Lâm Đồng trong tiến trình hội nhập

08:09, 16/09/2015

Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, Lâm Đồng đã thu hút không ít các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cùng các nguồn vốn hỗ trợ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, Lâm Đồng đã thu hút không ít các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cùng các nguồn vốn hỗ trợ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
 
Triển vọng từ những chương trình hợp tác 
 
Nằm ở Tây Âu, Vương quốc Bỉ từ lâu đã có quan hệ ngoại giao với Việt Nam và tại quốc gia này có một địa phương cũng có quan hệ khá thân thiết với Lâm Đồng lâu nay, đó là tỉnh Đông Flanders (East Flanders, với thủ phủ của tỉnh là Ghent). Đông Flanders đã cùng Lâm Đồng nhiều năm có các chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, đặc biệt là rau, hoa công nghệ cao.
 
Trong tháng 5/2015 vừa qua, đích thân Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Bruno Angelet cùng đông đảo các giáo sư, chuyên gia và đại diện một số doanh nghiệp của Đông Flanders đã đến làm việc cùng Lâm Đồng cho các chương trình hợp tác này. Cả hai bên đã đánh giá lại những việc đã làm, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác mới trong thời gian đến. Đoàn doanh nghiệp của Đông Flanders đã có chuyến khảo sát tại tỉnh để tìm cơ hội. Trước mắt, Đông Flanders cho biết, sẽ tiếp tục cung cấp các giống cà chua mới đang trồng tại Bỉ để trồng thử nghiệm trên đất Lâm Đồng. Trong dịp này, Đông Flanders cũng đưa ra chương trình hợp tác về chăn nuôi, cung cấp tinh bò, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao chất lượng con giống, chất lượng thịt bò ở tỉnh Lâm Đồng và cho cả Việt Nam. Hai bên sẽ cùng phối hợp để tổ chức một hội thảo quốc tế về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tại Đà Lạt, dự kiến trong tháng 10/2015.
 
Một công ty nước ngoài giới thiệu các giống rau mới cho người dân Đà Lạt tại Festival Hoa Đà Lạt
Một công ty nước ngoài giới thiệu các giống rau mới cho người dân Đà Lạt tại Festival Hoa Đà Lạt

Một trong những tổ chức có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Lâm Đồng lâu nay chính là Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong tháng 3/ 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cùng phối hợp với JICA và một tổ chức khác của Nhật để tổ chức Hội thảo Hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đà Lạt. Với sự tham dự của 350 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có 45 doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp Nhật đến thăm và tìm hiểu một số doanh nghiệp Lâm Đồng đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn cùng nhau. JICA trong những tháng đầu năm nay cũng cử chuyên gia đến khảo sát tại tỉnh theo chương trình hợp tác đã ký kết nhằm hỗ trợ Lâm Đồng xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Trước mắt JICA hỗ trợ kỹ thuật để Lâm Đồng xây dựng chợ đầu mối hoa, xây dựng khu công nghiệp nông nghiệp, thành lập trung tâm sau thu hoạch.
 
Rất nhiều chương trình hợp tác quốc tế khá hiệu quả sẽ được triển khai tại Lâm Đồng trong thời gian đến. Chẳng hạn như chương trình hợp tác giữa tỉnh với một tổ chức của Canada để thành lập hợp tác xã bò sữa tại Đơn Dương. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nếu hiện thực hóa được sự hợp tác này, người nuôi bò sữa ở Đơn Dương sẽ được hưởng lợi không nhỏ từ chương trình.
 
Hội nhập khu vực và quốc tế 
 
Lâm Đồng hiện đang có quan hệ với rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như các nước ở Bắc Mỹ: Mỹ, Canada; các quốc gia ở châu Âu: Pháp, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Nga; các nước tại châu Á - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc; các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Myanmar... Tỉnh đồng thời cũng có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới như Ngân hàng thế giới, Quỹ Môi trường toàn cầu, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên...
 
Trong quan hệ hợp tác giữa cấp tỉnh với các địa phương tỉnh, thành các nước trên thế giới, bên cạnh Đông Flanders của Vương quốc Bỉ, Lâm Đồng lâu nay cũng thiết lập hữu nghị với 5 tỉnh, thành khác gồm Lipestsk của Liên bang Nga, tỉnh Champasak - Lào, thành phố Vaucluse - Pháp, tỉnh Jihocesky Kraij - Cộng hòa Czech và thành phố Guri thuộc tỉnh Gyeonggi Do - Hàn Quốc.
 
Từ năm 2010 đến nay, thông qua các mối quan hệ hợp tác, Lâm Đồng đã vận động nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài khoảng 7 triệu USD. Hiện có 31 tổ chức phi chính phủ (NGO) đang hoạt động trên địa bàn Lâm Đồng. Trong nhiều năm qua, Lâm Đồng đã cử nhiều đoàn cán bộ đi làm việc, học tập tại nước ngoài bằng vốn ngân sách nhà nước, đồng thời tỉnh cũng tiếp nhận rất nhiều các đoàn đến nghiên cứu khảo sát làm việc tại Lâm Đồng, tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức tại Đà Lạt - Lâm Đồng. Lâm Đồng cũng cử đoàn cán bộ sang giúp đỡ, hỗ trợ trên 34 tỷ đồng cho tỉnh Champasak - Lào.
 
Đánh giá của tỉnh cho biết các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Lâm Đồng trong thời gian qua đã được đẩy mạnh trên cả 3 lĩnh vực: chính trị, kinh tế và văn hóa. Hợp tác quốc tế của tỉnh tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đạt được những kết quả khả quan, thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức cùng hỗ trợ phi chính phủ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, lao động và dạy nghề, khoa học công nghệ..., góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. 
 
Trong tháng 3/2015 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định rất cụ thể về việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế của tỉnh nhằm thống nhất quản lý các hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong địa bàn tỉnh, phát huy hiệu quả của các thỏa thuận quốc tế đã ký kết. Tỉnh cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị địa phương trong tỉnh chủ động tìm kiếm và ký kết các thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài nhằm tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, phát huy thế mạnh của địa phương, chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng hơn.
 
VIẾT TRỌNG