Họp Ban chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

04:11, 12/11/2015

Ngày 11/11, đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên. Cuộc họp nhằm đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào (2000 - 2020) và bình xét, đề xuất khen thưởng, đề ra giải pháp mới cho hướng phát triển phong trào. 

Ngày 11/11, đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên. Cuộc họp nhằm đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào (2000 - 2020) và bình xét, đề xuất khen thưởng, đề ra giải pháp mới cho hướng phát triển phong trào. 
 
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã trở thành cuộc vận động lớn toàn dân, toàn diện, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia, tác động đến nhiều lĩnh vực góp phần thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Báo cáo 9 tháng đầu năm tình hình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nêu rõ: Toàn tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả 5 nội dung lớn của phong trào gồm Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo; Thực hiện nếp sống văn hóa và kỷ cương pháp luật; Xây dựng môi trường văn hóa phòng chống tội phạm và bảo vệ an ninh Tổ quốc; Xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở; Thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Cụ thể, đã đạt được các kết quả: Đến nay, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,75% với 8.286 hộ nghèo; 86% hộ gia đình (274.023 hộ), 86,7% khu dân cư (1.345/1.551 tổ dân phố, thôn, buôn), 58/148 xã, phường, thị trấn, 1.178/1.385 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa...
 
Tại cuộc họp, nhiều thành viên đã nêu ý kiến xung quanh các nội dung của phong trào như: xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với thể thao; lồng ghép các nội dung của phong trào với xây dựng nông thôn mới; cần làm mới các nội dung, thay đổi hình thức và giải pháp thực hiện phong trào cho phù hợp với tình hình hiện nay; tránh tình trạng tuyên truyền, vận động phong trào một cách chung chung, mà cần tìm ra những mô hình, những điển hình và nhân rộng, đi vào chiều sâu; triển khai sâu rộng phong trào trong nhà trường, đặc biệt quan tâm triển khai đến các trường tư thục, dân lập để tránh các tình trạng bạo hành trẻ em, bạo lực học đường, đồng thời tăng cường giáo dục nhân cách đạo đức, lối sống giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa trò với gia đình và xã hội... 
 
Đồng chí Phan Văn Đa đã chỉ đạo các thành viên trong Ban chỉ đạo phải thể hiện trách nhiệm, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm rõ thực tiễn phong trào để tiếp tục đưa phong trào đi vào chiều sâu có chất lượng. Các thành viên cần xây dựng các mô hình điểm, các điển hình, đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại chính đơn vị mình công tác và lấy đó làm kinh nghiệm để chỉ đạo phong trào trên địa bàn toàn tỉnh. Lồng ghép các hoạt động của phong trào với các phong trào khác, đặc biệt với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Khen thưởng kịp thời các mô hình, điển hình tiên tiến để động viên, khích lệ phong trào phát triển. Ngay từ đầu hàng năm, Ban chỉ đạo tỉnh cần vạch ra chương trình, kế hoạch kiểm tra cụ thể cho từng thanh viên để tăng cường kiểm tra, nắm tình hình cơ sở, chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở làm cho phong trào ngày càng đi vào thực chất.                                              
 
QUỲNH UYỂN