Di Linh quyết tâm "gỡ khó" trong xây dựng nông thôn mới

09:11, 19/11/2015

Khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Di Linh gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự chung tay góp sức của cán bộ và nhân dân, chặng đường về đích NTM đã và đang được rút ngắn.

Khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Di Linh gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự chung tay góp sức của cán bộ và nhân dân, chặng đường về đích NTM đã và đang được rút ngắn.
 
Thành quả bước đầu
 
Theo ông Đặng Văn Khá - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện, qua đánh giá thực trạng xây dựng NTM ở 18 xã phát động xây dựng NTM trong huyện cho thấy, nhiều nơi có xuất phát điểm rất thấp như Đinh Trang Thượng, Gia Bắc, Sơn Điền... Tại các địa phương này, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, thu nhập bình quân đầu người còn ở mức khiêm tốn, tỷ lệ hộ nghèo cao… Thêm nữa, ở nhiều địa phương, năng lực cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành xây dựng NTM. Trong khi đó công tác tuyên truyền, vận động một số thôn thực hiện chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, thiếu sự thuyết phục.
 
Trên thực tế, trở lực không nhỏ trong công cuộc xây dựng NTM chính là việc triển khai các hạng mục xây dựng cơ bản còn chậm, nhiều địa phương lúng túng trong việc bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện. Công tác quy hoạch tại nhiều nơi gặp khó, hầu như chưa tạo được nguồn vốn tại chỗ, nên khả năng góp vốn đối ứng cho xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trong khi ngân sách từ trung ương, từ tỉnh, huyện bố trí hằng năm còn ít, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung và chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều đáng phấn khởi là qua gần 5 năm xây dựng NTM, bước chuyển biến nổi bật nhất mà huyện Di Linh đã làm được là đời sống của người dân Di Linh đã được cải thiện đáng kể, đến nay, xã Hòa Bắc có thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/người/năm; Gia Hiệp 19,8 triệu đồng/người/năm; Gung Ré 19,1 triệu đồng/người/năm... Thống kê từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo, thôn nghèo và cận nghèo đã giảm từ hơn 25% xuống còn 3,27% (tương ứng với 1.275 hộ). Phấn đấu đến cuối năm 2015, huyện Di Linh không còn thôn nghèo, cận nghèo, tiếp tục giảm xuống số xã và số thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Di Linh đặc biệt chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi. Hiện nay, toàn huyện có nhựa hóa, bê tông hóa 125km đường trục xã, liên xã; cứng hóa gần 290km đường trục thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; Theo tổng hợp của Phòng NN&PTNT huyện, đến nay các xã, thị trấn đã kiên cố hóa, xây dựng mới và nâng cấp nhiều công trình đập dâng với 4.000 ao, hồ nhỏ, 1.000 giếng khoan… sử dụng cho tưới tiêu cây trồng; lắp đặt 20km đường dây điện và hệ thống chiếu sáng ở trung tâm các xã, sửa chữa gần 15 hệ thống cung cấp nước sạch. Bên cạnh đó, còn nâng cấp và xây dựng mới gần 40 trường trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo; 10 trạm y tế xã; gần 25 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở xã, thôn… Tại nhiều địa phương, các hạng mục điện - đường - trường - trạm - thông tin liên lạc được xây dựng, kết nối thông suốt, diện mạo NTM tại một số xã ngày càng thêm khởi sắc, đặc biệt ở 4 xã điểm.
 
Khởi sắc nông thôn mới ở Di Linh
Khởi sắc nông thôn mới ở Di Linh
Kỳ vọng đạt chuẩn năm 2018
 
Nhìn chung, các tiêu chí NTM ở các xã trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể. Ngoài Tân Châu - xã về đích NTM, Di Linh hiện có 4 xã đạt 16 - 18 tiêu chí gồm Gung Ré, Hòa Bắc, Gia Hiệp, Tân Thượng. Nhóm các xã còn lại của huyện đạt bình quân 14 tiêu chí/xã. Từ nay đến năm 2018, Di Linh phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn Huyện nông thôn mới, trước mắt phấn đấu đến cuối năm 2015, sẽ đưa 3 xã thuộc nhóm đạt trên 16 tiêu chí về đích NTM, gồm Gung Ré, Gia Hiệp, Hòa Bắc đạt chuẩn NTM.
 
Song nhìn toàn cục, chặng đường xây dựng huyện NTM của Di Linh còn lắm gian nan, thách thức. Theo quy định, để đạt huyện NTM, 75% số xã của huyện phải đạt chuẩn, 25% số xã còn lại (6 xã) phải đạt từ 14 tiêu chí trở lên, song tiêu chí bắt buộc là 6 xã đó phải hoàn thành 2 tiêu chí thu nhập bình quân đầu người và hộ nghèo. Chính vì vậy, Di Linh xác định nông nghiệp là thế mạnh của huyện nên tập trung lồng ghép nhiều nguồn vốn tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai xuống các xã trên địa bàn huyện các mô hình sản xuất nông nghiệp và các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Thực hiện tập huấn 35 lớp (1.595 người tham gia) với các nội dung chuyển giao khoa học kỹ thuật về kỹ thuật tái canh cây cà phê, kỹ thuật ghép cải tạo cây cà phê, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu, cây lúa; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh trên heo, trâu, bò, gia cầm; hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật..., để người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
 
Theo UBND huyện Di Linh, đối với những việc chưa làm được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện sẽ làm việc với các ban ngành, địa phương, xem vướng chỗ nào, tháo gỡ ngay chỗ ấy, mục tiêu là tạo điều kiện thông thoáng cho các địa phương về đích sớm. Trong những tháng cuối năm, huyện sẽ đánh giá cụ thể những tiêu chí đạt được của các xã để kiểm tra, đề nghị công nhận. Ngoài vai trò của người dân - chủ thể NTM, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã là hết sức to lớn. Các ban chỉ đạo tích cực duy trì chế độ họp hành, trực tiếp làm việc, sát sao với các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với quyết tâm cao, Di Linh kỳ vọng sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2018 như lộ trình đã vạch ra.
 
HOÀNG YÊN