Di Linh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:05, 25/05/2016

Thực ra, ở Di Linh không có khái niệm nạn thất nghiệp, vì số lao động thiếu việc làm hoặc việc làm chưa ổn định không nhiều lắm. Hơn nữa, ở đây là vùng chuyên canh cà phê với diện tích rộng lớn (trên 42.000ha) và các loại cây trồng khác.

Thực ra, ở Di Linh không có khái niệm nạn thất nghiệp, vì số lao động thiếu việc làm hoặc việc làm chưa ổn định không nhiều lắm. Hơn nữa, ở đây là vùng chuyên canh cà phê với diện tích rộng lớn (trên 42.000ha) và các loại cây trồng khác. Đến thời vụ, mà nhất là mùa vụ thu hái cà phê, Di Linh còn thiếu lao động, phải nhờ một lực lượng lao động khá lớn từ các nơi khác đến “trợ giúp”. Tuy nhiên, khi hết thời vụ, Di Linh lại có một lực lượng lao động nhàn rỗi khá lớn (chưa thống kê được bằng con số) cần đến việc làm để tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Mặt khác, do yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải có sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Từ đó, Di Linh phát sinh nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
 
Một nhóm phụ nữ ở Di Linh biết nghề đan lục bình sau khi được đào tạo
Một nhóm phụ nữ ở Di Linh biết nghề đan lục bình sau khi được đào tạo

Xuất phát từ nhu cầu thực tế nói trên, ngày 16/1/2012, Huyện ủy Di Linh đã ra Nghị quyết số 11/NQ - HU về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Theo đó, huyện phấn đấu trong giai đoạn 2012 - 2015 đào tạo nghề cho khoảng 11.000 lao động nông thôn, nâng dần tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề để đến năm 2020 đạt trên 42%. 
 
Theo đồng chí Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Di Linh: “Trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 11/NQ - HU, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được Huyện ủy chỉ đạo sát sao, các ngành, các đơn vị và các xã, thị trấn trong huyện đã có sự nỗ lực, nên kết quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bước đầu đạt được tương đối khả quan. Từ năm 2012 đến 2015, huyện Di Linh đã đào tạo nghề được 12.323 lao động, đạt tỷ lệ 112% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, nâng tỷ lệ lao động nông thôn trong toàn huyện được đào tạo nghề lên gần 30%”. 
 
Với kế hoạch đề ra, hàng năm, huyện Di Linh đào tạo nghề từ 2.900 đến 3.200 lao động nông thôn. Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (trước đây là Trung tâm Dạy nghề) huyện Di Linh: Nếu đào tạo theo nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm (Đề án 1956) thì ngành nghề được đào tạo chủ yếu là đan lát, thêu tay, móc len, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, kỹ thuật thâm canh cà phê, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp. Nếu đào tạo theo nguồn vốn của Chương trình khuyến công tỉnh Lâm Đồng, thì đào tạo nghề chế biến gỗ, chế biến chè, may công nghiệp… Nếu đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề và đào tạo dưới hình thức kèm cặp, hướng dẫn, truyền nghề, bồi dưỡng ngắn ngày... thì đào tạo thêm các ngành, nghề khác theo nhu cầu của người lao động và đơn vị sử dụng lao động.  
 
Theo ghi nhận của Huyện ủy Di Linh, hiệu quả của việc đào tạo nghề là thiết thực, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động (khi đã có nghề thì lao động tự giải quyết, tự tạo công ăn việc làm, tự tìm kiếm việc làm cho mình); cung cấp lao động cho các doanh nghiệp, trang trại trong và ngoài huyện; cung cấp sức lao động theo hợp đồng lao động với nước ngoài... đã góp phần làm thay đổi dần cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế (chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chăn nuôi, ngành nghề) theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, việc đào tạo nghề cũng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 14,37% (năm 2011) xuống còn 2,3% (năm 2015); góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tạo tâm lý phấn khởi cho người lao động ở nông thôn. 
 
Để đánh giá hiệu quả đào tạo, huyện Di Linh đã tiến hành điều tra và khảo sát đối với 1.200 học viên (30 lớp) sau khi đào tạo nghề. Kết quả cho thấy, lao động đào tạo theo nhóm nghề nông nghiệp chiếm 70% tổng số học viên, số học viên có việc làm phù hợp với nghề đã học chiếm tỷ lệ 94% (trong đó, học viên người DTTS chiếm 51%); lao động đào tạo theo nhóm nghề phi nông nghiệp chiếm 30% tổng số học viên, số học viên có việc làm phù hợp với nghề đã học chiếm tỷ lệ 66% (trong đó, học viên người DTTS chiếm 22%). 
 
Trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh đã có những đóng góp rất tích cực. Hội đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh - Xã hội huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và các xã, thị trấn tổ chức 3 lớp đan mây, tre, lục bình; 4 lớp thêu, móc len; nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn và hội thảo nghề làm nấm rơm tại các xã Bảo Thuận, Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Đinh Trang Hòa, Tân Châu, thị trấn Di Linh. Ngoài ra, Hội còn thành lập 4 Tổ hợp tác trồng nấm rơm tại xã Bảo Thuận, 1 Tổ hợp tác thêu tay tại xã Hòa Nam và giới thiệu việc làm cho nhiều chị em hội viên. Sau khi được tập huấn và đào tạo nghề, nhiều chị em phụ nữ đã tạo được việc làm, tìm kiếm thêm việc làm lúc nông nhàn và tăng thêm nguồn thu nhập 1 - 3 triệu đồng/tháng. 
 
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh: “Nhu cầu đào tạo nghề ở huyện Di Linh còn khá lớn và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn có khả năng phối hợp với các ngành và các xã, thị trấn tổ chức được nhiều lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động ở nông nông. Tuy nhiên, chúng tôi gặp phải khó khăn là do nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương được cấp rất hạn chế, nên Hội không thể đáp ứng được nhu cầu đăng ký học nghề của bà con”.
 
XUÂN LONG