Chính phủ điện tử - Chính phủ gần dân

09:02, 15/02/2016

Bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại, Chính phủ điện tử (e-Government)  gần và thuận lợi với công dân hơn. Quan hệ giữa chính phủ và công dân bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện. Lâm Đồng đã, đang và dự kiến triển khai nhiều giải pháp để xây dựng Chính quyền điện tử, hòa vào  lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, nhằm hiện thực hóa mong muốn chính đáng mang tính thời đại ấy.

Bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại, Chính phủ điện tử (e-Government)  gần và thuận lợi với công dân hơn. Quan hệ giữa chính phủ và công dân bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện. Lâm Đồng đã, đang và dự kiến triển khai nhiều giải pháp để xây dựng Chính quyền điện tử, hòa vào  lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, nhằm hiện thực hóa mong muốn chính đáng mang tính thời đại ấy.
 
Bộ phận một cửa tại Trung tâm Hành chính tỉnh. Ảnh: Phan Nhân
Bộ phận một cửa tại Trung tâm Hành chính tỉnh. Ảnh: Phan Nhân
 
Điện tử hóa công việc
 
Năm 2015, một cửa điện tử lần lượt được triển khai ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hòa từ xã Tà Nung đến UBND thành phố Đà Lạt giao dịch tại một cửa điện tử, ông ở vai trò là một khách hàng khi giao dịch với cơ quan công quyền, thực hiện các thao tác nhập liệu trên máy vi tính để thực hiện các thủ tục cần thiết. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công qua mạng, trong năm 2014, UBND TP đã giải quyết 10.069 hồ sơ, đến năm 2015 là 18.095 hồ sơ của khách hàng. Theo đó, từ khâu tiếp nhận, qua đến nhân viên thẩm định hồ sơ, lãnh đạo ký duyệt và kết quả hoàn thành đều được thông báo ngay lập tức đến khách hàng thông qua email hay tin nhắn.
 
Bắt kịp với tiến trình hiện đại hóa, hiện 100% đơn vị cấp sở và 91% đơn vị cấp huyện đã triển khai phần mềm một cửa, một cửa liên thông điện tử hiện đại. Với Văn phòng điện tử, hiện đã được trang bị ở 44 đơn vị cấp sở, ngành và UBND cấp huyện. Xóa nhòa khoảng cách của một tỉnh miền núi ở Nam Tây Nguyên cùng công nghệ thông tin, Lâm Đồng đã hiện diện một cách tự tin trong các cuộc họp trực tuyến của Chính phủ; hệ thống họp trực tuyến sử dụng đường truyền cáp quang đến 28 điểm cầu trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, dịch vụ hành chính công trên trang motcua.lamdong.gov.vn đã đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân; kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính tại một địa chỉ truy cập duy nhất với việc cung cấp thông tin tự động và trực tuyến về tình trạng giải quyết hồ sơ, cấp phép. Hiện tại đã cung cấp được hầu hết các dịch vụ công trực tuyến mức 1 và 2, 17 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.   
 
Giao dịch hồ sơ qua motcua.lamdong.gov.vn đem đến nhiều tiện ích
Giao dịch hồ sơ qua motcua.lamdong.gov.vn đem đến nhiều tiện ích
Hoàn chỉnh “bức tranh” công nghệ thông tin
 
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.
 
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
 
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền, gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
 
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. 
 

Với tầm quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT), năm 2008, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 16-NQ/TU “Về phát triển và ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến năm 2020”.  

Tạo lực đẩy phát triển CNTT từ “điểm lõi” là khối các cơ quan nhà nước (CQNN), bắt đầu từ năm 2013, UBND tỉnh tiến hành đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong CQNN. Hai nhóm được đánh giá, xếp hạng gồm Nhóm các sở, ban, ngành và Nhóm UBND các huyện, thành phố. Từ quá trình khảo sát, đánh giá, thu thập và xử lý số liệu qua từng năm, “bức tranh” về ứng dụng CNTT dần hiện rõ để làm cơ sở cho các địa phương; các sở, ban, ngành có bước đi hợp lý hơn và là cơ sở để phát triển Chính phủ điện tử… Cục Thuế Lâm Đồng, đơn vị đứng xếp hạng cao nhất về môi trường tổ chức - chính sách vào năm 2013 hiện đã triển khai trên 10 ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ Người nộp thuế. Với một ngành liên quan đến những công việc tương đối nhạy cảm như Thanh tra, đã triển khai phần mềm tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân. Với ngành Giáo dục, rất nhiều ứng dụng CNTT được áp dụng trong công tác quản lý và thi đua khen thưởng. Chị Ka Phor -phụ huynh em Ka Mỹ Nga - học sinh lớp 9a2, Trường Dân tộc nội trú Đức Trọng cho biết, gia đình chị ở xã vùng sâu của huyện Đức Trọng là xã Tà Hine, nhờ có sổ liên lạc điện tử, chị có thể dễ dàng nắm được tình hình học tập của con tại thị trấn Liên Nghĩa thông qua các tin nhắn gửi đến phụ huynh về điểm số, điểm danh, những tin nhắn về các cuộc họp của nhà trường…
 
Theo báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT năm 2013 do Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) ban hành vào tháng 7/2014, Lâm Đồng đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố về xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT. 
 
Định hình Chính phủ điện tử
 
Ngày 14/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một NQ về Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Chính phủ điện tử thực hiện 3 mục tiêu chủ yếu là: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; Xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử.
 
Có thể nói, với Chính phủ điện tử, Lâm Đồng đã xây dựng những bước đi nền tảng trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử. Tiếp sau NQ 16 của Tỉnh ủy, vào năm 2014, Tỉnh Lâm Đồng đã ký kết Chương trình hợp tác Chiến lược về viễn thông và công nghệ thông tin với Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông (VNPT) giai đoạn 2014-2020. Trong Chương trình này, VNPT thực hiện các nội dung chuyên môn để phục vụ việc kết nối, điều hành, triển khai Chính quyền điện tử của Lâm Đồng. 
 
Từ những ngày đầu năm 2016 này, tỉnh miền núi Lâm Đồng đã kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ. Theo ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở TT- TT Lâm Đồng, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện 7 nhóm giải pháp nhằm thực hiện NQ 36a. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trực tuyến ở mức 3 và 4; 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã sử dụng phần mềm một cửa, một cửa liên thông vào phục vụ công tác. Trong nội bộ cơ quan nhà nước sẽ hoàn thiện 5 hệ thống thông tin gồm: thông tin doanh nghiệp - đầu tư, thông tin dân cư, thông tin du lịch, thông tin tài nguyên - môi trường, thông tin kinh tế - xã hội. 
 
Năm 2015 đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế với việc Việt Nam đã kết thúc đàm phán 4 hiệp định tự do thương mại (FTA). Đồng thời, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ ngày 31/12/2015. Với vị thế và vai trò đang được nâng cao trên trường quốc tế, với những cơ hội cũng như thách thức từ hội nhập kinh tế sâu và rộng, việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam nói chung, chính quyền điện tử tại các địa phương nói riêng đang là nhiệm vụ trọng yếu. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa thì nhiệm vụ quan trọng nhất của địa phương trong thời điểm này là phải xây dựng được một khung kiến trúc về Chính quyền điện tử khả thi và phù hợp với nhu cầu thực tế; phải nỗ lực để CNTT thực sự trở thành một động lực cho tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phục vụ đắc lực cho quá trình điều hành nền hành chính trên địa bàn Lâm Đồng.
 
Hải Yến