Trăn trở của vị tướng già

10:08, 21/08/2015

Dư âm của chiến tranh vẫn còn day dứt mãi trong tim của những người đang sống. Với vị tướng già Phạm Văn Kha, thời gian chẳng thể xoa dịu được nỗi đau thương khi nghĩ về đồng đội đã hy sinh. Và khi đời người đã ngả chiều hoàng hôn, ông càng đau đáu hơn với việc đi tìm đồng đội.

Dư âm của chiến tranh vẫn còn day dứt mãi trong tim của những người đang sống. Với vị tướng già Phạm Văn Kha, thời gian chẳng thể xoa dịu được nỗi đau thương khi nghĩ về đồng đội đã hy sinh. Và khi đời người đã ngả chiều hoàng hôn, ông càng đau đáu hơn với việc đi tìm đồng đội.
 
Những cuốn sổ ghi chép về đồng đội của Thiếu tướng Phạm Văn Kha ngày một nhiều lên
Những cuốn sổ ghi chép về đồng đội của Thiếu tướng Phạm Văn Kha
ngày một nhiều lên
 
Thiếu tướng Phạm Văn Kha - Nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu VI; Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Lâm Đồng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên với cương vị Tham mưu trưởng Trung đoàn 84 và Trung đoàn 108 quân chủ lực. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu VI. Ngay sau khi Đà Lạt được giải phóng, ông cùng đơn vị lên nhận nhiệm vụ tại tỉnh Tuyên Đức. Đến tháng 3/1976, ông được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm này, ông trực tiếp chỉ huy các lực lượng vũ trang địa phương tiến hành cuộc đấu tranh chống sự phá hoại của các thế lực thù địch và lực lượng phản động Fulrô. Cuối năm 1989, ông trở thành Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Lâm Đồng, UVBCH Hội CCB Việt Nam. Đó là thời gian ông dốc nhiều công sức đi tìm những đồng đội đã mất. 92 tuổi đời, 66 tuổi Đảng, khi đã là vị Thiếu tướng về nghỉ hưu, tâm nguyện lớn nhất của thiếu tướng Kha là đưa được nhiều hài cốt đồng đội trở về.
 
 Trên cơ thể vị tướng già còn hằn nhiều vết thương chiến trận, thỉnh thoảng lại nhói lên những cơn đau khi trái gió trở trời. Nhưng với ông, nỗi đau đó chẳng thấm vào đâu, khi nhiều đồng đội từng vào sinh ra tử đã vĩnh viễn nằm lại. Có người đến tận bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Bởi thế, mặc dù tuổi cao, nhưng ông vẫn cùng ban tìm kiếm mộ liệt sỹ của tỉnh, trở lại những chiến trường xưa. Mỗi chuyến đi là bao sự nỗ lực; ông và mọi người đã trèo đèo, lội suối, vượt rừng để tìm đồng đội. Trời mưa, nước dâng không thể lội suối. Mùa khô, nắng cháy trên đầu, nhưng người lính già vẫn đặt chân đến những cánh rừng để tìm bạn. Ông nói: “Địa hình sau hàng chục năm đã thay đổi nhiều, nên không phải chuyến đi nào cũng thành công, có khi phải đi lại ba, bốn lần vẫn không có kết quả. Vì thế, năm nào chúng tôi cũng trở lại chiến trường xưa, để tìm và đưa các anh về với gia đình”.
 
Trong hành trình tìm kiếm ấy có biết bao kỷ niệm. Thiếu tướng Kha kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện tìm mộ liệt sỹ Đỗ Phú Minh (quê Quảng Nam) - Bí thư Liên chi bộ Khu ủy Quân khu VI, đã hy sinh tại khu căn cứ Cát Tiên, năm 1964. Anh được đồng đội chôn cất trên đồi tranh ngay cạnh căn cứ. Sau hàng chục năm vật đổi sao dời, căn cứ xưa nay thuộc xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên; đồi tranh năm xưa nay đã thành cánh đồng lúa nước - nơi có liệt sỹ Đỗ Phú Minh đang nằm. “Khi tìm thấy những dấu hiệu đầu tiên anh em tôi đã khóc và khi công tác thẩm định hoàn tất anh em lại mừng đến ngạt thở mà reo lên, “đúng đây rồi, anh Minh đã về rồi””. 
 
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Kha thay mặt các đồng đội còn sống nói lên tiếng lòng từ trong sâu thẳm, rằng: “Vẫn còn nhiều anh em đồng đội đã hy sinh đang nằm lại trên các điểm cao, sườn đồi, hốc đá chưa tìm về được. Chúng tôi may mắn sống sót trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc sẽ luôn làm tất cả những gì có thể để linh hồn đồng đội được yên nghỉ. Đó là tình đồng chí đồng đội, là trách nhiệm với thân nhân của họ, với Đảng, với Nhà Nước và cả dân tộc”. Ngày nào Thiếu tướng Kha cũng ghi chép, mọi thông tin về đồng đội cũ, nhớ gì là ông vội ghi lại ngay vì sợ quên.  
 
Trong buổi làm việc giữa các đơn vị liên quan và Ban Chỉ huy quân sự 12 huyện, thành trong toàn tỉnh vào tháng 4 vừa qua, Đại tá Dương Công Hiệp - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo tìm kiếm mộ liệt sỹ ở Lâm Đồng, cho biết, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã được tiến hành trong thời gian dài. Tuy nhiên, địa hình Lâm Đồng hiện nay đã có nhiều thay đổi, cơ quan tìm kiếm cần nhiều nguồn thông tin, nhiều sự giúp đỡ hơn nữa để tìm mộ liệt sỹ. Tại hội nghị ấy, Thiếu tướng Kha và nhiều người đồng đội còn sống đã khóc. Họ khóc bởi khi tuổi đã già, mắt ngày càng mờ, trí nhớ ngày càng kém thì ai sẽ cùng thế hệ trẻ tìm đồng đội về. Mỗi dịp cả nước tưng bừng cờ hoa ngày kỷ niệm, lòng những cựu binh già lại thêm cồn cào bởi còn anh em đang nằm cô đơn đâu đó trong lòng đất mẹ. Trước đạn bom, trước cái chết họ chưa từng rơi nước mắt, nhưng nay họ khóc khi đồng đội chưa về. 
 
Cuộc chiến đi qua nhưng nỗi đau thì còn ở lại. Thiếu tướng Kha vẫn nhắc đi nhắc lại một điều trong câu chuyện với chúng tôi, rằng: “tâm nguyện lớn nhất đời tôi bây giờ là ngày nào còn đi được thì vẫn tiếp tục đi tìm và đưa đồng đội mình trở về với gia đình, quê hương.”.
 
NGỌC NGÀ