. Thực tế thể hiện rõ quá trình liên kết 4 nhà trong triển khai dự án. Đối với doanh nghiệp chủ trì thực hiện dự án, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và hàng hóa có tính cạnh tranh cao, đồng thời, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. 
 
PV: Vậy ông có thể cho biết định hướng Chương trình NTMN tỉnh Lâm Đồng từ nay đến năm 2020?
 
PGS.TS Lê Xuân Thám: Từ nay đến năm 2020, định hướng Chương trình NTMN tỉnh Lâm Đồng theo các nội dung sau: 
 
Thứ nhất là nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đặc sản ở các vùng lúa trọng điểm của tỉnh như Đạ Tẻh, Cát Tiên. Phát triển sản xuất các loại nông sản đặc thù, dược liệu có lợi thế so sánh cao như: cà phê Di Linh, trà B’Lao, tau Đà Lạt, toa Đà Lạt, cây dược liệu (Thông đỏ Đà Lạt, Xáo tam phân, Sâm ngọc linh Đà Lạt, Diệp hạ châu…); cây ăn quả ôn đới, nấm Đơn Dương - Đà Lạt, cá lăng Cát Tiên, cá hồi… theo hướng nông nghiệp an toàn và công nghiệp hóa. Ứng dụng thiết bị và công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản trong các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và các ngành sử dụng nguyên liệu tại chỗ để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
 
Thứ hai là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại phù hợp, khép kín từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ. Ưu tiên phát triển đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc (bò siêu thịt, bò siêu sữa, lai đa máu, đơn tính hóa...), hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. 
 
Thứ ba là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc sử dụng công nghệ chiếu sáng tiết kiệm, năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ, năng lượng khí sinh học (biogas) phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn.
 
Thứ tư là ứng dụng công nghệ tiên tiến về tưới tiêu, tái tuần hoàn nước cho vùng cây công nghiệp, vùng khô hạn. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xử lý phế thải nông nghiệp, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, bảo vệ thực vật, xử lý môi trường…
 
Và cuối cùng là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển giao, phổ biến tiến bộ KHCN và kỹ thuật phục vụ sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao dân trí. 
 
PV: Xin cảm ơn ông.
 
Tuấn Hương (thực hiện)