Đức Trọng chuyển mình lên thị xã

03:02, 01/02/2016

Trong quá trình phát triển, Đức Trọng đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực.  Đây chính là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đức Trọng tiếp tục nỗ lực với mục tiêu đạt được  những bước phát triển nhanh và toàn diện hơn nữa, phấn đấu về đích đúng hẹn nông thôn mới và nâng cấp hành chính lên thị xã vào năm 2016.

Trong quá trình phát triển, Đức Trọng đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực.  Đây chính là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đức Trọng tiếp tục nỗ lực với mục tiêu đạt được  những bước phát triển nhanh và toàn diện hơn nữa, phấn đấu về đích đúng hẹn nông thôn mới và nâng cấp hành chính lên thị xã vào năm 2016.
 
Những tiền đề thuận lợi 
 
Thuận lợi đầu tiên có thể kể đến là sự đô thị hóa nhanh của thị trấn Liên Nghĩa - trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của huyện Đức Trọng. Từ một thị trấn vùng cao ban đầu, nay Liên Nghĩa đang thay da đổi thịt từng ngày và đã có diện mạo của một đô thị hiện đại, năng động. Tháng 11/2015, UBND thị trấn Liên Nghĩa vừa tổ chức phát động xây dựng thị trấn Liên Nghĩa đạt chuẩn văn minh đô thị. Cơ sở để thị trấn xây dựng mục tiêu đạt chuẩn văn minh đô thị trong thời gian sớm nhất đó là trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của thị trấn không ngừng phát triển, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hầu hết các chỉ tiêu được đề ra trong nhiệm kỳ qua đều đạt và vượt. Trong đó, nổi bật lên là: Tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 23,4%/năm; trong đó, nông, lâm nghiệp tăng 18,02%; thương mại - dịch vụ tăng 26,2%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng tăng 34,9%. Với mức tăng trưởng đồng đều trên các khu vực kinh tế là yếu tố quan trọng đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, giảm đáng kể tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế của thị trấn Liên Nghĩa. Hiện, tỷ trọng nông, lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế của thị trấn còn 24,1%; trong khi khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 49,9% và tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 26%. 
 
Bên cạnh đó, thị trấn Liên Nghĩa còn có vị trí và hệ thống giao thông thuận lợi, nhiều dự án và công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh và của huyện được đầu tư xây dựng trên địa bàn như: Nâng cấp sân bay Liên Khương, đường cao tốc Liên Khương - chân đèo Prenn, nâng cấp quốc lộ 20, cải tạo hồ Nam Sơn và kênh mương thủy lợi Tuyền Lâm - Quảng Hiệp - hồ Nam Sơn… Mặt khác, tốc độ đô thị hóa thời gian qua phát triển nhanh, tạo đà phát triển các ngành nghề TTCN-XD và TM-DV, là địa bàn trung chuyển hàng hóa và giao lưu kinh tế với các vùng kinh tế trong và ngoài tỉnh…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn nói riêng và toàn huyện nói chung.
 
Cùng đó, với việc thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI giai đoạn 2011-2015, tuy trong điền kiện có nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của nhân dân trong huyện, song, thời gian qua, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đức Trọng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa nền kinh tế của huyện phát triển khá toàn diện trên các mặt. Hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Huyện Đảng bộ đều đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt trên 15%; GRDP bình quân hàng năm đạt 56 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp 190 triệu đồng/ha/năm, tăng 79 triệu đồng/ha so với cuối năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 2,4%; số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí là 10/14 xã; giải quyết việc làm bình quân trong giai đoạn 2011-2015 là trên 4.000 lao động/năm… Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư đồng bộ: Trong 5 năm qua, đã triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông với chiều dài tổng cộng là 167km; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, nạo vét 37 công trình, nâng diện tích gieo trồng chủ động được tưới nước lên 6.923ha (đáp ứng khoảng 80% diện tích cần tưới); đầu tư xây dựng và cải tạo 251km đường dây điện trung và hạ thế; đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất 32 trường học…
 
Đô thị năng động Liên Nghĩa nhìn từ trên cao
Đô thị năng động Liên Nghĩa nhìn từ trên cao
 
Còn nhiều việc phải làm
 
Có thể thấy, nền kinh tế của Đức Trọng đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ. Đặc biệt, chú trọng tập trung tái cấu trúc nông nghiệp, mở rộng phát triển nông nghiệp hiện đại, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lợi thế của huyện theo hướng tập trung gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại và dịch vụ; phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại. Qua đó, làm chuyển dịch rõ nét cơ cấu các vùng kinh tế, các thành phần kinh tế và cơ cấu lao động xã hội, hướng tới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2015, ước cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản 36,54%; ngành công nghiệp - xây dựng 32,41%; thương mại - dịch vụ 31,06%.
 
Có thể nói, bước chuyển mình trong hành trình về đích nông thôn mới năm 2016 và nâng cấp hành chính lên thị xã của Đức Trọng trong thời gian qua là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để về đích đúng hẹn như lộ trình đã đặt ra, theo ông Võ Văn Phương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đức Trọng vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là giữ vững và nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được đối với các xã: Bình Thạnh, Tân Hội, Hiệp An, Liên Hiệp, Hiệp Thạnh, Phú Hội, Tân Thành, Ninh Gia và Ninh Loan; phấn đấu đến quý II năm 2016 xã Đà Loan, N’Thol Hạ thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đề nghị UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên cơ sở đó, đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng 3 xã Tà Hine, Đa Quyn và Tà Năng phấn đấu tăng thêm 3 tiêu chí nông thôn mới trở lên so với năm 2015.
 
Cùng đó, để nâng cấp hành chính lên thị xã trong thời gian sớm nhất, cần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, hướng tới mô hình tăng trưởng kinh tế kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, trong đó, coi trọng tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế. Song song, chú trọng tái cấu trúc nông nghiệp, mở rộng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu với các sản phẩm chủ lực là rau, hoa gắn với phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp chế biến. Rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thị xã. Chú trọng kiểm soát quá trình đô thị hóa, quản lý hạ tầng đô thị, xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp; phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông. Cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, tạo môi trường hấp dẫn, thuận tiện cho các nhà đầu tư. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội...
 
THY VŨ