Phát huy phẩm chất phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

08:10, 20/10/2015

Trong lịch sử dân tộc ta, người phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống phẩm chất tốt đẹp; có nhiều đóng góp quan trọng trong đấu tranh dựng nước, giữ nước, cũng như  gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Ở bất cứ thời đại nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những phẩm chất đạo đức ấy luôn tỏa sáng và xuất hiện những người phụ nữ xuất chúng, có công lao với đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc; qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. 

Trong lịch sử dân tộc ta, người phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống phẩm chất tốt đẹp; có nhiều đóng góp quan trọng trong đấu tranh dựng nước, giữ nước, cũng như  gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Ở bất cứ thời đại nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những phẩm chất đạo đức ấy luôn tỏa sáng và xuất hiện những người phụ nữ xuất chúng, có công lao với đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc; qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. 
 
Ngay từ ngày đầu thành lập, Đảng ta đã xác định: Phụ nữ là một lực lượng cách mạng quan trọng; từ đó đề ra đường lối giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sinh thời, Bác Hồ vẫn luôn quan tâm đến giải phóng phụ nữ: “... Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng được một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ được một nửa...”. Trong cuốn “Đường Kách mệnh” (1927), Bác Hồ cũng đã chỉ rõ: “... Trong lịch sử cách mệnh chẳng lần nào là không có đàn bà con gái tham gia...”. Bác đã đề cao vai trò của phụ nữ: “An Nam cách mệnh cũng phải có phụ nữ tham gia mới thành công...” và đã  từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”…
 
Nối tiếp truyền thống vẻ vang, phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ không chỉ là hậu phương vững chắc, mà còn là những chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất nơi tiền tuyến; một lực lượng cách mạng quan trọng. Ở đâu, trên mặt trận nào cũng xuất hiện những người phụ nữ gan dạ, dũng cảm, quật cường, chịu đựng gian khổ và tràn đầy lạc quan. Những phụ nữ không trực tiếp tham gia chiến đấu thì hăng hái lao động sản xuất, cáng đáng việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ một cách trọn nghĩa, vẹn tình… Họ thực sự xứng đáng bởi 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.           
 
Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy hơn nữa những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là 4 phẩm chất tiêu biểu “tự tin, tự trọng, đảm đang, trung hậu” nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
 
Tự tin là tin vào bản thân mình, sẵn sàng vượt lên trên định kiến về giới, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công của mình. Để có được sự tự tin, đòi hỏi người phụ nữ phải tạo cho mình một niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống; phải tự ý thức học tập, bồi dưỡng trí tuệ, tích lũy tri thức, tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; có ý thức rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, giữ gìn vẻ đẹp tinh thần và thể chất của người phụ nữ. 
 
Tự trọng là một phẩm chất đạo đức truyền thống của con người Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam. Tự trọng của người phụ nữ Việt Nam là luôn có ý thức về vai trò, vị trí và giá trị của bản thân mình trong gia đình và ngoài xã hội; biết coi trọng danh dự, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội, lấy “tam tòng tứ đức”, “công dung ngôn hạnh” làm chuẩn mực để tự tu dưỡng, rèn luyện và sống một cách đầy đủ, trọn vẹn. Đồng thời lòng tự trọng còn thể hiện trong suy nghĩ và hành động luôn đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tin tưởng vào cuộc sống và khả năng bản thân, có tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên, tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống; biết tôn trọng mình, tôn trọng người khác và làm cho người khác tôn trọng mình…
 
Đảm đang theo quan niệm cũ là chỉ phẩm chất người phụ nữ giỏi giang trong công việc, thường là lo toan việc gia đình. Ngày nay, khái niệm đảm đang đã được mở rộng về nghĩa; đó là khả năng quán xuyến, sắp xếp hài hòa công việc gia đình và công việc xã hội “đảm việc nhà, giỏi việc nước”, làm trọn thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm con trong gia đình, và khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng, xã hội; không phải tự mình làm tất thảy mọi việc mà biết tổ chức cuộc sống gia đình và biết gắn kết sợi dây tình cảm của các thành viên gia đình; là người biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình phát triển và hạnh phúc hơn... 
 
Trung hậu là trung thực và nhân hậu, có những tình cảm tốt đẹp và chân thành, biết quan hệ đối xử tốt với mọi người, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung hậu cũng luôn là một phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam; là cơ sở để tạo nền tảng gia đình luôn vững chắc, bền chặt. Trong thời kỳ CNH, HĐH, lòng trung hậu được thể hiện ở chỗ tích cực hưởng ứng các phong trào xã hội; có tấm lòng cao cả, đề cao nghĩa tình, coi trọng đạo lí, thủy chung, son sắt; có ý thức sâu sắc về tinh thần “tương thân tương ái”, luôn hướng đến phương châm sống “Mỗi người vì mọi người’’…  
 
Hiện nay, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kỳ mở cửa, hội nhập, phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một; chủ nghĩa thực dụng, lối sống ích kỷ đang có xu hướng phát triển. Hơn lúc nào hết, đòi hỏi người phụ nữ phải luôn sống trung thực, thẳng thắn, không làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức. 
 
Trước những thách thức đó, từ 2010-2015 Hội LHPN Việt Nam luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ, coi đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu cần thiết trong chiến lược xây dựng, phát triển người phụ nữ Việt Nam. Các cấp hội đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước với những tiêu chí cụ thể như: có lòng yêu nước; có sức khỏe; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu… nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. 
 
Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2015) và 5 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010 - 20/10/2015), các cấp hội phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới; qua đó khơi dậy ở chị em lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường vượt khó vươn lên làm chủ bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, động viên phụ nữ hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực học tập, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội cũng như của phụ nữ trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
 
KHÁNH LINH