Đơn Dương: Mỗi thôn một con đường "đẹp"

09:03, 08/03/2016

Theo chỉ đạo của huyện, mỗi thôn tại Đơn Dương hiện nay đều có một con đường trồng hoa, trồng cây xanh tạo bóng mát; mỗi xã đều có một con đường điểm để tạo nên những khu dân cư "Sáng, xanh, sạch, đẹp". 

Theo chỉ đạo của huyện, mỗi thôn tại Đơn Dương hiện nay đều có một con đường trồng hoa, trồng cây xanh tạo bóng mát; mỗi xã đều có một con đường điểm để tạo nên những khu dân cư “Sáng, xanh, sạch, đẹp”. 
 
Những con đường hoa
 
Đưa tôi đi dọc theo các con đường trong các thôn Suối Thông B1, Suối Thông B2, ông Đặng Sỹ Hồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đạ Ròn - Đơn Dương chỉ các khóm hoa được người dân mới trồng ven đường thôn trước Tết vừa rồi: “Hoa trồng vẫn còn ít lắm nhưng đây mới là khởi đầu, nay mai chúng tôi sẽ vận động thêm nhiều hộ dân nữa cùng chọn thêm giống hoa phù hợp, chịu nắng chịu mưa để trồng”.
 
Hoa ven đường ở Lạc Lâm - Đơn Dương
Hoa ven đường ở Lạc Lâm - Đơn Dương

Là xã dẫn đầu tại Đơn Dương về phong trào nuôi bò sữa, trong gần 3.000 hộ dân với trên 9.100 nhân khẩu của Đạ Ròn đã có trên 350 hộ dân nuôi bò với trên 3.000 con bò, chiếm 1/4 tổng số bò của Đơn Dương đang có hiện nay. Không khó để nhận thấy những ngôi nhà mới khang trang có dáng dấp biệt thự đang mọc lên rải rác trong các thôn: “Tất cả là nhờ nuôi bò, trồng rau” - ông Hồng cho biết. Không ít nhà nơi đây đã phát triển đàn bò sữa của mình lên đến vài mươi con, hình thành những trang trại gia đình và đang làm ăn rất hiệu quả.
 
Chính vì nuôi bò nhiều nên những năm trước, môi trường nơi đây luôn có “vấn đề”. Nhưng nay đã khác hẳn, ông Hồng cho biết. Các công ty thu mua sữa đã phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà chăn nuôi để hướng dẫn bà con cách thức vệ sinh trong chăn nuôi. Công ty cùng chính quyền các đoàn thể ở thôn xã mỗi tháng cùng nhau đến từng hộ kiểm tra vài lần, nếu vệ sinh không đạt sẽ ngừng thu mua sữa. Chuyện vệ sinh đến nay theo ông Hồng đã từng bước “đâu vào đó”.
 
Cùng đó, theo ông Nguyễn Chữ, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Ròn, theo sự chỉ đạo của huyện, xã yêu cầu các thôn vận động người dân trồng hoa trước nhà, trồng cây xanh tạo bóng mát dọc theo các con đường trong thôn. “Mỗi thôn cứ khảo sát và đăng ký số cây, xã sẽ báo lên để huyện cấp xuống” - ông Chữ cho biết. Đến nay, hầu hết các con đường thôn xóm của xã Đạ Ròn đều đã được trồng cây xanh, đang chờ cây phát triển, khép tán. Riêng con đường “điểm” của xã Đạ Ròn với chiều dài khoảng 150m từ Quốc lộ 27 vào đến UBND xã đã được trồng dãy cây xanh cả 2 bên đường. 
 
Về rác thải, xã yêu cầu các thôn trong xã đăng ký để Trung tâm Khai thác công trình công cộng huyện đưa xe rác đến thu gom 2 tuần lần, với các nhà trong các nhánh rẽ xe khó vào, chính quyền thôn vận động đào hố xử lý, đốt tại chỗ, không vứt rác ra chỗ công cộng. 
 
Với điện chiếu sáng công cộng, trong năm 2015 vừa qua, người dân Đạ Ròn đã đồng lòng góp 190 triệu đồng để kéo điện thắp sáng hầu hết các con đường trong thôn làng. Chỉ tính riêng tiền điện chiếu sáng, mỗi hộ trong xã đóng góp 20 nghìn đồng/tháng và tổng cộng tiền điện công cộng cả xã mỗi năm cũng trên 300 triệu đồng.
 
Tạo chuyển biến về cảnh quan - môi trường
 
Tháng 6/2015, Huyện ủy Đơn Dương đã ra Chỉ thị số 38-CT/HU về việc “Tập trung lãnh đạo, làm thay đổi rõ nét về cảnh quan - môi trường, vệ sinh công cộng trên địa bàn toàn huyện”, trong đó nêu lên những hạn chế bất cập trong bảo vệ môi trường hiện nay tại Đơn Dương. Đó là tình trạng rác thải vứt bừa bãi khắp nơi, từ ven đường lộ, vứt xuống sông suối, chốn công cộng, gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan đô thị và vùng nông thôn; việc thu gom tiêu hủy bao bì hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp chưa đúng quy định còn khá phổ biến; việc huy động tổng dọn vệ sinh nơi công cộng, phát quang bụi rậm ven đường, trồng cây xanh, hoa dọc ven đường tại khu dân cư chưa được chú ý; đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cảnh quan môi trường chưa được quan tâm đúng mức; phong trào “ Sáng, xanh, sạch, đẹp” triển khai thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả; chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương.
 
Với Chỉ thị này, Huyện ủy Đơn Dương yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong huyện tăng cường thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Cụ thể, các tổ chức cơ sở Đảng cần xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường - cảnh quan ở địa bàn, cơ quan, đơn vị của mình; UBND huyện phải đưa ra kế hoạch để làm thay đổi rõ nét về cảnh quan môi trường, vệ sinh công cộng trên địa bàn huyện; chỉ đạo các xã thị trấn trên địa bàn phối hợp với Trung tâm Quản lý Khai thác công trình công cộng huyện để thu gom rác thải, xử lý rác thải những điểm giáp ranh, xử phạt nghiêm các hành vi vứt rác bừa bãi; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường - cảnh quan trên địa bàn. 
 
Huyện ủy cũng yêu cầu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp cùng Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn chọn và xây dựng một tuyến đường “điểm” cấp xã, một con đường cấp thôn có cảnh quan “Sáng, xanh, sạch, đẹp” để làm điểm. Trên con đường điểm này phải có điện chiếu sáng, có mương thoát nước, có lề đường trồng cây xanh và hoa, có lịch phân công người chăm sóc... 
 
Với khối cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp trên địa bàn, huyện yêu cầu phải thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, trồng cây, trồng hoa trong và ngoài khuôn viên tôn tạo cảnh quan.
 
Sau hơn nửa năm thực hiện Chỉ thị này, theo ông Trương Văn Bình, Phó Bí thư Huyện ủy Đơn Dương, đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Sự chuyển biến rõ nhất, theo ông Bình đánh giá, là người dân trong huyện đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống của mình. Rác thải trên các trục đường chính, các điểm giáp ranh đã được dọn tương đối sạch, hầu hết các thôn trong huyện nay đều có con đường cây xanh trồng hoa, có thôn phát động người dân trồng ở nhiều con đường, mỗi xã một tuyến đường điểm. Công tác thu gom rác của huyện đến nay nhờ mua thêm xe mới đã thu gom đến tận xã, cộng với việc hình thành các đội thu gom rác thải theo phương thức xã hội hóa. “Không chỉ duy trì phát triển kinh tế, huyện sẽ đặc biệt chú ý đến môi trường sống, đến phát triển cảnh quan môi trường sạch, đẹp từ vùng đô thị đến nông thôn” - ông Bình khẳng định.
 
VIẾT TRỌNG