Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thân thiện, ra sức thi đua tiếp tục xây dựng Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững

09:08, 28/08/2015

Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ V nhằm tổng kết, đánh giá; biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2010 - 2015; đề ra phương hướng, nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững QPAN giai đoạn 2015 - 2020...

LTS: Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ V nhằm tổng kết, đánh giá; biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2010 - 2015; đề ra phương hướng, nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững QPAN giai đoạn 2015 - 2020. Nhân dịp này, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã có cuộc trao đổi với PV Báo Lâm Đồng về thành quả phong trào thi đua yêu nước của Lâm Đồng.  
 
 
PV: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá thành quả phong trào Thi đua yêu nước trong chặng đường 5 năm, đồng chí có nhận xét gì?
 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Từ thực tiễn sinh động của phong trào Thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết, chúng ta ghi nhận: Phong trào đã được tổ chức đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức gắn với thực hiện các cuộc vận động đạt hiệu quả cao; tinh thần thi đua phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu như là mạch ngầm lan tỏa rộng khắp với sự tham gia hưởng ứng của “Người người thi đua, Ngành ngành thi đua”. Qua phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương sáng, bình dị nhưng thật trân trọng… Tất cả với một mục đích chung, đưa Lâm Đồng vững bước phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
PV: Vâng, tất cả đều hướng tới mục đích chung đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững! Vậy đồng chí có thể điểm qua các con số tiêu biểu mà tỉnh nhà đã đạt được!
 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Chúng ta có quyền tự hào là trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Lâm Đồng đã đạt một số kết quả khả quan, làm nền tảng cho các năm sau. Đó là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm đạt 14,1%/năm (giá so sánh 1994). GRDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 44,8 triệu đồng (bằng 104% mức bình quân chung cả nước, bằng 1,28 lần mức bình quân chung khu vực Tây Nguyên); năm 2015 ước đạt 45,5 triệu đồng, gấp 2,3 lần so năm 2010. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 80.924 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thời kỳ 2005 - 2010, bằng 33,3% GDP của giai đoạn 2011 - 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm ước đạt 1.749 triệu USD, tăng bình quân 16%/năm, bằng 1,46 lần thời kỳ 2005 - 2010. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm ước đạt 25,170 tỉ đồng, tăng 2,23 lần so với thời kỳ 2005 - 2010, tốc độ tăng bình quân hàng năm ước đạt 12,94%.
 
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt những kết quả đáng khích lệ: Hàng năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 29.460 người (Nghị quyết từ 28.000 - 30.000), tăng 1,23 lần so với thời kỳ 2005 - 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% (Nghị quyết từ 35 - 40%). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 2,75% (mức bình quân chung khu vực Tây Nguyên còn 10,12%); năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 2%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 6%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương đạt 70% (NQ 70%). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến cuối năm 2015 còn 14,1% (NQ < 15%). Có 34,7% xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu văn hóa (NQ 30%). Về các chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 52,5%. Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 85% (NQ 85%); tỷ lệ dân đô thị sử dụng nước sạch đạt 65%.
 
PV: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, trong phát triển kinh tế, đồng chí tâm đắc với phong trào Thi đua yêu nước trên những lĩnh vực nào? 
 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Lĩnh vực nào cũng có những điểm sáng riêng, song tôi ghi nhận kết quả nổi bật từ phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) và xây dựng nông thôn mới.
 
Trước hết, Chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC được triển khai thực hiện từ năm 2004, những kết quả đạt được trong giai đoạn 2004 - 2010 đã khẳng định phát triển NNCNC là chủ trương đúng đắn về mặt lý luận và thực tiễn, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Quá trình thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi ngành nông nghiệp từ sản xuất theo phương thức truyền thống sang sản xuất hàng hóa hiện đại, hiệu quả.
 
Đến nay, Lâm Đồng có 43.084ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chiếm 15,9% diện tích đất canh tác (cây rau 12.655ha; cây hoa 2.424ha; cây đặc sản 105ha; chè 5.854ha; cà phê 18.341ha; lúa 3.705ha). Tổng đàn bò sữa 15.720 con, trong đó chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp chiếm khoảng 20%, đã có nhà máy chế biến sữa với công suất 40 tấn/ngày. Tổng diện tích ao nuôi cá nước lạnh 50ha, sản lượng đạt 500 tấn/năm; có 50 cơ sở nuôi cấy mô một năm sản xuất được khoảng 30 triệu cây giống gốc invitro, cung cấp cho trên 200 vườn ươm để sản xuất khoảng trên 2 tỷ cây giống thương phẩm. Tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng CNC tăng 25 - 30%, giúp tăng lợi nhuận trên 30% so với doanh thu; tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Diện tích sản xuất NNCNC có giá trị sản xuất cao gấp hơn 2 lần giá trị sản xuất bình quân chung của toàn tỉnh, như: rau đạt 450 - 500 triệu đồng/ha, hoa đạt 800 - 1.200 triệu đồng/ha, nhiều mô hình đạt 3 tỷ đồng/ha; cá biệt có diện tích đạt doanh thu từ 8-10 tỷ đồng/ha.
 
Nhiều mô hình ứng dụng CNC đã áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ tiên tiến như công nghệ sản xuất giống, công nghệ tưới, các quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất và các công nghệ sau thu hoạch được áp dụng phổ biến trong sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic… Lâm Đồng đã trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, đưa thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích lên 135 triệu đồng/ha/năm 2014, bằng 1,35 lần mức bình quân chung cả nước.
 
Trong phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”, bên cạnh xã Tân Hội, huyện Đức Trọng được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn là xã điểm của Trung ương, tỉnh đã vận dụng chủ trương, chính sách để chọn 11 xã điểm để xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 
 
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, đã làm chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân; vai trò chủ thể của người dân được khẳng định, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng, tích cực tham gia. Việc thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn cấp xã đạt và vượt kế hoạch đề ra, bình quân số tiêu chí của tỉnh đạt cao hơn so với bình quân chung cả nước và vùng Tây Nguyên. Đến nay, toàn tỉnh có 25 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; phấn đấu đến cuối năm 2015, huyện Đơn Dương đạt huyện nông thôn mới và có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt tặng Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Ảnh: Hữu Túc
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt tặng Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Ảnh: Hữu Túc
 
PV: Từ kết quả phong trào Thi đua yêu nước 5 năm, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì?
 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Qua thực tiễn tổ chức, chỉ đạo phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
 
Một là: Nhận thức đúng tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước với tinh thần năng động, sáng tạo và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp là nhân tố quyết định đến sự thành công của các phong trào thi đua góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Hai là: Gắn phong trào thi đua yêu nước với thực hiện nhiệm vụ chính trị; với thực hiện Nghị quyết của Đảng, của Trung ương để động viên từng người, từng đơn vị, từng ngành, từng địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các phong trào thi đua phải đa dạng, phong phú, thiết thực, bám sát nhiệm vụ trọng tâm và rộng khắp phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi tập thể. Công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện thường xuyên để đông đảo tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu và tự giác tham gia.
 
Ba là: Tổ chức bộ máy TĐKT các cấp phải thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động; người làm công tác TĐKT phải là nhân tố trưởng thành từ phong trào thi đua, năng động, sáng tạo trong công tác hướng dẫn phong trào và chuyên nghiệp thực hiện nghiệp vụ đúng quy định của pháp luật.
 
Bốn là: Chú trọng công tác tổng kết, nhân rộng các mô hình, những cách làm hay và sáng tạo. Chủ động phát hiện và nhân rộng những cá nhân, tập thể tiêu biểu. Việc khen thưởng phải kịp thời, công bằng, gắn liền với kết quả hoạt động của phong trào thi đua, đúng thành tích, đúng đối tượng; tập thể, cá nhân được tôn vinh, phải được sự đồng thuận của tập thể mới có tác dụng khuyến khích, động viên thêm được nhiều người tốt, việc tốt.
 
PV: Đồng chí cho biết mục tiêu phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020? 
 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Đó là thi đua xây dựng Lâm Đồng đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo; xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh; phát huy dân chủ trong nhân dân; đồng thuận xã hội; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động mọi nguồn lực, coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy lợi thế so sánh về tự nhiên và xã hội của địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, hội nhập và hợp tác quốc tế, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 
 
Tiếp tục học tập, nghiên cứu và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, Lâm Đồng đã đề ra khẩu hiệu hành động cho 5 năm tới là “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thân thiện ra sức thi đua xây dựng Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững”.
 
PV: Cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh và tin tưởng phong trào Thi đua yêu nước tỉnh nhà giai đoạn 2015 - 2020 tiếp tục bước lên tầm cao mới!
 
THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC TRONG 5 NĂM (2010 - 2015)
 
Khen thưởng Nhà nước (khen thưởng bậc cao)
 
* Khen thưởng chính sách
 
- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: 1 tập thể 
- Danh hiệu Vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: 136 mẹ 
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ: 112 cán bộ, nhân dân
- Huy chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ: 507 cán bộ, nhân dân.
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ: 11 cán bộ, nhân dân.
- Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày: 2 cá nhân
- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ: 110 cán bộ, nhân dân.
 
* Khen thưởng thành tích kinh tế - xã hội
 
- Thầy thuốc nhân dân: 1 cá nhân; Thầy thuốc ưu tú: 14 cá nhân; Nhà giáo ưu tú: 5 cá nhân
- Huân chương Độc lập các hạng cho: 49 tập thể, cá nhân.
- Huân chương Lao động các hạng:  248 tập thể, cá nhân
- Huân chương Đại đoàn kết: 7 cá nhân
- Cờ thi đua của Chính phủ:
+ Tặng tỉnh Lâm Đồng là đơn vị dẫn đầu Cụm Thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên: 3 cờ
+ Tặng các đơn vị tiêu biểu dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh: 40 cờ
Chiến sĩ thi đua toàn quốc: 13 cá nhân
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 449 tập thể, cá nhân
Huy hiệu vì nghĩa vụ quốc tế: 5 cá nhân
 
Khen thưởng của UBND tỉnh 
 
+ Cờ thi đua của UBND tỉnh: 260 tập thể
+ Tập thể Lao động xuất sắc cho: 2.620 tập thể
+ Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho: 910 cá nhân
- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh: 8.356 tập thể, cá nhân.
- Để động viên khích lệ phong trào thi đua và những huyện, thành phố đạt kết quả xuất sắc trong năm, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định tặng thưởng công trình cho Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của khối huyện, thành phố (mỗi năm 1 công trình cho 1 đơn vị cấp huyện trị giá 5 tỷ đồng). 

 

HỒ LAN (thực hiện)