Rừng thông… "kêu cứu"!

10:08, 21/08/2015

Liên tục những tháng đầu năm, hàng loạt khoảnh rừng thông trên địa bàn huyện Bảo Lâm bị "đầu độc" và chặt hạ! Đến nay, Công an huyện Bảo Lâm đã khởi tố hàng loạt vụ án với nhiều bị can liên quan đến hành vi hủy hoại rừng. Tuy nhiên, "cuộc chiến" giữ rừng vẫn đang diễn ra rất cam go và gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.

Liên tục những tháng đầu năm, hàng loạt khoảnh rừng thông trên địa bàn huyện Bảo Lâm bị “đầu độc” và chặt hạ! Đến nay, Công an huyện Bảo Lâm đã khởi tố hàng loạt vụ án với nhiều bị can liên quan đến hành vi hủy hoại rừng. Tuy nhiên, “cuộc chiến” giữ rừng vẫn đang diễn ra rất cam go và gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.
 
Gần 200 cây thông (hơn 30 năm tuổi) bị triệt hạ tại Tiểu khu 466 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) vào cuối tháng 5/2015
Gần 200 cây thông (hơn 30 năm tuổi) bị triệt hạ tại Tiểu khu 466 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm)
vào cuối tháng 5/2015
 
Rừng thông liên tiếp ngã xuống!
 
Ngày 29/7/2015, Công an huyện Bảo Lâm đã bắt khẩn cấp 5 đối tượng liên quan đến việc đầu độc thông rừng tại khoảnh 1 (Tiểu khu 444, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm). Đây là vụ việc mới nhất được Hạt Kiểm lâm phát hiện và Công an huyện khởi tố vụ án. Điều đặc biệt trong vụ án này, đối tượng chủ mưu phá rừng chính là nhân viên bảo vệ rừng được Công ty TNHH An Nguyễn thuê. Theo lời khai của Vũ Văn Thanh (44 tuổi, nhân viên bảo vệ rừng của Công ty An Nguyễn): Thanh được Công ty thuê bảo vệ rừng từ năm 2012. Với mục đích lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê, Thanh đã thuê người (chưa xác định được danh tính) vào đào 3.000 hố cà phê dưới rừng thông. Sau đó, đến tháng 4/2015, Thanh tiếp tục thuê đối tượng Vũ Tuấn Chung (27 tuổi, ngụ tại huyện Bảo Lâm) vào rừng “ken” gốc thông và đổ hóa chất làm cho thông chết. Cùng thực hiện với Chung còn có Nguyễn Hữu Long, Vũ Quốc Lâm (ngụ tại huyện Bảo Lâm) và Vũ Tuấn Long (ngụ tại huyện Đơn Dương). Để làm cây thông chết, các đối tượng trên đã sử dụng rìu và búa để chặt từ 2 - 3 nhát vào cây thông, sau đó, bơm thuốc trừ cỏ vào các vết chặt. Tổng diện tích rừng xác định bị hủy hoại hơn 2,6ha. 
 
Trước đó, liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5/2015, lực lượng chức năng của huyện Bảo Lâm cũng phát hiện vụ chặt hạ thông rừng tại địa bàn xã Lộc Tân. Diện tích thông bị chặt hạ thuộc rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri quản lý. Các đối tượng đã dùng cưa máy triệt hạ gần 200 cây thông (31 năm tuổi) tại Tiểu khu 466 và Tiểu khu 469 (xã Lộc Tân). Đến nay, Công an huyện Bảo Lâm đã tìm được 3 thủ phạm phá rừng này. Công an huyện đã khởi tố và bắt tạm giam Trương Mạnh Hùng và Quách Hải Tô. Còn một đối tượng khác là Phạm Văn Hải (46 tuổi, ngụ tại thôn 9, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc) đã bị Công an TP Bảo Lộc bắt tạm giam do liên quan đến vụ “ken” gốc, đổ hóa chất “đầu độc” 684 cây thông (30 năm tuổi) trên diện tích 2,6ha tại Tiểu khu 466 (xã Đam Bri, TP Bảo Lộc). Hiện nay, Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.  
 
Ngoài việc hủy hoại rừng có tổ chức với quy mô lớn như các vụ việc nêu trên, tình trạng “ken” gốc, chặt hạ thông để lấn chiếm đất rừng cũng diễn ra phổ biến trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Điển hình là vụ việc xảy ra vào đêm 29/6/2015, lực lượng Kiểm lâm cơ động, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm đã mật phục tại Tiểu khu 444 (thuộc lâm phần của Công ty TNHH An Nguyễn, xã Lộc Ngãi) và bắt quả tang Nguyễn Văn Cao (43 tuổi, ngụ tại xã Lộc Ngãi) đang dùng bình xịt và thuốc diệt cỏ tác động vào rừng thông 3 lá tự nhiên. Đối tượng này đã thừa nhận hành vi “ken” cây, đổ hóa chất, cưa hạ và hủy hoại rừng thông tự nhiên để lấy đất trồng cà phê!
 
Lực lượng chức năng dựng chòi để bảo vệ rừng thông tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm)
Lực lượng chức năng dựng chòi để bảo vệ rừng thông tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm)
 
Cam go “cuộc chiến” giữ rừng! 
 
Ngay khi các vụ chặt hạ thông xảy ra trên địa bàn do mình quản lý, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri đã bố trí lực lượng để canh giữ diện tích rừng thông nằm gần khu vực bị chặt hạ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri, xung quanh diện tích rừng thông này đều là đất nông nghiệp của dân. Diện tích này cũng đã được quy hoạch chuyển đổi sang đất nông nghiệp. Đây có thể là lý do thông rừng bị chặt phá để chiếm đất. Hiện tại, diện tích đất rừng đã được quy hoạch chuyển đổi sang đất nông nghiệp nằm rải rác mỗi nơi vài héc ta nên rất khó quản lý. Bên cạnh đó, đất đã quy hoạch chuyển đổi sang đất nông nghiệp thì không thể thiết kế để trồng lại rừng. Do đó, theo ông Năm, để giữ được diện tích đất rừng (đã bị chặt hạ cây thông) và những diện tích đã quy hoạch chuyển đổi thì tạm thời không nên chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tránh đất được giao vào tay chính những kẻ đã phá rừng. 
 
Không chỉ riêng Ban Quản lý rừng Phòng hộ Đam Bri, ngay cả Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Đặc biệt, đối với những diện tích đã giao cho các doanh nghiệp triển khai dự án, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng càng phức tạp hơn. Trên địa bàn huyện Bảo Lâm hiện có 56 tổ chức, doanh nghiệp triển khai các dự án liên quan đến rừng với diện tích được giao và cho thuê hơn 17.200ha. Hiện tại, các đơn vị chủ rừng và các doanh nghiệp nhận đất rừng để triển khai dự án đều lập các tổ, đội để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, trong 7 tháng đầu năm, tổng số vụ vi phạm lâm luật là 197 vụ. Trong đó, số vụ phá rừng là 60 vụ, với diện tích đất rừng bị thiệt hại là 53ha. Những diện tích này chủ yếu là những đám rừng manh mún còn sót lại (đã được quy hoạch ngoài 3 loại rừng) tại các Tiểu khu 415, 416, 431 và 400 của xã Lộc Bắc. Ngoài ra, một số địa bàn khác như Lộc Bảo, Lộc Tân, Lộc Ngãi và Lộc Phú cũng là “điểm nóng” xảy ra các vụ phá rừng, khai thác, mua bán, cất giữ và vận chuyển lâm sản trái phép.
 
Theo điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại huyện Bảo Lâm giai đoạn 2014 - 2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện tại, tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện Bảo Lâm còn hơn 79.000ha. Trong đó, rừng đặc dụng là 5.346ha, rừng phòng hộ 9.867ha và rừng sản xuất là 63.797ha. Điều đáng lưu ý là sau khi điều chỉnh quy hoạch, hơn 5.100ha rừng sản xuất và 279ha rừng phòng hộ được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng do diện tích này đã sản xuất nông nghiệp ở gần khu dân cư ổn định và thuận lợi về giao thông. Việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại huyện Bảo Lâm nhằm xác định lại cơ cấu đất lâm nghiệp và đất ngoài lâm nghiệp cho phù hợp với thực tế, tạo sự ổn định trong phát triển sản xuất lâm nghiệp và nông nghiệp. Quy hoạch này cũng là cơ sở để xây dựng và thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chặt chẽ và bền vững hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, “cuộc chiến” giữ rừng, nhất là những cánh rừng đã được quy hoạch chuyển đổi sang đất nông nghiệp và ở gần khu dân cư, vẫn còn rất gian nan và đầy cam go!
 
ĐÔNG ANH