Trên đường thiên lý về với lịch sử (tiếp theo)

09:01, 07/01/2016

Chia tay Quảng Bình với bài hát "Quảng Bình quê ta ơi" nghe ngọt ngào, da diết mà rất đỗi tự hào. Chúng tôi xuôi vào Nam về thăm Thành cổ Quảng Trị. 

[links()] Kỳ II: Linh thiêng Thành cổ Quảng Trị
 
Chia tay Quảng Bình với bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” nghe ngọt ngào, da diết mà rất đỗi tự hào. Chúng tôi xuôi vào Nam về thăm Thành cổ Quảng Trị. 
 
Thành cổ Quảng Trị với tôi quả không xa lạ gì từ trên 40 năm trước. Đầu tháng 10 năm 1971, các đô thị miền Nam nổ ra những cuộc xuống đường đấu tranh sôi nổi của sinh viên học sinh và đồng bào kéo dài trong nhiều ngày tẩy chay cuộc bầu cử Tổng thống độc diễn, mất dân chủ do chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tổ chức. Không khí nóng bỏng về chính trị ở các đô thị chưa kịp lắng xuống thì chính quyền Sài Gòn phải đối mặt với những trận đánh ác liệt ở mặt trận Quảng Trị vào mùa hè năm 1972. Số thương vong không ngừng tăng cao, tin tức từ chiến trường dội về phía sau làm cho sĩ quan, binh lính Sài Gòn hoang mang tìm cách chạy chọt để không phải điều ra bổ sung quân cho mặt trận Quảng Trị, số binh lính đào ngũ cũng ngày một tăng lên. Trước tình hình đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu hạ tuổi quân dịch và thực hiện kế sách “đôn quân bắt lính”. Với quy định mới về tuổi quân dịch thì tất cả nhóm sinh viên chúng tôi hoạt động bí mật nội thành của Thị ủy Đà Lạt đã tổ chức thành công những cuộc xuống đường, những đêm không ngủ vừa rồi đều rơi vào diện phải nhập ngũ. Thư Thị ủy từ căn cứ gửi vào thành yêu cầu tất cả theo đường dây trực thấu lần lượt rút về căn cứ thị. Chúng tôi khấp khởi mua sắm trang bị cá nhân với tinh thần lần này thoát ly ra rừng trực tiếp cầm súng chiến đấu. Chiến trường Quảng Trị 1972 đã đẩy nhiều thanh niên ở lứa tuổi chúng tôi trong các trường học miền Nam ra khỏi một mùa hè lãng mạn của tuổi học trò để đến với một mùa hè ở vùng tử địa mà báo chí miền Nam thời đó gọi là “mùa hè đỏ lửa”! Trong lúc đó “mùa hè đỏ lửa” đã đưa nhóm chúng tôi bí mật ra rừng. Sau 2 tháng học tập về tình hình và phương thức hoạt động đô thị, nhóm được tổ chức thành một chi đoàn, mỗi người được cấp một giấy hoãn dịch (giả) vì lý do sức khỏe và được lệnh bí mật trở về thành phố hoạt động theo chỉ đạo của Bí thư Thị ủy: “Trong thành phố cần các cháu! Còn việc cầm súng chiến đấu thì ở đây đã có người, ở đây không có việc cho các cháu!”.
 
Đài tưởng niệm liệt sĩ đặt ở trung tâm khu Thành cổ Quảng Trị
Đài tưởng niệm liệt sĩ đặt ở trung tâm khu Thành cổ Quảng Trị

Chi đoàn nội thành đã tập hợp tin tức từ các báo chí tiến bộ ở miền Nam và đêm đêm dùng écouteur nghe đài Hà Nội, đài Giải phóng rồi tổng hợp những tin chiến thắng của ta ở Thành cổ Quảng Trị, các tin tức về hội đàm Paris rồi tung ra đi tuyên truyền hợp pháp. Từ đó, những ấn tượng về dòng sông Bến Hải, về cầu Hiền Lương cắt chia đất nước, về dòng sông Thạch Hãn nơi mà bộ đội ta phải vượt qua dưới bom đạn để tiến lên cắm cờ trên Thành cổ Quảng Trị đã theo tôi mãi như những câu chuyện huyền thoại! 
 
Đường vào thành cổ bây giờ yên bình, phố phường nhộn nhịp, cửa tiền thành cổ rêu phong, một đoạn tường thành thương tích sau hơn 40 năm vẫn còn nhiều vết đạn. Thành Quảng Trị được xây dựng từ thời vua Gia Long, ban đầu chỉ đắp bằng đất, về sau đến thời vua Minh Mạng mới cho xây bằng gạch. Bốn phía thành được bao bọc bởi một lớp hào rộng và một bờ thành dày, tường cao gần 10m, chu vi khoảng trên 2.000m ôm lấy một diện tích khoảng gần 18ha. Thành Quảng Trị được nhà Nguyễn xây dựng để làm thành lũy quân sự và là nơi đặt các cơ quan hành chính. Chiến tranh đã đi qua thành cổ và đã tàn phá rất nhiều, trận chiến 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 không giấy mực nào có thể tả hết được mức độ ác liệt của nó! Thành cổ với diện tích nhỏ bé đã trở thành một cái túi hứng bom! Tài liệu lịch sử cho biết, ngày 1/5/1972, ta giải phóng thị xã Quảng Trị và cắm cờ trên đỉnh tòa thành. Ngày 28/6/1972, địch mở chiến dịch phản kích tổng lực nhằm tái chiếm mà mục tiêu là chiếm lại thành cổ. Cuộc chiến giành giật để cắm cờ lên tòa thành diễn ra khốc liệt, địch đã huy động cả máy bay phản lực, máy bay chiến lược B52, khu trục hạm, tuần dương hạm thuộc hạm đội 7 và các sư đoàn, trung đoàn thiện chiến vào trận. Mỗi ngày có hàng trăm lượt không kích, có ngày lên trên 200 lần ném bom cùng với các loại pháo hạm, pháo mặt đất các loại đổ hàng trăm ngàn tấn bom đạn xuống Quảng Trị, trong đó thành cổ và sông Thạch Hãn hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Người ta tính số bom, pháo địch đổ xuống chiến trường Quảng Trị tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirohima của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II. Người Quảng Trị nói “Thành cổ là đất linh” vì mỗi centimet đất thành cổ đều thắm máu đào. Thành cổ nay đã là một nghĩa trang với hàng chục ngàn liệt sĩ nhưng là một nghĩa trang không có mộ riêng mà chỉ có một nấm mồ chung to lớn mang tính tưởng niệm, đó là đài liệt sĩ đặt ở trung tâm thành cổ. Khách viếng thăm được nghe thuyết minh về cuộc chiến đấu suốt 81 ngày đêm dưới mưa bom của những người lính trẻ mới thấy khủng khiếp về sự tàn khốc của chiến tranh và cảm nhận được tinh thần xả thân hy sinh của các chiến sĩ. Đoàn chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt khi nghe đọc lại những lá thư của những người lính trẻ gửi lời vĩnh biệt mẹ với tinh thần con sẵn sàng nằm lại ở đây, mẹ đừng buồn, mẹ hãy giữ gìn sức khỏe, con luôn mong mẹ được khỏe mạnh! Với giọng thuyết minh đầy cảm xúc, cô thuyết minh viên đã làm cho người nghe nghèn nghẹn ở cổ, phải nuốt vào trong để cố ngăn dòng nước mắt: “Họ là những chàng trai căng tràn nhựa sống, hừng hực tuổi hai mươi, nhiều ước mơ. Trong số họ có nhiều chàng trai ngã xuống mà trong đời chưa được cầm tay người yêu, chưa từng được biết mùi hương tóc con gái!”. Dòng sông Thạch Hãn - nơi bộ đội ta vượt sông để bổ sung quân cho thành cổ cũng đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của địch, hàng ngàn chiến sĩ nằm lại dưới lòng sông! Với giọng đọc thật nhẹ, người thuyết minh như đang thay mặt cựu chiến binh, nhà báo - nhà thơ Lê Bá Dương nói lời tâm sự:
 
“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
 
Trong đoàn nhà báo Lâm Đồng đến thăm thành cổ  hôm nay, người thấm thía đầy đủ nhất sự ác liệt của chiến trường Quảng Trị, hiểu đầy đủ nhất tinh thần đội bom đạn, chấp nhận hy sinh để giữ trận địa đó là anh Trần Cảnh Đào, một chiến sĩ thành cổ năm xưa. Anh quê ở Nghệ An, nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, Phó Giám đốc Sở VH-TT và Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng trước khi nghỉ hưu. Năm 1972, anh vừa tròn 22 tuổi là lính của đại đội một, tiểu đoàn một, trung đoàn 27 thuộc đoàn Thạch Hãn. Ngày 10 tháng 7 năm 1972, đơn vị anh vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm lại cứ điểm Bích La Nam phía đông thành cổ mà địch đã chiếm trước đó, rồi đào hầm hào, xây dựng công sự chống chịu với hàng trăm đợt bom, pháo mỗi ngày. Ngày nào cũng phải đánh bật ra hàng chục đợt phản kích của lính thủy quân lục chiến và xe tăng địch. Sau đó đơn vị nhận lệnh tiến chiếm An Tiêm án ngữ không cho địch tiến vào thành cổ từ phía đông. Ở đây, các trận đánh diễn ra còn ác liệt hơn nữa! Anh kể, có người đồng đội cùng đơn vị trong một ngày đã bắn trên 40 quả đạn B40 rồi điếc đặc không còn nghe được bất cứ gì, không nghe mệnh lệnh chiến đấu và cả tiếng súng nổ cũng chẳng nghe được. Muốn anh làm gì thì mọi người phải ra dấu. Có những lúc ta và địch rình rập chỉ cách nhau khoảng trên 20m, chỉ cần một sơ xuất nhỏ là mất mạng ngay. Trung đoàn 27 của đoàn Thạch Hãn đã từng đánh những trận dũng mãnh ra trò, địch đã biết tên biết tiếng, nên những lúc xáp trận nhận ra phiên hiệu của đơn vị, bọn lính thủy quân lục chiến đã chửi thề ầm lên “... lại gặp thằng hai bảy rồi!”. Nhiều tháng liền bom đạn rền trời cả ngày lẫn đêm, khoảnh khắc khiêu chiến thật là hiếm hoi. Lính ta mỗi đêm được các anh nuôi bò đến phát cho mỗi người hai vắt cơm để ăn cho tối hôm đó và cả ngày hôm sau chờ khi đêm xuống. Chiến trường ác liệt tới mức lúc vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm Bích La Nam thì đại đội của anh là “đại đủ” với 120 quân nhưng sau 81 ngày đêm chiến đấu dưới mưa bom bão đạn, đại đội chỉ còn 5 người. Có mấy đợt bổ sung quân nhưng không có một người lính chi viện nào đến được với đại đội của anh! Cho đến một ngày sắp kết thúc chiến dịch thì một trận mưa pháo đổ xuống đơn vị trúng hầm chiến đấu của anh, một đồng đội nằm bên cạnh hy sinh và anh bị thương. Nhớ lại, anh nói: “Thật tình không biết sao mình sống sót được! Hình như cái số chưa chết chứ chả biết đâu mà tránh!”.
 
Đài tưởng niệm liệt sĩ ở trung tâm Thành cổ Quảng Trị được xây dựng theo triết lý âm dương Á Đông, với 81 bậc cấp lên đài, 81 phù điêu tờ lịch của 81 ngày chiến đấu và ngọn đèn trời với mong ước các liệt sĩ từ cõi âm sẽ sớm về trời, về nơi vĩnh hằng an lạc. Tiễn khách viếng thăm, cô thuyết minh viên đọc rất khẽ bốn câu thơ của Phạm Đình Lân như lời nhắn nhủ:
 
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây”.
 
Rời Thành cổ Quảng Trị, trong tôi bỗng vang vọng đâu đó bài hát “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” của nhạc sĩ Trọng Loan mà ngày xưa, đêm đêm anh em chúng tôi thường nghe qua Đài Phát thanh Giải phóng tại căn cứ Thị ủy Đà Lạt, tiếng hát âm vang giữa khu rừng căn cứ trong những ngày mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị. Bài hát da diết làm xao xuyến lòng người mà lại nghe như trong đó những tiếng kèn xung trận.
 
HOÀNG NGUYÊN