"Học sinh tự quản" - Hiệu quả ở một trường học

08:01, 15/01/2016

Trong quá trình đổi mới ngành giáo dục theo hướng: Giảm áp lực học tập, tăng tính chủ động của học sinh, hướng đến một nền giáo dục có chất lượng toàn diện, bền vững; các trường học, các địa phương đã nỗ lực xây dựng những mô hình quản lý năng động, sáng tạo phù hợp với thực tế và đặc điểm tâm lý của học sinh.

Trong quá trình đổi mới ngành giáo dục theo hướng: Giảm áp lực học tập, tăng tính chủ động của học sinh, hướng đến một nền giáo dục có chất lượng toàn diện, bền vững; các trường học, các địa phương đã nỗ lực xây dựng những mô hình quản lý năng động, sáng tạo phù hợp với thực tế và đặc điểm tâm lý của học sinh. Một trong những mô hình mang tính sáng tạo, mới mẻ và hiệu quả như vậy là mô hình “Học sinh tự quản” ở Trường THPT Lương Thế Vinh (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng).    
 
Một tiết học chính khóa tại lớp học của Trường THPT Lương Thế Vinh
Một tiết học chính khóa tại lớp học của Trường THPT Lương Thế Vinh

Trường THPT Lương Thế Vinh thành lập tháng 8/2012 trên cơ sở chia tách Trường THPT Nguyễn Trãi, nhằm đáp ứng nhu cầu số lượng học sinh ngày càng tăng của thị trấn Liên Nghĩa và các vùng giáp ranh của các xã: Liên Hiệp, Hiệp Thạnh, Phú Hội, với sĩ số học sinh của năm học đầu được thành lập đến năm học 2015-2016 xê dịch vào khoảng 1.161-1.200 em. Là trường mới thành lập, học sinh đa địa phương, đa thành phần, nên đạo đức, nề nếp còn nhiều điểm chưa ổn định. Vì vậy, để các em có được môi trường học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí lành mạnh, nề nếp, trên nền tảng nâng cao tính tự chủ cao của học sinh; Ban Giám hiệu nhà trường đã bàn bạc kỹ với Ban đại diện phụ huynh học sinh và thống nhất xây dựng mô hình “Học sinh tự quản” trong học tập, sinh hoạt. Các lớp tự bầu ra ban cán sự lớp gồm lớp trưởng, lớp phó, các tổ trưởng, tổ phó và ban cán sự lớp chủ động điều hành học tập, lao động, rèn luyện thể thao, vui chơi, sinh hoạt của lớp, với sự cố vấn, giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm lớp. Để theo dõi chặt chẽ tình hình của lớp, trong các buổi học chính khóa, ngoại khóa…, ban cán sự đều ghi chép đầy đủ kết quả học tập, sinh hoạt của từng buổi học, tiết học, việc thực hiện nội quy, quy định của lớp, của trường, của từng tổ, đội, từng học sinh… Sau đó, trong tiết sinh hoạt lớp, lớp trưởng, bí thư chi đoàn, tổ trực tuần của lớp điểm lại tình hình, nêu các ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế của lớp, của từng tổ và của những học sinh “nổi trội” trên cơ sở của ghi chép trong sổ theo dõi. Cuối mỗi tháng, giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của từng học sinh và công bố công khai trong lớp để học sinh tự điều chỉnh hành vi, có biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. 
 
Để mô hình được nhân rộng trong toàn trường, trường tiến hành thực hiện theo phương châm: Dễ làm trước, khó làm sau; lấy những lớp vốn đã có nề nếp, ổn định, triển khai xây dựng mô hình trước, sau đó đúc rút kinh nghiệm, nhân ra diện rông. Vì vậy, từ một vài lớp được xây dựng mô hình ban đầu, đến nay, 100% khối, lớp học của Trường THPT Lương Thế Vinh (35 lớp của 3 khối) đều đã có mô hình “Học sinh tự quản” hoạt động có chiều sâu, ổn định, hiệu quả và đã mang lại những kết quả rõ nét trong mọi lĩnh vực học tập, rèn luyện đạo đức, sinh hoạt, lao động, vui chơi, giải trí. Cụ thể: Học sinh tự giác hơn trong học tập, rèn luyện đạo đức, hạnh kiểm; tích cực tham gia các hoạt động chính khóa, ngoại khóa do lớp, do trường tổ chức; các vi phạm về TTATXH và các biểu hiện bạo lực học đường giảm hẳn. Từ những kết quả tích cực do tác động từ mô hình “Học sinh tự quản” nói trên tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Huyện Đoàn Đức Trọng đã đề nghị các tổ chức đoàn thanh niên trong trường học trên địa bàn huyện học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng và duy trì thường xuyên, hiệu quả. Mặt khác, Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã ghi nhận bằng việc tặng Giấy khen cho Trường THPT Lương Thế Vinh năm học học 2014-2015 vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và các hoạt động ngoại khóa. Bản thân Hiệu trưởng Trường Hồ Tấn Châu, người có công khởi xướng xây dựng mô hình “Học sinh tự quản” nhiều năm liền được công nhận chiến sỹ thi đua cơ sở, được ngành giáo dục tặng nhiều giấy khen, bằng khen và được học sinh, Ban phụ huynh kính trọng, mến phục.  
 
Ngoài mô hình “Học sinh tự quản” nói trên, theo thầy Châu, tại Trường THPT Lương Thế Vinh còn có mô hình “Trường giúp trường” được các cấp, các ngành khen ngợi, do những năm qua, trường đã nhận giúp đỡ có hiệu quả Trường Mẫu giáo Tà Năng, thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của Đức Trọng. Bên cạnh đó, hiện nay, trường cũng đang triển khai đạt kết quả chương trình ngoại khóa “Thanh niên với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc” bằng việc trang bị đồng phục, tổ chức biểu diễn văn hóa văn nghệ các dân tộc tại trường. Chương trình này cũng nhận được sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của học sinh như việc triển khai thực hiện mô hình “Học sinh tự quản” trong những năm học qua.
 
Hoàng Kiến Giang