Chiến lược phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận

09:10, 09/10/2015

Đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng, một trong những thành tựu nổi bật để lại dấu ấn trong giai đoạn 2011 - 2015, đó là "Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng, một trong những thành tựu nổi bật để lại dấu ấn trong giai đoạn 2011 - 2015, đó là “Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với đồ án này đặt ra những mục tiêu và tầm nhìn quan trọng về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Lạt hiện hữu và vùng phụ cận trong trung, dài hạn để trở thành vùng đô thị cấp quốc gia, có chất lượng sống cao.   
 
Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch 704), Đà Lạt được mở rộng diện tích từ 39.440ha lên 335.930ha, tăng gấp 8,5 lần đô thị Đà Lạt hiện hữu. Với diện tích này, Đà Lạt mở rộng bao chiếm địa giới hành chính của Đà Lạt hiện tại, các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và một phần huyện Lâm Hà với số dân gần 530.000 người. 
 
 Phát triển đô thị Đà Lạt mở rộng trở thành đô thị cấp quốc gia và có chất lượng cao
Phát triển đô thị Đà Lạt mở rộng trở thành đô thị cấp quốc gia và có chất lượng cao
Tầm nhìn chiến lược
 
Định hướng phát triển không gian đô thị thành phố Đà Lạt theo Quy hoạch 704 sẽ hình thành chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm, kết nối với các vùng du lịch sinh thái, cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp... Việc mở rộng không gian đô thị Đà Lạt trong quá trình xây dựng phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Nghĩa là, một mặt phải bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, hệ thống công trình kiến trúc, nền văn hóa đặc sắc của Đà Lạt; mặt khác, phải tạo điều kiện cho Đà Lạt bứt phá, phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng với nhu cầu phát triển và hội nhập. Tiến trình phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 mà Quy hoạch 704 đặt ra được phân thành 4 khu vực chính bao gồm: Vùng phát triển đô thị (11.600ha), vùng nông nghiệp và nông thôn (37.000ha), vùng bảo tồn phát triển rừng (232.000ha), vùng phát triển du lịch sinh thái rừng (6.500ha). Không gian đô thị của Đà Lạt mở rộng phát triển theo hướng đô thị đặc thù về quy hoạch kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên… với tỷ lệ đô thị hóa từ 60 đến 70% trên độ cao từ 850m đến 1.600m so với mực nước biển. Đây là đồ án quy hoạch được đánh giá là giàu tham vọng, và theo ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đánh giá: “Đã đặt ra những mục tiêu và tầm nhìn chiến lược quan trọng về định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trên từng lĩnh vực nói riêng bao gồm: quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị, kinh tế du lịch, tài nguyên rừng… đối với từng đô thị, từng địa phương trong vùng Quy hoạch 704”. Tuy nhiên, trên tất cả các định hướng chiến lược ấy, vấn đề quy hoạch và phát triển hạ tầng kỹ thuật mang tính kết nối các khu vực với nhau trong trung hạn từ nay đến năm 2020 và dài hạn đến năm 2030 thực sự là mối quan tâm hàng đầu của các cấp, ngành từ trung ương đến các địa phương. Vì hạ tầng kỹ thuật vừa là nguồn lực phát sinh, đồng thời là động lực thúc đẩy cho các nguồn lực khác được phát triển bền vững. Do đó, ông Lê Quang Trung cho rằng: Vấn đề quy hoạch và phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận giai đoạn đầu của quy hoạch cần được đặt ra thảo luận tại diễn đàn Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X tới đây. Bởi đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ 2016 - 2020. Đồng thời cũng là tiền đề cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau năm 2020 đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu Quy hoạch 704 đã đặt ra.
 
Lựa chọn ưu tiên đầu tư
 
Quy hoạch 704 xác định tính chất, chức năng, định ra diện mạo đô thị trong tầm nhìn hướng tới với mục tiêu xây dựng phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đặc thù có ý nghĩa khu vực và quốc tế. Giải pháp quy hoạch lựa chọn mô hình phát triển chuỗi các đô thị - phi tập trung, liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối các vùng du lịch sinh thái, vùng cảnh quan rừng và nông nghiệp đặc trưng; phát huy tính đặc thù tự nhiên và lịch sử,  hướng tới một vùng đô thị cấp quốc gia, có chất lượng sống cao. Để tạo lập cơ sở cho hình thái đô thị của Đà Lạt và vùng phụ cận trong tương lai, quan trọng ngay từ bây giờ phải lựa chọn các bước đi trong quá trình định hướng quy hoạch và phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác phát triển từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo tính chất của “đô thị đặc thù Đà Lạt”. Đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt cho biết: Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được triển khai đạt khá, bộ mặt các khu vực đô thị đổi thay, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt, lưu thông hàng hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng bên cạnh đó, do nhu cầu đầu tư lớn trong khi nguồn vốn từ ngân sách còn hạn chế nên số lượng công trình được đầu tư cũng như tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. “Vì vậy, cần tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ trên cơ sở ưu tiên một số các dự án, công trình quan trọng, tạo động lực thúc đẩy cho các nguồn lực khác phát triển” - ông Lê Quang Trung cho hay. Theo đó, danh mục các chương trình, đề án, dự án công trình ưu tiên của giai đoạn 2016 - 2020 cần tập trung nguồn lực thực hiện ngay những năm đầu của giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình phù hợp nhằm đảm bảo nhiệm vụ kết nối liên vùng, liên khu vực, kết nối hạ tầng du lịch, hạ tầng nông nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng quy hoạch. Đó là đầu tư xây dựng mới hệ thống đường vành đai, gắn với cải tạo nâng cấp hệ thống đường xuyên tâm, đi qua lõi đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong vùng quy hoạch. Đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải - nước thải, đảm bảo tiêu chí đô thị xanh, bền vững. Cùng với cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng đô thị, nâng công suất tải điện của lưới điện phân phối; từng bước ngầm hóa trong phạm vi trung tâm đô thị và xây dựng mới các tuyến cáp điện vào các khu đô thị mới; phát triển thông tin liên lạc theo hướng hiện đại, công nghệ mới, hội tụ được các loại hình viễn thông và internet...
 
Và giải pháp tài chính 
 
Một bản quy hoạch giàu tham vọng, tính khả thi cao nhưng nếu không có cơ chế, chính sách đi cùng để phát triển sẽ khó mang lại hiệu quả trên thực tế. Để triển khai thực hiện Quy hoạch 704, cơ sở giải bài toán đô thị đặc thù Đà Lạt đó là “Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 3/9/2015. Trong đó, lĩnh vực thu hút đầu tư và khai thác nguồn lực đầu tư cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng cần được quan tâm, nghiên cứu đề ra nhiều cơ chế, chính sách thích hợp và hiệu quả để phát triển không gian đô thị Đà Lạt và vùng phụ cận. Và dưới góc độ quản lý chuyên ngành, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung chia sẻ: Cần có một đề án huy động nguồn lực đầu tư cho quy hoạch; trong đó xác định trọng tâm 2 nguồn lực đó là tài chính và nhân lực. Về nguồn lực tài chính, ngoài nguồn lực tài chính nhà nước có yếu tố quan trọng trong những năm đầu thì nguồn lực xã hội mang tính quyết định cho những năm sau của giai đoạn thực thi quy hoạch. Để thu hút được nguồn lực tài chính, nên chăng xác định phương châm: Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; còn việc kêu gọi đầu tư nên lựa chọn các Tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư chiến lược làm nhiệm vụ này. Cần ưu tiên tập trung nguồn lực lập một số quy hoạch phân khu chức năng và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng để tạo điều kiện phát triển, kết nối hệ thống giao thông công cộng trong toàn vùng theo Quy hoạch 704 đã được phê duyệt. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý quy hoạch cho các cấp chính quyền trong vùng, tập trung đẩy nhanh tiến độ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; trong đó ưu tiên cho các khu vực thu hút đầu tư. Khi xác định nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, phải luôn tính đến sự thống nhất kết nối của toàn vùng quy hoạch, đảm bảo tính khả thi của dự án.
 
HỒ XUÂN TRUNG